Tác giả Lê Duy Hạnh là tên tuổi lớn trong làng sân khấu với rất nhiều tác phẩm trên cả sân khấu kịch lẫn sàn diễn cải lương.
Ông nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001 với 3 kịch bản sân khấu lịch sử: “Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc”, “Mặt trời đêm thế kỷ” và “Trời Nam”.
Tác giả Lê Duy Hạnh tên thật là Lê Thành Yến, sinh 28/2/1947 tại Bình Định. Ông tham gia phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên Sài Gòn. Sau đó ông ra chiến khu, rồi ra Hà Nội học trường viết văn. Sau năm 1975, ông hoạt động rất mạnh mẽ trong lĩnh vực sân khấu với nhiều tác phẩm gây được tiếng vang.
Ông bắt đầu sáng tác kịch bản sân khấu lịch sử năm 1980 với kịch bản: “Tâm sự Ngọc Hân”. Tác phẩm này đã được Đoàn Cải lương Văn công TP HCM công diễn trên 700 suất, tạo dấu ấn cho NSƯT Mỹ Châu với vai Ngọc Hân và nghệ sĩ Tuấn Thanh vai Nguyễn Huệ.
Sau đó, ông đã sáng tác các kịch bản nổi tiếng, tạo được doanh thu cao và được giới chuyên môn đánh giá cao như: “Hoa độc trong vườn” (Ngô Quyền), “Lý Chiêu Hoàng”, “Hoàng hậu hai vua” (Dương Vân Nga), “Hồn thơ ngọc” (Ngọc Hân), “Dời đô” (Lý Công Uẩn), “Sáng mãi niềm tin” (Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong), “Nỏ thần” (An Dương Vương), “Độc thoại đêm” (Lý Chiêu Hoàng)…
Ngoài ra, ông đã sáng tác nhiều kịch bản tạo được sự bứt phá về hình thức thể nghiệm, cấu trúc kịch bản và chủ đề tư tưởng có tiếng vang trong xã hội như: “Người cáo”, “Chuyện lạ”, “Hồn tuồng”, “Diễn kịch một mình”, “Trở về miền nhớ”, “Thần tượng thực”, “Nỗi đau nhân loại”…
Giới chuyên môn đánh giá ông có thể tiếp cận mọi đề tài trong sáng tác, từ đó phản ánh thực tế rất thuyết phục, khiến khán giả tin tưởng vào những điều tốt đẹp từ cái kết mà ông gửi gắm vào kịch bản.
Vào tháng 6/2023 vừa qua, NSƯT Thanh Thanh Tâm đã đến thăm “người cha tinh thần” Lê Duy Hạnh của mình. Sức khỏe của ông khi đó có tốt hơn nhờ sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa. “Tôi nhận thấy ông khỏe và trong lòng tôi vui mừng. Vì đối với tôi ông là người thầy, người bố đã chỉ dạy, dìu dắt tôi rất nhiều trên con đường nghệ thuật” – NSƯT Thanh Thanh Tâm chia sẻ.
Trong cuộc hàn huyên sau nhiều năm xa cách, chị đã kể lại cho người bố tinh thần nghe những câu chuyện biểu diễn trên xứ người, nhất là những lần được diễn các trích đoạn mà ông đã sáng tác như: “Chiếc áo Thiên Nga”, “Tâm sự Ngọc Hân”…
Lễ viếng tác giả Lê Duy Hạnh bắt đầu từ 9 giờ ngày 7/9/2023. Lễ truy điệu vào hồi 5 giờ ngày 9/9/2023 tại Nhà tang lễ Thành phố, số 949, Quốc lộ I, phường An Lạc, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó di quan và hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet