Cuốn sách kể chuyện một làng ở vùng đồng Bắc Bộ. Làng đó trong truyện có tên là Hà Đồng. Làng đó được trời đất cho hàng năm có một mùa rươi vào cữ tháng chín, tháng mười âm lịch, “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” như dân gian nói. “Chả biết giời đất có những mối giao hoà bí ẩn nào mà trên giời cứ phải thoắt thế này, thoắt thế kia, còn dưới mặt đất nước triều lên tràn bờ là lũ rươi cũng lũ lượt chả biết từ đâu chui lên mặt nước như trấu vãi. Nước càng lên to thì lũ rươi cũng càng lên nhiều hơn. Nước rút dần thì chúng nó cũng biến đi đâu dần. Lúc nó kéo nhau ra thì cứ như vãi trấu, như gieo vừng, biến hoá khôn lường. Mặt nước lúc đầu chỉ loáng thoáng, những con mới lên bé bằng cọng rơm, vừa bơi, vừa để lại phía sau những sợi trắng như sữa li ti. Nước phù sa đục thế nhưng con rươi vừa quằn quại bơi trong nước, vừa to dần. Hình hài nó cũng rõ dần. Nhưng chỉ một lát sau chỗ đứt liền lại, bột rươi màu trắng không còn rỉ ra nữa, con rươi cũng to dần, lúc to nhất phải gần bằng cọng ra”. (tr. 143).
MÙA RƯƠI
Tác giả: Phạm Quang Long
Liên Việt & Nhà xuất bản Văn Học, 2022
Số trang: 431 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 216.000đ
Cả làng Hà Đồng sống trong hy vọng phập phồng với mặt nước triều và con rươi đã bao đời. Nhờ có con rươi mới có những món ăn về rươi như rươi kho, rươi nấu, nhưng không phải người nào ở làng cũng biết làm được đúng cách cho ngon. “Nồi rươi kho mà lúc bỏ ra vẫn còn nước thì coi như hỏng. Rươi kho mà lõng bõng nước thì thà không ăn còn hơn. Nhưng quá lửa thì rươi cứng, mất đi vị bùi bùi, ngòn ngọt. Kho rươi phải dùng niêu đất, dùng nồi nhôm hay gang đều chả ra gì. Trước hết phải lấy thật nhiều lá gừng, cứ theo thành nồi mà lót từ trên xuống dưới khoảng hai lớp là được. Nhưng lá gừng lót đáy và cạnh nồi phải xếp vài lớp thật khéo tay, không để nước gia vị và bột rươi vỡ ra lúc sôi chảy xuống đáy nồi làm mất vị béo mà con rươi lại bị xác. Như vậy, lớp lá gừng để chống sát nồi là chính nhưng khi lá gừng chín sẽ toả ra mùi thơm, ngấm vào con rươi cũng đang se dần, lúc ăn sẽ thấy cả hương lẫn vị thơm cay nhè nhẹ của gừng thật dễ chịu. Cái vị thơm cay nhẹ nhàng, tinh tế, quyến rũ. Hơn nửa cân rươi để kho Hoản không dùng đũa đánh cho con rươi giập ra như rươi nấu mà để nguyên thế cho vào nồi, chỉ đổ vào một ít nước khế chua với nước cáy, trộn thêm một ít vỏ quýt hôi khô giã nhỏ, hạt tiêu bắc giã dối chứ không xay, để lúc ăn không thấy mất vị. Nhai miếng rươi vào mồm phải thấy được cái vị cay hăng hắc, thơm thơm của hạt tiêu mới cảm nhận hết cái sự thú vị của nó. Giữa miếng rươi khô mềm deo dẻo, bùi bùi béo ngậy, vị cay của tiêu bắc như được nhân lên trong cái quắn quện của mùi gừng và hăng hăng hơi xốc của vị quýt. Nhiều nhà không biết ăn, cứ xay hạt tiêu mịn ra, chỉ còn mùi chứ chả có vị gì. Gia vị nồi rươi kho phải có thêm một ít rau răm, ớt cay và lá lốt. Loáng thoáng thôi chứ không nhiều như rươi nấu” (tr. 122)
Chỉ đọc những trang những dòng nói về mùa rươi, về những món ăn rươi này thôi người đọc, dù là lớp người còn dính bùn đất với làng quê, hay là người quê ra phố nhưng vẫn nhớ gốc gác nông dân của mình, hay ngay cả lớp người trẻ bây giờ không biết con rươi là gì, vẫn nôn nao một nỗi thèm muốn được một lần thấy mùa rươi, được một bữa ăn các món rươi nấu đúng kiểu rươi. Nhưng đọc rồi người đọc sẽ cảm nhận một nỗi ngậm ngùi và thể nào cũng thở dài thốt lên: ông nhà văn tả hay quá, thông thạo quá, mà nay chỉ còn biết trên sách thôi, còn tìm đâu thấy trong cuộc sống nữa. Tôi nghĩ tác giả chắc có tâm trạng ngậm ngùi đó khi viết. Những trang văn của Phạm Quang Long ở đây mang đậm tính phong tục như là ông muốn giữ lại trên trang sách các món ăn cổ truyền của vùng quê mình, của một vùng đồng bằng Bắc Bộ, đang từng ngày mai một và mất đi.
Tiểu thuyết “Mùa rươi” không phải nói chuyện con rươi, mà nói chuyện con người. Những con người ở trong làng, ở ngoài làng, ở trên làng đã bao nhiêu năm bày ra hết chính sách này đến phong trào khác để khiến làng quê xưa tan tác, mất cả hình hài địa thế và mất cả tập tục lề thói tình nghĩa của làng. Nhân vật lão Hoản mà đoạn trích ở trên nói về cách lão nấu một nồi rươi kho là kẻ ba bữa ở làng, suốt ngày chửi vợ chửi con chửi làng chửi xóm, nhưng lão lại là người giữ hồn cốt làng trong từng món ăn với những sản phẩm của đồng đất quê mình như con rươi con lươn, như miếng lòng miếng dồi, như lá chanh lá mơ. Đọc những đoạn nhà văn tả lão chi chút cho từng miếng ăn đậm vị cây lá vườn nhà tôi thật xuýt xoa thèm rỏ dãi mà cũng lại thấy đắng trong miệng vì biết một khi lão Hoản chết đi là cũng chết đi cả những cách nấu nướng rất làng quê mà tinh tế vô cùng ấy.
Lão Hoản chỉ đau vì giờ chẳng ai còn biết nấu món rươi món lươn cầu kỳ tỉ mẩn như lão nữa. Nhưng ông Đỉnh, một trưởng thôn đã từng trong đảng rồi ngoài đảng, một người nông dân hiểu làng hiểu đất, biết nghĩ suy phân tích những chuyện của làng mình quê mình và rộng ra cả chuyện của huyện tỉnh và cả nước, ông Đỉnh đó còn đau đớn, xót xa hơn nhiều. Khi được ông chủ tịch huyện Tâm “vi hành” về nhà mình chơi hỏi thẳng hai câu: “Thứ nhất chính sách về nông thôn, nông dân có gì được, có gì hỏng. Và ông cần gì ở nhà nước, ở tôi?” ông Đỉnh đã được nhà văn cho đáp lời như sau.
“- Câu hỏi của ông khó vì tôi ít quan tâm đến chuyện của người khác. Nhưng tôi trả lời câu này theo cách của tôi. Là nhà nước còn nợ nông dân nhiều lắm. Cái gì cũng dựa vào nông dân nhưng nông dân thiệt nhất, con cái nông dân khổ nhất, nông thôn ít được chú ý nhất, hàng hoá nông dân làm ra nuôi cả xã hội nhưng xã hội chả coi người nông dân ra gì. Hàng hoá bán cho nông dân đắt, mua hàng của nông dân thì rẻ, ruộng đất của nông dân cứ lấy vô tội vạ, ông nào thích là ra một quyết định thu hồi mà đền bù thì có là bao? Còn chính sách à? Được cũng nhiều mà hỏng cũng lắm. Nếu cái nào cũng đúng thì nông thôn không như thế này. Như xây dựng nông thôn mới, hiện đại hoá nông thôn, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu thì đúng rồi. Nhưng cái nào đúng, cái nào sai, sai đúng đến đâu các anh đã nghĩ kỹ chưa? Chỉ riêng cái làng của chúng tôi sau mấy chục năm thay đổi theo chỉ thị của các ông cũng chả còn ra cái làng nữa. Cái tên làng cũng chả còn, chỉ còn cái tên Đội 6. Sao lại thế được? Còn những chuyện khác thì coi trọng đồng tiền quá làm hỏng nhiều thứ quá. tệ nhất là tình làng nghĩa xóm bây giờ, ông ạ“.
“Thì vẫn bà con trong làng sống ở đây, người nơi khác có là bao?”.
“Ông nói đúng. Nhưng người làng chúng tôi hỏng đi vì xã hội đấy. Mình làng tôi mà khác được à? Cả xã hội đề cao tiền của, chức tước, lợi lộc mà bảo dân làng tôi đừng sống theo họ mà được à? Hiện đại hoá mà làm hỏng con người thì tôi chả mong hiện đại hoá làm gì.” (tr. 303-304).
Đỉnh và Hoản là hai nhân vật nổi trội trong tiểu thuyết “Mùa rươi”. Họ trái ngược nhau: một người lo nghĩ cho làng, một người chửi tất làng. Nhưng thẳm sâu bên trong họ giống nhau ở điểm đều lo sợ cho sự mất hồn cốt của làng trong cảnh quan nếp sống và trong từng hương vị món ăn. Chia sẻ cùng Đỉnh là Thuỷ và Tiến. Họ cùng là những cựu chiến binh trở về, tuy Thuỷ tham gia gánh vác việc xã, còn Tiến đi xuất khẩu lao động về ra phố ở, nhưng cả hai có chung với Đỉnh nỗi niềm trăn trở về những thay đổi mất mát của làng qua bao cuộc biến thiên thời hiện tại. Tách ra khỏi Đỉnh và Thuỷ là Tân, kẻ lựa chiều đón gió để được đưa từ xã lên huyện nhưng rốt cuộc phải trốn chạy khỏi sự truy nã khi dự án Đồng Rươi do anh ta phụ trách bị điều tra khởi tố. Đó là ở chương 23 kết lại cuốn tiểu thuyết, cách mười năm sau cuộc gặp của Tân, Thuỷ và Đỉnh bàn bạc việc dồn điền đổi thửa ở làng theo chủ trương lớn của trên được kể ở chương 1. Mùa rươi của đất trời năm được năm mất. Dự án Đồng Rươi vừa khởi công đã phải đình lại. Mất tiền bạc đổ vào đó đã đau, nhưng đau nhất là mất cán bộ, mất lòng tin của dân.
Mà mất cán bộ là vì sao? Vì cán bộ cứ thích nhận nhiều chức mà không làm tròn việc của chức gì. “Cứ nhận vào rồi lại bảo Đảng với nhân dân giao” (tr. 295). Những cán bộ đó là đảng viên, nhưng họ không còn phải là những đảng viên của Đảng ngày trước. Lại hãy nghe ông Đỉnh nói: “Đảng của cụ Hồ ngày xưa khác, Đảng của xã tôi khác Đảng ngày xưa của cụ Hồ lắm rồi. Đảng của cụ Hồ là Đảng cộng sản thật. Các cụ ấy vào Đảng là để hy sinh cả tính mạng cho dân cho nước còn bây giờ ở quê tôi người ta vào Đảng là để hưởng thụ chứ không ai chịu hy sinh gì cả. Tôi vẫn là người cộng sản ngoài đảng của xã này vì tôi vẫn còn làm việc cho dân, cho làng, vẫn bảo vệ cái đúng, đấu tranh chống cái sai, cái xấu. Có lẽ vì thế mà có người bảo tôi dở hơi. Hay mình dở hơi thật cũng không biết nữa.” (tr. 297).
Nhà văn Phạm Quang Long quê Thái Bình, học Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (K15), từng kinh qua các chức vụ Chủ nhiệm Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Du lịch Hà Nội. Kể ra những chức vụ này của nhà văn tôi chỉ cốt nói lạ thay, bao nhiêu năm sống và làm quan ở Thủ đô, vậy mà cái hồn quê không những không phai nhạt, không mất đi, mà trái lại cứ tươi nguyên, đắm đuối, day dứt trong con người Phạm Quang Long. Ông không phải loại quan chức mới được “lên xe xuống ngựa” đã qua cổng làng không biết “hạ mã”, về làng đã bay mất hết mùi quê, hồn quê từ quần áo cho đến suy nghĩ, tình cảm. Sâu thẳm trong tâm hồn ông làng quê vẫn sống, vẫn phập phồng từng nhịp đập hơi thở, vẫn khiến ông yêu đến đau đớn quặn lòng, đến không thể không viết ra.
Ông không phải viết văn mà đang viết nỗi lòng mình với quê, câu chữ cứ như tự trong lòng chảy ra đầu ngọn bút (thời trước), trào ra đầu ngón tay gõ bàn phím (thời nay). Những đoạn văn cứ dài miên man như câu chuyện kể mãi không dứt ra được. Ông đã đem những điều mắt thấy tai nghe cả ở chốn quan trường lẫn ở thôn quê làng mạc vào văn chương viết về/cho cho nông thôn và nông dân. Trong sáu cuốn sách đã xuất bản cho đến nay của ông, tiểu thuyết “Mùa rươi” này là tác phẩm thứ hai (cuốn trước là “Chuyện làng”, 2020) viết về miền quê. Đọc Phạm Quang Long thấy kinh ngạc về sự hiểu biết tường tận, tỉ mỉ của ông về đời sống trong làng ngoài xã, về những phong tục tập quán, những món ăn thức uống từ bao đời truyền lại. Kinh ngạc ở cả vốn từ ngữ nông thôn mà ông còn nhớ được giữ được để đưa vào văn. Ai còn biết “chột giời” là gì, nếu sau bốn chữ “Hôm nay chột giời” nhà văn không viết rõ “cứ hơi hửng lên được một lúc rồi lại sầm sì muốn mưa.” (tr. 225). Rồi “rấng” là dụng cụ đựng thế nào mà mỗi lần thầy (bố) mình ăn gỏi Hiên lại phải lấy rau thơm đựng một “rấng đầy” (tr. 268). Lại cả chữ “rắng” nữa, trong câu vợ Thuỷ nói với chồng “Thấy có người bán măng, tôi nhớ bố nó mới rắng muốn ăn bát canh rươi nên cố mua một cái.” (tr. 326) thì lớp trẻ bây giờ ngay cả ở quê không biết đã đành, mà những người quê xa quê lâu quá cũng có thể quên. Bằng những lời ăn tiếng nói quê kiểng được dùng trong các đoạn đối thoại trò chuyện của người làng, cũng như những thành ngữ, tục ngữ, cách nói dân gian được chêm vào mạch tự sự, nhà văn đã làm sống lại không khí sinh hoạt làng quê tưởng như đã mất đi hẳn tuy rằng chưa bao lăm thời gian trôi qua.
Văn Phạm Quang Long ở cuốn tiểu thuyết “Mùa rươi” là văn kể chuyện vấn đề. Mỗi chương sách nhà văn cho hai ba nhân vật – là cán bộ với nhau, là vợ chồng con cái với nhau, là người làng người xóm với nhau – gặp gỡ khi trong nhà, khi ngoài ruộng, khi trên đường làng, và thế là ở mỗi chương một vấn đề được đưa ra bàn luận, tranh cãi. Ở đó mỗi nhân vật đều nói dài, nói rành mạch khúc chiết, trình bày lập luận hết nhời cạn nhẽ. Tách riêng ra rồi gộp lại các đoạn đối thoại này sẽ thành được một bản thuyết trình hấp dẫn và có lý lẽ về nhiều vấn đề của làng quê ta hiện nay. Nhưng cái khéo của Phạm Quang Long là ông viết thế nhưng không khô khan, mà lại tự nhiên sinh động. Sinh động nhất là khi ông kể những chuyện sinh hoạt ở nhà của người nông dân. Tôi đọc cứ như thấy hiện ra trước mặt dáng vẻ, điệu bộ, lời lẽ của ông Đỉnh và lão Hoản, thầm ước có khi nào về quê tác giả thử hỏi nguyên mẫu ấy ở đâu để gặp.
Đọc hết cuốn tiểu thuyết, người đọc cảm nhận rõ nhà văn có bức xúc, đau xót về những cái chưa được ở làng quê trong cuộc chuyển biến thay đổi, đổi mới thời hiện đại. Nhưng bức tranh quê trong cuốn tiểu thuyết của ông không đến nỗi u ám, bế tắc, vì hình như tác giả vẫn gắng đến một cái kết có hậu. Lão Hoản xấu tính xấu nết nhưng cô con gái Hiên của lão lại đẹp người đẹp nết. Cũng là đi xuất khẩu lao động về có tiền, nhưng ông cựu chiến binh Tiến thì dù ở phố vẫn chăm chắm góp tiền làm việc làng việc xóm, còn thằng Hẹn thanh niên sống ngay giữa làng nhưng lại sống chết mặc bay, còn bày trò lừa đảo dân làng. Đối lập với Hẹn là Thao nhà mẹ góa con côi nhưng hiền lành, trung thực, biết lo trong nhà ngoài ngõ cho mọi người. Và dự án Đồng Rươi tác giả cho vỡ ra kịp thời để người dân biết là còn có pháp luật trừng trị những kẻ hại dân và để đám cưới của Hiên và Thao được diễn ra vui vẻ, hạnh phúc. Tạo những cặp nhân vật sóng đôi và một cái kết đẹp như vậy tác giả muốn người đọc cùng mình níu vào một niềm tin về cái nghĩa cái tình làng quê, rộng ra là cái tình cuộc sống. Câu kết tác phẩm là ý nghĩ của ông Đỉnh trong mạch tự sự của truyện khi đến đám cưới của Hiên: “Cái con ranh này, ăn ở đầu cuối như mày thì bao giờ không may được. Sống như mày thì gặp hung hoá cát vì mày có bao giờ sống ác với ai đâu.” (tr. 431). Âu đấy cũng là nếp nghĩ của người nhà quê xưa mà tác giả không nỡ để mất đi ở nhân vật của mình dù thâm tâm ông biết đấy là cả một sự mong manh.
Tôi biết nhà văn Phạm Quang Long vẫn đau đáu với đề tài nông thôn và nông dân. Ông đã lại có một bản thảo tiểu thuyết mới theo mạch này. Và ông còn có cả những câu chuyện của một nhân vật mang tên Hóng sống ở làng quan sát, ngẫm nghĩ, trao đổi, luận bàn về mọi chuyện xảy ra trong làng ngoài nước. Tin chắc bạn đọc sẽ còn được nghe chuyện quê của ông dài dài để cùng ông không nguôi “thương nhớ đồng quê” như tên một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 11/7/2023
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet