Tham nhũng trong vụ chuyến bay giải cứu đến mức mất tự trọng
Theo bản án sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu, trong số 54 bị cáo, có 5 cựu lãnh đạo, cán bộ bị tòa phạt mức nặng hơn đề nghị của Viện kiểm sát. Ngược lại, có 35 người được tuyên án thấp hơn đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, đa phần thuộc nhóm đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ, gồm 10 người được tuyên án treo.
Hội đồng xét xử xác định nhóm doanh nghiệp đưa tiền cho nhiều bị cáo để mong muốn được tạo điều kiện tổ chức chuyến bay. Có doanh nghiệp đưa nhiều lần, số lượng đặc biệt lớn và sau đó, họ được ưu ái tổ chức chuyến bay nhiều hơn tại những thị trường mong muốn.
Tuy nhiên, nhóm đưa hối lộ phải chịu một trong 2 thủ đoạn của nhóm nhận hội lộ. Thứ nhất, những người có chức vụ chủ động mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền. Thứ hai là gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm buộc doanh nghiệp chi tiền “bất thành văn” mới được cấp phép chuyến bay.
Tại tòa, có bị cáo phạm tội đưa hối lộ còn cho rằng, bản thân bị quan chức ép buộc đưa tiền nếu không sẽ bị phá sản nên: “Đây là cưỡng đoạt tài sản, không phải đưa nhận hối lộ”.
Nhiều bị cáo đưa hối lộ trong vụ án chuyến bay giải cứu được tuyên án nhẹ hơn đề nghị của Viện kiểm sát.
Sau phiên tòa, có ý kiến cho rằng cần giảm nhẹ tối đa hình phạt cho nhóm đưa hối lộ vì doanh nghiệp bị quan chức gây khó khăn nên mới đưa tiền. Thậm chí, có ý kiến cho rằng cần bỏ tội danh đưa hối lộ để “không ai dám nhận hối lộ”, bởi người đưa nếu không bị xử lý hình sự, bất cứ lúc nào cũng có thể khai người nhận.
Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo (Trường Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, việc nhận hối lộ trong vụ chuyến bay giải cứu là “tham nhũng đến mức mất tự trọng” khi lợi dụng chủ trương đúng, nhân đạo để kiếm chác trong dịch bệnh và hoàn cảnh khó khăn của người khác.
Tiến sĩ Bảo khẳng định, không thể bỏ tội danh đưa hối lộ bởi xử lý hình sự hành vi này phù hợp tình hình thực tiễn tội phạm tham nhũng ở Viêt Nam và lộ trình nội luật hóa các điều khoản của công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng vào pháp luật Việt Nam.
Ông phân tích, phần lớn các quốc gia trên thế giới chỉ quy định tội hối lộ. Luật hình sự Việt Nam quy định cụ thể để cá thể hóa trách nhiệm hình sự bằng các tội nhận hối lộ và đưa hối lộ. Tương ứng, tội nhận hối lộ có khung hình phạt (từ 2 năm đến tử hình) cao hơn đưa hối lộ (từ phạt tiền đến tối đa 20 năm tù). Ngoài 2 hành vi trên, Bộ luật hình sự còn quy định về tội môi giới hối lộ.
Tình tiết định tội của đưa hối lộ dựa trên giá trị tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác; nếu hối lộ bằng lợi ích vật chất, phi vật chất được quy định tại khoản 1, Điều 364 thì bị phạt tiền, cải tạo hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán quy định, lợi ích phi vật chất có thể là tặng thưởng, bầu cử, hối lộ tình dục…
Có thể chia làm 2 trường hợp đưa hối lộ, theo Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo. Thứ nhất là bị động, miễn cưỡng phải đưa hối lộ vì “anh không đưa tôi không giải quyết”. Trường hợp này nếu chủ động khai báo trước khi bị phát giác, có thể được miễn trách nhiệm hình sự; nếu bị phát giác, sẽ xử lý nhưng với mức án nhẹ.
Trường hợp 2, nguy hiểm hơn là chủ động đưa hối lộ khi: “Dùng tiền hoặc lợi ích vật chất, tinh thần để mua chuộc; dùng mọi thủ đoạn làm thay đổi, khiến người có chức vụ quyền hạn trở thành bị động, trở nên tha hóa”. Trường hợp này cần xử lý nặng.
Để phân biệt được 2 trường hợp đưa hối lộ trên, cơ quan tố tụng cần lấy thu thập đủ chứng cứ để chứng minh bị can/bị cáo có bị ép buộc, gợi ý, mặc cả… đưa tiền hay không. Qua đó, đưa mức hình phạt tương xứng, như ở bản án sơ thẩm cho các bị cáo vụ chuyến bay giải cứu vừa qua.
Nếu loại bỏ hoàn toàn tội đưa hối lộ, Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo khẳng định có thể dẫn tới gia tăng tình trạng tham nhũng khi những người, tổ chức thuộc trường hợp 2 nói trên sẵn sàng đưa ra lợi ích để người có thẩm quyền “làm hoặc không làm việc nào đó”. Qua đây, phía đưa hối lộ đạt mục đích của mình nên sẽ không chủ động khai báo, kể cả khi không bị xử lý hình sự.
Biện pháp giảm thiểu trình trạng nhận hối lộ, Tiến sĩ Bảo cho rằng cần làm rõ có chế phạm tội của loại tội này là: “Quyền lực + Lòng tham + Vụ lợi“. Người có quyền lực rồi nhưng lại bị tha hóa (có thể do chủ quan hoặc khách quan), ban đầu tham nhũng vặt nhưng sau thành quen, “biến việc cầm tiền từ bất thường thành bình thường”.
“Để hạn chế tình trạng hối lộ nói riêng, tham nhũng nói chung, cần kiểm soát quyền lực và minh bạch trong mọi vấn đề, từ chính sách, kế hoạch, thu nhập, tài sản….”, Tiến sĩ Bảo nói.
Cùng với đó là biện pháp giảm tham nhũng, như trả lương theo vị trí công tác tương xứng, sao cho: “Cán bộ không nghĩ đến bổng lộc nữa hoặc không muốn đánh đổi danh dự, sự nghiệp của mình để tham nhũng, nhận hối lộ”. Làm đồng thời nhiều biện pháp sẽ giúp cán bộ “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng.
Tin An Ninh Hinh Su