Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải là con trai của đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc. Khi mới 5,6 tuổi, anh đã theo chân cha đi làm phim cho đến lúc trở thành sinh viên chuyên ngành Quay phim tại Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia toàn Liên xô (VGIK) năm 1986, Bùi Trung Hải đã có trong tay những điều kiện cần thiết của một người làm phim. Đó là niềm đam mê mãnh liệt anh dành cho nghệ thuật thứ 7 và sự dìu dắt, truyền cảm hứng từ người cha – một nhà làm phim tài năng.
Tốt nghiệp Đại học Điện ảnh Quốc gia toàn Liên xô (VGIK) vào năm 1992, Bùi Trung Hải tiếp tục việc học tại Pháp. Anh học tiếng Pháp và sau đó tham gia chương trình học tập về Nghệ thuật Điện ảnh và Văn hóa Pháp tại trung tâm Điện ảnh CIRNEA, Paris, Pháp từ tháng 12/1995 đến tháng 2/1996. Ngoài ra, anh còn được nhận học bổng toàn phần của Chương trình Fulbright của Chính phủ Mỹ để theo học Khóa học Thạc sĩ Nghệ thuật trong 2 năm về làm phim, chuyên ngành đạo diễn và biên kịch, tại thành phố Los Angeles, Mỹ.
Phim Việt được giải tại các LHP Quốc tế trên thế giới nhưng không thu hút khán giả ở Việt Nam
Thời gian gần đây chúng ta đã có những bộ phim gây được tiếng vang, được giải tại các LHP Quốc tế trên thế giới nhưng khi công chiếu ở các rạp trong nước vẫn không thu hút khán giả. Chỉ có vài (1,2 phim/năm) phim Việt “đột nhiên” ăn khách, kéo theo đó là hàng tá ý kiến trái chiều. Theo anh, vì sao khán giả vẫn không mặn mà với phim Việt? Vì sao một số phim Việt dù doanh thu cao vẫn chưa được đánh giá cao về chất lượng?
– Trước hết, tôi cho rằng, việc đạt được những thành tựu ở các LHP Quốc tế là một cố gắng vượt bậc của các nhà làm phim Việt Nam, đặc biệt khi đạt được những thành tựu ở những sự kiện điện ảnh mà từ trước tới này chúng ta chưa có. Ví dụ: phim Bên trong vỏ kén vàng đạt giải Camera d’Or cho phim đầu tay xuất sắc tại LHP Cannes, phim Những đứa trẻ trong sương lọt vào danh sách chung kết dành cho phim tài liệu (short list) của Giải Oscars 2023, và một số phim khác nữa… Đấy là những thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, khi chiếu ở trong nước, các phim đó lại thường gặp khó khăn khi phát hành. Tôi nghĩ rằng, có nhiều lý do. Thứ nhất, các phim đó thường được xếp ít suất chiếu, thường không vào giờ vàng. Hơn nữa, do là các phim độc lập nên kinh phí thấp, không đủ để làm công tác PR, tuyên truyền cho phim một cách mạnh mẽ, chủ yếu dựa vào thông tin được giải trên báo chí để lôi kéo khán giả đến rạp và dựa nhiều vào hiệu ứng truyền miệng.
Chúng ta cũng phải hiểu rằng, dòng phim độc lập là một dòng phim kén khách. Nó thường đi sâu vào những trải nghiệm cá nhân, đi vào những đề tài độc đáo, có thể gây tranh cãi. Về mặt thể hiện, phim độc lập thường cố gắng tạo ra cách kể chuyện mới, phát triển ngôn ngữ điện ảnh…
Nhưng cũng chính vì những lý do đó phim độc lập luôn khó khăn hơn khi đến với khán giả, so với dòng phim thiên về nội dung có kết cấu kinh điển ba hồi, với kịch tính, mâu thuẫn rõ ràng, dễ lôi cuốn người xem. Mặt khác các tác giả phim độc lập Việt Nam, nếu muốn phim có đông khán giả, cũng nên thận trọng trong việc chọn ngôn ngữ điện ảnh, tiết tấu, cấu trúc, cách phát triển tính cách nhân vật trong bộ phim của mình.
Đôi khi những phim độc lập đã sử dụng nhiều dạng tiết tấu chậm, điều đó có thể làm khán giả mệt mỏi, khó cảm thụ. Trên thế giới, phong cách làm phim độc lập cũng rất da dạng. Nhiều phim độc lập có doanh thu rất cao lại thường sử dụng tiết tấu nhanh, kịch tính rõ nét, phát triển nhân vật tốt. Ví dụ như các phim của đạo diễn Quentin Tarantino: Reservoir Dogs, Pulp Fiction, … hoặc rất nổi tiếng như phim của đạo diễn Bong Joon Ho là phim Ký sinh trùng (Parasites).
Điểm chung của các đạo diễn này là họ nắm rất chắc các nguyên tắc kết cấu điện ảnh 3 hồi kinh điển, rồi sau đó họ tiến đến việc tạo ra các đổi mới lớn, mạnh mẽ trong cấu trúc điện ảnh, tạo ra sự choáng ngợp, mới mẻ, sức cuốn hút lớn cho người xem, do đó cũng đạt được doanh thu rất lớn. Đó cũng là một con đường đáng để những nhà làm phim độc lập Việt Nam tham khảo, học tập…
Khác với những phim độc lập, những phim Việt Nam ăn khách thường chú trọng rất tốt đến khâu tuyên truyền quảng bá. Tuy nhiên, sử dụng PR, tuyên truyền một cách thái quá cũng là một con dao hai lưỡi, nếu làm khán giả thất vọng vì chất lượng phim không được như vậy thì có thể sẽ làm giảm sút lòng tin vào những bộ phim khác, đó cũng là một trạng thái rất không tốt, khi bộ phim đạt được mục tiêu doanh thu trước mắt còn mục tiêu lâu dài, niềm tin của khán giả thì lại bị ảnh hưởng nặng nề.
Nên học hỏi điều gì ở nền điện ảnh Mỹ, Hàn?
Một câu hỏi quá cũ, làm thế nào để nâng cao chất lượng phim Việt?
– Theo tôi, để nâng cao chất lượng phim Việt, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc khi họ đã học tập, nghiên cứu rất thuần thục phương pháp làm phim của Điện ảnh Mỹ, tiêu biểu là dựa trên kết cấu 3 hồi, rồi sau đó áp dụng, đồng thời phát triển nó. Đi theo con đường đó, điện ảnh Hàn Quốc đã trở thành một trong những nền công nghiệp điện ảnh mạnh nhất hiện nay trên thế giới.
Phương pháp làm phim của điện ảnh Mỹ là một hệ thống liên kết chặt chẽ, từ viết kịch bản, công tác đạo diễn, diễn xuất, quay phim, thiết kế, âm thanh… rất đa dạng, rất có chiều sâu, đã được phát triển ở trình độ nghề nghiệp, thẩm mỹ rất cao.
Ngoài ra, khác với điện ảnh châu Âu, điện ảnh Mỹ luôn đặt khán giả lên hàng đầu, là đối tượng, mục đích của mọi bộ phim. Tất cả các giải thưởng, các LHP, tất cả chỉ là để phục vụ để đưa bộ phim đến với nhiều khán giả hơn. Đó có thể là con đường tốt để các nhà làm phim Việt Nam theo đuổi.
Thực tế cho thấy nhiều bộ phim bom tấn mùa hè, những phim lớn của Mỹ, Hàn, Trung vẫn độc chiếm thị trường rạp chiếu ở Việt Nam, khiến cho phim Việt khó chen chân. Chúng ta nên làm gì để kích cầu cho phim nội, ngoài việc tăng tỷ lệ phim nội ngoài rạp chiếu?
– Có thể nhận thấy sự chiếm lĩnh của các phim của các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc… tại Việt Nam, đặc biệt là điện ảnh Mỹ. Phải thừa nhận là những phim đó có chất lượng tốt, thỏa mãn được người xem và thực tế đã là cột trụ chính của doanh thu phòng vé một cách đều đặn, lâu dài. Điện ảnh Hàn Quốc cũng đang trên đà chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam, số lượng phim Hàn Quốc chiếu tại Việt Nam ngày càng nhiều, doanh thu cùng ngày một cao. Hiện tại, theo cảm nhận của tôi, những chính sách kích cầu cho phim Việt Nam chưa có tác động rõ rệt.
Tôi nghĩ rằng, việc kích cầu cũng cần nằm trong một tổng thể các chính sách chiến lược của chính phủ cần được áp dụng để tăng cường sức cạnh tranh cho phim Việt. Nếu tham khảo kinh nghiệm các nước có điện ảnh phát triển như Pháp, Hàn Quốc… chính sách chiến lược ở mức độ quốc gia đã được nghiên cứu và áp dụng từ hàng chục năm nay, tạo điều kiện cho điện ảnh các nước này phát triển rực rỡ.
Một số chính sách nằm trong chiến lược này là: Áp dụng tỉ lệ chiếu phim nội địa, tại các rạp cũng như trên hệ thống truyền hình. Áp dụng hạn mức nhập khẩu phim. Thu hẹp, bớt dần kiểm duyệt đối với Hàn Quốc cũng là một quá trình lâu dài.
Trước đây vài chục năm Hàn Quốc cũng có một hệ thống kiểm duyệt rất khắt khe, sau đó họ cải tiến dần dần và đến hiện nay thì không còn kiểm duyệt mà chỉ có hệ thống phân loại phim theo lứa tuổi. Đây cũng được đánh giá là một trong những yếu tố quan trong đem lại thành công của điện ảnh Hàn Quốc trong thời gian gần đây.
Sự hoạt động hiệu quả của các Quỹ Điện ảnh quốc gia là các Quỹ CNC (Pháp) và Quỹ KOFIC(Hàn Quốc) khác với Quỹ hỗ trợ và phát triển Điện ảnh của Việt Nam (đã được ghi vào luật từ năm 2006 nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động được do vẫn chưa xác định được nguồn kinh phí) các Quỹ này đều mang tầm vóc qui mô quốc gia với nguồn kinh phí rất lớn, Quỹ KOFIC khoảng 100 triệu USD/ năm, Quỹ CNC lên tới khoảng 300 triệu USD/ năm.
Các quỹ này hỗ trợ toàn diện ngành công nghiệp điện ảnh của cả đất nước: sản xuất phim, phát hành phim ở nội địa và quốc tế, đào tạo, liên hoan phim, đổi mới trang thiết bị hiện đại… Kinh phí các quỹ này lấy từ phần trăm lợi nhuận của các ngành kinh doanh điện ảnh: phần trăm giá vé phim chiếu rạp, phần trăm lợi nhuận phim chiếu trên truyền hình hoặc phát hành trực tuyến…
Đây là một chính sách đã tỏ rõ sự hiệu quả trong thúc đẩy sự thành công của công nghiệp điện ảnh ở các nước Pháp và Hàn Quốc. Ở chiều ngược lại, khi điện ảnh nội địa của các nước này phát triển tốt, nó đã đem lại lợi nhuận vô cùng lớn, lên tới hàng tỷ USD mỗi năm, đem lại việc làm cho hàng trăm nghìn người. Tôi tin rằng, trong thời gian tới đây, điện ảnh Việt Nam có thể nghiên cứu kỹ, sâu sắc các đường lối chiến lược này và tìm hiểu khả năng áp dụng nó càng sớm càng tốt để điện ảnh Việt Nam có thể được phát triển mạnh mẽ hơn.
Hàng năm, vẫn có các cuộc hội thảo, bàn tròn với mục đích tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng phim Việt. Là người làm nghề, theo anh, tại sao chúng ta vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào hợp lí và hiệu quả?
– Thực ra thì tôi cũng có tham gia một số hội thảo, có hội thảo được mời viết tham luận, có hội thảo tôi chỉ đến nghe. Tháng 10/2021 và tháng 2/2022, trước khi thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mời tôi viết 2 tham luận cho Luật Điện ảnh (sửa đổi) và tôi cũng đã đóng góp ý kiến theo đúng suy nghĩ, hiểu biết của mình.
Một số ý kiến tôi đóng góp đã được sửa trực tiếp vào luật, một số thì không. Trong phần tham luận của mình, tôi cũng đã nói về mô hình các quỹ điện ảnh lớn theo kiểu CNC và KOFIC, cách tạo nguồn kinh phí của họ, cũng như các đường lối chiến lược phát triển điện ảnh của Pháp và Hàn Quốc để làm tham khảo cho điều luật về Quỹ Điện ảnh và chính sách chung để phát triển Điện ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đó tôi có nhận được thông tin là vẫn chưa thống nhất được nguồn kinh phí cho Quỹ… Vì vậy, theo tôi, điều quan trọng vẫn là các cơ quan quản lý. Những người làm phim như tôi cố gắng đưa ý kiến của mình, quan điểm của mình, nhưng quyết định vấn đề là ở cơ quan quản lý.
Mặt khác, tôi cho rằng, ở các hội thảo, chúng ta nên hết sức coi trọng những ý kiến phản biện, những ý kiến có những quan điểm khác, vì đôi khi chính những ý kiến đó sẽ làm nảy ra những ý mới, có lợi cho sự phát triển của nước nhà. Theo suy nghĩ của tôi, hội thảo cũng chỉ là một cách để thu thập ý kiến. Tôi nghĩ, để nâng cao chất lượng phim Việt thì khâu giáo dục đào tạo là rất quan trọng.
Nếu nhìn vào sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc ta sẽ thấy họ rất chú trọng vào khâu này, khi từ hàng chục năm trước đã cử đội ngũ các nhà làm phim sang học, tiếp cận phương pháp làm phim của điện ảnh Mỹ. Và thời gian đã chứng minh là họ đã tìm ra con đường phát triển điện ảnh hoàn toàn đúng. Điện ảnh Mỹ hiện nay là nền điện ảnh có ảnh hưởng rất lớn cả về mặt thẩm mỹ, cách tổ chức, doanh thu, phương tiện kỹ thuật,
Chúng ta cũng nên tiếp cận sâu sắc với phương pháp làm phim của họ. Nếu nói riêng về mặt chuyên môn, theo tôi, đối với các nhà làm phim Việt Nam, thì các khâu viết kịch bản, đạo diễn, diễn xuất theo phương pháp của điện ảnh Mỹ là cực kỳ có ích. Đó là những lĩnh vực mà điện ảnh Mỹ đã phát triển ở mức rất cao, với các phương pháp phân tích rèn luyện sâu sắc, đa dạng, hiệu quả.
Vừa qua, khi Việt Nam và Mỹ đã chính thức đưa quan hệ giữa hai nước lên mức cao nhất là Hợp tác chiến lược toàn diện thì đó cũng là cơ hội để chúng ta có thể tham gia tích cực hơn trong việc học hỏi những kỹ năng, hiểu biết từ nền điện ảnh này. Chắc chắn là về phương diện ngoại giao, văn hóa, phía Mỹ sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng này, chúng ta cần chủ động tích cực tham gia là có thể có ngay những kết quả khả quan.
Cảm ơn đạo diễn Bùi Trung Hải đã chia sẻ!
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet