Đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc sinh ngày 4/6/1934 tại Tam Nông, Phú Thọ. Ông là một trong những cây đa cây đề của ngành điện ảnh Việt Nam mà tên tuổi gắn liền với bộ 3 tác phẩm tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh gồm Hồ Chí Minh – Chân dung một con người, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin, Đường về Tổ Quốc và những bộ phim truyện đề tài chiến tranh như: Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nội – 12 ngày đêm, Đường về quê mẹ…
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Bùi Đình Hạc đã yêu thích văn nghệ, đặc biệt là âm nhạc. Năm 19 tuổi, ông đi bộ ròng rã 6 ngày từ quê nhà Tam Nông, Phú Thọ qua sông Lô, Đèo Khế đến Định Hóa, Thái Nguyên trình giấy triệu tập và chính thức trở thành thành viên của ngôi nhà điện ảnh Cách mạng Việt Nam tại An toàn khu Việt Bắc. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ông được giao là tham gia phục vụ cho đoàn phim Việt Nam trên đường thắng lợi của đạo diễn Roman Cacmen.
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc là một trong những nhà làm phim thành danh ở cả hai thể loại tài liệu và phim truyện. Những bộ phim do ông thực hiện đều được đánh giá là những tác phẩm “mang đậm hơi thở cuộc sống” khi ông luôn giữ triết lý làm nghề. Đó là “dựa trên những sự kiện có thật và chuyển tải câu chuyện có thật đó lên màn ảnh bằng cảm xúc chân thật nhất của người làm phim”.
Bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh – chân dung một con người do NSND Bùi Đình Hạc thực hiện bằng cách dùng những đoạn phim về Bác Hồ của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn và một số cảnh phim lưu trữ để dựng lại theo cảm xúc của người làm phim. Qua đó, bộ phim làm toát lên khí chất bình dân nhưng vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh và khiến tác phẩm trở nên quen thuộc với khán giả truyền hình.
Sở dĩ, bộ phim thành công và gây xúc động vì vừa đảm bảo được yếu tố chân thực vừa đem đến những cảm xúc mãnh liệt cho người xem từ những hình ảnh Bác sống ở chiến khu Việt Bắc, cho tới thời điểm Người qua đời ngày 2/9/1969. Với hai tác phẩm Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin và Đường về Tổ quốc, đạo diễn Bùi Đình Hạc lại đầu tư thời gian và công sức tìm được những tư liệu quý, hiếm về Bác để phim trở nên có giá trị cao về mặt hình ảnh.
Luôn giữ phong cách làm phim đề cao tính giản dị nhưng giàu cảm xúc của sự thật, Bùi Đình Hạc một lần nữa thành công với phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải mang đậm hơi thở cuộc sống. Với tinh thần con người lao động và sáng tạo cùng làm nên sức mạnh kiến thiết đất nước. Bộ phim Nước về Bắc Hưng Hải đã vượt qua 15 bộ phim cùng đề tài về công trình thủy lợi trong số 70 bộ phim tài liệu dự thi để giành giải Nhất tại LHP Quốc tế Matxcova năm 1959.
Ở mảng phim truyện, đạo diễn Bùi Đình Hạc cũng luôn giữ được phong cách làm phim giàu cảm xúc và mang tính chân thực nhất có thể. Các bộ phim truyện đề tài chiến tranh do ông thực hiện như Nguyễn Văn Trỗi, Hà Nội – 12 ngày đêm, Đường về quê mẹ thường chỉ tập trung kể câu chuyện cuộc sống của con người Việt Nam trong chiến tranh, hạn chế những cảnh bom rơi đạn nổ. Bằng cách này, ông muốn dùng các chi tiết để làm nổi bật hình ảnh những con người sống trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử đã sống, chiến đấu và yêu thương nhau như thế nào.
Cụ thể, với phim Nguyễn Văn Trỗi, đạo diễn Bùi Đình Hạc và ê-kíp đã quyết tâm tìm những diễn viên nghiệp dư có gương mặt hao hao giống nhân vật để đảm bảo tính chân thực và mang hơi thở cuộc sống, thời đại cho phim. Hà Nội – 12 ngày đêm tuy đề cập đến sự kiện đau thương mất mát nhưng không căng thẳng, đao to búa lớn mà rất dung dị, chứa đựng nhiều cảm xúc giúp khán giả trong nước và thế giới tự hào cũng như hiểu hơn về sức mạnh, tinh thần đoàn kết của Việt Nam. Đường về quê mẹ dựa trên sự kiện có thật thời chiến, qua đó ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng.
Trong mắt đồng nghiệp, Bùi Đình Hạc là nhà làm phim “luôn dành hết tâm huyết và sức lực cho từng dự án, như thể đó là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp của mình”. Về phần mình, nhà làm phim kỳ cựu rất trân trọng và có mối quan hệ gắn bó mật thiết với những người bạn nghề như nhà biên kịch Bành Châu, nhà quay phim Lưu Xuân Thư… Có thể nói, sự nghiệp đạo diễn của NSND Bùi Đình Hạc thành công một phần nhờ mối quan hệ gần gũi, đồng cảm với nhau về quan điểm nghệ thuật, sáng tạo với những đồng nghiệp tài năng này. Có lẽ đó mới chính là niềm hạnh phúc làm nghề của ông.
Cả đời tận hiến cho nghệ thuật thứ 7, đồng hành với những thăng trầm của điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Bùi Đình Hạc đã nhận được nhiều giải thưởng, cúp, bằng khen trong và ngoài nước cùng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Một hạnh phúc nữa của NSND Bùi Đình Hạc là sự nghiệp điện ảnh của ông đã và đang được tiếp tục vì người con trai lớn là nhà quay phim, đạo diễn Bùi Trung Hải – người đảm nhận phần hình ảnh cho phim Hà Nội – 12 ngày đêm.
Nói về người cha tài năng của mình, Bùi Trung Hải chia sẻ với Dân Việt rằng, trong cuộc sống đời thường, anh và bố mình rất hợp nhau. Trong nghệ thuật anh chịu ảnh hưởng phong cách làm việc của bố mình về “cách truyền nghề cho con, cách tổ chức làm phim cũng như sự kiên trì của người đạo diễn để đưa tác phẩm của mình đạt chất lượng cao nhất”. Đó cũng là điều khiến anh vô cùng khâm phục bậc sinh thành.
Tham gia thực hiện bộ phim Hà Nội – 12 ngày đêm và trở thành đồng nghiệp của bố, Bùi Trung Hải tiết lộ về cách làm việc của hai cha con anh: “Tôi cũng quan niệm rằng, trong gia đình có thể con nhất nhất phải nghe lời bố nhưng ra ngoài thì khác, mà tốt nhất là nên như thế bởi khi làm phim bao giờ cũng có những sự trao đổi và tranh luận. Tuy nhiên, cũng đừng bao giờ dừng lại ở việc tranh luận mà nên kết thúc bằng việc tìm được cách biểu hiện tốt hơn cho cảnh quay, cũng như cho cả bộ phim. Đó là mới là điều quan trọng”.
Sau khi tốt nghiệp khoa Đạo diễn Trường đại học Điện ảnh Matxcova, đạo diễn Bùi Đình Hạc về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Năm 1980, ông làm Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương và làm Cục trưởng Cục Điện ảnh từ năm 1992 đến khi nghỉ hưu năm 1996.
Một số tác phẩm tiêu biểu đạt giải thưởng trong nước và quốc tế của đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc gồm: Phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải (giải thưởng Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 2 năm 1973; Huy chương Vàng tại LHP Quốc tế Matxcova, 1959), Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (Bông sen Vàng tại LHPVN lần 1, 1970; Huy chương Bạc tại LHP Quốc tế Matxcova 1967), phim truyện Đường về quê mẹ (Bông sen Vàng cho phim, giải Đạo diễn xuất sắc và Biên kịch xuất sắc tại LHPVN lần thứ 2, 1973; Giải thưởng Chính của BGK và Giải Nhất Tiểu hội Á Phi, Mỹ Latinh tại LHP Quốc tế Karlovy Vary 1972; Giải Nhất tại LHP Quốc tế New Deli 1973), Phim tài liệu Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin và Đường về Tổ quốc (Giải Bông sen Vàng tại LHP VN lần thứ 5, 1980), Hồ Chí Minh – Chân dung một con người (giải Bông sen Vàng LHPVN lần thứ 9, 1990).
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet