Du lịch Quảng Ngãi sẽ là ngành kinh tế thu nhiều trăm triệu “đô”
Sáng 28/6, theo thông tin PV Dân Việt thu thập, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững ở địa phương này.
Cùng với nội dung khác, cấp thẩm quyền Quảng Ngãi đã đưa ra những mục tiêu cho từng mốc thời gian, để ngành du lịch của tỉnh phấn đấu, thực hiện và đạt được.
Cụ thể đến năm 2025, du lịch Quảng Ngãi phấn đấu đón 1,36 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 160.000 lượt; khách nội địa 1,2 triệu lượt.
Tổng nguồn thu từ du lịch của Quảng Ngãi sẽ đạt khoảng 2.780 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD); trong đó thu từ khách quốc tế đạt hơn 800 tỷ đồng (tương đương khoảng 35 triệu USD).
Tổng số buồng lưu trú đạt khoảng 5.200 buồng, trong đó có khoảng 1.500 buồng lưu trú đạt chuẩn 3 – 5 sao và tương đương; công suất sử dụng buồng đạt trung bình khoảng 55%/năm; thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3 ngày; tạo việc làm cho khoảng 21.900 lao động, trong đó có khoảng 7.300 lao động trực tiếp.
Đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu để đón được 2,55 triệu lượt khách, gồm 250.000 lượt khách quốc tế và 2,3 triệu lượt khách nội địa.
Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.825 tỷ đồng (tương đương 600 triệu USD); trong đó thu từ khách quốc tế đạt khoảng 1.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 82,5 triệu USD).
Tổng số buồng lưu trú đạt khoảng 11.000 buồng, trong đó có khoảng 3.000 buồng lưu trú đạt chuẩn 3 – 5 sao và tương đương; công suất sử dụng buồng trung bình đạt khoảng 60%/năm; tạo việc làm cho khoảng 49.500 lao động, trong đó có khoảng 16.500 lao động trực tiếp.
Đầu tư và phát huy tối đa lợi thế, tạo liên kết vùng để phát triển du lịch Quảng Ngãi
Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Ngãi sẽ ban hành và thực hiện hàng loạt biện pháp, giải pháp theo hướng đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững.
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách theo hướng tạo thuận lợi tối đa nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia phát triển du lịch… từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch dựa trên 3 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái nông nghiệp.
Chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác, đặc biệt là nông nghiệp, thương mại và giao thông trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm”.
Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối du lịch với các tỉnh/thành phố trong nhóm Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhóm các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên… tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh khai thác thị trường du lịch nội địa, nhất là thị trường truyền thống là Hà Nội và các tỉnh miền Bắc; thị trường khách công vụ đến làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh; mở rộng liên kết với các tỉnh/thành phố lân cận, như Đà Nẵng và Quảng Nam nhằm tạo ra sản phẩm chuyên đề, mà Quảng Ngãi có thể mạnh để khai thác thị trường khách quốc tế tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hoá, lịch sử khảo cổ tại Sa Huỳnh, Sơn Mỹ, Ba Tơ và hệ sinh thái nông nghiệp đặc sắc.
Một số hình ảnh về các khu du lịch nổi tiếng ở Quảng Ngãi, hứa hẹn góp phần tạo nguồn thu nhiều triệu đô cho tỉnh trong tương lai.
Du lịch | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu Tầm internet