Những dòng tâm sự của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên với nhạc sĩ Nguyễn Quang, con một người bạn thân thiết của ông là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, đã cho thấy trái tim ấm áp và thủy chung với mối tình trăm năm, chính là người vợ tào khang của ông – bà Đoàn Thanh Vân.
Cả đời viết tình ca cho một người
Từng biết, gặp Ngô Thụy Miên từ khi còn nhỏ ở Sài Gòn, sau này nhiều lần thư từ và lại thông làu nhạc Ngô Thụy Miên, nhạc sĩ Nguyễn Quang nhất quyết tin rằng Ngô Thụy Miên cả đời chỉ có một bóng hồng duy nhất là vợ ông và bà cũng chính là nàng thơ ẩn hiện trong tất cả các ca khúc của chồng, không có một ai khác.
Từ những bài hát đầu tiên như Chiều nay không có em năm 1963 ở Sài Gòn (hoàn thiện và ra mắt công chúng năm 1965), Ngô Thụy Miên đã viết cho người tình ấy, trải qua bao thăng trầm loạn ly của kiếp người, cho tới những bài hát cuối cùng viết ở Mỹ, đều là viết vì người ấy, cho người ấy.
Bà là con gái của tài tử Đoàn Châu Mậu nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn thập niên 1960. Sau Chiều nay không có em viết khi mới tương tư đơn phương người đẹp, tới khi bắt đầu hẹn hò với nàng Vân, Ngô Thụy Miên viết tiếp ca khúc Mùa thu cho em, để hát về “tình yêu vương vương má hồng” vừa chớm nở e ấp.
Tới Niệm khúc cuối – ca khúc trong sáng, lãng mạn được nhạc sĩ viết năm 1971, bài hát nhạc sĩ tin rằng được thu thanh, thu hình nhiều nhất của mình – Ngô Thụy Miên thêm khẳng định tình yêu thủy chung, mãnh liệt: “Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời”.
Quang Dũng | Niệm Khúc Cuối
Và đúng là tình yêu của hai người đã diễn ra như câu hát. Năm 1973, họ đính hôn. Đám cưới dự định sẽ tổ chức sau khi Đoàn Thanh Vân tốt nghiệp đại học. Nhưng khúc ly tao của hai người ập đến bất ngờ.
Tình yêu của họ hứng trọn cả mưa, mây, bão tố kéo qua, có gió lạnh đầy, tuyết bùn lầy, lá buồn gầy của những tháng năm đằng đẵng cắt chia, chứ không phải bị thử thách bởi một người thứ ba nào.
Nhưng rồi ông đã vượt trên tất cả gió, bão, tuyết, bùn lầy ấy mà vượt trùng dương đi tìm người tình hẹn ước trăm năm, bởi “dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em”.
Họ gặp lại nhau và kết hôn ở Mỹ năm 1979. Trước niềm hạnh phúc trùng phùng to lớn, Ngô Thụy Miên tất nhiên không bỏ lỡ cơ hội viết một ca khúc ghi kỷ niệm hạnh phúc – Em về mùa thu, với nét nhạc tươi vui và những lời ca gieo mừng hạnh phúc “Ái ân theo hồn vút cao/ Vết mơ tình xõa tay mềm”.
Riêng Một Góc Trời – Trọng Tấn | Nhạc Ngô Thụy Miên
Riêng một góc trời bên vợ
Nhạc sĩ Nguyễn Quang kể sau khi vất vả tìm thấy nhau một lần nữa trong đời, vợ chồng Ngô Thụy Miên đã cùng nhau sống một cuộc đời ẩn dật, rất khác với hình dung của mọi người về một nhạc sĩ tài ba, nổi tiếng.
Không muốn dính líu vào các hoạt động biểu diễn trên sân khấu, Ngô Thụy Miên chọn đi làm công nhân như một người Việt bình thường mưu sinh xứ người. Vợ chồng ông dọn đến thành phố Olympia của bang Washington để sinh sống.
Ngôi nhà hạnh phúc của họ nằm trên một quả đồi ở ngoại ô. Dù nhiều người mến mộ, tìm kiếm, ông không dùng điện thoại, mọi trao đổi chỉ qua email, mà cũng rất hạn chế. Ông bảo vệ không gian riêng tư của hai người tới mức “tới Nguyễn Ánh 9 là bạn cũng chẳng được biết nhà ông”.
Ở nơi “riêng một góc trời” ấy, ông thường đàn hát cho vợ nghe những ca từ, giai điệu đắm say ngợi ca tình yêu: “Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên dòng suối mơ/ Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa…”.
Ông đã định giữ mãi bài hát này cho riêng vợ, và ông đã giữ kín nó trong nhiều năm, cho tới khi ca sĩ Tuấn Ngọc xin được thu âm và lập tức lan tỏa rộng rãi.
“Không có một tình yêu trong cuốn tiểu thuyết lãng mạn nào đẹp như thế. Tình yêu ấy đẹp hơn cả tiểu thuyết, cả phim”, nhạc sĩ Nguyễn Quang ngưỡng mộ.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed