Sở GD&ĐT Phú Thọ ban hành công văn về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm. Trong đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.
Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Sở yêu cầu lãnh đạo các trường tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, nắm bắt và quản lý cán bộ, giáo viên đơn vị mình tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường.
Nhiều địa phương ban hành lệnh cấm dạy thêm, nếu phát hiện sẽ xử lý hiệu trưởng. (Ảnh minh hoạ: T.Đ)
Sở GD&ĐT Nam Định nêu rõ, một số cơ sở giáo dục và giáo viên trên địa bàn đang tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng với các văn bản hướng dẫn, quy định. Việc này dẫn đến hoạt động dạy thêm, học thêm chưa thực sự hiệu quả, tạo dư luận không tốt đối với học sinh, phụ huynh và xã hội.
Do đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm và được gia đình đồng ý, cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ trực tiếp ký vào đơn.
Sở này yêu cầu không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh…
Không dạy quá 5 buổi/tuần đối với lớp 9, 12 và không quá 4 buổi/tuần đối với các khối lớp còn lại ở cấp trung học; không dạy quá 4 tiết/buổi; không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17h30 phút các ngày trong tuần.
“Lãnh đạo các trường giám sát việc dạy thêm ngoài nhà trường của các cán bộ, giáo viên nhà trường. Kịp thời xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm và lãnh đạo các trường chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm về dạy thêm, học thêm”, Sở GD&ĐT Nam Định nêu rõ. Các trường không tự ý cho giáo viên trong trường mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm.
Sở GD&ĐT An Giang ban hành công văn chấn chỉnh việc nuôi giữ, chăm sóc học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở ngoài nhà trường.
Theo đó, Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở triển khai lại các nội dung quy định trước đó cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và người dân trên địa bàn biết, thực hiện đúng quy định.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, địa phương cũng quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm.
Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Nghệ An cho rằng, quyết định nói trên nhằm chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động liên kết tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh trong thời gian qua.
Ông Thành cho hay, Sở sẽ ban hành công văn hướng dẫn liên kết tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục; nêu rõ các nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn của trung tâm, cơ sở giáo dục, quy trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là điều kiện tiêu chuẩn về giáo trình, tài liệu, đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên.
Khi nào các trung tâm kỹ năng sống đảm bảo yêu cầu theo công văn hướng dẫn trên, sở mới thẩm định cho phép triển khai thực hiện vào nhà trường theo đúng quy trình.
Tháng 3/2023, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, từ năm 2012, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư số 17 quy định hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản.
Thứ nhất, không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa. Thứ hai, học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
Thứ ba, tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm. Thứ tư, không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
Giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Đồng thời giáo viên không được dạy thêm chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của nhà trường. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Kenh14.vn – Trang chủ – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet