Triển lãm mang tên “Hội An – Nơi đàn chim trở về” lần thứ 2 diễn ra từ 15/9/2023 tại Khu nghỉ dưỡng Chic Chillax ở đường Nguyễn Trãi, TP Hội An; sau khi các triển lãm “Cánh chim Sơn Trà” và “Nơi đàn chim trở về” (mùa 1) đã rất thành công, với những bức ảnh đầy sức quyến mời chụp các loài chim hoang dã (chúng có một “tủ quần áo” sặc sỡ, diêm dúa, chúng ra sân khấu ảnh với các khoảnh khắc trên cả đáng yêu nhất).
Các tác phẩm nhiếp ảnh trên được trưng bày ngay trên cánh đồng lúa chín vàng, dưới các ruộng lúa trong mùa đỏ đòng trĩu hạt, xung quanh nông phu xứ Quảng làm lụng, trâu bò thung thăng gặm cỏ. Đêm về, đèn hắt lẫn đèn lom dom (như của người soi ếch bắt lươn) lan tỏa một không gian kỳ ảo…
Sáng tạo “khét tiếng” trong giới chụp chim Việt Nam và khu vực
Võ Rin là vậy, nghề nghiệp vốn làm đầu bếp, thú chơi nhiếp ảnh và máy bay mô hình khổng lồ bay lượn đã ăn vào máu. Dù khá trẻ, lại râu ria lãng tử thế, nhưng Rin sống với bạn rất truyền thống và thủy chung. Hẳn rồi, các thú chơi phá cách “hết hồn” của hắn thì danh bất hư truyền. Ít ai ngờ, với khả năng điều khiển máy bay mô hình (và flycam) kinh điển, Rin được mời quay phim cho các hãng truyền hình danh tiếng ở trời Tây, mời tham gia huấn luyện một số đơn vị trong hoạt động quan trọng của họ… trên bầu trời (vụ này tôi chỉ tiết lộ đến vậy thôi). Cậu liên tiếp lọt vào Top các nhiếp ảnh gia chụp chim hoang dã “có số má” của thế giới, với các cuộc bầu chọn uy tín. Triển lãm “Cánh chim Sơn Trà” tại Đà Nẵng thành công; rồi “Nơi đàn chim trở về” (lần 1) gây tiếng vang đặc biệt; đến mức: cơ quan hữu trách TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tính tới việc tổ chức triển lãm ảnh thường niên cho Mr. Võ Rin.
Võ Rin sống thật, sống chậm hơn người khác một chút vì thói đa cảm, tôi đoán thế. Và cũng do vậy mà Rin được nhiều người quý đặc biệt, hơn đứt các cánh láu tôm láu cá (như tôi chẳng hạn, nói thế cho đỡ đụng chạm). Cũng lại do thế, ảnh của Rin thường rất kĩ càng, trau chuốt, nghe nói làm nghề nhiếp ảnh chụp sản phẩm và các công trình kiến trúc cho doanh nghiệp (để họ PR), Rin rất giỏi về kỹ thuật và hậu kỳ ảnh và video. Song, như nhiều người trong giới nói, Rin chụp ảnh chim trời kĩ đến mức, rất rất nhiều khi, bấm máy về in ra trưng bày triển lãm, khỏi cần chỉnh sửa.
Theo nhiều “chuyên gia” chụp chim trời và động vật hoang dã chúng tôi tham vấn ý kiến, thì tay máy Võ Rin nổi bật có hai yếu tố “nghề nghiệp” được chú ý đặc biệt.
Thứ nhất, Rin yêu và chịu khó lăn lộn, am hiểu tập tính của các loài chim, nên có thể bò, trườn, tiếp cận chúng rất gần. Rin có thể hiểu rõ loài chim đó ăn gì, thói quen sinh hoạt ra sao, mùa nào thì chúng đẹp nhất (đôi khi cả việc chúng đang nghĩ gì). Rin cũng nghĩ ra cách dùng bộ đàm để người ở xa dùng ống nhòm thông báo với người đang bò tiếp cận con chim nước mải kiếm ăn. Rin hiểu, vì mình đang bò trườn thấp hơn tầm mắt của lũ chim (nên theo tập quán, nó “coi khinh” không cảnh giác). (Hồi tháng 8/2023 vừa rồi, Võ Rin được mời ra Hà Nội, giao lưu trực tiếp trên sóng VTV về chủ đề chụp chim hoang dã. Nhà Đài mời Rin mang theo một cái chảo chống dính – gắn bó với nghề đầu bếp của Rin – để cùng MC nói về sáng tạo bất ngờ của NSNA này. Rin gắn phần đầu của chân máy ảnh vào trong lòng chảo chống dính, cứ thế lắp máy ảnh vào rồi đẩy cái chảo trườn trên cát và nằm dài rình chụp ảnh chim nước. “Thiết bị lạ” do Rin nghĩ ra này dần được phổ biến khắp Việt Nam và sang tận Thái Lan… Người chụp vừa có chân máy lý tưởng để chụp ảnh chim nước ở tầm thấp (tránh lũ chim thấy máy cao hơn chúng rồi hoảng sợ); vừa giúp người trườn bò có thể đẩy máy ảnh nặng có khi ngót chục cân đi trên cát, bùn một cách dễ dàng.
Võ Rin cũng là người tận tụy sáng tạo ra các cỗ phao có gắn chân máy để di chuyển các cỗ máy vài trăm triệu đồng an toàn trên đầm nước lớn, bên trên có trùm lưới ngụy trang. “Thuỷ sa chiến” từ từ tiến lại gần mà đàn chim vẫn nghĩ là có một đám bèo trôi vô tình nào đó…
Thứ hai, Võ Rin là người tận hiến cho “nghề chụp chim”. Khác với các doanh nhân, người giàu có (hoặc thu nhập tốt) bận rộn khác, họ chụp chim như một thú vui “thích thì rẽ chơi”. Võ Rin chỉ đắm đuối nghiên cứu và chụp chim trời, tâm huyết với chủ đề này, nên cậu… thường “vô sản”. Tiền bạc, thời gian, trí tuệ, đổ cả vào thế giới hoang dã. Mà các bức ảnh, dù đẹp cũng cơ bản không đem lại thu nhập, triển lãm cũng chỉ là một thú chơi “tao nhã” phi lợi nhuận (nếu không nói là “ban tổ chức” rất tốn kém). Võ Rin không muốn nghèo và cũng không ai muốn Võ Rin nghèo. Nhưng, ở góc độ hy sinh vì nghệ thuật, đây là một chi tiết đáng trân trọng ở tay máy chụp thiên nhiên hoang dã hết mình ấy.
Những bức ảnh “sứ giả bầu trời” có sức truyền cảm hứng
Có những chủ đầm sen mênh mông ở Đà Nẵng, vì cảm cái tình với thiên nhiên hoang dã của anh chàng râu ria đen nhoáy dài thượt suốt ngày bì bõm ôm phao lớn, vác máy ảnh ống dài như đại bác chụp chim ở ngoài cánh đồng, ngoài ao hồ – mà tình nguyện cho Rin toàn quyền “sở hữu” tất cả các loài biết bay ở đó. Vào cửa không cần xin phép. Dựng lều năm này qua năm khác mà “dụ” chim về chụp. Mùa đến, lại vừa bán rẻ; nhiều khi là cho không bạn trong nhóm của Rin được hái hoa sen đem đi bán đại trà phục vụ cái đam mê chim chóc của mình. Nhiều ông bà chủ các khu khách sạn, resort (tiêu biểu như anh Phạm Vũ Dũng, chủ nhân khu khách sạn nghỉ dưỡng nổi tiếng Chic Chillax ở đường Nguyễn Trãi, TP Hội An, nơi diễn ra triển lãm khai mạc vào 15/9/2023 này!) còn xin ảnh chim hoang dã do Rin chụp mà treo khắp các phòng, các sảnh, các cầu thang, các khu… nhà tắm, để cho nó đẹp, để thu hút khách trong và ngoài nước. Rồi họ mời Rin về tổ chức triển lãm tại khuôn viên của họ, lắm lúc “đài thọ” cả vé máy bay để Rin tự tin trân quý mời các vị khách đặc biệt vào chiêm ngưỡng ảnh chim.
Tôi và Rin đi ra Côn Đảo, trở thành những người chụp chim hiếm hoi được sống với hàng vạn con chim hoang dã cùng lúc bay kín bầu trời, chim và trứng chim phủ kín cả một hòn đảo (tên là Đảo Trứng luôn). Tiếng kêu đinh tai nhức óc. Nhiều người hồn nhiên nghĩ chúng tôi đột nhập vào đó rồi làm tổn thương hay sang chấn cho các bạn chim hoang dã quý hiếm. Xin thưa, chúng tôi đi theo lời mời và sự hướng dẫn cẩn trọng của ngót chục vị cán bộ, kiểm lâm (có vị 38 năm công tác ở đây và làm trong chính lĩnh vực này đi cùng!), họ làm việc cho Vườn Quốc gia Côn Đảo, rất am hiểu vấn đề này. Bạn hữu hỏi, vì sao Rin được ưu ái lên đó. Xin thưa, ông giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho quý mến các chú em là Võ Rin và tôi. Anh tin và sẽ không bao giờ phải hối hận vì đã tin vào tâm huyết của chúng tôi với bảo tồn. Anh nhờ chị Lài, vợ anh, nấu cơm phục vụ cả đoàn suốt quá trình ở thị trấn Côn Đảo, ăn tại trạm kiểm lâm cơ động, bảo con trai anh Pho (là cháu Nguyễn Đăng Khoa) từ Sài Gòn ra Côn Đảo “vác chân máy cho hai chú”.
Cán bộ sở tại lấy ca-nô siêu tốc của Vườn rèo rèo chồm lên sóng mà đi ra phía các hòn đảo líu ríu mênh mông tràn ngập… chim trời. Đi đâu thì có các lãnh đạo trạm kiểm lâm cầm dao phát mở đường, vạch rừng già tối om mà đi từng bước từng bước. Bộ ảnh của chúng tôi (của Rin là chính), đã được VQG Côn Đảo và một số đơn vị đề xuất làm bộ lịch Tết, phóng to đưa vào trang trí các khu nghỉ dưỡng sang trọng, với đủ loài chim trứ danh của rừng và biển nơi này. Tôi gọi đó là cách đánh thức, truyền thêm cảm hứng cho các bức ảnh chụp chim (sứ giả bầu trời).
“Hố vôi” của giới “săn chim” trên thế giới
Rin tự nhận mình ăn nói không “hoạt ngôn”, ngại phát biểu trước đám đông, có khi VTV3 mời nói chuyện, cậu cũng nằm lo mất mấy ngày. Cu cậu bay ra Hà Nội, ở nhà tôi, vừa làm ly bia vừa băn khoăn, mai lên truyền hình trực tiếp nói gì anh nhỉ. Tôi bảo, cái hay nhất của cậu là ăn nói thật thà, giản dị, giọng “Quảng Nôm” mới đúng chất “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”. Đừng có tập nói liến thoắng như thiên hạ làm gì. Và talk nào của Rin cũng rất ấn tượng.
Lần đầu tôi gặp Võ Rin là ở Vườn Quốc gia Ba Vì, giữa rừng thông rầm rì giỡn gió, đôi khi mây về ùn ùn đặc quánh, chúng tôi ra mắt Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã (thuộc Hiệp hội các VQG và khu bảo tồn). Chúng tôi được cấp một cái thẻ rất oách, đi khắp các VQG và Khu bảo tồn của Việt Nam được ưu ái đặc biệt. Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng (cả nước biết đến với biệt danh “Hùng Chim”), làm ở Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật, phụ trách Chi hội. Hôm ấy, NSNA Nguyễn Mạnh Hiệp (con trai cố Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Bá Thụ, một người mà tôi có nhiều kỷ niệm và đặc biệt trân quý) tặng tôi một bức ảnh chụp chú chim rực rỡ màu sắc. Tôi ôm bức ảnh to đùng (sau khi triển lãm xong) đem ra rừng thông “cốt 400” ngắm nghía, bỏ lên xe 7 chỗ mà loay hoay mãi mới vừa. Về dựng lên nóc tủ lạnh ngắm tiếp đã đôi ba năm. Rồi phải lòng lũ chim hoang dã khắp Việt Nam và thế giới lúc nào không hay.
Hôm ấy, Võ Rin được mời phát biểu, anh bạn khiêm tốn, nói nhỏ bằng giọng xứ Quảng không dễ nghe, gió mây ùn ùn cũng tham gia vào việc át tiếng người nữa. Tôi được “bầu” vào Ban chấp hành chi hội, phụ trách Báo chí truyền thông (oai thật). Bấy giờ, tôi vừa đoạt các giải báo chí điều tra về chủ đề bảo vệ chim trời nên cũng “hăng máu”. Còn đang “dâng kiến nghị” lên các bộ ngành và Chính phủ, thúc đẩy thực thi pháp luật, tìm biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để bảo tồn chim hoang dã ở nước ta.
Sắp ra về, sau cuộc giao lưu với nhiều du khách, với học viên một số trường về lâm nghiệp, bảo tồn. Rin vỗ vai: “Anh vào Đà Nẵng, Hội An, em đưa anh đi chụp một chuyến, anh sẽ biết vì sao bọn em đắm đuối với các “sứ giả bầu trời” đến thế. Mà anh cũng cần vào, đi phá lưới mờ, phá bẫy chim của thợ săn cùng em, anh là nhà báo sẽ hiệu quả hơn. Chứ em lên tiếng họ toàn đuổi đánh. Với tình trạng này, con cháu chúng ta sẽ chỉ “gặp” chim trời (đặc biệt là các loài to “nhiều thịt” và loài quý hiếm!) ở… trong cổ tích”.
NSNA Võ Rin: “Khỉ trên núi Sơn Trà, em còn chụp cảnh chúng chạy nhảy với cái chân cụt. Có khi, con vật tội nghiệp “dính” theo cả cái bẫy kẹp tròn xoe lủng lẳng ở những bàn “tay” nát bấy đã… lên giòi”.
Tôi đã cảm nhận được tâm huyết của Rin từ câu nói đó. Rin không chỉ đi chụp ảnh như một nghệ sỹ lang thang. Mà Rin làm tất cả, bằng trái tim nóng, bằng nhiều trăn trở của một người bị cuộc sống hoang dã hớp hồn.
Về vẻ đẹp của các bộ ảnh nhiều chủ đề của Võ Rin, thì hãy để tự những bức ảnh lên tiếng, tự rung cảm nghệ thuật của mỗi người cứ thưởng lãm đánh giá. Hơn một lần, tôi đã khuyên Rin, cần chia các kho ảnh của Rin ra nhiều chủ đề: chim bón mồi cho nhau, chim ấp trứng nuôi con, chim với hoa lá rực màu, những loài chim nước lung linh… Bởi kho ảnh của Rin quá lớn và cực kỳ phong phú. Và, Rin trở thành một người đi tiên phong khám phá vẻ đẹp và sự đa dạng của các loài chim nước Việt Nam (trước đó, hầu như 100% người ta chỉ lên rừng chụp chim).
Sau khi bay vào Đà Nẵng, lên Sơn Trà, ra Liên Chiểu, vào Hội An, ra Cửa Đại, bay Côn Đảo, rồi đi tứ phương ngũ hoành cùng nhau để chụp chim, tôi đã hiểu, vì sao nhiều người bị lạc vào thế giới đa sắc, ngộ nghĩnh, thương mến, kỳ ảo, bất ngờ (và đầy hàm ý) của các loài chim trên khắp địa cầu mà không thể nào thoát ra được. Tôi chính thức “lọt hố vôi”, như lời Võ Rin viết trong giấy mời dành cho tôi trong buổi triển lãm năm 2023 này. Hố vôi, khi “tôi vôi” để phục vụ các công trình xây dựng, thì nhiệt độ ở đó cao khủng khiếp, vôi cục ngấm nước sủi ùng ục, khói tỏa miên man cuồn cuộn như bể dung nham núi lửa vậy. Với các ống kính siêu đắt, siêu zoom, với các thân máy đắt bậc nhất trong các cỗ máy chụp hình của nhân loại, “hố vôi” tiền bạc thật sâu và nóng. Hố vôi thời gian di chuyển rồi rình rập chụp chim cũng đáng gờm không kém. Hố vôi nữa là tình yêu thiên nhiên vô bờ bến, vẻ đẹp sặc sỡ, tiếng hót mê hồn và sự phong phú đến bất ngờ của các loài chim – bạn vào đó rồi, thật khó để thoát ra. Và quan trọng hơn là bạn không muốn thoát ra.
Tiếng màn chập 30 ảnh một lần bấm cứ mê man đi vào giấc mơ của nhiều người bạn tôi, trong cái “hố vôi” đó. Rồi, bất ngờ hiện ra liên tiếp các bức ảnh đẹp “sởn da gà”. Cùng một loài chim, cùng một tán cây rừng, vạn lần chụp, không bức ảnh nào giống nhau, bởi hiệu ứng ánh sáng đầy đắm say, bởi mỗi ban mai, mỗi mùa ghép đôi hay tán tỉnh nhau, thì chim mái chim trống có một sắc diện không giống bất cứ sát na nào của chúng trước đó (Riêng Việt Nam có tới gần 900 loài chim). Bởi tâm trạng của bạn nữa. Bởi tâm trạng của người xem nữa. Không ai tắm hai lần trong một dòng sông. Bởi nghìn thứ khác. Tất cả làm nên một thứ. Ấy là cái Hố Vôi của Võ Rin và của giới chụp chim trên thế giới nói chung.
Đôi khi, Rin bảo, anh em mình chụp gì đó về thế giới hoang dã, về voi, về tê giác, sư tử hay bươm bướm, chuồn chuồn. Tôi đi châu Mỹ, đi châu Phi, đi mấy chục quốc gia chụp đủ thứ cũng đã từng thử như Rin nói. Nhưng thử rồi, lại bỏ cuộc và trở về với chim. Thế mới lý giải được vì sao loài người, khắp mọi ngóc ngách của quả đất, đều có giới đi xem chim trời và đi chụp chim hoang dã. Nghề birdgude (chuyên gia hướng dẫn xem, chụp chim) thu bộn tiền. Bởi chim phân bố khắp thế giới, sắc màu, hình dáng, tiếng hót, tập tính của chúng vô cùng đa dạng. Thêm nữa, cái này quan trọng: các bạn chim đều rất “ăn” ảnh và rất chịu khó trình diễn. Thật khó để giúp ai đó “ngoại đạo” tin vào các luận điểm kể trên của tôi, nếu bạn chưa từng cầm máy và thử “săn chim” như kiểu Võ Rin.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet