Tập 1 mùa 3 Trạng nguyên nhí vừa lên sóng có sự thay đổi lớn về cấu trúc chương trình. Thay vì mỗi tập có đến 50 thí sinh nhí thì nay chỉ còn 12 bạn được chia đều thành hai đội.
Hiểu tâm tư con trẻ
Các câu hỏi không tập trung nhiều đến kiến thức sách vở mà gần gũi với đời sống hơn như về trò chơi dân gian như chơi banh đũa, hiểu thêm về tranh Đông Hồ, các danh nhân lịch sử qua con số liên quan…
Trailer Hậu Hoàng dẫn chương trình Trạng nguyên nhí mùa 3
Đặc biệt, MC Hậu Hoàng là gương mặt rất “hot” trên mạng xã hội, được các em mê tít với những bản hát chế trên YouTube. Lần đầu dẫn chương trình, Hậu Hoàng đưa từ “ạ” vào câu khá nhiều, chưa phù hợp với một người lớn nói chuyện với các em nhỏ.
Điểm cộng của chương trình nằm ở phần cuối, thi Hội. Chương trình phát clip xúc động về trẻ em khiếm thính lần đầu được nghe tiếng cha mẹ nhờ đeo thiết bị nghe đặc biệt vào tai.
Sau clip, các em dành 5 phút để viết về chủ đề: “Bạn đã bao giờ không muốn nghe lời bố mẹ nói chưa, hãy kể về những kỷ niệm đó và những thanh âm mà bạn muốn nghe nhất mỗi ngày?”.
Ba thí sinh có số điểm cao nhất đã chia sẻ cảm xúc chân thật:
“Có những lúc tôi không muốn nghe ba mẹ nói là vì lúc đó tôi bị ba mẹ la và chửi rất thô lỗ”, “Em thích nhất là khi ba mẹ chửi em vì em có sửa sai khi dựa vào tiếng la mắng. Em thấy những em bé trong phim rất đáng thương”, “Thì ra phụ huynh mắng ta chỉ vì muốn chúng ta tốt hơn mà thôi”.
Khi các em trải lòng mình, phụ huynh cũng phần nào hiểu được tâm tư tình cảm của các em.
Đổi mới vì các em và phụ huynh
Ông Lại Bắc Hải Đăng, đạo diễn chương trình, cho hay ông áp lực khi thực hiện game show dành cho trẻ nhỏ: “Trẻ con luôn muốn xem cái mới. Trạng nguyên nhí là tên cũ còn chương trình được thay đổi nhiều”.
Theo ông, đây là sân chơi nên tính cá nhân đẩy lên cao. Kiến thức Trạng nguyên nhí đến từ kiến thức các bé có được khi xem tivi, nghe bố mẹ nói, xem sách; các câu hỏi về đi dã ngoại, thiên nhiên môi trường… đều thiên về trải nghiệm.
Chương trình Ngôi làng vui vẻ phát sóng trên VTV3 thể hiện ý định tương tự của nhà sản xuất, với đối tượng nhỏ hơn: tuổi mẫu giáo.
Ông Lại Bắc Hải Đăng nhận định truyền hình thiếu nhi gặp nhiều thách thức trong bối cảnh số. Người làm truyền hình phải bắt kịp thị hiếu của trẻ em và cả phụ huynh nữa.
Cùng quan điểm, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A cho rằng một chương trình thiếu nhi có hai nhóm tham gia. Với nhóm thiếu nhi tham gia trực tiếp, người làm chương trình sử dụng văn phong đúng độ tuổi, đúng giá trị thẩm mỹ…
Còn với nhóm thiếu nhi ngồi trước màn ảnh thì người làm nên chú trọng các em học được gì từ chương trình.
“Tôi nghĩ vai trò của nhà sản xuất là phải hết sức chủ động trong việc này. Chính nhà sản xuất là người chọn lọc nội dung đầu tiên cũng là người bảo trợ tâm lý cho các con khi các con gặp tình huống trong chương trình. Đây thật sự là bài toán khó của người lớn.
Giáo dục trẻ con chưa bao giờ đơn giản ngay cả khi bạn cho rằng bọn trẻ trải nghiệm từ trò chơi truyền hình đơn giản”, tiến sĩ Tô Nhi A kết luận.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed