Dù ít đen tối và dữ dội hơn nhiều so với rap nguyên bản, rap Việt cũng chủ yếu xoay quanh những người đàn ông. Từ sau Suboi, có lẽ phải tới khi tlinh và Pháo được các cuộc thi khai quật thì khán giả mới có thêm những cái tên rapper nữ quen thuộc khác.
Vừa qua, tlinh phát hành album đầu tay cộng tác cùng nhà sản xuất 2Pillz và NewL, Ái. Tất cả mọi thứ về Ái đều là một sự nữ tính hóa nhạc rap.
Từ cái tên vừa có nghĩa là “yêu” – chủ đề xuyên suốt của sản phẩm, vừa vô tình có thể là một trong những từ lóng cổ xưa nhất ở Việt Nam để chỉ cộng đồng LGBTQ+, nhưng đã được cộng đồng này dần tái chiếm để bình thường hóa sắc thái của nó, và vì thế cái tên này có thể ngầm ý rằng rap là một dòng nhạc lưỡng tính, rap yêu cả nam và nữ.
Ngay cả phần hình ảnh của Ái cũng nữ tính với chiếc ruy băng hồng uốn thành từ “ái”, với đôi cánh đính hoa và lông vũ trắng. Và tất nhiên, âm nhạc của tlinh – với cách flow giàu giai điệu theo kiểu Lauryn Hill, với âm nhạc pha trộn rap và R&B – cũng rất “ái”.
tlinh – ái (interlude) – OFFICIAL VISUALIZER
Trong track nhạc chủ đề nằm ở giữa album, một track nhạc ngắn chỉ dài hơn 1 phút, giữa âm thanh nền ngân như tiếng chuông, cùng với đó là tiếng nước chảy, chim hót xa xăm – một kiểu âm nền có tính thư giãn, chữa lành, thiền định, thường dùng trong dòng new age, giọng tlinh vang lên êm ái như một nàng công chúa giữa khu rừng.
Cô chỉ lặp lại vài chữ “chỉ là tình yêu là tình yêu là tình yêu”. Những kiểu thanh âm như thế thoạt nhiên là sự đối lập với rap. Bởi hẳn là không ai nghe rap để thực hành tỉnh thức, nhưng bằng cách đưa những thứ trái ngược nhất với rap vào rap, tlinh cho thấy rap là một dòng nhạc bao dung.
Mọi track nhạc còn lại của Ái đều xoay quanh track nhạc trung tâm ấy.
Chúng tỉa ra những suy tư khác nhau về “yêu”, có khi rất yếu đuối và dễ tổn thương như trong Người đẹp ngủ, có khi mất kiểm soát như trong Người điên, có khi rất khêu gợi và mời gọi như trong Làm lành chữa tình, cũng có khi làm nũng rất dễ thương như trong Ghệ iu dấu của em ơi – đĩa đơn vô cùng thành công từng được tlinh phát hành trước đó.
Ghệ iu dấu của em ơi từng bị coi là nhạc rác, phần vì không gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, phần vì lời ca thể hiện nhân vật nữ si tình đang mời gọi người tình.
Người ta không quen nghe một người phụ nữ công khai chơi đùa với người yêu hay khởi xướng trò chơi tình dục.
Nhưng hãy coi rap là một cách để các rapper nữ giải thiêng những huyền thoại tình dục về phụ nữ. Lauryn Hill cũng vậy, Missy Elliott cũng vậy. Và tlinh không có lỗi.
Không theo đuổi vẻ đẹp nhục cảm trong âm nhạc như tlinh, nhưng âm nhạc của Pháo cũng là một sự cởi trói cho tính nữ. Sau bản hit Hai phút hơn hai năm trước, Pháo có sự lột xác với đĩa đơn Trúc xinh lấy cảm hứng từ dân ca quan họ.
Cái tình tứ của làn điệu cổ truyền được “cải biên”, không còn sự e ấp đò đưa theo kiểu “xe chỉ luồn kim” mà trở nên ngang nhiên, thẳng thắn. Thay vì mượn cây trúc xinh để miêu tả mình, cô tự tin khẳng định luôn rằng mình đẹp và không ngại ngùng vì điều đó.
Đến giữa năm, Pháo phát hành thêm đĩa đơn Một ngày chẳng nắng phát triển từ tứ nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên về chú voi con ở bản Đôn chưa có ngà nên còn trẻ con.
Giọng hát lí lắc cùng cách flow nghịch ngợm của Pháo đã tạo nên một bản rap đáng yêu, mường tượng về một nhóm động vật nào là voi không ngà, nào là hổ ăn chay, chúng lạc loài trong bầy đàn mình và rồi chúng đã cùng rủ nhau chơi với rùa và thỏ.
Đó phải chăng cũng rất gần với hình ảnh của những rapper nữ Việt, những mãnh thú chẳng cần móng vuốt hay vũ khí, chẳng cần chạy theo bất cứ dòng chủ lưu nào, và luôn có đủ bản lĩnh để theo đuổi sự tự do của mình?
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed