Hàu Long Sơn níu chân du khách
Ngoài trữ lượng hải sản tự nhiên dồi dào, Bà Rịa – Vũng Tàu còn có nghề nuôi trồng thủy sản rất phát triển. Đây cũng là sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến tham quan và thưởng thức hải sản tươi sống ngay tại các vùng nuôi.
Chị Nguyễn Thị Thùy Nhiên (ngụ TP.HCM) kể, vừa qua, chị được bạn bè giới thiệu ra xã đảo Long Sơn (TP.Vũng Tàu), vừa tham quan ngắm cảnh, vừa thưởng thức các đặc sản tươi sống.
Đây không phải là lần chị đến TP.Vũng Tàu. Nhưng những lần trước, chị ra Vũng Tàu chỉ để thăm người thân, tắm biển, đi dạo… rồi về. Dịp hè vừa qua, ra đảo Long Sơn tham quan các làng bè, chị và các con mới có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị.
Gia đình chị được tìm hiểu về làng nghề nuôi trồng thủy sản một cách trực quan, sinh động. Nhất là 2 đứa con của chị rất hứng thú khi được thưởng thức món Hàu Long Sơn sốt chanh dây do chính tay mình bắt lên từ vùng nuôi tại xã đảo Long Sơn.
Chị Nhiên kể, con hàu thường được nướng mỡ hành, ăn tái với nước sốt chanh tươi, mù tạt hoặc nấu cháo hàu… Dưới bàn tay của đầu bếp ở HTX Như Ý Long Sơn, món hàu như được “khoác áo mới” khi chế biến cùng cước sốt chanh dây. Màu vàng ươm của chanh dây vừa hấp dẫn thị giác, vừa tạo vị ngọt bùi pha lẫn vị thanh chua. Món hàu càng hấp dẫn càng hơn.
Ông Nguyễn Quý Trọng Bình – Giám đốc HTX Như Ý Long Sơn cho biết, xã đảo Long Sơn là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để kinh doanh dịch vụ du lịch, kết hợp ăn uống trên các bè nổi.
Đặc sản của du lịch Long Sơn là hải sản tươi sống được nuôi trồng ngay tại địa phương, rất hút khách. Riêng con hàu ở đảo này có vị ngọt đậm, nhiều dinh dưỡng nên được đưa tiêu thụ khắp nơi và rất được ưa chuộng.
Hiện trên xã đảo có nhiều làng bè với hàng chục nghìn lồng nuôi các loại thủy hải sản khác nhau. Chỉ tính riêng tại HTX Như Ý Long Sơn đã có khoảng hơn 300 cơ sở nuôi với hơn 13.500 lồng nuôi. Cùng với đó là các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, như hàu, tôm kẹt, cá mú, cá bớp, cá chẽm, cá chim.
Theo ông Bình, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và, sông Dinh đang phát triển khá mạnh, và mang lại thu nhập tương đối tốt cho người nuôi. Với sản lượng các loài khoảng 15.000 -20.000 tấn/năm, đây là cơ hội phát triển cho cả ngành du lịch và nghề nuôi trồng thủy hải sản. Mô hình kinh tế biển này giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Cần hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn
Sau chuyến tham quan, chị Nhiên cho rằng, du lịch sinh thái sông, biển là lựa chọn được nhiều khách du lịch ưu tiên. Với ngư trường rộng lớn cùng hệ sinh thái đa dạng ở cửa sông, rừng ngập mặn, bãi triều,… tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có đủ thế mạnh để gia tăng sức hấp dẫn cho nghề nuôi trồng thủy sản.
Và vì thế, các sản phẩm phục vụ du lịch ở làng bè cũng cần đa dạng, chuyên nghiệp hơn, để kéo dài thời gian lưu trú của du khách lâu hơn. “Khi đó, Vũng Tàu sẽ có nhiều sản phẩm khác để khách du lịch lựa chọn thay vì đi tắm biển, ăn hải sản rồi về”, chị Nhiên nói.
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh còn khiêm tốn khi tổng diện tích nuôi chỉ hơn 257ha. Trong đó, nuôi ngọc trai tại Côn Đảo 100ha, còn lại là nuôi lồng bè trên sông 157ha.
Ngay tại xã Long Sơn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ổn định trật tự cũng như chính sách liên kết để phát triển nghề nuôi hàu nói riêng và các loài thủy sản nói chung theo hướng bền vững, thương mại hóa, giá trị gia tăng cao. Thế nhưng, việc nuôi trồng thủy sản ở xã đảo còn mang tính tự phát, thiếu bền vững, chưa có sự liên kết chặt chẽ, rõ ràng giữa du lịch với ẩm thực và hướng đến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quý Trọng Bình cho biết, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và xã đảo Long Sơn nói riêng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, ổn định trật tự cho các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi lồng bè trong các khu vực sông. Nhờ đó, các đơn vị như HTX Như Ý Long Sơn có thêm điều kiện để vừa phát triển nuôi trồng thủy sản, vừa thúc đẩy dịch vụ, du lịch.
Tuy nhiên, điều kiện hạ tầng để phục vụ cho việc phát triển nuôi lồng bè trên biển chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Các ứng dụng khoa học kỹ thuật mới chưa được người dân quan tâm đầu tư. Đồng thời, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nuôi lồng bè chưa được quan tâm đúng mức.
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch, ông Bình cho rằng, cơ quan chức năng cần hướng dẫn việc đảm bảo an toàn kỹ thuật trong hoạt động của các bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống ở xã Long Sơn. Việc này vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa giúp các cơ sở nuôi trồng có thêm kiến thức, phục vụ du khách tốt hơn.
Ông Nguyễn Công Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nay, sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm của tỉnh đạt khoảng 300.000 tấn/năm. Diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản vào khoảng 16.153ha, với sản lượng nuôi thương phẩm hàng năm trung bình khoảng 20.486 tấn/năm.
Phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhận định, cả 2 lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và du lịch đều là trụ cột kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tập trung cơ cấu lại việc khai thác hải sản vùng lộng và vùng ven bờ, gắn với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái.
“Đồng thời, tỉnh chuyển đổi các nghề khai thác có tính xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; chú trọng phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông, trên biển, khu vực ven biển và hải đảo theo hướng công nghệ cao”, ông Vinh chia sẻ.
Du lịch | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu Tầm internet