Ngày 21-22/9 sắp tới, TAND TP.HCM dự kiến mở phiên tòa xét xử đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), ông Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, công tác tại Trường Đại học Luật TP.HCM) và các đồng phạm về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“.
Trong ngày xét xử, HĐXX triệu tập ông Huỳnh Uy Dũng (thường gọi Dũng “lò vôi”, chồng bà Hằng) và các cá nhân khác gồm: Nghệ sĩ Hoài Linh (Võ Nguyễn Hoài Linh), ca sĩ Vy Oanh, nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng cầu thủ Công Vinh – ca sĩ Thủy Tiên, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Trương Thị Việt Hà, ông Nguyễn Đình Kim.
Vì sao bà Nguyễn Phương Hằng gọi tên hàng loạt nghệ sĩ V-biz?
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM, trên cơ sở kết quả điều tra đã xác định, bà Nguyễn Phương Hằng là Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Đại Nam (tỉnh Bình Dương), được nhiều người trên mạng xã hội biết đến.
Các buổi phát sóng trực tiếp của bà Nguyễn Phương Hằng đều thu hút hàng chục đến hàng trăm ngàn người xem. Ảnh chụp màn hình
Bà Hằng cho rằng ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh) có mối quan hệ với ông Võ Hoàng Yên – người bị bà Hằng tố cáo về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản“. Tuy nhiên, khi bà Hằng yêu cầu ông Linh cùng lên tiếng về hành vi lừa đảo của ông Yên thì ông Linh lại im lặng.
Về trường hợp bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Oanh đã đăng một bài viết trên trang Facebook tên “Vy Oanh”. Ở phần bình luận, bà Oanh trả lời một tài khoản Facebook khác có nội dung “xỉa xói” việc bà Hằng ủng hộ đất để làm từ thiện chống dịch Covid-19.
Bà Hằng cho rằng vợ chồng ông Lê Công Vinh (cựu cầu thủ Công Vinh) và bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) đã hoạt động từ thiện không minh bạch, ăn chặn tiền từ thiện của nhân dân.
Ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) bị bà Hằng nhắc tên vì đã lên mạng xã hội phát ngôn xúc phạm bà Hằng.
Ngoài các nghệ sĩ nêu trên, còn có các cá nhân khác liên quan đến vụ án này. Trong đó, bà Hằng cho rằng, bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni) nhiều lần phát ngôn trên mạng xã hội xúc phạm bà Hằng, chống phá Công ty cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu của bà Hằng.
Cũng theo cáo trạng, bà Hằng cho rằng ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển) đã trả lời phỏng vấn trên kênh VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam và đăng các bài viết trên Facebook, YouTube có thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Hằng và Công ty cổ phần Đại Nam.
Đối với bà Đinh Thị Lan, bà Hằng cho rằng, người này có các phát ngôn trên mạng xã hội vu khống, xuyên tạc sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của bà Hằng; bà Lê Thị Giàu và bà Trương Thị Việt Hà cùng nhiều người khác là một tổ chức chống phá ngầm bà Hằng và Công ty cổ phần Đại Nam, còn tạo trang Facebook chia sẻ những nội dung xúc phạm đến Hằng.
Chính vì nguyên nhân đó, từ tháng 3/2021, bà Hằng đã sử dụng các thiết bị di động, máy tính xách tay… đăng nhập vào 12 tài khoản mạng xã hội do bà Hằng quản lý và thực hiện nhiều buổi livestream (phát ngôn trực tiếp trên mạng Internet) có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các ông, bà nêu trên.
4 bị can liên quan đã làm gì để giúp sức bà Nguyễn Phương Hằng?
Cáo trạng cho thấy, bà Nguyễn Phương Hằng đã thực hiện khoảng 70 buổi livestream từ ngày 5/7/2021 đến tháng 3/2022. Các buổi livestream được thực hiện ở nhiều địa điểm, trong đó có nhà riêng của bà Nguyễn Phương Hằng (quận 3 và quận 1, TP.HCM), tỉnh Bình Dương, TP.Hà Nội và trên xe ô tô…
Để thực hiện các buổi livestream, bà Nguyễn Phương Hằng giao nhiệm vụ cho 3 nhân viên. Trong đó, Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Hằng) lập các tài khoản TikTok và lập trang Fanpage Facebook để thông báo chủ đề, lịch phát livestream cũng như đăng tải các bài viết theo yêu cầu của bà Hằng.
Cáo trạng cho thấy, bà Hằng đọc hoặc nhắn tin chủ đề dự định sẽ livestream cho Mai Nhi, Nhi chuyển thông tin cho Huỳnh Công Tân đánh máy lại, sau đó đưa cho bà Hằng sử dụng trước mỗi buổi livestream.
Khi bà Hằng livestream, Mai Nhi sẽ quan sát để thông báo số lượng người xem, số lượng người bấm like và bình luận cho bà Hằng biết.
Đối với Lê Thị Thu Hà (nhân viên văn phòng), người này sẽ sắp xếp sân khấu, bố trí nơi đặt máy quay khi bà Hằng livestream, lập Fanpage Facebook tên “Ha Le” để thông báo chủ đề, lịch phát livestream của bà Hằng. Thu Hà cũng đăng tải các bài viết theo yêu cầu của bà Hằng.
Người còn lại là Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông) quản lý và phát livestream cho bà Hằng qua các kênh YouTube tên “Chistina Nguyen”, “Đại Nam Wonderland” và “Nguyễn Phương Hằng”. Khi Nhi chuyển thông tin các chủ đề bà Hằng dự định sẽ livestream, Tân đánh máy lại, đưa cho bà Hằng sử dụng trước mỗi buổi livestream. Tân cũng tham gia dẫn chương trình, đọc lại các bình luận và chèn các hình ảnh minh họa theo yêu cầu của bà Hằng khi livestream; thực hiện việc truyền phát livestream bằng máy tính xách tay và máy quay phim.
Ngoài 3 nhân viên nêu trên, thêm một bị can giúp sức bà Nguyễn Phương Hằng là ông Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM). Bà Hằng cho rằng mình và ông Đặng Anh Quân là những người có kiến thức, hiểu biết pháp luật, có trình độ chuyên môn cao. Ông Quân cũng là người có cùng chí hướng, cùng quan điểm với bà Hằng, do đó bà Hằng đã mời ông Quân tham gia bình luận, tương tác trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream.
Tin An Ninh Hinh Su