“Khi di chuyển trên chiếc xe hai bánh, thế giới quan như được mở ra. Đi bộ quá chậm. Ô tô thì quá nhanh, quá gò bó. Chỉ có nhịp điệu của xe máy, xe đạp mới cho ta cảm quan không gian này.
Tâm trí bay bổng. Nhịp điệu của những kẻ mơ màng. Trên chiếc xe máy, ta sống ở hiện tại. Không tương lai, không quá khứ” – Cát bụi & kim loại đưa người xem vào hành trình phiêu bồng qua dòng thời gian cùng những nhịp bánh xe.
Tự do trong quá khứ và hiện tại
Phim do Esther Johnson đạo diễn, Live Cinema UK sản xuất, hợp tác cùng Viện Phim Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, được tài trợ bởi Hội đồng Anh.
Là phim tài liệu sáng tạo (creative documentary), Cát bụi & kim loại lựa chọn “xe hai bánh” – hình ảnh đặc trưng của Việt Nam – để kể về “sự tự do” từ quá khứ đến hiện tại, nhất là khi hạn chế xe máy đang là vấn đề nóng hổi tại Việt Nam.
Gần như cứ hai người Việt lại có một chiếc xe máy.
Chiếc xe máy ở Việt Nam là biểu tượng cho công việc, giai cấp, du lịch, kỹ nghệ và cả sự xê dịch, thoát ly.
Tiếng động cơ và tiếng còi xe máy là bản giao hưởng sống động của đời sống Việt Nam.
Nhưng bộ phim không chỉ gợi lại ký ức hay phản ánh hiện tại mà còn gợi suy ngẫm cho tương lai. Khi các nhà quy hoạch đô thị đặt mục tiêu hạn chế xe máy sau năm 2030 để hạn chế ô nhiễm, xe máy điện đang được coi là phương tiện thay thế.
Giữa những chuyển dịch của lịch sử, tác giả tôn vinh vẻ đẹp của xe hai bánh như một di sản văn hóa của Việt Nam trong đời sống lẫn tinh thần.
“Đa số tác phẩm của tôi tìm và khám phá những lịch sử song song, ít người biết đến. Với Cát bụi & kim loại, tôi tìm kiếm các câu chuyện gắn với mối quan hệ đặc trưng của Việt Nam và xe máy” – đạo diễn Esther Johnson chia sẻ.
Trải nghiệm nghe nhìn sống động
Trong quá trình thực hiện Cát bụi & kim loại, Esther Johnson đã phỏng vấn nhà làm phim nổi tiếng NSND Trần Văn Thủy và nghệ sĩ thị giác Đặng Ái Việt để lồng ghép vào kịch bản.
Cô cũng tiếp cận được những thước phim lưu trữ quý hiếm nhờ hợp tác với Viện Phim Việt Nam.
Phim có phần nhạc sống do nghệ sĩ Nguyễn Xinh Xô (giám đốc công nghệ audio và âm nhạc tại ĐH Silicon Valley, Mỹ) sáng tác và biểu diễn, âm thanh do nghệ sĩ Nhung Nguyễn thiết kế, được nhận xét một trải nghiệm điện ảnh nghe nhìn trực tiếp “như một buổi hòa nhạc – chiếu phim”.
Cát bụi & kim loại qua lăng kính xe hai bánh mang đến một góc nhìn đầy sinh động:
“Một tập hợp và kết hợp tư liệu có sẵn và cảnh quay hiện đại, trên nền nhạc trình diễn trực tiếp của Nguyễn Xinh Xô, từ đó khắc họa một chân dung đầy quyến rũ, đậm nét Việt Nam”.
Phim đã tham gia nhiều liên hoan phim (LHP) quốc tế như LHP tài liệu Sheffield 2022 và LHP châu Á Đà Nẵng tháng 5-2023. Buổi công chiếu – công diễn có phần nhạc được biểu diễn trực tiếp bởi nghệ sĩ Nguyễn Xinh Xô sẽ diễn ra tại TP.HCM ngày 20-10.
Đây là một trong hai sự kiện đầu tiên có Nguyễn Xinh Xô trực tiếp trình diễn tại Việt Nam trong tháng 10-2023. Sự kiện nằm trong chương trình UK/Viet Nam Season 2023 của Hội đồng Anh Việt Nam nhân dịp 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời nằm trong khuôn khổ LHP quốc tế TP.HCM (HIFF).
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương – giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, ở Việt Nam khái niệm cine-concert (trình chiếu và biểu diễn đồng thời) vẫn khá xa lạ. Khán giả thường quen một trong hai hình thức, ít khi có cơ hội thưởng thức cả hai trên cùng một sân khấu.
“Xét trong điện ảnh, các hiệu ứng âm thanh có thể làm tăng chiều sâu và tạo thêm không khí cho phim. Với các nhà thiết kế âm thanh, mỗi bộ phim sẽ là một thử thách khả năng sáng tạo của họ.
Đây là cơ hội rất lớn để cả hai có thể kết hợp, là dịp để nhà làm phim Việt tìm hiểu thông qua hợp tác với các nhà thiết kế âm thanh trong nước và quốc tế” – ông Nguyễn Hoàng Phương nhấn mạnh.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed