Đệ nhất mưu sinh bổ sung vào danh sách những chương trình trải nghiệm đang nở rộ trên truyền hình trong thời gian vừa qua. Game show này sẽ là câu chuyện về những người nổi tiếng mưu sinh và trải nghiệm cuộc sống của dân thường.
Chương trình không đưa ra thử thách, chỉ cung cấp thông tin về địa phương, ngành nghề và khuyến khích nghệ sĩ chủ động tìm kế mưu sinh.
Hết khám phá lại phiêu lưu
Sự bùng nổ của thể loại giải trí truyền hình này xuất phát từ nhu cầu thực tế. Trong gần ba năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, màn ảnh nhỏ Việt chủ yếu giới thiệu game show, các chương trình trong phim trường.
Trong khi nhu cầu thực tế thì khán giả muốn xem, trải nghiệm những nội dung sống động từ thiên nhiên, con người qua những vùng đất khác nhau.
Người xem cũng muốn có những cảm xúc chân thực, cảm hứng đẹp đẽ tích cực từ cuộc sống để có thể vượt qua những khó khăn sau đại dịch.
Chính vì thế, khi mùa 2 Running man Việt Nam – với tên gọi Chơi là chạy – phát sóng năm 2021 được khán giả rất đón nhận dù luôn bị so sánh không hấp dẫn bằng mùa 1.
Sau đó, 2 ngày 1 đêm phát trên HTV7 vào tháng 6-2022 thực sự bùng nổ.
Khán giả đón xem mỗi tập rất nhiều để cùng cười vui và bình luận sôi nổi trên mạng xã hội. Từ thành công này, nhà sản xuất lại tiếp tục tạo ra hai phiên bản mới.
Đó là 2 ngày 1 đêm – Chuyện chưa kể, tổng hợp những câu chuyện bên lề phát trên YouTube. Sau đó 2 ngày 1 đêm – Mùa lễ hội cũng lên sóng sau một tháng. Thành công cả về tình cảm khán giả lẫn doanh thu là động lực để nhà sản xuất tiếp tục tung ra các chương trình tương tự.
Mới đây, từ ngày 28-5, VTV3 phát sóng Hành trình rực rỡ. Đây là chương trình giải trí kết hợp khám phá, tôn vinh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở nhiều địa danh trên cả nước – nơi các nghệ sĩ đi qua.
Từ ngày 25-6, HTV7 trình làng chương trình La cà hát ca. Nhóm năm nghệ sĩ đến các địa phương, tham gia những thử thách của chương trình đưa ra và kết thúc là phần ca hát trên sân khấu dựng tạm. Khán giả là những người dân sống tại đó.
Làm chương trình thực tế vất vả hơn
Nhiều nhà sản xuất chia sẻ, làm chương trình thực tế khó khăn nhiều hơn so với việc ghi hình ở phim trường nội.
Ê kíp sản xuất làm thực tế sẽ luôn phải chạy đua với thời tiết, nắng mưa, dông bão để ghi nhận chân thực. Sức khỏe của nghệ sĩ cũng bị ảnh hưởng thời tiết và địa hình nên dễ mệt hơn khi quay trong phim trường.
Quay truyền hình thực tế đúng chất thực tế thậm chí còn có khó khăn là không thể lường trước được tương tác của người dân như thế nào, đòi hỏi đội ngũ biên tập phải động não liên tục để xử lý các nội dung phát sinh sao cho hấp dẫn nhất. Chưa kể chi phí sản xuất luôn cao hơn rất nhiều các chương trình quay nội do ê kíp đi quay đông, di chuyển nhiều, thời gian quay kéo dài.
Một số chương trình game show thực tế gần đây, điểm hấp dẫn như nhiều ý kiến khán giả viết trên YouTube, là các tập đưa vào ống kính những cảnh đẹp đất nước, đậm nét văn hóa từng vùng miền. Xem game show, khán giả thấy yêu và tự hào về đất nước mình hơn.
“Dựa dẫm” nghệ sĩ
Nhưng một điểm khác quan trọng không kém để tạo nên thành công là sự tương tác của các nghệ sĩ tham gia.
Như trong 2 ngày 1 đêm, khán giả thường cười ngất trước những thử thách dở khóc dở cười dành cho nghệ sĩ mà không có sự hỗ trợ nào. Sự giản dị, vui vẻ của nghệ sĩ bộc lộ trong game show cũng là điểm cộng.
Việc các chương trình thực tế trên truyền hình “trăm hoa đua nở” trong thời gian qua cũng cho thấy phần sáng tạo nội dung dựa dẫm rất nhiều vào nghệ sĩ và khách mời.
Ngay khi Hành trình rực rỡ phát sóng, trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến rằng chương trình này khá giống với 2 ngày 1 đêm cả về nội dung lẫn nghệ sĩ tham gia (Trường Giang, Thúy Ngân, Lê Dương Bảo Lâm từng tham gia 2 ngày 1 đêm). Nghệ sĩ nào cá tính càng mạnh càng phải “gánh vác” cho chương trình quá nhiều.
Ví dụ như Lê Dương Bảo Lâm được khai thác hết cỡ cho 2 ngày 1 đêm rồi đến Hành trình rực rỡ khiến mảng miếng hài cứ na ná nhau.
Ngô Kiến Huy quá nhẵn mặt với Running man Việt Nam cả hai mùa, rồi 2 ngày 1 đêm và “la cà” sang cả La cà hát ca. Nếu kéo dài việc “dựa dẫm” này mà không có sự bứt phá, sức sống của truyền hình thực tế trải nghiệm liệu có bền lâu?
Những năm gần đây, các nhà sản xuất game show truyền hình gặp rất nhiều khó khăn về sáng tạo nội dung, format và quảng cáo.
Vì vậy có nhiều game show cố gắng tồn tại với nhiều chiêu thức như chủ động tạo ra những mâu thuẫn, tranh cãi, drama, bóc phốt… khiến khán giả ngán và mệt vì sự quá đà đó.
Trong tình hình khó khăn này, game show giải trí cần một luồng gió mới, chân thực, phong phú, và phản ánh được sự sống động, giản dị, ấm áp tình người.
Các nhà sản xuất game show cần hiểu rằng muốn tiếp tục với nghề thì phải làm nghề tử tế và mang đến giá trị thực sự tích cực cho xã hội.
Bà Nguyễn Minh Hương (giám đốc Sóng Vàng)
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed