Bạn chắc hẳn đã quen tên của nhà văn. Hồ Anh Thái trước khi là nhà văn đã là một người làm trong ngành ngoại giao, từng công cán ở nhiều nước, và đã lấy bằng tiến sĩ văn hoá phương Đông. Ông đã là giảng viên thỉnh giảng tại đại học Washington (Mỹ) và một số đại học nước ngoài khác. Ở tư cách nhà văn Hồ Anh Thái đã xuất bản hơn bốn mươi cuốn sách thuộc nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, du ký. Sách ông đã được dịch và in ở một số nước.
“Đức Phật, nữ chúa và điệp viên” là tác phẩm mới nhất của Hồ Anh Thái trong hệ đề tài về Ấn Độ mà ông đã viết nhiều năm qua. Trước sách này ông đã có các sách: “Tiếng thở dài qua rừng kim tước” (tập truyện ngắn), “Đức Phật, nàng Savitri và tôi” (tiểu thuyết), “Namaskar, xin chào” (biên khảo). Đó là kết quả tìm hiểu và tích luỹ của nhà văn về “tiểu lục địa” Ấn Độ trong thời kỳ ông làm chức phận của một nhà ngoại giao ở đất nước này và từ đó say mê về nó.
ĐỨC PHẬT, NỮ CHÚA VÀ ĐIỆP VIÊN
Tác giả: Hồ Anh Thái
Nhà xuất bản Trẻ, 2022
Số trang: 225 (khổ 13x20cm)
Số lượng: 3000
Giá bán: 95.000
Như tên gọi cuốn sách, tác phẩm mới này của Hồ Anh Thái kể về ba chuyện. Chuyện của Đức Phật với tiểu vương quốc Vamasa, nơi tuy có giáo đoàn Phật giáo nhưng Phật thuyết chưa được vị tiểu vương thế tục chấp nhận. Chuyện của một cô gái nghèo ở đẳng cấp thấp trong xã hội theo đạo Bà La Môn bị cưỡng hiếp nên đã buộc phải trở thành một nữ chúa, cầm đầu một băng cướp trả thù những kẻ nhà giàu dâm ô bằng hình thức rùng rợn – cắt cái vật dương gây hại của chúng. Chuyện của một chàng trai vì tình yêu không thành với một công chúa sau này thành hoàng hậu của tiểu vương quốc khác mà đành phải đóng vai một điệp viên cài cắm trong giáo đoàn ở tiểu vương quốc đó để vẫn được kề cận người mình yêu.
Ba câu chuyện đan cài vào nhau được tác giả kể đan xen bằng ba giọng kể ở ngôi thứ nhất của Govinda điệp viên, Samavati hoàng hậu, và giọng kể ngôi thứ ba nói về Đức Phật. Trong câu chuyện về Đức Phật ta có thể biết một số điều trong quá trình truyền đạo của Ngài cũng như lịch sử Phật giáo. Cuối sách tác giả có lập niên biểu về những sự kiện liên quan trong tiểu thuyết, có đưa ra một số tư liệu về tiểu vương quốc Vamsa, có chú một số nhân vật lịch sử xuất hiện trong tiểu thuyết cũng như cho biết một số nhân vật hư cấu là đều mang nhiều thân phận có thật trong lịch sử. Trong câu chuyện về nữ chúa ta có thể biết về đời sống xã hội Ấn Độ khi đạo Bà La Môn đang ngự trị và đạo Phật mới bắt đầu. Cả chuyện của hoàng hậu Samavati cũng vậy, khi nàng đã bắt đầu tin theo thuyết giác ngộ của đạo Phật bất chấp sự nghi ngờ, phản đối của đức vua chồng mình, để rồi cuối cùng nàng bị lừa thiêu chết trong phòng. Trong câu chuyện của điệp viên ta có thể biết được uẩn khúc muôn thuở của những tình yêu không được đáp đền.
Nhưng cuối cùng thông điệp của truyện là gì? Có nhiều thông điệp, trong đó có một điều này: là theo giáo lý nhà Phật, oán thù nên cởi không nên buộc. Bà mẹ của Manju, nữ chúa, đã khuyên nàng như vậy. Và nàng đã giải tán băng cướp của mình, quy y về cửa Phật. “Ta được dẫn đến góc vườn. Ở đấy có sẵn một cây bồ đề non, bứng ra từ một bồ đề cổ thụ. Ta xúc đất tự tay trồng cây bồ đề ấy. Cây non hôm nay sẽ thành cổ thụ ngày mai. Một người vừa mới tái sinh trong nguồn ánh sáng mới đang dưỡng sinh cho một mầm non, biểu trưng cuộc sống mới của con người ấy.” (tr. 186). Nhưng rốt cuộc nàng vẫn bị chết vì mũi tên của một kẻ đã từng bị nàng bắt thiến.
Tác giả viết: “Manju nhìn đăm đăm, cái nhìn của người thấu suốt tất thảy những gì ở trong mình và ngoài mình. – Không. Bây giờ là lúc chấm dứt. Chấm dứt cái vòng báo thù luẩn quẩn vô tận. Thủ phạm ở ngoài kia. Ta biết rõ chúng là ai.” Nữ chúa biết kẻ giết mình là ai theo cái lẽ nhân quả báo thù, nhưng sau khi nàng chết cái sự báo thù vẫn chưa dứt. Kết truyện tác giả để bác sĩ Kirit, người thực thi nhiệm vụ thiến kẻ phạm tội khi bị băng cướp Manju bắt được, tìm cách đưa cô con gái nuôi đã được hoá độc bao lâu nay vào cung để đầu độc nhà vua Udena, kẻ đứng đầu tiểu quốc Vamasa. Âm mưu này có sự sắp đặt từ trước của Manju. Cô gái ấy là một Vishkanya “một độc nhân, không chỉ là độc dược mà là một độc nhân, một người mà cả thân thể của mình là bầu thuốc độc.” (tr. 210).
Truyện kết lại ở chương lời kể của Govinda điện viên và đây là đoạn kết của toàn bộ tác phẩm: “Ta dẫn cô gái đi mà tẹ mình nhập thân vào người cha đang đứng ở đằng sau nhìn theo. Đang nhìn theo. Người cha biết rất rõ rằng mỗi Vishkanya là một thứ thuốc độc chỉ dùng một lần rồi bỏ. Khi kế hoạch thành công thì đứa con gái nọ không thể nào chạy ra được khỏi hoàng cung. Sẽ không bao giờ nó chạy được ra đến bên sông này.” (tr. 213). Thế nghĩa là chuyện báo thù chưa chắc chắn chấm dứt.
Văn truyện của Hồ Anh Thái có ngôn ngữ không khí đời thường, có sự ẩn sâu của tri thức văn hoá tôn giáo, có phong vị hài hước. Nguyên chuyện chàng trai phải cải trang làm nhà sư để vào vai điệp viên nhưng vẫn không dứt được thú thích ăn cá rán nên mỗi tháng cứ phải đôi lần phải lẻn ra ngoài làm thường dân để chén cá đã khiến người đọc thích thú trước hết có thể bật cười ý vị, có thể hiểu được một nét đời sống của dân Ấn bên bờ sông Hằng, trước khi liên kết vào truyện để hiểu ẩn ý của tác giả. Cuối sách có bài thay lời bạt của tiến sĩ Lê Thị Hường nhan đề “Sức lan tỏa của Ấn Độ huyền bí” trình ra một cách đọc tác phẩm này để bạn đọc tham khảo.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!
Hà Nội, 17/5/2022.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet