Kịch Lưu Quang Vũ chưa bao giờ cũ!
Chương trình nghệ thuật Thói đời – Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời không chỉ là dịp tri ân những đóng góp của cố tác giả cho nền sân khấu nước nhà, mà còn là nơi tái hiện lại không gian nghệ thuật Lưu Quang Vũ, từ đó truyền tải những giá trị đạo đức và triết lý nhân sinh sâu sắc tới khán giả Thủ đô. Đây cũng là dịp khán giả có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm để đời của ông, cùng sống lại những ký ức đầy xúc cảm được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam từ 22/7 đến 31/8. 4 vở kịch đặc sắc được công diễn trong dịp này gồm: Bệnh sĩ, Người tốt nhà số 5, Nguồn sáng trong đời, Người trong cõi nhớ.
Trong số này, có những vở được coi là rất khó dàn dựng như Người trong cõi nhớ nhưng đã được đạo diễn trẻ, NSƯT Mai Nguyên tìm ra chìa khóa giải quyết một cách thuyết phục, khiến cả những vị khán giả khó tính nhất như BGK Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022 cũng đã trao Huy chương Vàng cho vở diễn một cách xứng đáng.
Hoặc như câu chuyện đầy ẩn ý trong Người tốt nhà số 5 đã được NSƯT Tạ Tuấn Minh khai thác triệt để giá trị nhân văn, tầng sâu tư tưởng của tác phẩm, để rồi không chỉ nhân vật mà chính khán giả cũng đặt ra câu hỏi đầy triết lý thời đại: Liệu người tốt có cần thiết không? Nhiều khi tốt cho vấn đề này lại có thể làm nguy hại cho vấn đề khác thì sao? Ranh giới con người tốt hay xấu trong kịch cũng mong manh, ngay cả người tốt chưa chắc đã hoàn hảo và cũng sẽ phải tự nhận thức và thay đổi. Người tốt nhà số 5 được trao HCV tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV – 2020, NSƯT Tạ Tuấn Minh được trao giải Đạo diễn xuất sắc.
Bệnh sĩ là một trong những vở đạt doanh số biểu diễn kỷ lục, khán giả không chỉ được cười với các tình tiết, ngôn ngữ thoại vô cùng hài hước mà còn thấm được thói đời sĩ hão luôn tồn tại trong mọi thời đại. Ngược lại với Nguồn sáng trong đời lại khiến người xem nghẹn lòng và rơi nước mắt về câu chuyện đấu tranh tư tưởng của kỹ sư Toàn trước cái chết khi mắc bệnh hiểm nghèo: Chết phải được toàn thây hay chết để đem lại nguồn sáng cho người khác?
Những vở kịch của Lưu Quang Vũ luôn toát lên vẻ giản dị mà thâm trầm, là sự đúc kết về những vấn đề muôn thuở của nhân loại như tình yêu, tình cảm gia đình, lẽ sống – chết, hạnh phúc và nhân cách con người… Những xung đột trong kịch luôn xoay quanh hỷ, nộ, ái, ố thường nhật; những khó khăn mà ai cũng từng gặp phải; những trăn trở, suy tư xuất phát từ chính mối quan hệ mật thiết giữa con người và xã hội trong thế giới nhân vật đa dạng, phong phú, đủ các hạng người… Tất cả được tổng hòa dưới lăng kính nghệ thuật riêng biệt đậm chất Lưu Quang Vũ, được chuyển tải một cách tự nhiên vào tác phẩm, và được trình diễn mãnh liệt bằng sân khấu kịch trường.
Chia sẻ với Dân Việt, NSƯT Xuân Bắc – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nhận định: “Đã lâu lắm, Nhà hát Kịch Việt Nam mới kỷ niệm ngày mất của cố tác giả, vì vậy đúng vào dịp 35 năm ngày mất của ông, chúng tôi quyết định tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật Thói đời – Lưu Quang Vũ: Lăng kính, sân khấu và cuộc đời công diễn 4 vở kịch đặc sắc của cố tác giả.
Sẽ có ai đó nói kịch của Lưu Quang Vũ bị cũ, nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của đợt diễn này. Ngòi bút sắc của ông đã vượt qua khoảng cách của thời gian bằng tính dự báo. Tôi chắc chắn rằng, mỗi vở kịch sẽ là một cuộc đối thoại với khán giả vô cùng thú vị. Đúng như lời nhận định của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Kịch là cuộc đối thoại của nhân sĩ trí thức với thời đại, với thời cuộc. Điều này đúng với tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Đó là những nụ cười trào phúng sâu cay, đó là những câu hỏi đặt ra trong lòng các nhân vật và cũng là câu hỏi của chính những người xem. Liệu chúng ta đã làm đúng chưa? Và phải làm gì cho tốt hơn? Sự phản biện mang tính xã hội của Lưu Quang Vũ không phải tác giả nào cũng có thể làm được!”.
Lịch công diễn các vở kịch của Lưu Quang Vũ ở Nhà hát Kịch Việt Nam:
20h00 Ngày 22/7: “Bệnh sĩ”
20h00 Ngày 10/8: “Người tốt nhà số 5”
20h00 Ngày 11/8: “Người trong cõi nhớ”
20h00 Ngày 12/8: “Bệnh sĩ”
20h00 Ngày 18/8: “Người tốt nhà số 5”
20h00 Ngày 19/8: “Nguồn sáng trong đời”
20h00 Ngày 20/8: “Người trong cõi nhớ”
20h00 Ngày 25/8: “Người trong cõi nhớ”
20h00 Ngày 26/8: “Nguồn sáng trong đời”
20h00 Ngày 27/8: “Nguồn sáng trong đời”
20h00 Ngày 28/8: “Người tốt nhà số 5”
20h00 Ngày 29/8: “Bệnh sĩ”
20h00 Ngày 30/8: “Nguồn sáng trong đời”
20h00 Ngày 31/8: “Nguồn sáng trong đời”
Đạo diễn trẻ, NSƯT Tạ Tuấn Minh góp mặt dàn dựng vở Người tốt nhà số 5 chia sẻ: “Lưu Quang Vũ mất khi ông ở độ tuổi 40 và để lại một gia sản tác phẩm đồ sộ, đây là nguồn kịch bản quan trọng cho sân khấu kịch Việt Nam. Dàn dựng kịch bản của ông luôn là thử thách cho các đạo diễn. Mỗi đạo diễn đều phải tự tìm cho mình một cách giải mã riêng.
Làm mới tác phẩm không chỉ là việc thay âm nhạc, thay trang phục cho nhân vật hay tạo ra một thiết kế sân khấu mới, mà quan trọng là phải có góc nhìn và tư duy mới mẻ về một vấn đề cũ, biên tập lại, chọn những lát cắt cần nhấn mạnh để làm nổi bật giá trị tư tưởng của tác giả, đặc biệt là tính dự báo.
Những vấn đề ông đặt ra chưa bao giờ cũ, thậm chí cho đến nay vẫn rất mới. Diễn lại những tác phẩm của Lưu Quang Vũ là một việc làm vô cùng ý nghĩa, chắc chắn khán giả sẽ vẫn yêu thích. Đặc biệt là các bạn trẻ khi xem kịch của Lưu Quang Vũ sẽ có những định hướng về tư duy rất tốt để có những thay đổi tích cực và không thể giữ thái độ thờ ơ, lãnh cảm”.
Mùa kịch Lưu Quang Vũ với những khát khao sáng tạo
Tương tự, năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục tái ngộ với khán qua “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” bằng những vở diễn tiêu biểu: Ông không phải là bố tôi, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy và Sống mãi tuổi 17 diễn ra trong tháng 7, tháng 8 qua diễn xuất của những nghệ sỹ tài năng: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Hoa Thúy, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Bá Anh, Quang Ánh, Thanh Bình, Thanh Dương, Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Chí Huy, Thanh Tú, Minh Cúc, Đức Anh, Du Ka, Hương Thủy…
Vở Ông không phải là bố tôi từ kịch bản gốc được viết năm 1988, là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của Lưu Quang Vũ. Vở kịch kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách cùng nhiều biến cố, ông mới quay về tìm lại gia đình. Gia đình ấy một lần nữa đảo lộn trước giông bão của những toan tính, lòng tham. Tình cảm cha con, mối liên kết ruột thịt mới chớm được vun đắp nay lại đứng trước những tan vỡ, đứt gãy. Sự thấu hiểu, sẻ chia, tình người mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm lại từ hơn 30 năm trước vẫn hiện hữu như một chân lý sống.
Vở Ai là thủ phạm kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 của thế kỷ trước ở Hà Nội, chung quanh những mảng đời nhỏ lẻ ở một khu tập thể có biệt danh “Quân khu Phượng Hà”. Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều môi trường giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau… đã đưa số phận các nhân vật tới những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời, nội dung vở kịch đã phần nào đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi “Ai là thủ phạm?” của những hiện tượng cá nhân tha hóa, tiêu cực nảy sinh trong đời sống hôm qua và cả ngày hôm nay…
Vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy chứa đựng nhiều yếu tố giả tưởng xoay quanh cuộc tình tay ba giữa Hoàng-Liên-Vân, những người bạn trẻ thân thiết từng có một thời đầy ắp những kỷ niệm với những bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả. Vở diễn đề cập về những cỗ máy trí tuệ nhân tạo đã và đang thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống xã hội, giúp mang đến một cuộc sống tiện nghi, hoàn thiện. Nhưng có khi chỉ bằng lát cắt máy móc ấy, con người cũng có thể bước sang một hệ giá trị khác làm xói mòn những điều thiêng liêng, tạo ra các hố sâu trống rỗng trong tâm hồn. Nổi bật là thông điệp xuyên thời gian mà vở diễn gửi gắm: “Hạnh phúc, mới thực là điều người ta mong mỏi nhất”.
Bước vào “Mùa kịch Lưu Quang Vũ”, khán giả đắm chìm trong thế giới xúc cảm mà Lưu Quang Vũ đã gửi gắm, khắc họa với nhãn quan thi vị vượt thời gian, những khám phá tinh tế từ mọi góc cạnh của cuộc sống. Chỉ với thời lượng 2 giờ đồng hồ của mỗi vở diễn, người xem có một trải nghiệm độc đáo, tách biệt khỏi đời sống thực tại để hòa mình vào không gian sống động được tạo ra bởi Lưu Quang Vũ – “kiến trúc sư cho tâm hồn”.
NSƯT Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Mỗi vở kịch của Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi trẻ đều mang trong mình những khát khao sáng tạo của các nghệ sỹ khi đứng trước thách thức làm mới mình trong việc ứng xử với những tác phẩm có tầm vóc, mang đậm tính khái quát điển hình. Đó vừa là cách tiếp nối và khẳng định các giá trị bền lâu của Kịch Lưu Quang Vũ, vừa mở ra không gian đối thoại giữa khán giả với tư tưởng, tình cảm mà ông gửi gắm, thông qua cách nhìn nhận, giải mã và chiêm nghiệm mới mẻ. “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” là nơi gặp lại những tác phẩm đã góp phần tạo nên diện mạo hoàng kim của sân khấu nước nhà và khuấy động suy tư của chúng ta”.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet