Sau sự thành công bất ngờ không ai lường trước của Gái nhảy, điện ảnh Việt Nam, vốn như một người ngủ mê, bỗng nhiên trỗi dậy mày mò, tìm kiếm mọi cách để chinh phục khán giả.
Trên con đường chinh phục ấy, một thế hệ đạo diễn mới đã được hình thành trong sự vận động của thị trường trong nước và dòng chảy của điện ảnh thế giới.
Khi thị trường phim chiếu rạp chỉ đủ chỗ cho vài tên tuổi, những người trẻ lao vào con đường điện ảnh với sự hoài nghi về vị trí của mình.
Mặt khác, với sự vắng bóng khá lâu của những tiếng nói, giọng kể bằng tiếng Việt trên diễn đàn điện ảnh thế giới, những nhà làm phim trẻ tự ti liệu những tiếng nói nhỏ lẻ có thể dõng dạc cất lên và tạo ngay dấu ấn?
Một dấu ấn nổi bật của thế hệ những nhà làm phim trẻ là đã tạo ra dòng phim chiếu rạp năng động và mới mẻ hơn.
Tiếp nối thành công ban đầu từ những đàn anh như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Charlie Nguyễn…, các nhà làm phim tạo ra thêm những bộ phim đa dạng về chủ đề, thể loại, phong cách, và đặc biệt là có sức chinh phục khán giả.
Xét trên khía cạnh tiên phong, Phan Gia Nhật Linh có thể được xem là nhân tố mở ra cơ hội lớn cho các đạo diễn trẻ kế cận.
Không cách xa tuổi tác với Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh bắt đầu sự nghiệp làm phim muộn hơn. Anh là người khởi xướng các diễn đàn điện ảnh từ năm 2001.
Sau nhiều năm học tập ngay tại chính Hollywood, Phan Gia Nhật Linh bắt đầu trực tiếp tham gia vào thị trường điện ảnh.
Bị mặc định như một người làm phim nghệ thuật (art house), khi trở về gia nhập thị trường, Phan Gia Nhật Linh mất một khoảng thời gian 5 năm để vượt qua nhiều định kiến và hoài nghi để có khởi đầu xuất sắc với Em là bà nội của anh, một phim remake Hàn Quốc.
Bộ phim nổi bật ở diễn xuất của dàn diễn viên và đặc biệt là cách đạo diễn khai thác tiềm năng của từng diễn viên, cho họ được cơ hội tỏa sáng ở từng khoảnh khắc của vai diễn.
Tiếp tục với thành công của phim đầu tay, Nhật Linh cho thấy mình là một đạo diễn tạo được những khoảnh khắc thần kỳ trên màn ảnh bằng diễn xuất, âm nhạc và tiết tấu.
Anh là người học tập giỏi, nắm vững về thể loại, nắm bắt được thị trường và tạo ra cảm xúc lưu luyến cho người xem qua những bộ phim của mình.
Là người đồng hành và dẫn dắt Phan Gia Nhật Linh trong chặng đường chinh phục khán giả Việt, Nguyễn Quang Dũng thể hiện biệt tài xử lý tình huống câu chuyện một cách tếu táo và duyên dáng.
Dễ nhận thấy thành công của Nguyễn Quang Dũng có tính chu kỳ, và phần nhiều phụ thuộc vào kịch bản tốt, vì vậy anh thường xử lý tốt và đem đến những phong vị địa phương cho những chất liệu đã được kiểm chứng như Tháng năm rực rỡ hay Tiệc trăng máu.
Có thể nói diễn xuất trong phim Việt được nhắc tới và chú trọng nhiều hơn sau những thành công của Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh.
Sự vươn lên của những đạo diễn mới khiến các nhà sản xuất mạnh dạn chọn những đạo diễn trẻ thực hiện những bộ phim chiếu rạp.
Một lần nữa họ cho thấy thế mạnh về kiểm soát diễn xuất và tạo ra được những khoảnh khắc đáng nhớ trên màn ảnh.
Cố đạo diễn Vũ Ngọc Phượng là một ví dụ điển hình của lòng kiên trì, việc học tập bài bản về làm phim và sự quan sát, cảm nhận tinh tế về cuộc sống và xu hướng.
Bộ ba phim thanh xuân Vẽ đường cho yêu chạy, 100 ngày bên em và Anh trai yêu quái ở lại trong lòng khán giả bởi tất cả sự chỉn chu trong cách làm và nhiệt thành về cảm xúc.
Với dòng phim nghệ thuật, một lớp đạo diễn trẻ cũng trưởng thành từ sự dụng công tìm hiểu và không ngần ngại va chạm với dòng chảy của điện ảnh đương đại.
Khi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tạo dựng những kết nối đầu tiên với điện ảnh thế giới bằng cách mời đạo diễn Trần Anh Hùng trực tiếp giảng dạy những khóa học dành cho các nhà làm phim trẻ tài năng, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Bùi Kim Quy đã nắm ngay chiếc chìa khóa để từng bước đem dấu ấn cá nhân đi xa hơn.
Quan trọng hơn, họ tiếp tục là những người đem đến chiếc chìa khóa cho một loạt đạo diễn trẻ khác như Trần Thanh Huy, Trương Minh Quý, Nguyễn Phương Anh, Lê Bảo, Phạm Ngọc Lân… phát huy hết tiềm năng của mình.
Phan Đăng Di là người tiên phong mở đường cho phim độc lập và nghệ thuật Việt Nam trong 20 năm qua.
Phim của Phan Đăng Di mạnh về không gian của thời đại và không khí uể oải bao trùm những cá nhân vật lộn trong ám ảnh nhục cảm.
Anh tạo ra được nhiều dấu ấn riêng về không khí, nhịp điệu, tiết tấu qua Bi, đừng sợ và Cha và con và..., điều thường vắng mặt trong các tác phẩm điện ảnh Việt.
Nếu Đăng Di thể hiện sự bất lực của tính nam trong phim của mình, Nguyễn Hoàng Điệp lại không một chút hoang mang thể hiện tính nữ.
Chị sục sạo tìm kiếm tính nữ từ những chi tiết nhỏ cho đến luận đề trong phim của mình. Cũng như Di, phim ngắn của Điệp và phim dài Đập cánh giữa không trung ở không khí, đôi lúc bàng bạc, nhưng lắm lúc lại bức bối đến ngạt thở.
Không khí, chứ không phải câu chuyện, là đặc sản của Di và Điệp.
Những gì Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp làm được lần lượt qua phim dài và phim ngắn đã truyền cảm hứng cho Phạm Ngọc Lân và Lê Bảo tự tìm ra cho mình hướng đi riêng khi được một lần va chạm với thế giới điện ảnh rộng lớn bên ngoài.
Phạm Ngọc Lân trên trường quay “Giòng sông không nhìn thấy”
Họ là những đạo diễn tự vạch ra con đường và tự xây dựng nên phong cách của mình bằng việc tự học và thực hành liên tục. Phim ngắn của Phạm Ngọc Lân vươn xa ra những khu vực quan trọng của điện ảnh thế giới khi tham dự Liên hoan phim Berlin, Liên hoan phim Sundance và giành hàng loạt giải thưởng danh tiếng.
Giới phê bình đánh giá cao những tác phẩm của Lân ở tính sắp đặt hình ảnh và chi tiết để mở ra một thế giới khác ở tầng cao hơn thế giới xuất hiện trên phim. Được đào tạo bài bản ở ngành kiến trúc, Lân như một kiến trúc sư sắp đặt chính xác từng khối bêtông trong công trình của mình.
Cảnh trong phim “Một khu đất tốt”
Và trên hết, anh nhìn và tạo ra được những không gian vô hình: “một thành phố khác”, một “giòng sông không nhìn thấy” hay một “khu đất tốt”, biến nó trở thành một chủ đề, góc nhìn đặc sản trong các bộ phim của mình.
Lê Bảo là một trường hợp đặc biệt của điện ảnh Việt Nam bởi cách nhìn thế giới của đạo diễn trẻ này luôn tạo ra phong cách hình ảnh đặc biệt.
Xem phim của Lê Bảo, ta cảm giác một sự tách rời hiện thực rõ nét, đôi lúc mang cảm giác gần như viễn tưởng hay siêu thực.
Trương Minh Quý là một nhà làm phim khuếch đại được những chi tiết nhỏ của đời thường, đồng thời giản dị hóa chúng bằng góc nhìn, sự gợi tả, sự trống trải, âm thanh và cả sự im lặng trong bầu không khí tổng thể của đời sống.
Phim của anh xóa nhòa ranh giới giữa riêng tư và chia sẻ, vì vậy thường mang lại những xúc cảm chân thành.
Trần Thanh Huy chỉ đạo cảnh quay trong “Ròm”
Ngược với sự trầm tĩnh và chậm rãi thường thấy trong các phim của các đạo diễn trẻ theo dòng phim nghệ thuật, Trần Thanh Huy đẩy nhanh tiết tấu trong các phim của mình như mô phỏng lại không khí của Sài Gòn, nơi anh sinh ra và lớn lên.
Phim của Huy thường hùng hục năng lượng, đôi lúc lộn xộn nhưng mang đến sự phấn khích khó tả.
Ở khu vực phim tài liệu, những gì thế hệ đạo diễn mới làm được trong 20 năm qua thật đáng trân trọng.
Xuất phát điểm là những khóa học đào tạo về điện ảnh trực tiếp (direct cinema) từ các chuyên gia nước ngoài của Varan Paris, phim tài liệu Việt Nam đã liên tục có những tên tuổi gây dấu ấn ở các liên hoan phim quốc tế như Trần Phương Thảo, Đoàn Hồng Lê, Phạm Thu Hằng, Nguyễn Thị Thắm, Hà Lệ Diễm…
Nguyễn Thị Thắm (trái) ở LHP Luang Prabang
Họ là những nữ đạo diễn có sự quan sát và lắng nghe, có duyên với hiện trường thực tế, có hiểu biết sâu sắc về những vấn đề xã hội, và đặc biệt là khoảng cách tuyệt vời với chủ đề.
Họ tỉ mẩn thực hiện bộ phim của mình, dành thời gian cho nhân vật để quan sát và ghi nhận những thay đổi, biến động, họ kiên nhẫn chờ bộ phim được kết thúc cả về mặt quay và dựng.
Họ bình tĩnh đứng bên ngoài những cám dỗ của thị trường điện ảnh chiếu rạp. Khác với những đạo diễn của dòng phim truyện độc lập, họ tạo ra được những hình tượng đặc biệt của đời sống và điện ảnh: chị Phụng trong Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Phong trong Đi tìm Phong hay Di trong Những đứa trẻ trong sương…
Điện ảnh Việt Nam của thế hệ 20 năm qua vẫn chưa đến đích. Với sự khó đoán của một thị trường đôi lúc khắt khe và nhiều định kiến, nhưng đôi lúc lại cởi mở đến mức dễ dãi, các nhà làm phim cho thị trường vẫn đang bó mình theo những gì được bày ra sẵn.
Nhiều thỏa hiệp và nông cạn, nhiều bộ phim được làm ra tức thời như một sản phẩm tiêu dùng. Và sau vài năm xem lại, liệu người xem có còn nhớ được bất kỳ khoảnh khắc nào, hoặc chính bản thân các nhà làm phim có thể tự hào vì đã làm ra những bộ phim trong dòng cuốn của thị trường?
Ở một thái cực ngược lại, những nhà làm phim độc lập có thừa cá tính và giọng điệu, nhưng ẩn đâu đó là sự dửng dưng trước thời cuộc và sự xa rời khán giả.
Những nhà làm phim xuất hiện trong vòng 20 năm nay chắc chắn là những nhà làm phim trẻ với nhiều hoài bão và khát vọng xây dựng một nền điện ảnh mạnh mẽ, đa dạng và cá tính.
Thế nhưng, họ chưa hẳn đã là “những nhà làm phim mới”. Nhận thức được những hạn chế của cách làm cũ, có cơ hội phơi mình trước dòng chảy của điện ảnh thế giới, đó vẫn chỉ là một chặng đường có vài cột mốc đáng nhớ nhưng còn dang dở và chưa đủ sức để gọi là một làn sóng, một cuộc cách tân.
Trong nhiều sự cố gắng đơn lẻ, những điều kỳ diệu và sự đột biến đã xuất hiện rải rác theo từng năm. Dù có những điểm sáng, những bộ phim Việt vẫn là những chấm nhỏ trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Sự phát triển bền vững và toàn diện không thể xuất phát từ những nỗ lực cá nhân, phải xuất phát từ sự đồng bộ của việc đào tạo nhân sự, của nền công nghiệp điện ảnh, nền phê bình, sự phát triển đồng đều của nền văn học – nghệ thuật và cả văn hóa, tri thức từ khán giả.
Đạo diễn TRỊNH ĐÌNH LÊ MINH
NGỌC THÀNH
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed