Vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi ở Long Biên: Lời khai của nghi phạm
Đối tượng Nguyễn Đức Trung (giữa) – nghi phạm bắt cóc bé trai 7 tuổi ở Long Biên – thời điểm bị bắt giữ. Nguồn: TTXVN
Ngày 15/8, thông tin chính thức từ Công an TP.Hà Nội, liên quan vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi ở quận Long Biên (Hà Nội), hồi 19 giờ 40 phút ngày 14/8, Công an phường Việt Hưng (Long Biên) tiếp nhận tin báo từ gia đình chị Đ.T.H (trú tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên) về việc con trai chị H (SN 2016) bị một đối tượng nam giới đeo khẩu trang bắt, đưa lên xe ô tô khi đang đi xe đạp tại khu vực gần nhà. Sau đó, chị H nhận được điện thoại yêu cầu gia đình nộp 15 tỷ đồng để “chuộc” con.
Nghi phạm bắt cóc bé trai 7 tuổi ở Long Biên khai do nợ nần nên đã gây án. Ảnh cắt từ clip
Ngay sau khi nhận được thông tin, Giám đốc Công an thành phố đã triệu tập lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ về Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố, trực tiếp chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường với quyết tâm nhanh nhất giải cứu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cháu bé.
Clip thời điểm bé trai bị bắt cóc ở Long Biên.
Quá trình điều tra, thông tin về đối tượng gây án hầu như không có, các đơn vị nghiệp vụ đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện bố trí mật phục, đón lõng tại những địa điểm để lại dấu vết của đối tượng; phối hợp công an các tỉnh xác minh thông tin về đối tượng gây án…
Sau gần 10 tiếng trắng đêm truy lùng, đến khoảng 5 giờ ngày 15/8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hà Nội phối hợp Công an quận Long Biên và các đơn vị nghiệp vụ đã bắt giữ được nghi phạm gây án là Nguyễn Đức Trung (SN 1992, quê huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), giải cứu thành công cháu bé về với gia đình bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Tại cơ quan công an, bước đầu, đối tượng khai nhận do nợ nần nên nảy sinh ý định bắt cóc trẻ em để đòi tiền chuộc. Khoảng 19 giờ ngày 14/8, Trung điều khiển ô tô đi nhiều vòng quanh khu đô thị Việt Hưng thì phát hiện con trai chị H đang đạp xe nên đã khống chế, bắt cóc cháu.
Hiện Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục phối hợp các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm đối tượng theo quy định pháp luật.
Nổ cực lớn trên phố Yên Phụ (Hà Nội), nhiều người bị thương
Như Dân Việt đã thông tin: Khoảng 10h sáng nay (15/8), nhiều người dân sống tại phố Yên Phụ (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) bất ngờ nghe thấy tiếng nổ cực lớn phát ra từ quán lẩu 42K ở số 42 Yên Phụ.
Hiện trường vụ nổ lớn ở Yên Phụ, Hà Nội khiến nhiều người bị thương. Clip: Đ.N
Lúc này, mọi người chạy sang thì phát hiện 3 người bị thương, trong đó có 2 thợ sửa gas và 1 nhân viên của quán. Ngoài ra, vụ nổ cũng khiến 1 người đi đường bị thương.
Vụ nổ lớn ở Yên Phụ, Hà Nội gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: Gia Khiêm
Theo người nhà chủ quán cho biết, trước đó khí gas có dấu hiệu bị rò rỉ và được phát hiện từ đêm qua nên sáng nay quán gọi thợ đến sửa chữa thì xảy ra sự việc.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường điều tra làm rõ nguyên nhân. Người dân đã nhanh chóng đưa các nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Trong số này có 2 người bị thương rất nặng.
Tại hiện trường, mảnh kính vỡ vụn văng xa hàng chục mét, một góc khu phố tan hoang. Rất đông người dân đứng theo dõi hiện trường.
Khởi tố, bắt tạm giam một thẩm phán Tòa án tỉnh Gia Lai nhận hối lộ
Sáng 15/8, theo nguồn tin của PV Dân Việt, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Võ Đình Sớm (thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai) để điều tra về tội “Nhận hối lộ”.
Ông Võ Đình Sớm – Thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai – bị khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về tội “Nhận hối lộ”.
Trước đó, TAND tỉnh Gia Lai phân công ông Sớm thụ lý, xét xử vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông P.A.T (64 tuổi, trú phường Yên Thế, TP.Pleiku, Gia Lai) và bị đơn là Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (đơn vị được UBND tỉnh Gia Lai giao quản lý đất rừng phòng hộ).
Trong quá trình thụ lý vụ án, ông Sớm yêu cầu ông T đưa trước 500 triệu đồng để giải quyết cho thắng kiện. Việc này đã được ông T tố giác gửi cơ quan chức năng.
Ngày 4/8, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và tiến hành khám xét phòng làm việc của ông Võ Đình Sớm tại TAND tỉnh Gia Lai, thu giữ 500 triệu đồng là số tiền mà ông T đã đưa cho ông Sớm theo yêu cầu.
Cụ thể, số tiền này được bọc trong túi nilông màu đen với 16 cọc tiền, gồm 6 cọc tiền có mệnh giá 500.000 đồng và 10 cọc có mệnh giá 200.000 đồng.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao giải quyết theo quy định.
Nghi phạm đâm chết người trên Quốc lộ 1 ra đầu thú
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 15/8, nguồn tin từ Công an huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) cho biết, nghi phạm dùng hung khí đâm chết người trên Quốc lộ 1 đã ra đầu thú.
Nguyễn Đức Khánh – nghi phạm đâm chết người trên Quốc lộ 1 – đã ra đầu thú. Ảnh CACC
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, sau nhiều giờ tổ chức truy bắt và vận động, lúc 22 giờ ngày 14/8, Nguyễn Đức Khánh đã đến cơ quan công an đầu thú.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01), Công an tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Nguồn tin ban đầu từ Công an cho biết, nghi phạm tên là Nguyễn Đức Khánh đang sinh sống trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định, giữa nghị phạm Nguyễn Đức Khánh và anh Cao Trúc Linh (SN 1992 ngụ xã Hàm Kiệm) có xảy ra mâu thuẫn. Vào thời điểm trước khi xảy vụ việc, giữa 2 bên có xảy ra cãi vã và thách thức nhau.
Sau đó, anh Linh đã bị Khánh dùng hung khí đâm nhiều nhát vào người. Thời điểm này còn có một thanh niên khác tên Duy cũng bị Khánh dùng hung khí đâm gây thương tích.
Như Dân Việt đưa tin, khoảng 22h ngày 13/8 tại ven đường Quốc lộ 1 đoạn qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) xảy ra vụ một đối tượng dùng hung khí tấn công.
Thời điểm trên, anh Cao Trúc Linh (SN 1992) là dân địa phương đang đi trên đường thì gặp Khánh và sau đó xảy ra án mạng như trên.
Nạn nhân Linh được bạn bè đưa lên xe máy chở đi cấp cứu, nhưng chạy một đoạn thì phát hiện đã tử vong nên dừng xe máy ven đường và gọi xe cứu thương đến chở thi thể về.
Riêng nạn nhân Duy được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận cấp cứu.
Ngay sau khi nhận thông tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam đã đến bảo vệ hiện trường và phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Thuận đến khám nghiệm hiện trường, trưng cầu khám nghiệm tử thi và truy tìm hung thủ.
Nguyên Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hoá khóc khi khai về việc nhận “cảm ơn” 3 tỷ đồng
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 15/8, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xét xử đối với bị cáo Phạm Thị Hằng – nguyên Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa và 11 bị cáo khác về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015.
Mở đầu phần xét hỏi tại phiên toà, trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hoá thừa nhận cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát là hoàn toàn đúng.
Bị cáo Phạm Thị Hằng thừa nhận, khi triển khai gói thầu số 1 thì các nhà thầu có đến đặt vấn đề, trong đó có Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa. Đơn vị này trước là một phòng thuộc Sở GDĐT Thanh Hóa, sau đó cổ phần hóa, nên có quan hệ với bị cáo Hằng và một số cán bộ của sở.
“Công ty đến đặt vấn đề với bị cáo thì bị cáo có đồng ý về mặt chủ trương nhưng mà vẫn yêu cầu các cơ quan tham mưu, đơn vị cấp dưới phải chấp hành đúng pháp luật. Khi đó, bị cáo luôn luôn nhắc nhở anh em cấp dưới thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về đấu thầu, tin tưởng anh em cấp dưới, nên không xem xét, kiểm tra kỹ, và đã ký thông qua các hồ sơ, văn bản. Khi đó, bị cáo hỏi anh em thì họ nói luôn “làm đúng quy định của pháp luật, không có gì sai” (?).
Nguyên Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hoá cũng thừa nhận, nhà thầu có chuyển “chút kinh phí và đưa cho Nguyễn Văn Phụng, sau đó Nguyễn Văn Phụng có chuyển lại cho bị cáo”.
“Bị cáo nhận 2,8 tỷ đồng từ anh Phụng và 200 triệu đồng chúc Tết từ Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa sau khi 2 gói thầu kết thúc. Khi đưa tiền, anh Phụng nói với bị cáo, kết thúc thì nhà thầu cảm ơn nhà đầu tư một chút ít kinh phí”, bị cáo Hằng thừa nhận.
Bị cáo Phạm Thị Hằng cũng cho biết thêm, việc thanh quyết toán gói thầu thứ 2 là do giám đốc mới, lúc này bị cáo đã chuyển sang Ban Tuyên giáo. Đơn vị trúng thầu cảm ơn nhưng bị cáo không nhận trực tiếp mà nhận qua bị cáo Nguyễn Văn Phụng. Nguyên Giám đốc Sở GDĐT cũng thừa nhận việc tiền do “tạo điều kiện” mà có.
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi về hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Thị Hằng đã gây hậu quả như thế nào cho ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa, nữ bị cáo này bật khóc nức nở và nói: “Rất đáng tiếc, rất đau xót”.
Ngày mai, tiếp tục diễn ra phần xét hỏi.
Tin An Ninh Hinh Su