Giữa không gian đổ nát do địa chấn, một tòa chung cư có tên Hwang Gung vẫn đứng vững một cách nguyên vẹn. Tòa nhà đơn độc, còn sót lại sau thảm họa giờ đây bỗng trở thành nơi ẩn náu cuối cùng trên đất nước Hàn Quốc.
Với nội dung mới lạ, Concrete Utopia (Địa đàng sụp đổ) không chỉ nhanh chóng trở thành một trong những phim có doanh thu cao nhất năm 2023 tại Hàn Quốc mà còn đại diện cho điện ảnh nước này tại Oscar 2024.
Cuộc chiến giữa ‘con’ và ‘người’
Là bộ phim đề tài sinh tồn nhưng Concrete Utopia không tập trung khai thác quá nhiều về thảm họa động đất, mà chủ yếu ghi lại phản ứng của người dân khi ứng phó thiên tai.
Phim sử dụng tông màu u ám, khiến ta luôn cảm thấy một bầu không khí lạnh lẽo, ngột ngạt, như đẩy con người đến giới hạn của sự chịu đựng.
Trên nền bối cảnh hoang tàn ấy, mỗi cá nhân đều đang tranh đấu cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Họ tụ tập với nhau để tìm ra cách thức sinh hoạt chung, bảo vệ tỏa chung cư khỏi sự xâm nhập của các thế lực bên ngoài.
Thế nhưng, điều đáng sợ nhất không đến từ ngoại cảnh hay những rào cản bủa vây, mà lại đến từ lòng tham không đáy và sự biến chất, tha hóa của con người.
Qua diễn xuất của Lee Byung Hun, nhân vật Young Tak trở nên “đời” hơn bao giờ hết. Anh đại diện cho những con người có lý tưởng sống mạnh mẽ. Ban đầu, anh vốn hướng thiện, tranh đấu cho sự công bằng và lợi ích chung của cộng đồng, nhưng rồi lại bị đẩy vào con đường tội lỗi.
Trong khi đó, nhân vật Min Sung của Park Seo Joon đứng giữa những giằng xé. Anh từng tin tưởng và nghe theo mọi mệnh lệnh của Young Tak một cách mù quáng, không hay biết mình chỉ đang bị lợi dụng.
Khi nhận ra lý tưởng cao cả mình vốn tin tưởng chỉ là những lời nói dối, Min Sung mới bộc lộ phần “con” của mình. Anh chấp nhận đánh mất bản tính tốt đẹp khi xưa để bảo vệ những người thân yêu.
Thảm họa nhân tính trong ‘Concrete Utopia’
Khi được hỏi có phải những kẻ sống sót trong tòa chung cư đã ăn thịt người để sinh tồn hay không, nhân vật Myung Hwa trả lời: “Không, họ chỉ là những người bình thường”.
Câu trả lời tưởng như không có gì đặc biệt ấy lại khiến ta bỗng cảm thấy rùng mình. Bởi, những con người bình thường mà Myung Hwa nói đến có thể là ai trong bất cứ chúng ta, có thể là ai trong thế giới của loài người.
Tại sao những người hiền lành, thiện lương, tưởng như vô hại, lại có thể trở thành những kẻ xấu xí, man rợ, ích kỷ và thậm chí là giết người hàng loạt? Khi nhân tính bị thử thách đến tận cùng, ai dám chắc mình không biến chất?
Đây cũng là điểm khiến Concrete Utopia khác biệt so với những bộ phim sinh tồn khác. Đạo diễn Um Tae Hwa không xây dựng nhân vật người hùng giải cứu thế giới, luôn đại diện cho chính nghĩa. Mỗi nhân vật trong phim đều được khai thác đa chiều, biến chuyển nội tâm phù hợp với hoàn cảnh họ đang sống.
Tác phẩm cũng đi sâu vào những mặt trái trong tâm hồn con người, lý giải tại sao những “người bình thường” lại trở nên xấu xí và tăm tối đến như thế khi đứng trước miếng ăn sinh tồn.
Concrete Utopia phần nào gợi liên tưởng đến bộ phim The Platform (Hố sâu đói khát) của điện ảnh Tây Ban Nha, phát hành năm 2019.
Xuyên suốt hai tác phẩm đều tồn tại những đối cực quyết liệt, ăn hoặc chết đói, giết người hoặc bị giết, được hoặc mất tất cả… Càng ít lựa chọn, con người càng ít hy vọng và bầu không khí càng ngột ngạt.
Kết thúc câu chuyện, mỗi chúng ta đều sẽ tự đặt ra cho mình những câu hỏi về nhân tính.
Khi thảm họa xảy ra và những thời khắc cuối cùng trong cuộc đời hiển hiện trước mắt, liệu ta có đủ can đảm để đối mặt với “đứa bé bên trong”?
Khi đói khát và bị đẩy đến tận cùng của bi kịch, liệu ta còn giữ được những phần thiện lương trong tâm hồn?
ĐỊA ĐÀNG SỤP ĐỔ trailer – KC- 01.09.2023
Đạo diễn Um Tae Hwa sinh năm 1981, được giới phê bình đánh giá cao với lối kể chuyện độc đáo. Anh được biết đến nhiều nhất với bộ phim Vanishing Time: A Boy Who Returned, giành giải Đạo diễn mới xuất sắc tại Lễ trao giải Đại Chung lần thứ 54, do Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc tổ chức.
Dưới bàn tay chỉ đạo của đạo diễn tài năng, quy tụ dàn diễn viên thực lực, Concrete Utopia là “bom tấn” mãn nhãn và giàu cảm xúc.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed