Hai vị khách du lịch diện áo dài thiếu chỉn chu tại Hội An, Quảng Nam gần đây được chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Tik Tok. Ảnh: 24h
Hai cô gái mặc áo dài theo cách phản cảm tại Hội An gây bức xúc
Mới đây, trên nền tảng mạng xã hội Tik Tok có người chia sẻ đoạn video về hai vị khách du lịch mặc áo dài theo cách phản cảm tại Hội An, Quảng Nam. Theo đó, hai cô gái này diện áo dài dáng truyền thống nhưng lại kết hợp cùng chiếc quần short. Điều này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng mạng Việt Nam.
Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng cần “can thiệp” vì hình ảnh này gây ảnh hưởng đến nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Vì vậy cần có biện pháp “mạnh tay”, thậm chí cần có những quy định để tránh trường hợp mặc trang phục truyền thống thiếu chỉnh tề, gây phản cảm…
Từ góc độ khác, một số người với quan điểm trung lập lại cho rằng, những vị khách du lịch nước ngoài có thể họ chưa hiểu hết về trang phục truyền thống Việt Nam. Bởi vậy, chúng ta nên góp ý nhẹ nhàng thay vì áp dụng những quy định phạt và việc thực hiện điều này cũng không hề dễ dàng.
Thực tế, đây cũng không phải trường hợp lần đầu người nước ngoài mặc áo dài không phù hợp gây bức xúc dư luận.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, áo dài truyền thống là một trong những trang phục đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam. Với vẻ đẹp duyên dáng gợi nhiều cảm hứng thi ca, áo dài đã trở thành biểu tượng văn hóa mang đậm dấu ấn của người Việt. Vì vậy việc mặc áo dài sao cho đúng cách vừa tôn vẻ đẹp người mặc nhưng vẫn đảm bảo sự thanh lịch, duyên dáng của tà áo dài truyền thống là điều không phải ai cũng biết, nhất là đối với người nước ngoài.
Mặc áo dài theo cách phản cảm có phải là “vô văn hóa”?
Với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa trang phục truyền thống, anh Đinh Hồng Cường – thành viên nhóm Đình làng Việt, đồng khởi xướng dự án phục dựng Áo dài ngũ thân chia sẻ với Dân Việt: “Tôi cảm thấy khá bối rối với tình huống hai vị khách du lịch mặc áo dài theo cách phản cảm tại Hội An, Quảng Nam.
Từ “lại” có nghĩa là câu chuyện người nước ngoài mặc bộ trang phục áo dài hớ hênh, phản cảm đến mức không mặc quần dài hai ống đã từng diễn ra. Và mỗi lần như vậy, cộng đồng mạng lại lên tiếng phản đối, thậm chí còn đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc nhắc nhở hoặc đưa ra mức phạt để cảnh cáo hành vi “vô văn hóa” này.
Điều đó cũng cho thấy người Việt Nam chúng ta rất có ý thức bảo vệ nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua bộ trang phục áo dài hai thân và may mắn cho chúng ta là số người mặc sai quy định hoặc mặc hớ hênh chỉ là một vài trường hợp đơn lẻ, rời rạc và không lặp lại thường xuyên”.
Theo nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường, mức độ ảnh hưởng đến hình ảnh, văn hóa Việt Nam còn tùy thuộc mức độ xâm hại văn hóa. Họ cố tình mặc thế hay đơn giản chỉ là họ phá cách theo cảm quan của họ? Sau khi bị nhắc nhở họ có cảm thấy hối lỗi và xin lỗi về hành vị ứng xử thiếu tế nhị nơi công cộng hay vẫn thách thức cộng đồng?
Dưới góc độ nhà thiết kế thời trang, NTK Quang Huy chia sẻ với Dân Việt rằng, những sự việc xảy ra như vậy với người nước ngoài là điều bình thường bởi văn hóa của nước họ không phải là văn hóa Việt. Họ chỉ coi áo dài là 1 sản phẩm thời trang của dân bân địa mặc khi đi du lịch. Họ cũng chưa quan tâm tìm hiểu nó như thế nào mà chỉ thấy thích thì tự kết hợp. Thấy thoải mái độc lạ với họ thì họ mặc. Đơn giản chỉ là 1 kiểu mix thời trang… Còn nếu người mặc là người Việt thì lại khác. Đó là 2 phạm trù cần tách biệt để phán xét văn hóa mặc.
NTK Quang Huy cho rằng, trong xã hội thì có nhiều loại người với nhiều trình độ cũng như khả năng thẩm mỹ khác nhau. Có người tính cách mạnh thì họ thích kết hợp trang phục gây sock, “quái”… để thu hút sự chú ý của đám đông. Nếu đám đông chú ý thì họ thấy như vậy là đạt mục đích và lần sau họ sẽ lại làm shock hơn nữa (những người như vậy là số ít không phải đa số). Không thể đánh đồng một vài cá nhân để cho là thiếu tôn trọng văn hóa Việt được. Vì có thể họ cố tình làm vậy để được chú ý.
“Cần phải có quy chế, chế tài, quy định, chỉ thị, thông tư… mang tính pháp lý buộc mọi thành phần trong xã hội cũng như du khách nước ngoài phải hiểu rõ và tôn trọng nét đẹp văn hóa áo dài” – nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường cho hay. Ảnh: 24h
Cần làm gì để người nước ngoài không mặc áo dài theo cách phản cảm?
Trước câu hỏi, cần làm gì để những hình ảnh không đẹp này không tiếp tục xảy ra với áo dài – trang phục truyền thống Việt Nam, nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường cho rằng: “Hình ảnh hai cô gái mặc áo dài thiếu quần dài tại Hội An, Quảng Nam – địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam, dù có thể họ không hề cố ý bởi sự khác biệt văn hóa và khác quốc gia nhưng đều gây phản cảm đối với người dân nước ta nói chung và với du khách quốc tế nói riêng.
Hành động này cần phải được các cơ quan hữu quan như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, các công ty lữ hành, thậm chí người dân địa phương kịp thời nhắc nhở, xóa ảnh chụp và clip quay (nếu có) để họ không tái diễn và phát tán hành vi lố bịch này nơi công cộng, đặc biệt ở những điểm du lịch trọng điểm. Nếu họ vẫn cố tình vi phạm thì chúng ta mới tính đến việc phạt tiền hoặc giam giữ theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Để tránh tình trạng này lặp lại, nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường cho rằng, khâu truyền thông của chúng ta còn khá chậm, mang tính tự phát và chưa mang tầm chiến lược để sự việc này thi thoảng lại tái diễn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản phải đưa ra các quy định (thông tư, chỉ thị) yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, các Sở/ban, ngành du lịch, các công ty lữ hành trong và ngoài nước phải kịp thời rút kinh nghiệm về những trường hợp nêu trên. Đồng thời, yêu cầu phải có thái độ tôn trọng bộ trang phục áo dài truyền thống Việt Nam, có hướng dẫn cụ thể cách mặc và bảo quản bộ trang phục theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, theo nhà văn hóa Đinh Hồng Cường, Bộ Ngoại giao, các Sở Ngoại vụ và các cơ quan truyền thông thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh bộ “quốc phục” này đến đông đảo bè bạn quốc tế để họ hiểu và tôn trọng bản sắc văn hóa Việt Nam hơn.
“Từ sự việc đáng tiếc trên cho thấy chúng ta mới chỉ yêu và tôn vinh chiếc áo dài bằng cảm tính, lòng trắc ẩn chứ chưa bằng quy chế, chế tài, quy định… mang tính pháp lý buộc mọi thành phần trong xã hội cũng như du khách nước ngoài phải hiểu rõ và tôn trọng nét đẹp văn hóa áo dài ngay từ khi còn ngồi trên ghế máy bay”, nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường bày tỏ.
NTK Quang Huy cho hay: “Cũng như xu hướng thời trang, những sản phẩm khi xuất hiện thu hút được nhiều sự chú ý của truyền thông nếu sản phẩm đó đẹp, tốt đem lại giá trị thì sản phẩm đó sẽ được sử dụng lâu bền khó thay đổi, còn nếu những sản phẩm kệch cỡm chỉ là xu hướng nhất thời do truyền thông hay scandal tạo nên thì sẽ bị đào thải nhanh chóng. Khi đa số người dân Việt đều tôn trọng giá trị truyền thống của áo dài mọi người sẽ không cổ xúy cho những đối tượng mặc phản cảm cũng như có cái nhìn, hành động coi thường người mặc sai thì tự khắc họ sẽ thay đổi ngay”.
Nhà thiết kế Quang Huy cũng cho biết, áo dài truyền thống có 3 đặc điểm quan trọng nhất để được gọi là áo dài đó là: Đầu tiên là sự kết hợp của áo với quần dài (trước đây có xu hướng mặc áo dài cách tân với váy thì đó chỉ là một mẫu thời trang của Trung Quốc nên không được coi là áo dài truyền thống mà chỉ là đồ thời trang). Hoặc nếu không mặc quần xẻ cao thì lại gần với sườn xám của Trung Quốc.
Tất nhiên, gọi là áo dài thì tà áo phải dài qua gối, có 2 tà trước và sau xẻ cao tại eo. Thứ 2, đó là phần tay giác lăng đặc trưng nếu không có thì sẽ không thể coi là áo dài truyền thống.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet