Ngày 16/9, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thông tin, đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn.
Dự kiến TP.HCM sẽ áp dụng việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè từ 1/1/2024 với mức thu từ 20.000 – 350.000 đồng/m2/tháng.
Theo tờ trình, Sở GTVT TP.HCM đề xuất thời gian thực hiện thu phí được áp dụng từ ngày 1/1/2024. Cụ thể, 3 trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường phải trả phí.
Một là, tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa.
Hai là, làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị.
Ba là, bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Cũng theo tờ trình, 5 trường hợp phải trả phí sử dụng tạm thời hè phố gồm:
Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa.
Thứ hai là làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa. Thứ ba là làm điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông.
Thứ tư, làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Trường hợp cuối cùng là bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Sở GTVT TP.HCM đề xuất mức thu phí vỉa hè đối với từng khu vực trên địa bàn.
Theo Sở GTVT TP.HCM, mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn được áp dụng dựa theo mức giá đất bình quân của 5 khu vực. Mỗi khu vực, các tuyến đường được chia thành khu vực trung tâm và các khu vực còn lại.
Cụ thể, mức thu phí cao nhất cho hoạt động trông giữ xe là 180.000 – 350.000 đồng/m2/tháng (trong đó, tuyến đường trung tâm là 350.000 đồng, còn tuyến đường còn lại là 180.000 đồng), thấp nhất 50.000 – 100.000 đồng/m2/tháng. Đối với các hoạt động khác, mức phí được tính từ 20.000 – 100.000 đồng/m2/tháng.
Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày được tính nửa tháng, từ 15 ngày trở lên thì tính một tháng. Dự kiến số tiền thu phí sẽ thu được là 1.552 tỷ đồng/năm, trong đó số thu đối với lòng đường khoảng 550 tỷ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè khoảng 972 tỷ đồng/năm.
Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, hiện thành phố có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, trong đó có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5 m và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 m trở lên.
Kenh14.vn – Trang chủ – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet