Những trận lụt tàn phá khắp miền bắc Ấn Độ đã ảnh hưởng đến đền thờ Taj Mahal. Hình ảnh và video từ truyền thông Ấn Độ cho thấy nước lũ từ sông Yamuna đã chạm tới vành đai tường bao kín của công trình và cũng là điểm du lịch nổi tiếng này.
Một khu vườn nằm phía sau Taj Mahal đã bị ngập trong nước lũ. Tuy nhiên, Cục Khảo cổ học Ấn Độ (ASI), tổ chức chịu trách nhiệm về di tích, cho biết Taj Mahal hiện tại chưa gặp nguy hiểm từ lũ lụt hiện tại.
Đền thờ Taj Mahal bị mưa lũ “bao vây”
Các chuyên gia cho biết hiếm khi nước lũ lên tới tường ngoài của khuôn viên này. Đây là công trình được xây dựng gần thành phố Agra thuộc bang Uttar Pradesh vào thế kỷ 17 bởi hoàng đế Mughal để tưởng nhớ vợ ông qua đời khi sinh con. Hàng triệu du khách đến thăm di tích này mỗi năm.
Mặc dù lũ lụt xảy ra thường xuyên tại khu vực này trong mùa mưa của Ấn Độ từ tháng 6 đến tháng 9, các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và cường độ của chúng.
Chính quyền Ấn Độ cho biết, sông Yamuna – một nhánh của sông Ganga – đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, khiến hàng ngàn người phải sơ tán khi các tiểu bang miền bắc báo cáo hàng chục người chết do lũ lụt nặng nề.
Yamuna, chảy từ dãy Himalaya qua một số bang trên quãng đường khoảng 1.376 kilômét, đã lên đến 208,57 mét tính đến ngày thứ năm tuần trước. Theo Nhóm Đối tác Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới và nằm trong số quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi khủng hoảng biến đổi khí hậu, có thể ảnh hưởng đến 1,4 tỷ người trong cả nước.
Một số khu vực miền bắc Ấn Độ, bao gồm Agra, vẫn có nguy cơ bị lũ lụt cao trong những tuần tới do mưa lớn liên tục và việc xả nước từ các con đập.
Các nhà khoa học đã cảnh báo về những tác động bất thường của biến đổi khí hậu, khiến môi trường trở nên biến đổi không đều. Điển hình là cái nóng mùa hè gay gắt kèm theo mưa lớn kỷ lục dẫn đến lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng trên khắp châu Á. “Có nhiều dấu hiệu cảnh báo, cho thấy đã đến lúc khí hậu thay đổi theo chiều hướng vô cùng xấu”, nhà khoa học khí hậu của NASA Peter Kalmus nói.
“Cả mùa hè này sẽ là một cuộc thức tỉnh lớn, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn từ đây và mỗi mùa hè sẽ tồi tệ hơn mùa hè trước. Hàng tỷ sinh mạng vẫn đang gặp nguy hiểm”, ông nói tiếp.
Taj Mahal đã phải chịu đựng nhiều năm ô nhiễm không khí, dịch côn trùng có hại và du khách vô ý thức, khiến một số phần vẻ ngoài của nó không còn như xưa. Hiện tại, hàng chục di sản thế giới đang đối mặt với nguy cơ lũ lụt và xói mòn khi thời tiết cực đoan trở nên cường độ và tần suất cao hơn.
Các họa tiết và tượng đá hang động cổ của Phật giáo cổ đại trên Con đường Tơ lụa của Trung Quốc, có niên đại từ thế kỷ 4, đang bị “đe dọa trực tiếp” bởi mưa lớn bất thường do biến đổi khí hậu. Một số họa tiết trong hang động đã bắt đầu có dấu hiệu xói mòn và một số hiện vật có thể biến mất trong vài năm tới.
Du lịch | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu Tầm internet