Sinh năm 1989, Phạm Thiên Ân là đạo diễn điện ảnh đến từ xóm đạo ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, nay sống tại Mỹ và làm nghề quay video đám cưới.
Ân là chủ nhân giải Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes 2023 cho phim dài đầu tay Bên trong vỏ kén vàng – phim quốc tịch Việt đầu tiên giành giải thưởng này.
Phạm Thiên Ân trò chuyện với Tuổi Trẻ nhân dịp về Việt Nam đưa phim Bên trong vỏ kén vàng ra rạp.
BÊN TRONG VỎ KÉN VÀNG | Trailer
Cuộc sống của tôi cơ bản bình yên
* Anh kể phim Bên trong vỏ kén vàng được ấp ủ từ những kỷ niệm của ba người bạn thân cùng quê Bảo Lộc (Phạm Thiên Ân và nhà sản xuất Trần Văn Thi, đạo diễn hình ảnh Đinh Duy Hưng)?
– Là những đứa trẻ xóm đạo, trong các gia đình người Công giáo gốc nhưng khi còn nhỏ, chúng tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của tôn giáo, Kinh thánh. Chúng tôi còn có chung niềm đam mê ảo thuật, cùng trình diễn ảo thuật, lúc đó Thi tham gia nhóm.
Đến khi làm bộ phim ngắn mang tên Câm lặng (2016), tôi mới làm về chủ đề tâm linh, tôn giáo, siêu hình. Tôi lan tỏa điều đó cho hai người bạn. Sau đó, tôi tiếp tục làm phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng, phim này thành công dẫn đến phim dài Bên trong vỏ kén vàng.
* Sang Mỹ bạn làm công việc gì và làm sao để duy trì đam mê điện ảnh?
– Tôi cần thời gian để xem phim và nghiên cứu về điện ảnh nhiều hơn nên tôi chọn ngành kiếm tiền được mà vẫn được sống với đam mê, đó là nghề quay video đám cưới. Vợ tôi làm nghề trang trí đám cưới. Hồi ở Việt Nam, tôi kiếm sống tốt bằng nghề này, còn sang Mỹ thì đủ sống.
Trong Bên trong vỏ kén vàng, đầu phim có một người bạn của nam chính muốn rời thành phố để lên núi, tách biệt với thế giới và sống như đi tu.
Tôi đưa ra hình ảnh đó như một con người tỉnh thức nhưng theo cách hài hước, vì tỉnh thức không đơn giản như thế. Tỉnh thức là một quá trình chiêm nghiệm từ từ như nhân vật nam chính, một người đang đi tìm kiếm nhưng chưa kiếm được.
* Điều khá thú vị là trong phim có nhiều nhân vật đi tu?
– Ngày trước, trong xóm đạo của tôi có nhiều người đi tu. Nhân vật anh trai của nam chính trong phim dựa theo hình ảnh một người anh của bạn tôi, có nguyện vọng trở thành linh mục nhưng được bề trên khuyên đi theo ơn gọi lập gia đình. Lập gia đình, sinh con đẻ cái và trở thành người tốt cũng là một ơn gọi.
Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều về tôn giáo từ khi qua Mỹ. Gia đình tôi có đời sống tôn giáo tự nhiên, đức tin mạnh hơn trước, đó là điều chắc chắn. Cuộc sống của tôi về cơ bản bình yên. Điện ảnh đồng hành với đức tin của tôi. Với tôi, điện ảnh là ơn gọi.
Vì sao có những cú máy dài cỡ 30 phút?
* “Nhân vật đi sâu vào bên trong tâm tưởng để tìm lẽ sống” nghe mơ hồ nhưng lại là một hành trình rất cần thiết cho con người hôm nay?
– Khi đối mặt với bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống, nếu mình nhận ra được tiếng gọi bên trong mình thì sẽ cảm thấy rất bình an. Hành trình của nhân vật Thiện là một hành trình tự nhiên của con người.
Tôi để mọi thứ tự nhiên khi Thiện gặp người này, gặp người kia và càng về sau, mình thấy nhân vật càng trưởng thành hơn. Tôi lựa chọn phong cách tối giản cho bộ phim để người xem tự điền vào những chỗ còn thiếu.
Trong quá trình làm phim, kịch bản thay đổi rất nhiều. Từ khi chuẩn bị bấm máy cho đến khi bấm shot cuối cùng, thứ thay đổi nhiều nhất là bối cảnh, dàn cảnh và nảy ra những ý tưởng mới về kịch bản.
Cảnh quay khó nhất của phim là cảnh Thiện đến thăm nhà cụ Lưu, nghe ông kể về những ký ức chiến tranh và đặt tay lên cạnh sườn của ông – nơi có vết thương chiến tranh. Cảnh này mất bốn tuần thực hiện, ban đầu dài 30 phút nhưng về sau tôi giảm xuống thành 25 phút. Đây là cảnh quay one-shot từ đầu đến cuối.
Cảnh này khó bởi phụ thuộc vào thiên nhiên. Tôi cần trời sau mưa, cần gió thật vì nhân vật đi ngoài đường, thêm các yếu tố trẻ con, cụ già và động vật. Người đóng cụ Lưu không phải là diễn viên và không thể nhớ thoại.
Ông có ký ức chiến tranh thời làm quân y nhưng rất rời rạc. Mỗi lần ông thoại là lại khác nhau. Tôi phải làm sao để kết hợp giữa câu chuyện ông nói và thu lại tiếng offscreen, khá đau đầu.
Thứ hai, tôi muốn cảnh đó mang phong cách tài liệu. Máy quay quay từ ngoài và phải tiến vào trong nhà một cách từ từ chứ không được tiến nhanh. Tôi cần triệt tiêu chuyển động máy quay để khán giả không có cảm giác nhân vật đang bị quay phim.
Sự kết hợp giữa lý trí và trái tim
* Bộ phim thuộc dòng slow cinema (điện ảnh chậm) với những cú máy dài 15, 30 phút, bám theo nhân vật từ đầu đến cuối và không bỏ qua diễn biến nào. Nhưng Ân vui vẻ, sôi nổi, nhanh nhẹn?
– Thực ra tôi khá nhanh, nói chuyện với tốc độ nhanh (cười) nên muốn làm phim một cách đối lập. Thứ gì nhanh, tôi cho chậm lại. Thứ gì vui, tôi lật ngược lại để nó buồn.
Khi làm video cưới, tôi cắt dựng rất nhanh. Còn khi đến với điện ảnh, tôi nhận ra điện ảnh phải có độ chậm, dàn cảnh tối giản để bộ phim đi sâu vào khán giả.
Cuộc sống của tôi vui vẻ, nhẹ nhàng, không “drama”. Chính vì cuộc sống vui quá nên tôi làm phim buồn.
Đến những cảnh quay cuối cùng, tôi nhận ra khi mình bỏ qua cái tôi và đón nhận những gì xảy đến một cách tự nhiên, thì cảnh quay lại rất hay. Nó dường như chỉ diễn ra một lần, trở nên rất đặc biệt và khiến bộ phim có linh hồn.
* Cảnh Thiện lái xe trên đường lúc tờ mờ sáng trong sự cô độc, những ánh đèn pha mờ dần trong sương mù, đã được quay như thế nào?
– Cảnh quay đó mất cả tuần để đợi sương mù. Bối cảnh là con đường ngay sát nhà tôi ở Lộc Phát, Bảo Lộc. Sau một tuần chờ đợi, có đúng một ngày có sương mù. Tất cả mọi người đều đã đi vì không thể chờ, nên chỉ có diễn viên Lê Phong Vũ chạy xe máy chở tôi để tôi quay.
Tôi quay cảnh đó vì muốn đưa hình ảnh sương mù ở Lộc Phát quê tôi vào điện ảnh. Điều bất ngờ là cuối cảnh quay thì có một ánh đèn pha sáng lên, như phía cuối con đường sẽ có luồng sáng, đưa chúng ta bước sang một thế giới khác.
* Bạn từng nói sẽ chỉ làm phim về Việt Nam. Trong tương lai, bạn muốn kể điều gì về Việt Nam?
– Việt Nam còn rất nhiều thứ tôi chưa khai thác. Việt Nam mình là một nước đang phát triển, có nhiều thứ lộn xộn, nhưng trong những thứ lộn xộn đó vẫn có cái đẹp.
Người Việt có thể bỏ qua điều đó và người phương Tây cũng không nhận thấy. Tôi muốn dùng điện ảnh để tôn vinh Việt Nam và đưa vẻ đẹp Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Đạo diễn Trần Anh Hùng: Phim của Ân tuyệt hay
Đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ trong email gửi Phạm Thiên Ân sau khi xem phim Bên trong vỏ kén vàng:
“Chào Ân, phim của Ân tuyệt hay!
Đây là một phim rất quan trọng cho giới làm phim ở trong nước và ngoài nước.
Cái nhìn rộng lượng, độ thử thách về ngôn ngữ và khả năng thực hiện rất hoàn hảo và đạt được hiệu quả cao.
Phim của Ân đạt được một độ bí ẩn và thiêng liêng rất hiếm trong điện ảnh vì hai chất này được thể hiện một cách rất sống động trong nhân vật.
Chúc mừng Ân!”.
Đạo diễn Trần Anh Hùng cũng nhận xét Phạm Thiên Ân có khả năng lớn về dàn cảnh mà “có khả năng dàn cảnh là có hết, để ngôn ngữ điện ảnh được thể hiện một cách lộng lẫy”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed