Ngồi trên chiếc xe đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà chị gái ở quận Tân Bình (TPHCM), chị Thúy Anh không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi của thành phố này.
“Tôi sang Mỹ du học từ năm 2000, khi mới 21 tuổi. Đã nhiều năm rồi, tôi mới trở lại Việt Nam. TPHCM phát triển quá nhanh, hiện đại và sôi động, khác xa trước đây”, chị Thúy Anh chia sẻ.
Trong hai tuần về nước, chị “tranh thủ từng giờ” để đến nhiều địa phương nhất có thể, chiêm ngưỡng sự thay đổi của du lịch Việt Nam. Chị ra thăm Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai), tới Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng.
“Hai tuần là quá ít để tôi tận hưởng được vẻ đẹp thiên nhiên, ẩm thực và sự mến khách của con người Việt Nam”, người phụ nữ 45 tuổi tiếc nuối.
“Trước đây tôi từng nghĩ, sau khi đi được hết các quốc gia trên thế giới, sẽ quay trở lại khám phá quê hương. Nhưng chuyến trở về này khiến tôi có những thay đổi. Cảnh quan Việt Nam quá đẹp, không hề thua kém bất cứ quốc gia nào. Tôi phải dành nhiều thời gian hơn để chiêm ngưỡng, chụp ảnh và giới thiệu với bạn bè khắp thế giới”, chị Thúy Anh nói.
Cô bé nghèo mang “ước mơ điên rồ”
Chị Hoàng Thúy Anh đang sinh sống và kinh doanh tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ. Chị có hàng chục ngàn người theo dõi trên mạng xã hội nhờ những bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch ấn tượng, nhất là những điểm đến ít thông tin như Bora Bora, Greenland… hay “vùng đất bí ẩn” Israel, Palestine, Arab Saudi, Kenya, Madagascar…
Chị Thúy Anh cho biết, đi vòng quanh thế giới là ước mơ từ khi lên 5, 6 tuổi của chị.
“Đó là ước mơ điên rồ với một cô bé nhà nghèo, bữa no bữa đói như tôi khi ấy”, chị tâm sự.
Năm 5 tuổi, khi đi qua cổng trường học Ngô Sĩ Liên, chị Thúy Anh nhìn thấy tấm biển giới thiệu lớp học tiếng Anh in hình quả táo đỏ bắt mắt. Chị Thúy Anh xin mẹ cho đi học.
“Mẹ hỏi tôi: “Con học để làm gì”?. Tôi nói: “Con muốn đi ra nước ngoài, đi chơi đây đó”. Mẹ trách: “Nhà chẳng đủ tiền ăn mà còn muốn đi chơi”. Nói vậy nhưng sau đó, mẹ vẫn dành tiền để cho tôi học tiếng Anh”, chị Thúy Anh kể.
“Mẹ tôi là người mẹ đơn thân nghèo khó nhưng rất quan tâm, đầu tư cho việc học của các con. Khi mình không có tài sản gì, chỉ với hai bàn tay trắng, kiến thức là chìa khóa duy nhất để thay đổi hoàn cảnh”, chị xúc động nói.
Năm 21 tuổi, với thành tích học tập tốt và sự bảo trợ của người họ hàng, chị Thúy Anh sang Mỹ du học ngành dược. Ngày đầu tiên nhập trường, chị nhanh chóng đi xin việc làm thêm ở cửa hàng đồ ăn nhanh và được nhận, nhờ vốn tiếng Anh lưu loát.
Sau năm học đầu tiên, với số tiền tiết kiệm từ làm thêm, chị mua vé máy bay để tới Đức tìm bố. Chuyến đi diễn ra sau sự kiện khủng bố 11/9, nên người Mỹ tới châu Âu phải qua rất nhiều khâu kiểm tra an ninh. Chị Thúy Anh lúc ấy rất lo lắng, đặc biệt sợ hãi khi trễ chuyến tàu tới nhà bố và không có điện thoại để liên lạc.
Chuyến đi đầu tiên đầy bỡ ngỡ nhưng vẻ đẹp châu Âu đã làm ước mơ đi vòng quanh thế giới của cô sinh viên người Việt “cháy lên” lần nữa.
Những năm tiếp theo, chị Thúy Anh vẫn vừa học vừa làm, thỉnh thoảng dành tiền đi khám phá thành phố mình sống, các vùng lân cận. Vào năm 2005, khi đã học 4,5 năm tại đại học, chị bất ngờ đưa ra quyết định: Nghỉ học, chuyển tới Texas làm nail (sơn vẽ móng chân, móng tay).
“Đây là điều tôi chưa từng nghĩ tới trước đó. Gia đình tôi đều làm bác sĩ, kĩ sư… Khi ấy, công việc làm móng còn bị coi thường, xem là “việc tay chân”. Thế nhưng, tôi nhận ra cơ hội kiếm tiền tốt. Tôi quyết định nắm lấy cơ hội”, chị Thúy Anh cho biết.
Với sự chịu khó, gu thẩm mỹ, cách giao tiếp dễ chịu, chiều lòng khách… chỉ một năm sau, cửa hàng nail đã mang về nguồn thu nhập tốt cho chị. Cũng từ đây, chị bắt đầu có nguồn kinh phí để hỗ trợ gia đình, du lịch đó đây.
Lúc này chị Thúy Anh quay trở lại châu Âu, tới Pháp thăm chị gái. Vẻ đẹp cổ kính, kiêu sa với những người phụ nữ đẹp, diện trang phục lộng lẫy, thời thượng của Paris đã khiến cô gái Việt say mê. Đây cũng là thành phố chị quay lại nhiều lần nhất.
Hàng năm, chị đều dành thời gian đi du lịch châu Á, châu Âu. Lúc đầu là những chuyến đi “giá rẻ”: Săn vé máy bay rẻ, đi tàu lửa, tàu cao tốc để tiết kiệm chi phí, ở nhà nghỉ bình dân…
“Không chỉ đi du lịch để ngắm cảnh, chụp ảnh, tôi để ý đến sự khác biệt, đặc điểm văn hóa của từng địa phương, giao lưu kết bạn với người bản địa. Những chuyến đi trở thành “tài sản” để tôi kể lại, chia sẻ với khách hàng, bạn bè”, chị Thúy Anh kể.
Nhờ “tài sản” này, chị Thúy Anh gây ấn tượng với nhiều khách hàng giàu có, tài giỏi. Họ dành sự trân trọng, ngưỡng mộ cho người phụ nữ Việt “dám ước mơ, dám theo đuổi ước mơ”.
“Những vị khách thân quen lâu năm dạy tôi cách đầu tư, chia sẻ cơ hội và kinh nghiệm. Từ những năm 2010, tôi thành công với đầu tư chứng khoán, mở rộng hệ thống làm đẹp tại Mỹ, có nguồn tài chính rất tốt để thực hiện giấc mơ”, chị kể.
Bắt đầu từ đây, chị Thúy Anh có những chuyến du lịch dài ngày hơn và sang trọng hơn. Chị tới hàng loạt điểm đến nổi tiếng như Santorini, Hy Lạp; thiên đường du lịch biển “đắt đỏ bậc nhất thế giới” như Maldives hay Bora Bora; vùng đất kỳ bí Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ…, ở những khu nghỉ có giá vài ngàn USD mỗi đêm. Chị cũng chi rất nhiều tiền để có cơ hội tới Nam Cực, Bắc Cực.
“Tới nay, số tiền tôi dành để du lịch có thể tới hơn 3 triệu USD (hơn 70 tỷ đồng). Tôi hạnh phúc mỗi ngày khi cố gắng thực hiện ước mơ”, chị chia sẻ.
Du lịch trong đại dịch
Khi đã có điều kiện tài chính, để sớm đạt ước mơ đi vòng quanh thế giới, cứ khoảng 5 tuần làm việc, chị Thúy Anh lại dành 10-14 ngày du lịch.
Chị tham gia những tour chụp ảnh động vật hoang dã ở Entim Camp, Kenya, nơi mà khoảng cách giữa du khách và báo, sư tử chỉ là cánh cửa xe ô tô. Ở đây, chị tận mắt chứng kiến cuộc di cư vĩ đại của hàng nghìn con linh dương từ Tanzania đến Kenya, vượt qua sự đe dọa của những đàn cá sấu hung tợn ẩn nấp dưới sông.
Chị Thúy Anh đã tới chiêm ngưỡng cả 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Ngay trước khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, chị có chuyến đi dài 2,5 tháng đến 7 quốc gia (Oman, Bulgaria, Pháp, Morocco, Qatar, Arab Saudi, Maldives) và một chuyến kỷ niệm sinh nhật bạn tại Colombia.
“Ngày 15/3/2020 tôi trở về Dallas thì 16/3/2020, thành phố đóng cửa, chính thức bước vào cuộc chiến chống Covid-19. Nếu chậm chỉ một ngày thôi, tôi sẽ phải ở lại Colombia”, chị Thúy Anh kể.
Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, chị Thúy Anh phải chôn chân ở nhà 6 tháng liên tục. Những thông tin dịch bệnh bao trùm, cuộc sống im ỉm trong bốn bức tường khiến chị mệt mỏi, ngột ngạt. Khao khát được tiếp tục khám phá thế giới trỗi dậy hơn bao giờ hết.
“Chính quãng thời gian này khiến tôi nhận ra cuộc sống có hạn, tôi cần phải nhanh chóng thực hiện ước mơ”, chị nói.
Tháng 9/2020, khi một số đường bay tại Dallas mở cửa trở lại, chị Thúy Anh vội vã săn lùng các điểm đến. Chị lựa chọn tới Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia.
Di chuyển trong thời điểm dịch còn diễn biến phức tạp, chị được chứng kiến những cảnh tượng “chưa từng thấy”. Nữ du khách “hoảng hốt” khi tới sân bay Paris – nơi chuyển tiếp chuyến bay sang Thổ Nhĩ Kỳ. Sân bay vốn đông đúc bậc nhất thế giới nay heo hút, vắng bóng người, các cửa hàng đóng im lìm.
Thật may, Istanbul – thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ dường như “trái ngược với phần còn lại của thế giới”. “Nơi đây vẫn diễn ra các hoạt động du lịch như không hề có Covid-19”, chị Thúy Anh kể.
Thời điểm này, lượng khách trở lại du lịch chưa nhiều, chị Thúy Anh trở thành vị khách hiếm hoi. Cũng nhờ đó, chị được phục vụ “như một bà hoàng”, điều mà nếu du lịch ở thời điểm bình thường, khó lòng được trải nghiệm.
Trở về Dallas vào tháng 10/2020, chị Thúy Anh giật mình khi dịch bệnh lại bùng phát, đường bay thẳng tới Paris bị đóng lại, Croatia cũng đã đóng biên giới để phòng dịch chỉ sau khi chị rời đi một tuần. Dù trước đó, khi chị ở Croatia, người dân còn không hề đeo khẩu trang.
Không thể tới các châu lục khác, chị Thúy Anh chuyển hướng sang các địa điểm quanh nước Mỹ. Chị chi số tiền rất lớn để đặt 7 đêm ở resort Sugar Beach – điểm đến nổi tiếng được nhiều ngôi sao quốc tế ưa chuộng tại Saint Lucia, đảo quốc phía đông vùng biển Caribe. Thời điểm đó, giá phòng tại đây là 5.500 USD/đêm (gần 130 triệu đồng). Sau đó hai tháng, khi du khách quay trở lại, căn phòng chị Thúy Anh ở đã có giá lên tới 25.000 USD/đêm (khoảng 580 triệu đồng/đêm, bao gồm thuế).
Đi du lịch trong dịch Covid-19 có nhiều ưu đãi nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ngoài tìm hiểu kĩ thông tin, chuẩn bị kĩ visa, giấy chứng nhận chị Thúy Anh còn phải cập nhật tình hình tại nước sở tại… từng phút. Khi dự định sang Panama đón năm mới, chị Thúy Anh đã phải đặt và hủy chuyến 5 lần vì quốc gia này “cứ đóng, lại mở”. Ban đầu họ thông báo đóng biên giới 3 ngày nhưng sau đó kéo dài 5 ngày, 7 ngày, 10 ngày và đến 15 ngày sau mới chính thức đón khách trở lại.
Hành trình du lịch chính là tài sản
“Một doanh nhân Mỹ từng nhận xét tôi giàu hơn tỷ phú, không phải bởi tiền bạc mà là bởi trải nghiệm tôi có được khi đi vòng quanh thế giới”, chị Thúy Anh bộc bạch.
Cuối năm 2022, chị có chuyến du lịch đón Giáng sinh 2022 đặc biệt ở Greenland – quốc gia thứ 100 chị đặt chân tới. Đây là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, hòn đảo lớn nhất thế giới nằm trong vùng khí hậu Bắc cực – nơi mùa đông không có mặt trời mọc. Những ngày mùa đông tháng 12, nơi đây chỉ có chút ánh sáng yếu ớt le lói, nhiệt độ ngoài biển có thể hạ xuống -35 độ C.
Air Greenland là hãng hàng không duy nhất từ Copenhagen (Đan Mạch) tới Greenland trong mùa đông (từ tháng 11 tới tháng 1) với tần suất 2 chuyến/tuần. Vé máy bay khứ hồi khoảng 1.700 USD (khoảng 40 triệu đồng). Họ sử dụng loại máy bay rất nhỏ, chỉ chứa khoảng 30 hành khách và thường xuyên bay không đúng giờ. Một số hãng máy bay khác chỉ đưa khách tới Greenland vào mùa hè.
Ngay từ trên máy bay, chị Thúy Anh đã bị thu hút bởi vùng đất trắng xóa băng tuyết, nơi tất cả các con sông đều đóng lớp băng dày.
Tại đây, nữ du khách đã trải nghiệm cuộc sống ngư dân của người Eskimo – tộc người được mệnh danh là chịu rét giỏi nhất hành tinh. Chị lênh đênh trên chiếc ca nô để ra biển đánh cá, nơi mà rất nhiều tảng băng trôi khổng lồ ngáng đường.
“Mình có thể nghe tiếng băng vỡ vụn, tạo nên thứ âm thanh không mấy êm tai. Những cơn gió táp vào người lạnh buốt. Cứ chụp vài tấm ảnh mình lại cóng người, phải chui vô tàu sưởi ấm”, chị Thúy Anh nhớ lại.
Vùng đất này khắc nghiệt nhưng vẻ đẹp thì hiếm nơi nào có được. 10h30 sáng hàng ngày, du khách có dịp thưởng ngoạn bầu trời đổ màu đỏ cam rực rỡ. Hiện tượng này chỉ diễn ra trong mùa đông. Greenland cũng là địa điểm tuyệt vời để ngắm cực quang mỗi ngày.
“Hành trình khắc nghiệt nhưng mình đã chiêm ngưỡng được vẻ đẹp Greenland, trải nghiệm cuộc sống ngư dân một cách chân thật nhất. Đây là trải nghiệm không nhiều người có được”, nữ du khách bày tỏ.
Đầu năm 2023, sau hành trình khám phá Bắc Cực, chị Thúy Anh tiếp tục “săn lùng” thông tin, tìm đường tới Nam Cực. Chuyến đi kéo dài 8 ngày đêm với chi phí tour 18.000 USD (gần 430 triệu đồng).
Tại đây, chị được chèo thuyền đi ngang qua những tảng băng trôi tuyệt đẹp. “Có những lần tảng băng vỡ ra, tạo thành con sóng khổng lồ, có thể lật úp chiếc thuyền của tôi bất cứ lúc nào. Tiếng băng rạn vỡ nghe như tiếng bom nổ, vang dội một góc trời”, nữ du khách kể lại.
Chị Thúy Anh cùng 57/80 thành viên khác trong đoàn tham gia cuộc thi Polar Plunge. Họ buộc một sợi dây vào xung quanh thắt lưng, hít một hơi thật sâu rồi nhảy ùm xuống biển Nam Cực.
Ngày cuối, trước khi chia tay Nam Cực, biển động dữ dội. Khi cả đoàn đang tham gia buổi họp mặt thì cơn sóng lớn đổ tới, làm con tàu chao đảo, hầu hết mọi người đều rơi vào cảnh say sóng. “Tôi định tới phòng y tế xin một vài viên thuốc chống ói nhưng hàng chục người đang xếp hàng chờ. Tôi đành trở về phòng, cố gắng ngủ để vượt qua cơn say sóng”, chị Thúy Anh nhớ lại.
Chị Thúy Anh luôn chuẩn bị rất kĩ càng trước các chuyến đi từ thông tin du lịch, an ninh, giấy tờ thủ tục, visa và cả trang phục. Chị thích mặc đẹp khi đi du lịch, để ghi lại những khoảnh khắc đẹp và vui vẻ ở những nơi mình ghé qua. Một phần chi phí khá lớn được chị sử dụng để đầu tư cho trang phục.
“Tôi duy trì việc tập luyện thể thao để có sức khỏe dẻo dai. Nếu có tiền nhưng không có sức khỏe, tôi không thể thực hiện giấc mơ của mình. Khi đi một mình, tôi đặc biệt cẩn trọng trong bảo quản hành lý, tiếp xúc với người lạ và tránh tới nơi vắng vẻ”, chị cho biết.
Chị Thúy Anh đang “tăng tốc” để đạt được mục tiêu đi hết các quốc gia trên thế giới và chia sẻ nhiều hình ảnh, thông tin hữu ích tới người yêu du lịch. Hiện tại, chị đang khám phá hai quốc gia Guatemala và Jamaica.
“Riêng Việt Nam, tôi không liệt kê vào danh sách các điểm đến yêu thích nhất vì Việt Nam là nhà”, nữ du khách chia sẻ.
Có một điều thú vị, khi tới bất cứ điểm đến nào, chị Thúy Anh cũng hỏi nhân viên khu nghỉ, hướng dẫn viên hay người bản địa về các quán ăn Việt. Nếu có, chị sẽ tới trực tiếp thưởng thức để vơi bớt nỗi nhớ quê hương.
“Ngay cả ở những nơi rất xa như Marrakesh – thành phố của Vương quốc Maroc, Angola, Namibia tôi cũng tìm thấy hàng quán bán phở Việt Nam. Dù hương vị không thực sự ngon như phở tại quê nhà nhưng sự xuất hiện của món ăn Việt nơi xứ người vẫn khiến tôi tự hào”, chị chia sẻ.
“Thậm chí ở nhiều vùng châu Phi nghèo khó, có những người Việt tới lập nghiệp và rất thành công, được người bản địa ngưỡng mộ. Mỗi lần nghe thấy điều ấy, tôi hạnh phúc vô cùng”, chị Thúy Anh bày tỏ.
Thời gian tới, nữ du khách dự kiến sẽ trở về Việt Nam nhiều hơn để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của quê hương.
Ảnh: NVCC
Du lịch | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu Tầm internet