Triển lãm tranh màu nước, cuốn hút và thi vị
Tôi không am hiểu hội hoạ và tâm lí-nghệ thuật nhưng lại rất thích xem tranh màu nước? Tôi nghĩ, đơn giản là có thể vì những bìa sách Tuổi hoa ngày xưa, với 3 loại hoa đỏ, hoa xanh, hoa tím dành cho tuổi thiếu niên và tuổi teen của hoạ sĩ Vi Vi vẽ bằng màu nước mà mình nghĩ là chúng rất đẹp.
Một số bức tranh về chủ đề cây trái trong triển lãm. Ảnh: ĐLCH
Sau “giải phóng” hàng chục năm không còn tìm lại cách vẽ bìa sách bằng màu nước và in offset kiểu như vậy nữa. Cũng có thể là do những bức tranh pano khổ đại với nét vẽ phóng túng, hút hồn để quảng cáo phim, treo trên các rạp xi-nê Hưng Đạo, Tân Tân, Hoàn Mỹ… mà cậu nhóc nhà quê qua đó thường dừng lại ngắm say mê như ngắm kì quan ngoài hành tinh.
Hay, đơn giản hơn, cậu học trò tiểu học ngồi trong giờ vẽ bút chì màu ước ao sao cho chóng vào trung học để học môn hội hoạ với cô Hương, cô Mai ở trường Trung học Hương Thuỷ để được mẹ mua cho hộp cu lơ màu nước, với những tuýp màu nhỏ xíu được nặn ra rồi biến hoá màu này với màu kia thành màu nọ. Con nít thời xưa chỉ có vậy thôi, rồi nó đắm vào tàng thức lúc nào chả biết, hay đơn giản như một ám ảnh văn hoá đã mất vậy thôi.
Tôi cứ nghĩ về những “vì sao” như thế khi đến xem triển lãm tranh màu nước “Hội ngộ sắc màu” 2 khai mạc chiều qua ở 29 Hàng Bài. “Hội ngộ” ở đây là 108 họa sĩ Việt Nam và Ba Lan tham dự triển lãm (trong đó có 50 họa sĩ Ba Lan). “Sắc màu” ở đây là 169 tác phẩm hội hoạ vẽ bằng màu nước và một vài tác phẩm điêu khắc của hơn 150 tác giả của hai nước tham dự.
Gần gũi, dung dị và đa sắc
Cảm xúc hoài niệm về thời xưa bé là hoàn toàn có lí. Khi có những bức tranh được “vẽ như thật” của cái thời xa xưa khi loài người chưa phát minh ra máy ảnh. Đó là sự thích thú của hoạ sĩ về phong cách kĩ thuật, nhưng cũng có thể là khao khát của họ vượt giới hạn thách thức, như người ta vẫn chơi cờ với máy tính để thắng chúng vậy. Tôi cứ xem đi xem lại Tác mà vẫn hoài nghi làm sao màu nước khó đắp lại có thể lột tả phong cảnh cực thực đến như vậy.
Gần gũi và dung dị còn là phong cách thời xa xưa với cảm hứng nghệ thuật gắn với mây gió, trăng hoa, tuyết, núi sông. Nhưng gần gũi lắm, vì ở đây phong cảnh thiên nhiên hay tự nhiên đều là hình ảnh biểu đạt trực tiếp và dung dị, gắn với quê hương, gia đình, với không gian sinh tồn, tình yêu thương con người, loài vật. Từ sự gần gũi đến thật thà nhưng cũng hết sức sống động và truyền cảm trong Lê Thanh Hà (Quê hương là chùm khế ngọt; May mắn-quýt; Mùa na), trong Dương Thu Nga (Giai điệu hoa muống biển; Khung cửa nhà bà ngoại), đến mức thăng hoa trong Huỳnh Bảo (Tĩnh vật), Bùi Duy Khánh (Đợi).
Cả hoạ sĩ Việt Nam và Ba Lan đều có hứng thú với phong cách mực nho (Minh tâm bửu giám của Mai Lê; Kịch sĩ chính phụ của Lê Ngọc Quỳnh). Phong cách thuỷ mặc đen trắng hoặc màu còn thăng hoa với Đại Tây Dương gần Ressos-Guirec, Pháp của Barttomiej Michalowski; với Ở một nơi của Magdalena Brauze; với Iceland-Băng tan của Jacek Kwiatkowski; với Hà Nội sau hoàng hôn, Hà Nội phố Trần Quốc Toản và phố Bà Triệu của Minh Đàm; với Bãi chiều của Đình Đức…
Không chỉ cảm xúc quê hương, ngày thường, với sự mộc mạc của tâm hồn đại chúng, các hoạ sĩ còn thể hiện cảm hứng với suy tư, nội tâm. Có chừng dăm bức như vậy. Là Trong vườn của Zajac-Slapnicar; Cứu rỗi có thể tìm thấy trong sự điềm tĩnh của Daria Romek; hoặc trong Những cánh cổng, Những khoảng trống bị bỏ lại của Phạm Minh Tuấn; trong Ophelia của Triệu Yến Vy…
Vì sao Ba Lan?
Tôi háo hức đi xem tranh lần này một phần cũng là vì cái tên Ba Lan. Một đất nước từng đau khổ trong chiến tranh thế giới. Một đất nước lẫm liệt chủ động đứng lên tự quyết định vận mệnh, chủ động góp sức vẽ lại bản đồ địa chính trị hiện đại. Một đất nước ủng hộ Việt Nam và con người Việt Nam. Hoạ sĩ của đất nước này đã từng đến Việt Nam vào những năm 1950 để kí hoạ về những vui buồn khốn khổ của Dân Việt.
Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Nhiều thế hệ Việt Nam không quên câu thơ của Tố Hữu. Và bao năm qua họ dõi theo mùa tuyết tan cho đến ngày sương trắng nắng tràn. Để Ba Lan hôm nay đang vươn lên mạnh mẽ thành một xứ sở đẹp về cảnh sắc, thịnh vượng về kinh tế, tiến bộ về con người, nhân văn với khu vực và nhân loại.
Tuyết trắng, bạch dương trong tranh màu nước của các hoạ sĩ Ba Lan trưng bày tại triển lãm lần này, do đó, gợi lên nhiều suy tư đặc biệt. Hoà sắc Việt Nam – Ba Lan tại ngay trung tâm Hà Nội trong bối cảnh châu Âu có chiến tranh còn là sự khêu gợi tiếng lòng đồng cảm văn hoá vì một thế giới hoà bình và tiến bộ.
Giao lưu văn hoá, ngoại giao văn hoá, đối ngoại nhân dân
Triển lãm Hoà sắc 2 lần này, mình nghĩ, là một sự kiện lớn (Triển lãm mở cửa đến hết ngày 13/10/2023) do một đơn vị không lớn đứng ra tổ chứ đó là CLB hoạ sĩ màu nước Hà Nội. Đây là một tổ chức vừa đủ tròn một tuổi đời. Huy động được một lực lượng tham gia của cả hai nước.
Cách tổ chức triển lãm hiện đại, có mã QR để người xem có thêm thông tin cần thiết. Cách lựa chọn nội dung triển lãm và phong cách nghệ thuật có tính công chúng, phù hợp tâm lí cộng đồng cũng là cách lựa chọn thành công. Lôi cuốn được công chúng đến với mỹ thuật là một thành công lớn để từng bước tạo ra tâm hồn dân tộc, đến lượt tâm hồn dân tộc sẽ quyết định vận mệnh dân tộc. Đáy quyết định đỉnh. Nhiều năm qua chúng ta chỉ chú ý đến cái nghệ thuật sang trọng, nghệ thuật của tinh hoa, biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật và diễn ngôn xa vời với đại chúng.
Những bức tranh màu nước hiện lên sinh động qua bàn tay tài hoa của nhiều họa sĩ Việt Nam và Ba Lan. Ảnh: ĐLCH
Nghệ thuật tinh hoa là cần thiết, nhưng nếu chỉ có vậy thì khác gì những chương trình chúng tôi nói về chúng tôi hoặc hát cho nhau nghe của đài truyền hình các kiểu Việt Nam. Đáy quyết định đỉnh. Không chăm lo đủ phần đáy sẽ tạo ra một tâm hồn dân tộc theo cách nào đó, và sẽ cuốn phăng đỉnh tinh hoa như đã từng bao phen trong lịch sử.
Tại khai mạc triển lãm, số khách tham quan triển lãm đông đến mức khó để chụp được những tấm ảnh ngay ngắn. Rõ ràng đây là kết quả của nỗ lực lớn, phi thường của đội ngũ tổ chức, là thành công với tâm hồn đại chúng. Đây cũng là một xu hướng ngoại giao văn hoá, quảng bá sức mạnh mềm của đất nước, một xu hướng cần triển khai ngày càng nhiều hơn, ngày càng tốt hơn.
Đây cũng chính là một mũi nhọn của ngoại giao văn hoá, truyền thông quảng bá, đối ngoại nhân dân. Rất đáng tiếc, ngoài hai đơn vị bảo trợ là Đại sứ quán Cộng hoà Ba Lan tại Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam, chúng ta thấy vắng bóng Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam/Hội Hữu nghị Việt Nam-Ba Lan cùng các đơn vị trực thuộc.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet