Cũng theo Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Hà Giang, tổng doanh thu du lịch của địa phương miền núi phía Bắc này tính từ đầu năm tới hết tháng 8 ước đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Trong tháng 9, ngành du lịch Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, các trang web do ngành quản lý.
Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang, địa phương này xếp thứ 25 trong top 52 điểm đến lý tưởng để ghé thăm trong năm 2023 của tạp chí danh tiếng The New York Times. Theo đó, trải nghiệm phải thử là một chuyến phượt bằng xe máy khoảng ba đến năm ngày, tùy thời tiết.
Nằm trong khu vực vùng núi phía bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang sở hữu nhiều ngọn núi cao, vách núi đá hiểm trở dựng đứng, những cánh rừng nguyên sinh đan xen với thung lũng thơ mộng tạo nên một quần thể kiến trúc vô cùng độc đáo và hùng vĩ.
Hà Giang là mảnh đất có lịch sử lâu đời, là nơi quần tụ và sinh sống của 19 dân tộc, mỗi dân tộc mang những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự đa dạng về văn hóa, tuy nhiên sự giao thoa đó không làm mất đi những nét độc đáo của mỗi dân tộc mà ngược lại hòa quện vào nhau, bổ trợ cho nhau tạo nên một quần thể đa văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài Cao nguyên đá Đồng Văn trong top 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá ở Việt Nam do hãng truyền thông CNN (Mỹ) bình chọn, Hà Giang còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh làm mê đắm lòng người, những điểm du lịch nổi tiếng được người dân trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao, như: Cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng, huyện Đồng Văn; đèo Mã Pì Lèng nối liền Đồng Văn với Mèo Vạc nổi tiếng bởi sự quanh co và hiểm trở; ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì; mùa hoa tam giác mạch huyện Mèo Vạc; Dinh thự họ Vương thuộc xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn; chợ phong lưu Khâu Vai ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai…
Bên cạnh đó, Hà Giang còn có nhiều đặc sản nổi tiếng như cam sành, chè shan tuyết cổ thụ, các sản phẩm làm từ hoa tam giác mạch… Nền văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo, đậm đà bản sắc, có thể kể đến như: cháo ấu tẩu của đồng bào người Mông, rêu nướng của đồng bào dân tộc Tày, bánh chưng gù của người Dao Đỏ…
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Triệu Thị Tình, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Chương trình khảo sát xây dựng, công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023 gắn với Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch”.
Đồng thời, Sở đã chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Hội nghị văn hóa tỉnh Hà Giang năm 2023; chương trình đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III và Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ IX tỉnh Hà Giang…
Du lịch | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu Tầm internet