Tối muộn 21/9, TAND TP.HCM tuyên án vụ án bị cáo Nguyễn Phương Hằng (CEO Công ty CP Đại Nam) và các đồng phạm “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày 21-22/9, nhưng đã được “rút” lại trong 1 ngày.
Sau 18 tháng bị tạm giam, bà Phương Hằng bị tuyên án 3 năm tù giam. Các đồng phạm gồm ông Đặng Anh Quân lãnh mức án 2 năm 6 tháng; Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân bị kết án 1 năm 6 tháng tù giam.
Đối đáp chan chát của bà Nguyễn Phương Hằng ở tòa: Hỏi luật sư ra tòa đã đọc cáo trạng chưa
Trong phiên xét xử sáng ngày 21/9, sau khi HĐXX đọc cáo trạng, thẩm phán hỏi bà Hằng có ý kiến gì về bản cáo trạng. Bà Hằng trả lời: “Trong cáo trạng cũng như trong lịch sử không thể hiện rõ câu chuyện xuất phát từ đâu.
Câu chuyện đó xuất phát từ vấn đề từ thiện, mà hôm nay bị cáo đứng đây với vai trò là bị cáo, trước khi thành bị cáo, bị cáo cũng là bị hại… Trước phiên tòa hôm nay, bị cáo thấy vẫn còn thiếu câu chuyện mấu chốt từ đâu, khiến cho bị cáo trở thành một con người đã vi phạm pháp luật”.
Trong phiên xét xử chiều 21/9, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng Hưng không tham gia và ủy quyền cho quản lý truyền thông của mình, là ông Đinh Văn Chiến, tham dự.
Trong phần xét hỏi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã đặt câu hỏi với bà Nguyễn Phương Hằng. Rằng bà Hằng nói Đàm Vĩnh Hưng có hành vi xúc phạm bà, vậy việc xúc phạm này là do bà trực tiếp nghe, hay là nghe từ nhân viên.
Tiếp theo, luật sư hỏi bà Hằng có gửi đơn lên Bộ Công An tố cáo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng huy động từ thiện hay không; có làm đơn tố cáo ông Hưng xúc phạm mình với công an không…?
Trước câu hỏi này, bà Hằng đặt câu hỏi ngược lại với luật sư, rằng tất cả đều đã được thể hiện trong cáo trạng. Đó là lý do bà có mặt tại phiên tòa này, không biết luật sư đã đọc cáo trạng trước khi tham dự phiên tòa hay không?
Ngoài ra, luật sư bảo vệ quyền lợi của ông Hưng cũng hỏi thêm, sau khi bà Hằng bị xử phạt vi phạm hành chính tháng 4/2021, bà có nhận thức được rằng không được sử dụng mạng xã hội để xúc phạm, tuyên truyền, thông tin sai sự thật? Bà Hằng kiên định với câu nói “tôi không trả lời”.
Luật sư hỏi tiếp, ngày 31/5/2021, tại buổi làm việc với Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đại diện theo ủy quyền của bị cáo đã cam kết không livestream để tuyên truyền nội dung sai sự thật, tại sao sau đó bị cáo vẫn tiếp tục livestream?
Trước câu hỏi này, bà Hằng đưa ánh mắt “sắc lẹm” nhìn về phía luật sư và nói: “Tại sao? Đã đứng đây rồi còn hỏi tại sao, về học thêm đi”.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ca sĩ Vy Oanh, cho rằng bà Hằng đã xác định là sai, đồng nghĩa với việc có lời nói thiện chí đối với những người bị hại – trong đó có ca sỹ Vy Oanh. Và hỏi bà Hằng có muốn nói lời nào đó với Vy Oanh không. Luật sư nói thêm, “nếu sai thì xin lỗi, đâu có gì khó khăn”.
Dù vậy, bà Nguyễn Phương Hằng dứt khoát trả lời: “Hiện nay, tôi cũng đang làm đơn tố cáo Vy Oanh xúc phạm tôi ở PC02. Và tôi nghĩ tôi ở tù 18 tháng cũng đã quá cay đắng rồi. Suốt 18 tháng qua có ai làm thay tôi những quỹ mổ tim không?. Tất cả những người này, luật sư cho là bị hại, hay thật sự trong thâm tâm của luật sư họ là phá hoại hay bị hại. Bị hại là trẻ em nghèo bệnh tật chứ, đây không phải là bị hại, đây là phá hoại”.
Bà Hằng cũng tiếp tục từ chối trả lời tất cả các câu hỏi của luật sư bảo vệ cho ông Nguyễn Đức Hiển, về việc bà cho rằng ông Hiển là một trong những người “tấn công” bà, vậy bà có đọc những bài viết về việc ông Hiển nói về bà chưa; bà có bằng chứng những thông tin mà ông Hiển nói về bà không…
Đồng thời, luật sư của bà Lê Thị Giàu hỏi bà Hằng có quan hệ gì với nhau, bà Hằng tiếp tục nói “tôi không trả lời”.
Không chỉ bà Hằng, khi luật sư của bà Lê Thị Giàu hỏi bị cáo Lê Thị Thu Hà, rằng có thừa nhận hành vi như cáo trạng đã nêu không; có phải bị cáo thực hiện việc do bà Hằng chỉ đạo không? Bị cáo Thu Hà cũng nói: “Tôi không trả lời”.
Luật sư này tiếp tục hỏi, bị cáo Thu Hà có đăng thông tin về bà Lê Thị Giàu trên tài khoản Facebook có tên “Ha Le” hay không? Bị cáo Thu Hà viết nội dung là bà Lê Thị Giàu cấu kết với phản động nước ngoài không; bị cáo có biết mình bị truy tố tội danh gì không? Tuy nhiên, bị cáo Thu Hà tiếp tục từ chối trả lời.
Bà Nguyễn Phương Hằng đề nghị nộp tiền khắc phục hậu quả
Ở phần bào chữa cho bị cáo, ông Hồ Nguyên Lễ, luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của bà Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân, đã đề nghị HĐXX giảm nhẹ mức phạt, phạt bà Nguyễn Phương Hằng bằng với thời gian đã tạm giam và án treo đối với 3 bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân.
Lý giải cho đề xuất này, ông Hồ Nguyên Lễ cho biết đây là vụ án đặc biệt, lần đầu tiên xử lý vụ án livestream trên mạng xã hội.
Nguyên nhân bà Hằng có những phát ngôn xâm phạm đến quyền, lợi ích của người khác là do bà bị vượt quá giới hạn chịu đựng; liên tục bị xúc phạm trong khi đi làm nhiều hoạt động từ thiện… Những lời nói, phát ngôn của bà Hằng là khách quan, phản ứng lại khi bị công kích trên mạng xã hội.
Luật sư khẳng định, không phải tự nhiên bà Hằng có những phát ngôn như vậy. Hầu hết những người bị bà Hằng xâm phạm quyền, lợi ích đều có phát ngôn xâm phạm tới thân chủ của ông trước. Nguồn cơn sự việc là từ mong muốn tố cáo hành vi chiếm đoạt của Võ Hoàng Yên, bà Hằng muốn ông Hoài Linh lên tiếng, nhưng không được chấp thuận.
Bên cạnh đó, sau khi bà Nguyễn Phương Hằng lên tiếng nói ông Hoài Linh “ngâm tiền từ thiện”, thì ông Hoài Linh mới giải ngân… Luật sư cho rằng, phản ánh này của bà Hằng là điều đúng sự thật.
Ở tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, ông Lễ cho rằng vì bà Nguyễn Phương Hằng và 3 nhân viên Nhi, Hà, Tân đều làm chung tại công ty Đại Nam, nên mới cùng thực hiện các buổi livestream. Đây là việc có tính chất đơn giản, không có mục đích liên kết.
Đồng thời, việc này cũng mang tính tự phát, dựa trên mối quan hệ tình cảm bạn bè, quan hệ đồng nghiệp – nhân viên.
Thêm vào đó, bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện quỹ từ thiện Hằng Hữu với mục đích giáo dục, giúp đỡ những người khó khăn, những trẻ em mắc bệnh tim. Với tư cách là Tổng giám đốc điều hành của Đại Nam, bà Hằng đã tác động, dành toàn bộ lợi nhuận cho hoạt động từ thiện – đây là đóng góp vô bờ bến bà dành cho xã hội.
Đặc biệt, bà Nguyễn Phương Hằng đã nộp đơn cho tòa trước khi xét xử, đề nghị được tạo điều kiện để nộp khoản tiền nhằm khắc phục hậu quả do mình gây ra. Ông Lễ cho rằng đây là nhận thức tự đáy lòng của bà Hằng, là tình tiết giảm nhẹ bằng cách khắc phục hậu quả.
Đối với các bị cáo Tân, Nhi, Hà lần đầu phạm tội; là nhân viên thực hiện theo yêu cầu của cấp trên. Thêm vào đó, hoàn cảnh của các bị cáo này cũng khá khó khăn. Bị cáo Tân có anh trai vừa qua đời, là lao động chính trong gia đình; bị cáo Nhi đã ly hôn, một mình nuôi con nhỏ…
Tin An Ninh Hinh Su