Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành và gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã đến tham dự. Đặc biệt, bà Thúy Băng – vợ của nhạc sĩ Văn Cao dù tuổi đã cao, sức khỏe rất yếu nhưng vẫn đến dự chương trình từ đầu đến cuối. Ngoài ra, rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức và những người yêu nhạc Văn Cao cũng đã có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội lẫn Quảng trường Cách mạng Tháng Tám để vừa tham dự chương trình, vừa đóng “diễn viên quần chúng”.
“Đàn chim Việt” quy tụ nhiều giọng hát hàng đầu hiện nay như: NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, Mỹ Linh, Hà Trần, Tùng Dương, Lan Anh, Phúc Tiệp, Vũ Thắng Lợi, Đào Tố Loan, Đào Mác, Trang Bùi, Ngọc Minh… cùng dàn hợp xướng và Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời, hàng trăm diễn viên quần chúng. Những bài hát hay của Văn Cao ở cả ba thể loại tình ca, hành khúc và trường ca như: Thiên thai, Buồn tàn thu, Trương Chi, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô, Ca ngợi Hồ chủ tịch, Tiến quân ca, Tiến về Hà Nội, Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam… được các nghệ sĩ thể hiện theo các bản phối được dày công sáng tạo.
Các tiết mục đều được những nhạc sĩ hàng đầu như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Minh Đạo, Hoài Sa, Thanh Phương, Lưu Quang Minh, Đức Tâm, Cao Đình Thắng, Đỗ Bảo, Mai Kiên, Dương Cầm… phối khí mới.
Chương trình cũng quy tụ hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật như Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn quân nhạc Đoàn Nghi lễ Quân đội, Dàn nhạc MUCA – Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, các cháu thiếu nhi… biểu diễn.
Có một điều là trước đó, trong họp báo công bố chương trình, BTC thông báo sẽ có sự tham gia của ca sĩ Ánh Tuyết. Ánh Tuyết là người được coi hát nhạc Văn Cao thành công nhất. Tham gia chương trình, nữ ca sĩ xứ Quảng sẽ thể hiện Buồn tàn thu – một ca khúc từng mang đến cho chị rất nhiều thành công trong các chương trình âm nhạc lớn.
Chia sẻ với Dân Việt, ca sĩ Ánh Tuyết cho biết, chị rất háo hức và xúc động khi được mời tham gia chương trình “Đàn chim Việt” – kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Chị đã chuẩn bị mọi thứ để bay ra Hà Nội tập luyện và biểu diễn thì gặp sự cố sức khỏe. Chị phải tiêm thuốc và truyền nước mong kịp ra Hà Nội nhưng cuối cũng vẫn không được. Chị đành cáo lỗi với BTC, khán giả và mong được lượng thứ.
Đêm nhạc Văn Cao gây ấn tượng với những đại cảnh hoành tráng
Trong chương trình “Đàn chim Việt” mặc dù có những điều được và chưa được về phần âm nhạc và cách thể hiện của nghệ sĩ nhưng phần sân khấu và các tiết mục “đại cảnh” đã để lại rất nhiều ấn tượng. Đặc biệt, tiết mục Tiến về Hà Nội và Tiến quân ca được dàn dựng thành một đại cảnh hoành tráng chưa từng có với sự tham gia của hàng trăm diễn viên và khán giả.
Tiết mục đã thực sự tái hiện lại một cách sinh động bối cảnh “trùng trùng quân đi như sóng/ lớp lớp đoàn quân tiến về” trong bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc Văn Cao trong ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Cách đây, 69 năm, tại Quảng trường 19/8 – trước Nhà hát Lớn Hà Nội, đường phố Hà Nội rợp cờ hoa, người dân Thủ đô ồ ạt ra đường để đón hàng hàng đoàn quân từ chiến khu trở về y như những lời ca mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết nên.
Trước đó, khán giả bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội, khán giả đã hết sức ngỡ ngàng khi đại cảnh “ngày mùa” gặt lúa phơi thóc được tái hiện trên sân khấu. Những thôn nữ áo tứ thân, khăn mỏ quạ “gánh lúa về từng lớp lớp gánh về” đi lại liên tục hai bên lối đi dưới khán phòng Nhà hát.
Ngoài phần âm nhạc, ở sảnh của Nhà hát Lớn Hà Nội cũng đã trưng bày rất nhiều bức ảnh chân dung của nhạc sĩ Văn Cao do nhiếp ảnh gia Đình Toán chụp. Những bước ảnh này từng được công bố trong một số ấn phẩm và triển lãm nhưng cũng có những bức ảnh lần đầu được công bố. Nhiều khán giả ấn tượng khi được xem những bức ảnh chân thực về chân dung của nhạc sĩ Văn Cao.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet