Món ăn dân dã vươn ra thế giới
Trời TPHCM đổ mưa, Phillip (du khách người Úc) vẫn thích thú trong bộ áo mưa ướt sũng, cùng gia đình đứng xếp hàng trước quầy chuối nếp nướng trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM).
Cầm trên tay hộp chuối nếp nướng, rưới một ít nước cốt dừa và đậu phộng thơm lừng, Phillip không kiềm lòng mà ăn vội một miếng nóng hổi. Nam du khách cảm thán: “Đây là một trong những món ngon nhất mà tôi thử khi đến Việt Nam”.
Xung quanh Phillip, lại thêm một đoàn khách Tây khoảng 10 người. Họ mặc áo mưa đến xếp hàng dài để chờ ăn món chuối nếp nướng vừa được tờ CNN (Mỹ) bình chọn là “Những món tráng miệng ngon nhất thế giới”, vừa được công bố vào tháng 3.
“Món ăn nóng hổi vẫn còn tỏa khói nhẹ và thơm ngon, càng hấp dẫn hơn khi thưởng thức cùng nước cốt dừa béo ngậy và chút đậu phộng rang. Đây là món ăn nhất định phải thử khi đến Việt Nam”, một phần bài báo giới thiệu.
Chủ tiệm chuối nếp nướng, bà Nguyễn Thị Thu Mai (69 tuổi) cho biết, hằng ngày có rất đông khách Tây đến mua. Trong đó, khách Ấn Độ hoặc những người theo đạo Hồi, có thói quen ăn chay là khách hàng thường xuyên lui tới nhất.
Vào những ngày cao điểm, hàng chuối nướng có thể bán 1.000 trái/ngày. Trung bình với giá dao động từ 20.000 đến 22.000 đồng/trái, dự tính doanh thu mỗi ngày có thể hơn 20 triệu đồng.
Tại đây, bà Mai lựa những quả chuối sứ (chuối xiêm) vừa chín tới. Mỗi ngày, bà phải dậy từ 2h thì mới kịp chuẩn bị nguyên liệu để phục vụ sức mua “khủng”.
Chuối được bà lột vỏ, rửa qua nước muối loãng cho sạch. Phần nếp cũng được sơ chế cẩn thận để không bị dính lá, trộn với dừa nạo để giữ được trọn vị béo. Bà Mai tỉ mỉ quấn nếp lên trái chuối sao cho vừa mỏng, ăn không bị ngán.
Cuối cùng, bà cuốn thêm lá chuối bên ngoài để bánh không bị khét khi nướng. Lá chuối này được bà Mai nhập từ miền Tây để đảm bảo độ sạch, mềm.
Chuối nếp trong lúc nướng chỉ nghe tiếng nổ nhỏ của than, do bà Mai đặc biệt sử dụng loại than đước ít nổ, ít khói. Cho đến khi nghe hương thơm, cảm nhận vỏ ngoài giòn thì quả chuối nếp mới đạt “chuẩn”.
“Chìa khóa” của món ăn này chính là hương vị của nước cốt dừa nóng hổi. Bà Mai cho hay, chuối nếp nướng chỉ ngon khi ăn nóng, nên bà đặc biệt để phần nước cốt dừa riêng để khách về đến nhà có thể rưới lên sau.
Phần nước cốt dừa này cũng do một tay bà chế biến rất kỳ công, có thể bảo quản khoảng 6 giờ.
“Quá trình chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế tôi làm rất kỹ. Vì nếu hấp tấp hay qua loa thì món ăn không giữ được hương vị ngon quen thuộc, người ăn nhận ra ngay. Vậy nên hơn 20 năm qua, tôi luôn bán bằng cái tâm nên may mắn được mọi người ủng hộ”, bà Mai nói.
Món ăn kinh doanh bằng cái tâm
Hàng chuối nướng của bà Mai phải có 3-4 nhân viên thay phiên nhau làm việc mới kịp phục vụ lượng khách liên tục ra vào, dẫu nắng hay mưa. Một số nhân viên khác sẽ ở nhà để chuẩn bị nguyên liệu sơ chế.
Được biết, các nhân viên đều là con cháu của bà Mai nên có thể nói, quầy chuối này là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình bà.
Hơn 20 năm trước, gia đình bà Mai không quá khá giả, chủ yếu sống bằng tiệm mỹ phẩm nhỏ tại nhà. Đến khi mô hình siêu thị phát triển, giá thành cạnh tranh, gia đình bà phải chuyển nghề.
Thời điểm đó, để nuôi gia đình, bà Mai nảy ra ý tưởng bán món ăn mà người giàu, nghèo, ăn chay, ăn mặn gì cũng dùng được. “Tôi thấy món chuối nếp nướng rất ngon, lại dân dã với người Việt nên bán thử”.
Lúc đó, quầy chuối rất đơn sơ, bà Mai ngồi dưới đất bán nhưng thực khách kéo đến nườm nượp. Nhiều người xếp hàng dài cả chục mét, có khi đến trễ một chút mà phải lủi thủi ra về vì hết hàng quá nhanh.
Thấy công việc ăn nên làm ra, bà định bụng mở rộng thêm, từ 3 kg nếp/ngày, bà tăng số lượng lên gấp nhiều lần cho đến ngày nay. Nhờ tính chịu khó, quầy chuối nếp nướng nằm khiêm tốn ở góc đường Võ Văn Tần, nay đã trở thành hàng ăn thu hút thực khách trên thế giới.
“Đợt dịch Covid-19, ngày nào khách cũng gọi hỏi “đã bán lại chưa, thèm quá không chịu nổi”. Rồi hay tin món ăn được vào bảng xếp hạng ẩm thực, tôi thật sự rất vui. Khởi nghiệp cần nhất là sự kiên trì, nhẫn nại, nhất là kinh doanh ngoài trời chịu nắng, chịu mưa, dù đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn còn sức làm, vẫn yêu nghề lắm”, bà chủ cười, nói.
Du lịch | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu Tầm internet