Năm 2019, khi trở lại Việt Nam, ông từng chia sẻ: “Có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng”. Nhưng giờ đây, sau bốn năm, ở tuổi 80, ông lại được đặt chân trên mảnh đất quê hương. Chắc hẳn lúc này nhạc sĩ không khỏi bồi hồi, xúc động?
– Đúng vậy. Được về Việt Nam thắp hương cho tổ tiên, gặp thân nhân bạn bè, tôi cảm thấy rất vui mừng, toại nguyện. Sau đại dịch Covid-19, nhiều người qua đời, việc đi lại có không ít khó khăn, tôi thực sự không ngờ mình vẫn còn dịp trở về.
Thành phố Nam Định gắn với thời ấu thơ của tôi, khi đi qua những con đường quen, ký ức trong tôi vẫn còn gợi lại. Khi ấy, tôi bất hạnh bởi mẹ mất sớm, cha hay xa nhà, ít cùng tôi trò chuyện. Mặc dù thế, cha cũng luôn lo cho tôi cuộc sống đầy đủ, không thua bè kém bạn. Trong thâm tâm, tôi rất kính trọng, yêu thương bố mẹ mình.
Trong chuyến đi tới Nam Định, ông vừa gửi gắm ca sĩ Ngọc Châm một số bổn phận với gia đình. Trước đó, ông cũng đã ký chuyển nhượng quyền sở hữu tác quyền toàn bộ các tác phẩm âm nhạc cho Công ty Cổ phần bảo vệ quyền tác giả quốc tế Việt – Mỹ, nơi học trò của ông làm đại diện. Điều gì đã khiến ông tin tưởng cô ấy tới vậy?
– Mối giao tình của tôi và Ngọc Châm có từ năm 2017, khi cô ấy tổ chức show cho tôi tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi có trò chuyện về những tâm nguyện của nhau, những điều đã làm được, cả những chuyện còn đang trăn trở. Ngọc Châm nói với tôi về ước muốn giúp đỡ các nhạc sĩ lão thành có hoàn cảnh khó khăn, đang dần bị bỏ quên. Thật trùng hợp, tôi cũng có cùng mong muốn đó.
Khi ấy, tôi liền nghĩ: “Ồ, vậy sao mình không cộng tác với Ngọc Châm? Nếu Ngọc Châm chấp nhận làm học trò, tiếp tục con đường thiện nguyện của mình thì rất quý, bởi đó là thứ mà chẳng phải ai cũng đủ can đảm và sẵn lòng làm được”.
Bên cạnh đó, là một nhà sản xuất, Ngọc Châm cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc phổ biến những tác phẩm của Vũ Thành An, cả cũ và mới. Nhạc sĩ nào có tác phẩm cũng mong muốn được phổ biến. Tôi lại đang có tới hàng trăm ca khúc chưa có dịp ra mắt khán giả.
Trong đêm nhạc vừa được tổ chức tại Hà Nội, có thể thấy những ca khúc của ông hiện tại không còn thuộc thể loại tình khúc như trước đây, mà phần nhiều gửi gắm những triết lý về nhân sinh và cuộc sống?
– Ở mỗi lứa tuổi, con người ta lại có những suy nghĩ mới, đặt tâm hồn mình ở những vị trí khác nhau. Cùng là một con người, nhưng đứng dưới gốc cây nhìn lên ta có cảm nhận thế này, ở trên cao nhìn xuống ta lại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt.
Những bản tình ca kể lại kỷ niệm, nỗi buồn của tình yêu nam nữ đã là câu chuyện của ngày xưa. Hiện tại, tôi không đặt tâm hồn mình trong thế gian này nữa. Tôi nâng nó lên những tầng cao, lên bao la của vũ trụ. Khi đó, nhìn xuống trái đất, xuống xã hội, tôi thấy cuộc sống của những phận người trên thế giới với nhiều chiêm nghiệm và suy ngẫm. Những suy ngẫm ấy tôi mang dàn trải ra thành các ca khúc, được tôi gọi là chung là các nhạc phẩm về “tình yêu tuyệt đối”.
Để minh họa tình yêu tuyệt đối đó, tôi sẽ lấy ví dụ như thế này. Bố mẹ chúng ta yêu thương nhau, lấy nhau, đẻ ra con cái. Tình yêu của cha mẹ dành cho con chính là thứ tình yêu vô điều kiện. Dù con có xấu xí, nghịch ngợm hay tật nguyền, họ vẫn sẵn lòng yêu thương con hết lòng hết dạ. Tình yêu đó không hữu hình, chỉ thể cảm nhận, nhưng lại là vĩnh hằng và tuyệt đối.
“Tình yêu tuyệt đối” đang là nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong tôi. Tôi đã viết được 10 bài rồi. Cầu mong ơn trên cho tôi thời gian để có thể suy nghĩ thêm về điều đó.
Trong những cuộc trò chuyện gần đây, ông cũng nói nhiều về tâm linh, với niềm tin dành cho kiếp sau. Dường như ông có đức tin khá lớn về điều này?
– Sinh mệnh của con người là thứ vô cùng quý giá. Mỗi chúng ta đều được chia thành hai phần: thể xác và linh hồn. Thể xác này hữu hạn, rồi sẽ già cỗi và mất đi khi trái tim ngừng đập, nhưng linh hồn là thứ tồn tại mãi mãi. Tôi tin như vậy.
Cũng bởi thế, mình phải chuẩn bị cho ngày rời khỏi thế gian thôi, khi lìa khỏi thân xác đâu có nghĩa là hành trình của mình đã hết. Tùy theo cách nghĩ của mỗi người, nhưng với tôi, tôn giáo dạy tôi ước nguyện được lên thiên đàng, đến với nơi hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên đàng là nơi đẹp đẽ, bình an, người muốn vào đó phải chuẩn bị cho mình một tâm hồn đẹp. Cũng như khi bạn dự một bữa tiệc, dù nghèo khó hay giàu sang, ta cũng sẽ chọn cho mình một bộ trang phục sạch sẽ, đường hoàng.
Nghe nói, ông cũng đã chuẩn bị mộ phần cho mình và vợ tại Mỹ?
– Tôi cảm nhận thời gian của mình ngày một ít dần đi, nên phải có sự chuẩn bị trước. Nhắc đến cái chết, ban đầu tôi cũng lo sợ, nhưng rồi cảm thấy bình thản, nhẹ nhàng. Tôi mua mộ phần an nghỉ với mong muốn khi ra đi, tôi và vợ vẫn ở cạnh nhau. Trước khi đi ngủ, tôi vẫn thường nói với bà: “Chào em nhé, chẳng biết ngày mai chúng ta thức dậy còn gặp nhau không?”. Mỗi ngày trong cuộc sống của chúng tôi lúc này đều trân quý.
Quay trở lại với những ngày tháng thơ ấu. Ông đã tới với âm nhạc như thế nào?
– Âm nhạc ngấm vào da thịt tôi từ khi tôi còn rất nhỏ. Năm 7, 8 tuổi, bố đi công tác xa về mang cho tôi một cây đàn mandolin, tôi thích lắm, đi đâu cũng mang theo bên mình, có hôm còn làm rơi xuống con kênh trước ngõ. Từ ấu thơ cho tới thời điểm hiện tại, đời tôi luôn có cây đàn đứng cạnh. Khi bé là cây mandolin của cha, lớn rồi là guitar, giờ tôi cũng vẫn chơi piano cho bà xã nghe mỗi sáng. Kể cả những lúc tôi cô đơn, khốn khó nhất, đàn luôn bên cạnh tôi như người bạn, an ủi tôi và vực tôi đứng dậy.
Đến khi nào thì ông có sáng tác đầu tiên được công chúng biết tới?
– Thời học sinh, tôi luôn được thầy cô phân công làm trưởng ban văn nghệ trong lớp, khi ca hát, lúc thì làm bích báo. Đến năm học lớp 9, bỗng một hôm có anh bạn cùng lớp khoe mình có ca khúc được ca sĩ hát, đã in ra thành bản. Tôi nghĩ bụng: “Ồ, anh này sáng tác được thì mình cũng phải làm được”.
Nghĩ là làm vậy thôi, tôi mày mò nghiên cứu các tác phẩm thời bấy giờ, thấy các nhạc sĩ khác sáng tác nét nhạc như thế này, như thế kia, rồi mua sách về nghiên cứu, bắt đầu tập viết.
Năm 22 tuổi, tôi bắt đầu nổi tiếng với “Tình khúc thứ nhất”. Lúc được giới thiệu, không ai nghĩ ông Vũ Thành An trẻ măng mà lại viết ca từ như vậy đâu. Họ cứ nghĩ tôi phải già và từng trải lắm.
Chùm các “Bài không tên” đã giúp ông trở thành nhạc sĩ tên tuổi của nền âm nhạc Việt Nam khi còn rất trẻ. Tại sao lại là không tên, thay vì đặt cho chúng những cái tên lãng mạn hoặc gây tò mò khác?
– Cái đó mới hay, chứ nếu biết tên thì còn gì thú vị. “Không tên” nghĩa là mình giấu tên người liên quan tới ca khúc. Điều này vừa khiến công chúng tò mò, vừa giữ cho họ sự an bình trong cuộc sống về sau đó. Tôi trải qua nhiều cuộc tình, nhưng đều luôn trân trọng những người phụ nữ đã đi qua đời mình.
Các nhạc phẩm không tên đều gắn với những mối tình đã đi qua cuộc đời nhạc sĩ Vũ Thành An. Ở đó, không thể không kể tới bài không tên đầu tiên, được ông đặt tên là “Bài không tên cuối cùng”. Lời hát buồn da diết trong nhạc phẩm này đã đi vào ký ức bao thế hệ: “Này em hỡi con đường em đi đó/ Con đường em theo đó sẽ đưa em sang đâu/Mưa bên chồng có làm em khóc/ Có làm em nhớ những khi tình còn nồng”. Người phụ nữ đó chắc hẳn đã từng để lại trong ông nhiều đau khổ và hụt hẫng?
– Tôi quen cô ấy khi còn đang là sinh viên năm nhất, tuổi mới bước vào đời nhiều hoa mộng. Cô ấy hơn tôi 2 tuổi, tài giỏi, thông minh, khi quen tôi đã học năm thứ 3 trường Luật. Ra trường cô ấy là cử nhân đứng đầu khóa, điều hành xưởng dệt cho gia đình, ngày ngày lái xe hơi đi làm, đi dạo phố. Tôi thì mới tốt nghiệp, vừa có những đồng lương đầu tiên, khi đi xe đạp, lúc ngồi xe máy. So với người khác, tôi không quá tệ, nhưng với cô ấy, đó là một khoảng cách là quá lớn.
Tôi biết rằng cô ấy đã yêu tôi mãnh liệt. Cứ tưởng tượng một người phụ nữ viết thư cho mình rồi khóc như mưa, nước mắt ướt nhòe những dòng chữ viết trên trên trang giấy, họ phải yêu mình nhiều lắm chứ? Có điều, tình yêu thì có, nhưng hiện thực vẫn cần tiền đồ, có tương lai. Cô từng chống đối gia đình rất nhiều lần để bên tôi, thế rồi cũng không thể chờ đợi tôi được mãi, tuổi thì đã lớn rồi. Sự nghiệp của tôi sẽ đến đâu? Liệu bao giờ tôi mới có thể có cho mình một ngôi nhà? Tôi hiểu những lo toan của cô ấy nên không trách được.
Đến một ngày, thư cô ấy không còn hồi âm, những cuộc hẹn cô không còn tới. Tôi hiểu rằng mình không giữ được nữa.
Khoảng cách giàu nghèo từng khiến ông phải rời xa mối tình đầu, thế nhưng, hình như với mối tình thứ hai, ông một lần nữa lặp lại “vết xe đổ“ đó…
– Đời tôi nhiều cái hay lắm, có lẽ đó là số phận. Một thời gian dài sau khi cô ấy rời bỏ, tôi không thể rung động trước bóng hồng nào, dù không ít người tới bên tôi và ngỏ ý gắn bó. Sự hụt hẫng và tổn thương trong tôi còn quá lớn.
Thời gian đó chính là lúc tôi viết nhạc phẩm “Nếu tôi còn yêu được”. Cảm giác không yêu ai đáng sợ lắm, đặc biệt khi mình đang tuổi đôi mươi. Tôi khát khao vô cùng một ai đó làm mình rung động, khiến mình cảm thấy hạnh phúc và có được tình yêu. Chỉ cần có cảm giác yêu thôi, không cần được đáp lại, tôi đã hạnh phúc và mãn nguyện rồi. Cũng bởi vậy, tôi viết: “Nếu tôi còn yêu được một lần thôi cũng vui đời/ Nếu tôi còn được yêu xin thêm ngày tháng mộng/ Nếu tôi còn yêu được một lần thôi không giữ gìn/ Nói em nghe lời thở than“. Tôi cũng lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích về nàng công chúa ngủ trong rừng, với nụ hôn của chàng hoàng tử giúp cô thức giấc sau hơn trăm năm, để viết ra câu kết: “Chờ em, chờ như trăm năm/ Từ kiếp nào ngủ vùi /Chờ em nhỏ xuống giọt lệ vui”. Người phụ nữ tôi gặp ở nhà Nguyễn Đình Toàn (nhà văn, nhạc sĩ, người bạn của nhạc sĩ Vũ Thành An – PV) chính là người giúp tôi có được “giọt lệ vui” đó sau bao ngày trái tim đóng cửa.
Ngay khi bóng hồng này hiện ra, trái tim tôi rung động, tôi không ngại ngần gì “chấm liền” thôi. Lúc đó tôi nổi tiếng rồi, và cô ấy cũng biết tôi từ trước. Ngày đầu tiên, khi cô ấy đến đón tôi, nhìn thấy chiếc xe ô tô màu xanh hiệu Opel quá đẹp đứng dưới đường, trong đầu tôi thốt lên: “Ôi thôi…”. Thực sự khi đó tôi nghĩ: Tôi đâu có muốn yêu người giàu, tại sao cuộc đời nó cứ như vậy chứ.
Tôi nhớ rằng đó chính là người phụ nữ khiến ông viết nên “Bài không tên số 2” – “Kỷ niệm xưa đã chết, cơn mê đã chiều/ Tình yêu đã hết, xót xa đã nhiều/ Đời thôi chỉ còn mai sau“. Dường như khoảng cách về kinh tế đã khiến cuộc tình này “trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”, mang đến cho ông nỗi buồn kế tiếp?
– Khi tôi đang ở xa thành phố vì phải ở quân trường, cô ấy viết thư lên nói chia tay. Tôi thấy vô lý lắm, hai đứa đâu có vấn đề gì, lòng không chấp nhận. Mấy tháng sau, khi có dịp quay lại Sài Gòn, tôi tìm tới nhà thăm, gõ cửa vào thì thấy đám tiệc tàn. Cô ấy dẫn một người thanh niên bước ra giới thiệu, “đây là đám hỏi của em”, tôi mới tin là thật.
Những năm 1990, chúng tôi gặp lại nhau tại Mỹ, cô ấy khóc như mưa như gió. Về sau, cuộc hôn nhân của cô ấy cũng gặp nhiều bất hạnh. Tôi không trách móc gì bởi tôi tin khi chia tay cô ấy chưa hết yêu tôi, nhưng thời đó có quá nhiều thứ làm con người ta không thể giữ nổi tình yêu của mình…
Thời gian ở trong trại cải tạo (từ năm 1975 đến 1985), ông có còn sáng tác không?
– Tôi vẫn sáng tác, vẫn có cây đàn bên cạnh. Những sáng tác khi ấy nuôi dưỡng tâm hồn, nâng tinh thần của mình lên, dù mình phải sống một cuộc đời khổ cực. Các ca khúc tôi sáng tác lúc đó không có bài nào được phổ biến, mình làm giấu lén thôi. Sau đó, tôi cũng quên đi nhiều lắm, viết ra lại sợ thêm phiền toái.
Thời điểm đó, ông cũng có một quyết định có lẽ là không dễ dàng, khi phải viết giấy ly dị để người vợ đầu tiên được đi Mỹ?
– Lúc đó là năm 1984. Tôi không biết mình có được ra ngoài hay không, trong khi hồ sơ đi Mỹ đã sẵn sàng. Để vợ con tới Mỹ trước, tôi đành ký vào tờ giấy ly dị. Tuy nhiên, sau khi ký mấy tháng thì tôi cũng được trở lại cuộc sống bình thường.
Sau này, khi sang Mỹ, ông có còn gặp lại người vợ cũ?
– Tôi không gặp nữa, bởi mỗi người đã có cuộc sống riêng. Lúc tôi sang, bà ấy cũng đã có người mới bên cạnh. Tôi vẫn luôn tri ân bà ấy vì đã chăm sóc con cái trưởng thành.
Những năm gian khó này, có người phụ nữ nào xuất hiện trong cuộc đời ông và đem đến cho ông những cảm xúc đặc biệt?
– Đó là người phụ nữ tôi gặp ngay sau 10 năm biến cố. 10 năm với nhiều nỗi buồn, sự đè nén, tâm hồn tôi không còn nguyên vẹn. Cô ấy đến khi tôi không có gì, chấp nhận tôi, yêu thương tôi, quan tâm và lo lắng. Cũng từ đó tôi thấy cõi lòng mình được tái sinh, con người mình được nâng niu, trân trọng. Mối tình ấy tạo cảm xúc cho một loạt nhạc phẩm về sau này, trong đó có “Bài không tên số 37”: “Đi đâu tìm kiếm nhau, vui trong cả nỗi đau/ Trăm năm vươn mình sống”.
Với tôi, người phụ nữ này không chỉ là người tình đâu, cô còn là một ân nhân nữa.
Sau nhiều cuộc tình đổ vỡ và một cuộc hôn nhân ngắn ngủi, dường như ông trời đã bù đắp cho ông một hạnh phúc trọn vẹn, với người phụ nữ đầy tài sắc?
– Nhân duyên của tôi và bà ấy đến vào khi tôi vô cùng vất vả. Nhà cửa tiêu tán, tôi phải về sống cùng cha mẹ, tự làm cho mình một chỗ ngủ trên gác mái. Ban ngày tôi đi dạy kèm trẻ để kiếm sống, tối về nằm trên đó, nóng bức, chật chội và khó chịu.
Thế rồi tôi quen một người bạn làm nghề sơn sườn xe đạp, nhà anh ấy rộng lắm, có phần hành lang để trống. Một hôm, tôi mạo muội bảo anh: “Anh ơi, cho tôi thuê hành lang này đi, tôi để một chiếc ghế tối tôi nằm”. Đối với tôi khi ấy, đó là nơi nghỉ ngơi vô cùng hạnh phúc rồi, tôi chỉ ao ước có thế. Anh không trả lời gì hết, nhưng hôm sau, khi tôi trở lại, anh hỏi luôn: “Anh An có muốn lấy vợ không? Anh lấy vợ thì có chỗ ở “ngon” hơn chỗ này nhiều”.
Thời gian đó, tôi cũng được nhiều người giới thiệu cô này cô kia, không ít người muốn gắn bó lâu dài nhưng tôi đều bỏ qua, chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình. Nghe anh nói vậy, tôi cũng chỉ im lặng. Một thời gian sau, run rủi sao, tôi tới gặp. Lần đầu tiên thấy bà ấy, tôi vẫn nhớ rằng bà đẹp lắm, thậm chí người thân của tôi sau này được tôi giới thiệu thốt lên khen: “Trời, bà ấy đẹp như Thẩm Thuý Hằng”. Vóc dáng bà ấy cũng như cố nghệ sĩ Thanh Nga vậy.
Chúng tôi bên nhau không cầu kỳ, do đều đã trải qua biến cố cuộc đời. Người chồng trước của bà mất năm 1972, bà ở vậy nuôi hai đứa con gái cho tới khi gặp tôi (năm 1985). Tôi ngưỡng mộ bà ấy về tư cách, về đức tính, rồi cứ bên nhau yên ổn tới bây giờ.
Tuy đó là một giai nhân, nhưng ở bên một nhạc sĩ nổi tiếng lại rất đỗi điển trai như ông, có khi nào bà ấy bày tỏ những lo lắng?
– Bà ấy hay lắm. Khi mới lấy nhau, bà ấy nghĩ tôi sau này sang Mỹ có thể sẽ bỏ bà ấy, bởi bên đó có nhiều cơ hội và cám dỗ, thế nhưng bà vẫn chấp nhận. Tôi thì chưa bao giờ nghĩ tới chuyện mình rời xa bà ấy đâu, dù khi mới tới Mỹ, tôi quả thực gặp không ít cám dỗ và chào mời.
Giờ vợ tôi đã ở tuổi 77, sau khi ngã mất dần trí nhớ, tôi vẫn thương bà ấy lắm. Cả ngày bà ấy đều nằm xem TV, cũng không ăn được nhiều, sức khoẻ dần chìm xuống. Tôi luôn sắp xếp để đưa bà đi dạo một ngày một tiếng đồng hồ, kể chuyện cho bà ấy nghe, nói những điều dịu dàng để bà thoải mái, vui vẻ.
Trải qua nhiều cuộc tình buồn, không ít biến cố trong cuộc sống, ông từng viết “Đời dài cho tiếng kinh cầu, còn sầu mang đến cho nhau”. Có phải do thấy cuộc đời quá truân chuyên, ông quyết định đi tu?
– Tôi viết câu đó khi đã đặt chân trên chặng đường tu. Thật ra, căn tính của tôi khi sinh ra đã là để trở thành một người tu hành. Những nỗi đau khổ chẳng qua chỉ để mình tới gần hơn với con đường đó. Ban đầu khi mới nhập đạo, ta tìm kiếm sự bình an. Sau đó một thời gian, tâm hồn ta được thăng hoa, tâm trí ta thông tỏ.
Nhìn ở khía cạnh khác, những thăng trầm trong cuộc đời có lẽ cũng là định mệnh, giúp ông trở thành tác giả của hàng loạt ca khúc bất hủ trong nền âm nhạc Việt Nam?
– Có lẽ vậy, tất cả những gì tôi trải qua không khiến tôi bi luỵ hay mất niềm tin. Sống tới tuổi 80, có cơ hội làm những điều mình yêu thích, đối với tôi là ơn trên sắp đặt. Cho tới tận giờ này, tôi vẫn không dám nghĩ rằng mình được mọi người yêu mến, giúp đỡ nhiều đến như vậy.
Khi viết ra một nhạc phẩm, tôi chỉ may mắn bắt được làn sóng âm thanh – mà tôi hay ví như những sợi tơ trời. Mình đâu có tài gì hết, chỉ là biết lắng đọng tâm hồn, kết chúng lại với nhau, cũng như người thợ quyện tơ trời vào thành chiếc áo đẹp.
Những câu chuyện đã đi qua cuộc đời, đôi khi chúng là nhân duyên, là cảm xúc để mình kết sợi tơ trời ban tặng.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet