Khi giật mình thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, lòng tôi cứ nao nao với biết bao hồi tưởng.
Sực nhớ đến câu hát mình yêu thích trong bài “Khúc hát sông quê” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: “Quá nửa đời phiêu dạt/ Con lại về úp mặt vào sông quê” mà thầm nghĩ chẳng phải quá nửa đời người, bản thân chúng ta mới biết nhung nhớ và thổn thức về quê hương, hồi tưởng về con sông trong hoài niệm tuổi thơ. Tôi ở hiện tại, dù chỉ mới ba mươi tuổi nhưng sống giữa phố thị tấp nập, thi thoảng vẫn cảm thấy lòng vô cùng chênh chao. Đặc biệt là những buổi chiều khi ánh nắng dần trở nên vàng vọt hơn, khẽ khàng chạy xe qua những góc phố ồn ã, tôi chỉ muốn bỏ lại tất cả áp lực, chạy thật nhanh về quê nhà, đứng lặng lẽ ngắm nhìn dòng sông quê, nghe biết bao ký ức thời thơ bé vẫy gọi trong tâm hồn mình.
Những ngày còn thơ bé, tôi thường theo chân ba chèo đò xuôi ngược quanh dòng sông quê để mưu sinh. Mỗi lúc bồng bềnh trên những chiếc đò ngang sông, ba tôi thường bảo rằng: “Người xứ mình sống nhờ sông quê. Dù sau này con lớn lên, có đi đâu, làm gì cũng nên nhớ đến dòng sông quê mình, con nhé”. Mấy lời của ba giản đơn mà thấm thía biết bao.
Mà ngẫm lại, dòng sông quê tôi có tự bao giờ cũng chẳng biết, chỉ nhờ rằng tuổi thơ tôi đã gắn liền với dòng sông, cùng đám bạn thỏa thích chơi đùa cùng những con sóng. Lớn lên một chút, cả bọn lại cùng nhau cào hến, bắt tôm, an tĩnh ngồi dưới thảm cỏ triền đê để ngắm ánh trăng vàng vọt, soi bóng xuống khúc sông quê… Và đương nhiên là cả những kỉ niệm về mùa nước cạn quê nhà.
Mùa nước cạn ở quê tôi bắt đầu từ tháng mười, đỉnh điểm là tháng ba, tháng tư âm lịch kéo dài cho đến khoảng giữa tháng bảy. Đó là thời điểm mực nước ở các con sông giảm xuống khiến mọi người phải chủ động dự trữ nước cho tưới tiêu, sinh hoạt. Quê tôi thường gọi đó là mùa nước kém, nhằm để phân biệt với mùa nước nổi.
Vào mùa nước cạn, đáy sông sẽ để lộ những bãi bồi hai bên sông. Dòng sông êm đềm uốn quanh trước nhà tôi vào mùa nước nổi sâu đến tận 4m, thế mà thời điểm nước cạn, bọn trẻ lội ngang mặt nước chỉ đến đầu gối. Với bọn trẻ con nghịch ngợm như chúng tôi ngày đó thì đây là thời điểm vàng cho việc đi bắt cá.
Đợi khi nước ròng cạn đáy, chúng tôi sẽ rủ nhau đi bắt cá bống dừa. Cũng bởi, vào ngày rằm bọn cá hay có tập tính chui vào những bập lá dừa nước ven sông để bắt cặp sinh sản. Khi ấy, cá bống dừa nhiều vô kể, chỉ cần chịu khó đi một buổi đứa nào cũng thu được một giỏ đầy mang về. Có những đứa kỹ tính mang theo cái trót quải trên vai để đựng, đứa nào không có thì xin đựng ké đứa kia nhưng phải ngắt đuôi con cá làm dấu rồi về chia ra. Chị em tôi khá lười biếng nên thường chỉ xé cọng gân lá dừa nước rồi bắt được con nào là xỏ xâu con đó đem về. Vào những hôm thu hoạch được nhiều, mỗi đứa thường bắt được phải hai ký cá.
Cá đem về thường được má tôi chế biến đơn giản, đem lụi vào xiên tre nướng trui trên bếp, ăn cùng với nước mắm đồng pha khéo léo cho hài hòa hương vị chua ngọt. Nếu muốn cầu kỳ hơn một chút, má tôi sẽ đem nấu canh với các loại rau hái quanh vườn nhà. Để đổi vị cho cả nhà, bọn tôi còn tranh thủ đi bắt cá bống sao, bống phướng bằng cách thụt hang. Cá bống sao khi chúng tôi đem về, má sẽ tranh thủ nấu canh chua, kết hợp với trái bần và ngó lục bình, điểm thêm một chén muối ớt cay vừa ăn vừa hít hà cho thỏa cơn thèm.
Điều kỳ lạ là tháng 3,4 ở miền Tây Nam bộ vốn là mùa khô đỉnh điểm nhưng nhiều loại rau mọc hoang vẫn xanh tốt lạ thường. Có cảm tưởng dường như thiên nhiên muốn bù đắp lại chút thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho người miền quê vậy. Trong đó, phải kể đến các loại rau như: bình bát dây, mỏ quạ, cải trời, rau dệu, rau đắng đất, rau má, nhãn lồng, bồ ngót… Bình bát dây lá thường có màu xanh đậm, non mướt, có những quả gần giống dưa chuột, khi chín sẽ có màu đỏ, hột có vị đắng. Người miền quê tôi khi ấy thường phơi khô nấu nước uống, vừa có công dụng giải độc, lại mát gan, lợi tiểu. Cũng là rau mọc hoang nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với dây mỏ quạ, bởi hình dạng tương đồng với lá bình bát dây nhưng nhỏ hơn, không bóng mượt và dai hơn, vị lại ngọt hơn. Mỗi khi ba tôi đặt lọp ngoài vườn, thu được con cá rô hay cá trê, má tôi sẽ tranh thủ nấu canh với lá và đọt mỏ quạ, cảm giác ngon ngọt không gì bằng.
Trong vườn rau mùa nước cạn ở quê tôi, còn có loại cải mọc hoang mà dân gian thường nôm na gọi là cải trời. Bà con quê tôi thường hài hước giải thích cho nguồn gốc tên gọi này là vì loại rau dám cải (cãi) trời, chỉ mọc khi nắng hạn, không cần những cơn mưa tưới tắm. Như nhiều người Tây Nam Bộ khác, má tôi rất thích nấu canh cải trời nấu với chả cá thác lác. Chỉ cần bắc nồi nước sôi trên bếp, thả thêm ít chả cá vào, chờ cho chả chín nổi lên, má tôi sẽ vớt sạch bọt rồi cho đọt, lá cải trời vào. Khi rau ngả màu xanh sậm thì tranh thủ nhắc nồi xuống, cho thêm ít lát gừng xắt mỏng. Món canh chỉ đơn giản thế thôi mà thưởng thức vào những ngày trời hơi chuyển gió thì cảm thấy ấm áp đến lạ thường. Thi thoảng, vào những ngày hè nóng nực, người miền Tây quê tôi thường ưa chuộng rau đắng đất hơn. Cháo cá lóc ăn với rau đắng đất đã trở thành đặc sản của miền sông nước miền Tây, trở thành đặc sản gây thương nhớ ở vùng đất này.
Riêng gia đình tôi lại thích ăn canh rau đắng nấu với cá trê hay cá lóc. Cá lóc đồng được má tỉ mỉ làm sạch thả vào nồi nước sôi, nêm thêm gia vị vừa ăn, kết hợp thêm chút rau đắng sắp sẵn vô tô rồi trút nước canh và cá vô. Tô canh rau cứ ngỡ giản dị, mộc mạc này đã trở thành niềm thương nỗi nhớ của nhiều người xa quê hương.
Mùa nước cạn cứ thế trôi đi trong kí ức tôi, để rồi thi thoảng khi nhắc lại, vẫn thấy lòng tôi bồi hồi, tiếc nhớ biết bao những tháng ngày đã qua. Chợt ao ước được một lần quay trở về quê hương xưa, nhìn ngắm dòng sông quê lặng lẽ trôi từng ngày.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet