Ngoài hát trong các đêm nhạc Vũ Thành An ở Hà Nội và TP.HCM, lần trở về nước này sau mấy năm dịch COVID-19, nhạc sĩ đã thực hiện một tâm nguyện quan trọng: trao tặng toàn bộ tiền tác quyền âm nhạc của mình cho công ty mà ca sĩ Ngọc Châm thành lập, điều hành để dùng vào việc thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo và nghệ sĩ khó khăn, một phần nhỏ giúp đỡ người thân của Vũ Thành An ở Việt Nam.
Tuổi Trẻ trò chuyện với tác giả của những bài Không tên nổi tiếng suốt hơn sáu thập niên qua.
Đều là người Việt mình mà, phải giúp đỡ nhau
* Thưa ông, là nhạc sĩ có nhiều ca khúc được yêu thích trong nhiều năm, hẳn đó là một hồng ân rất lớn mà ông đã được ban tặng?
– Đúng là viết nhạc là khả năng trời cho chứ tôi không học hành gì nhiều. Viết nhạc được nhiều người biết đến thì là điều rất hạnh phúc. Gần đây sự quý mến của khán giả dành cho tôi càng nhiều hơn, tôi coi đó là vinh hạnh không ngờ.
Đó là quà tặng lớn lao mà tôi không mất được. Tôi không quan tâm lắm tới chuyện tiền bạc có được từ âm nhạc của tôi. Tình yêu của người hâm mộ là món quà lớn nhất.
* Cho nên ông đã dành toàn bộ tiền tác quyền âm nhạc của mình trong nhiều năm qua để làm công việc thiện nguyện trên quê nhà và nhiều nơi khác?
– Một năm đầu thập niên 1990, tôi đi dự một đại hội của giới trẻ ở Toronto (Canada). Tôi mang theo một số CD làm từ Mỹ, những CD thánh ca, không ngờ giới trẻ ở đó rất thích, họ mua rất nhiều với giá cao.
Có được mấy ngàn USD, tôi nghĩ không thể dùng số tiền đó cho cá nhân mình mà phải dùng vào việc bác ái, có ý nghĩa. Tôi liên hệ về Việt Nam để giúp đỡ cho các em có sách vở. Chương trình đầu tiên của tôi ở Việt Nam là làm các thư viện trong các giáo xứ cho các em nhỏ.
Năm 2002, khi đi học làm phó tế, tôi đổi phương cách giúp đỡ mọi người. Tôi chuyển qua cấp gạo hằng tháng cho những cụ già có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài tiền tác quyền, tiền bán CD thì tôi kêu gọi bạn bè cùng chung tay thành lập Quỹ từ thiện Teresa để làm công việc bác ái, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khó khăn khác.
* Điều gì khiến ông luôn hướng về quê hương, đóng góp cho quê hương như vậy?
– Tiền tác quyền tôi không thể tiêu riêng cho mình. Xưa tôi đi làm có lương đủ sống thoải mái trong giới hạn nhu cầu của tôi, nay cả hai vợ chồng tôi đều đã nghỉ hưu, sống bằng tiền lương hưu cũng đủ.
Còn hướng về quê hương thì cũng là lẽ đương nhiên, vì đều là người Việt mình mà, phải giúp đỡ nhau.
Trước khổ đau, tôi chọn “vươn vai mà đứng”
* Là một người rất say mê những tình khúc Vũ Thành An, tôi rất ngạc nhiên khi biết sau này ông không viết các ca khúc về tình yêu đôi lứa nữa mà chuyển qua viết nhân bản ca như ông gọi và sau đó là thánh ca. Bước chuyển này đã đến với ông như thế nào vậy?
– Tôi nhập đạo từ đầu những năm 1980 khi tôi ở miền Bắc. Đó là một biến chuyển lớn về tâm hồn. Trước khổ đau, tôi chọn nhìn vượt thoát lên trên thực tại, chọn “vươn vai mà đứng”, không muốn để khổ đau đè mình xuống. Tôi muốn nâng tâm hồn mình lên cao, ở đó mình có đức tin, có hạnh phúc.
“Hãy nhìn lên trời cao / Trong một đêm trăng sáng / Sẽ thấy mênh mông bầu trời...” (hát).
Không viết tình yêu đôi lứa nữa mà chuyển qua viết nhân bản ca, thánh ca là sự thay đổi mà đối với tôi là tốt đẹp. Về sau này tôi cảm ơn cả những đau khổ đã đến với tôi, bởi vì có những đau khổ đó tôi mới tìm đến được những thứ hướng thượng hơn, tôi nhìn thấy giá trị của cuộc đời.
* Tôi rất ấn tượng khi đọc chi tiết trong cuốn Chuyện tình không tên (NXB Văn Hóa – Văn Nghệ, 2017) của ông viết rằng ông đã rất ngạc nhiên khi một lần đi lao động đã nghe thấy một bài hát của ông phát ra từ trại ở Hà Tây đầu những năm 1980. Chuyện diễn ra thế nào thưa ông?
– Tôi không còn nhớ bài hát đó là bài hát gì của tôi, chỉ nhớ nó là bài hát không được phổ biến lắm. Khi nghe thấy bài hát vang lên từ một ngôi nhà trong khu nhà của các cán bộ coi trại, chứ không phải từ nhà người dân xung quanh, tôi đã rất ngạc nhiên. Nhưng bây giờ thì tôi nghĩ điều đó cũng bình thường thôi.
Những người coi trại đó cũng rất thích nghe nhạc vàng. Họ cũng là những con người chuộng cái hay cái đẹp.
Con người ai cũng giống nhau ở chỗ đều yêu cái hay cái đẹp. Lại cùng người Việt, nói chung một thứ tiếng, cùng lớn lên giữa sông núi này, uống chung một nguồn nước, hít thở chung một bầu không khí. Nó cũng giống chuyện thế hệ trẻ bây giờ vẫn thích nghe nhạc của tôi vậy.
Đó là chuyện người Việt thưởng thức nghệ thuật Việt mà thôi.
* Ông thành công trong âm nhạc nhưng đời sống riêng cũng có nhiều nỗi niềm, nay ông còn buồn vì những chuyện cũ?
– Không, ngay cả lúc đó tôi cũng không bị trằn trọc, chìm đắm trong khổ đau. Nữa là tới giờ này thì giai đoạn đó đã quá xa, cuộc đời tôi đã có quá nhiều biến chuyển tốt đẹp.
Đôi khi nhớ lại giai đoạn ấy, tôi nhận ra rằng dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn có niềm vui, những kỷ niệm. Giai đoạn ở miền Bắc từ 1975 – 1985 tôi cũng vẫn có những kỷ niệm xúc động với anh em, xúc động về tình người dành cho nhau.
Trong bài Không tên số 50 tôi có viết câu thế này: “Những chuyện buồn qua đi, xin em không nhắc lại“. Tôi chỉ chọn nhớ những chuyện vui, chọn nhìn ngắm “vẻ đẹp cõi đời”, chọn “một tiếng yêu xin trao cho nhau”, và vẫn chọn “tạ ơn trên cho sống chốn này” (lời bài hát Ngày mai rồi mình sẽ già).
Viết nhạc và việc bác ái ở tuổi 80
* Ông vẫn đang viết nhạc ở tuổi 80?
– Tôi vẫn đang sáng tác. Bởi giờ đây tôi có nhiều suy nghiệm khác với thời trẻ. Bạn biết đấy, tùy thế đứng dưới gốc cây hay trên ngọn cây, hay từ trên cao nữa mà ta nhìn cái cây khác nhau. Những ngày cuối đời thế đứng tâm hồn tôi đi ra khỏi những vấn đề của đời thường.
Tôi như đã đi tới một bầu trời khác để suy nghiệm về cuộc đời mình, về cuộc sống xã hội, về con người nói chung. Tôi muốn làm sao để nhìn đầy đủ sự thật chứ không phải một góc sự thật. Và tôi sáng tác về tình yêu tuyệt đối, thứ mà tôi tin đã sinh ra vũ trụ này.
Ngoài viết nhạc và những công việc bác ái khiến tôi rất hạnh phúc, tôi cũng đang ấp ủ kế hoạch mở một trường cao đẳng bên Mỹ, dạy online cho cả người Việt trong nước.
* Có mâu thuẫn không khi một người đã chuẩn bị mộ phần cho mình từ hơn chục năm trước, đêm đêm trước khi đi ngủ luôn chào vợ vì lỡ sáng mai mình không thức dậy nữa, lại vẫn ấp ủ nhiều dự án rất lớn ở tuổi 80?
– Không có gì mâu thuẫn. Con người ta càng biết thời gian của mình còn lại ít bao nhiêu thì càng muốn làm những điều mình muốn làm, ít nhất là đặt nền móng để những người đi sau sẽ tiếp nối.
Cho nên chắc tôi cần ông trời cho tôi sống khỏe mạnh thêm 20 – 30 năm nữa, dù tôi mang nhiều trọng bệnh (cười).
* Chuyến về thăm Việt Nam lần này sau mấy năm dịch COVID-19 chia cắt và nhiều thử thách trong đời sống cá nhân có lẽ mang lại cho ông những cảm xúc đặc biệt?
– Tôi về Việt Nam gặp toàn bạn trẻ rất dễ thương, yêu nhạc của tôi khiến tôi rất vui. Tôi muốn qua báo Tuổi Trẻ gửi lời chúc cho các bạn luôn tươi vui và hạnh phúc.
* Năm 2014 lần đầu tiên VTV phát nhạc của ông trên sóng truyền hình quốc gia, cảm giác của ông thế nào khi nghe tin tức đó?
– Tôi rất vui. Thế hệ sau tiếp tục công nhận những sáng tác của tôi, nhiều người Việt được nghe, được hát những tác phẩm của tôi, rộng rãi thì đó là một niềm vui rất lớn.
Vì sao có Không tên tiếp nối?
* Ông cũng là trường hợp thật đặc biệt khi viết thêm lời thứ hai cho nhiều tình khúc Không tên sau hơn 20 năm. Ông đã viết thêm lời thứ hai trong hoàn cảnh nào?
– Những bài Không tên đó khi tôi viết tôi không ngờ thành công đến vậy, lan tỏa như vậy. Những câu hát như: “Mưa bên chồng có làm em khóc, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng? Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó đúng hay sao em?…” quá riêng tư.
Khi người con gái ấy đã có gia đình mà cứ phải nghe mọi người hát tới hát lui những câu đó chắc gia đình họ cũng khó yên vui.
Từ đó tôi nghĩ cần viết thêm lời thứ hai cho bài hát, nên mới có bài Không tên cuối cùng tiếp nối: “Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó đúng đấy em ơi. Nếu chúng mình có thành đôi lứa, chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau. Nếu không còn được gặp gỡ, giữ cho trọn ân tình xưa. Xin gửi em một lời nguyện, được bình yên được bình yên về cuối đời“.
Tôi còn viết thêm lời thứ hai cho các bài Không tên khác, một cái nhìn lại với những cuộc tình ấy sau hơn 20 năm. Đó là năm 1991, 26 năm sau bài Không tên thứ nhất.
Trong vòng một tháng, khi tôi đang ở Philippines trước khi sang Mỹ, tôi đã viết lời thứ hai cho chục bài Không tên mình đã viết những năm 1965 – 1966.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed