Phan Ý Linh cùng với đạo diễn Nhật Duy đi làm dự án phim ngắn Beast of Asian hợp tác giữa VTV7 và Đài truyền hình EBS Hàn Quốc, năm 2021 – Ảnh: NVCC
Là “con nhà nòi”, ông cha đều làm cán bộ ngoại giao, bản thân du học ngành tâm lý xã hội tại Ấn Độ và ngành đổi mới và tổ chức văn hóa nghệ thuật tại Ý nhưng Phan Ý Linh lại “được phim tài liệu chọn” và đã cùng với êkip của mình gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Với vai trò là nhà sản xuất, Phan Ý Linh cùng đạo diễn Nhật Duy và nhóm của mình trong mấy năm qua đã mang đến những bộ phim tài liệu thật mới mẻ, chăm chút, chắc nghề nhưng cũng hoàn toàn bình dị mà sâu sắc.
Một chân dung người trẻ thú vị
Đến thăm nhà Ý Linh, khách sẽ lập tức bị thu hút bởi bức ảnh khổ lớn chụp một nhóm người lớn và trẻ em vùng nông thôn đang chú tâm xem chương trình gì đó.
Trung tâm của bức ảnh là gia đình của Pia – cô bé 9 tuổi người dân tộc Hà Nhì, nhân vật trong bộ phim tài liệu Chị gái mà êkip của Ý Linh đã làm và gặt hái được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhật Duy chụp bức ảnh này ghi lại khoảnh khắc gia đình Pia cùng thôn bản chăm chú xem xiếc khi lần đầu tiên có đoàn xiếc về biểu diễn.
Cặp đôi nhà sản xuất Phan Ý Linh – đạo diễn Nhật Duy, vốn rất ăn ý trong nhiều phim tài liệu, đã kết hôn sau nhiều năm gắn bó. Linh và Duy hạnh phúc với cô con gái nhỏ Ý Lam gần 6 tháng tuổi.
Vài tháng trước, Ý Lam hơn 1 tháng tuổi đã nằm trong lòng mẹ khi Linh dựng phim tài liệu Đánh chặn rất xúc động về lực lượng y bác sĩ chống dịch ở TP.HCM.
Nghề làm phim, nhất lại là phim tài liệu, vất vả cho cả đàn ông chứ đừng nói đến phụ nữ. Nhưng Ý Linh – cô con gái “lá ngọc cành vàng” trong một gia đình có ông nội nguyên là bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bố mẹ đều là cán bộ ngoại giao – không phải đã chọn làm phim vất vả từ đầu, cơ duyên làm phim tài liệu đến với Linh tình cờ nhưng gắn bó.
Đại diện êkip nhận giải thưởng Unicef Prize tại Japan Prize cho bộ phim Chị gái – Ảnh: NVCC
Ai từng biết về quá khứ học sinh “bất hảo” của Linh sẽ không ngạc nhiên trước quyết định dấn thân làm phim của cô gái 9X này. Cha mẹ Linh giáo dục con theo nguyên tắc tôn trọng, khuyến khích sự độc lập suy nghĩ và tự do bày tỏ quan điểm, Linh đã từng có quãng thời niên thiếu bị coi là học sinh cá biệt, chịu nhiều tổn thương tới mức phải chuyển trường.
Nhưng có lẽ chính những tổn thương thơ bé đó đã giúp Linh làm được những bộ phim đẹp vô cùng về những đứa trẻ. Ba phim về đề tài trẻ em của Linh và êkip là Chị gái, Anh em và Khanh được yêu thích và nhận nhiều giải thưởng quốc tế.
Dịch COVID-19 hoành hành, Linh và êkip tạm rời xa những đề tài đời thường bình dị để dấn thân vào cuộc chiến chống COVID-19 của các y bác sĩ và sắp tới là một dự án phim về tham nhũng không gay cấn mà cố gắng soi chiếu những góc độ nhân văn để tìm ra những gì thật nhất về tham nhũng hiện nay. Phan Ý Linh đúng là một chân dung nhà làm phim trẻ thú vị, nhiều màu sắc.
Phan Ý Linh
Sao không dám sống thật là mình
* Tôi tò mò không biết thế hệ 9X rất tài năng, đầy tự do, phóng khoáng trong lựa chọn tương lai giống như bạn nghĩ gì về thành công?
– Mỗi người đều có khái niệm về thành công của riêng mình. Với cá nhân tôi, thành công là được sống thành thực là mình, biết mình muốn gì và dũng cảm sống với điều mình muốn.
Sau giai đoạn nổi loạn thời niên thiếu mang lại nhiều rắc rối và cả tổn thương cho chính mình, tôi trở lại là con ngoan trò giỏi, học cách sống chan hòa với mọi người như mẹ tôi mong muốn.
Những năm đầu tiên của tuổi 20, tôi lựa chọn việc sống theo ý mọi người, luôn muốn mọi người được vui vì trong sâu thẳm tôi sợ bộc lộ bản thân sẽ không được mọi người chấp nhận khi mong muốn bình thường nhất của mình thì mọi người đã cho là nổi loạn.
Phan Ý Linh
Những năm tháng đó trong lòng tôi luôn có một nỗi buồn. Sau một cú sốc lớn, tôi tự hỏi mình còn chờ đợi điều gì nữa mà không dám sống thật là chính mình, dám nói và làm điều mình muốn chứ không phải một tôi nào khác mà mọi người trông đợi.
Để sống với điều mình muốn và thành thật sẽ đòi hỏi sự dũng cảm vô cùng. Và chỉ khi mình có nhận biết rõ ràng về bản thân và sống thành thực với nó, nghĩa là khi đau biết mình đau và khi vui biết mình vui, không kìm hãm che giấu mà được thật thà, tự nhiên thì với tôi đó là thành công.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của Phan Ý Linh và đạo diễn Nhật Duy – Ảnh: NVCC
* Ở Việt Nam lâu nay thường người ta chỉ chú ý tới vai trò của đạo diễn chứ không phải nhà sản xuất. Nhưng điều đó không đúng với trường hợp của bạn. Vì sao bạn lại được mời làm giám khảo trẻ nhất của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39?
– Tôi cũng không biết vì sao tôi được chọn. Có thể là vì họ bất ngờ về lứa tuổi của tôi trong vai trò nhà sản xuất, họ thấy tôi trẻ quá và muốn có những cái nhìn mới, làn gió mới.
Vai trò của nhà sản xuất đang được quan tâm hơn tại Việt Nam. Nếu muốn xây dựng một êkip chuyên nghiệp thì cần chia nhỏ con người ra chứ không phải mô hình all in one – một người làm tất cả.
Êkip của chúng tôi gặt hái được một số giải thưởng quan trọng và phim được nhiều kênh truyền hình quốc tế đặt mua cũng bởi chúng tôi có một êkip chuyên nghiệp, công việc được chia nhỏ cho mỗi người và họ đều rất giỏi trong việc của họ.
Nhà sản xuất phải là người chịu trách nhiệm chính, chịu trách nhiệm tổng thể trong quá trình sản xuất phim của một êkip chuyên nghiệp – mô hình chuẩn trên thế giới.
Phan Ý Linh (thứ hai từ trái) cùng êkip làm phim Những kẻ mộng mơ đoạt giải Cánh diều bạc và quay phim tài liệu xuất sắc nhất
Với tuổi trẻ, tiền không quá quan trọng đâu
* Có ông nội và bố mẹ đều làm cán bộ ngoại giao, bạn lẽ ra cũng nên theo truyền thống của gia đình thì sẽ thuận lợi hơn?
– Ấy vậy mà cả ba chị em tôi đều không ai theo nghề của ông và bố mẹ. Tôi làm ở Đài truyền hình Việt Nam, nghĩa là cũng có chút dính dáng tới Nhà nước, còn các chị tôi thì không.
Lý do không theo nghề ngoại giao của tôi là tôi thích làm công việc liên quan tới sáng tạo, công việc ngoại giao không cho tôi được thỏa mãn điều này.
* Đừng nói với tôi rằng bạn được phim tài liệu chọn nhé, phải có điều gì đó mới khiến cho sự “vô tình trở thành người làm phim tài liệu” nhưng lại rất thành công chứ?
– Không có gì bí mật đâu. Chỉ đơn giản tôi là nhà sản xuất chứ không phải đạo diễn.
Nếu là một nhà sản xuất, làm các công việc như khởi tạo dự án, đưa ra định hướng cho tác phẩm, lựa chọn êkip làm việc với mình, tìm hướng đi cho tác phẩm trong đó bao gồm việc tìm nguồn tiền sản xuất, việc bán tác phẩm cho các đài quốc tế hay việc tham gia các liên hoan phù hợp thì ngành tâm lý xã hội mà tôi học cử nhân ở Ấn Độ và ngành đổi mới và tổ chức văn hóa nghệ thuật mà tôi học thạc sĩ ở Ý lại rất phù hợp.
Làm phim tài liệu, nếu may mắn gặp đúng nhân vật rồi mà nhân vật không cho mình đồng hành thì rất khó. Kỹ năng về tâm lý giúp tôi dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ, tin tưởng của nhân vật. Khi nhân vật không còn đề phòng trước máy quay nữa, lúc đó mới bắt đầu ghi lại được những khoảnh khắc chân thực và cảm động.
Phan Ý Linh
Đặc biệt là tôi có những người thầy dạy tôi rất nhiều trong việc làm phim. Người thầy đầu tiên của tôi là nhà báo Đặng Thái Văn – người đã đồng ý tuyển dụng tôi vào nhóm làm phim tài liệu dù khi phỏng vấn về phim thì cái gì tôi cũng không biết – đã dạy tôi rằng khi làm phim tài liệu thì luôn phải đặt câu hỏi cho mình: “Khán giả xem phim có yêu, có trân trọng nhân vật của mình không. Nếu họ yêu thì tức là bộ phim thành công”.
Đạo diễn Nhật Duy, chồng tôi hiện tại, là người thầy thứ hai và trực tiếp dạy tôi cách kể chuyện qua hình ảnh, cùng tôi chia sẻ về mọi tình tiết của đời sống – đó là bài học về tính quan sát và cảm nhận, đồng hành cùng những lý tưởng và sự phát triển của tôi.
Ngày tôi mới vào nhóm của anh, anh đã “giáo dục” tôi bằng cách đưa cho tôi một danh sách phim kinh điển cần phải xem và yêu cầu tôi viết lại cảm nhận sau mỗi lần xem phim.
Vốn là con trai của ông chủ rạp phim Fansland trên phố Lý Thường Kiệt đã thành điểm hẹn của nhiều người ở Hà Nội trong những năm 1990 và những năm 2000, từ nhỏ Duy đã xem đi xem lại không biết bao lần những bộ phim kinh điển của thế giới vì phải ngồi quay băng chống mốc giúp bố.
Vì vậy Duy có tình yêu đặc biệt với điện ảnh và là một người rất nhạy cảm với hình ảnh và âm nhạc. Có được một đạo diễn vững chuyên môn, có độ cảm thụ sâu sắc về nghề, về cuộc sống như thế trong êkip, lại thêm những người chuyên nghiệp khác thì tất nhiên tôi được học hỏi và hỗ trợ rất nhiều.
Nhóm sản xuất chúng tôi gồm có 8 người. Tôi và nhóm của mình đi cùng nhau nhiều năm qua, luôn làm việc ăn ý và gắn bó. Tạo dựng được một êkip chuyên nghiệp rất khó, giữ được êkip ấy càng khó hơn. Vậy mà chúng tôi đã gắn bó với nhau 10 năm rồi.
Quan điểm của tôi là phải làm sao để những người làm với mình vừa được đảm bảo về kinh tế vừa cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa, có giá trị.
Làm một bộ phim xong tự mình sướng thì cũng không sướng lắm, mà bộ phim phải mang lại giá trị cho nhân vật, cho đơn vị và hoài bão hơn là cho đất nước của mình. Với tuổi trẻ, tiền không quá quan trọng đâu, sống có ý nghĩa và có giá trị sẽ khiến mình không hối tiếc.
Phan Ý Linh làm giám khảo tại liên hoan phim dành cho trẻ em Đông Nam Á tại Manila.
* Và những bộ phim của bạn cũng đầy ắp cái tinh thần trong trẻo, hạnh phúc ấy nhỉ?
– Trong phim Chị gái, khán giả có thể thấy cuộc sống của những đứa trẻ miền núi thật hạnh phúc bên gia đình của mình. Các em được sống với tuổi thơ thực sự giữa núi rừng dù phải chăm em hay phụ mẹ nấu ăn, lấy nước…
Nó khác xa với những gì mọi người thường thấy trên truyền thông về trẻ em vùng cao rằng trẻ em miền núi thiệt thòi, khổ sở phải không?
Chúng tôi đã cùng ăn cùng ở với gia đình họ suốt một tháng trời, bám theo các em từ sáng sớm tới khi các em đi ngủ, nên mới bắt được cả những hình ảnh rất đời thường như các em ngã xuống hố, các em mải chơi dầm mưa… Và chúng tôi hiểu rằng các em thực ra sống rất hạnh phúc.
* Đó chính là cái mà bạn từng hay nói đến phải không? Rằng cứ đi đến tận cùng điều bình dị của dân tộc mình thì sẽ chạm tới thế giới?
– Câu nói ấy chính là của một người thầy khác của tôi, bác Nguyễn Việt Hưng. Bác là một người bạn lớn của gia đình, cựu đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pakistan và Afghanistan.
Tôi thường chia sẻ với bác về những bộ phim tôi làm và bác đã nhắc tôi điều ấy từ chính đúc kết cả đời làm quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới của bác.
Trong các bộ phim của mình, chúng tôi đều tránh đao to búa lớn, mà theo đuổi nhân vật đến cùng, ở nhiều bối cảnh khác nhau để được thấy nhân vật bộc lộ tính cách, nhiều chiều kích, tìm cho ra những điều bình dị đang được chôn giấu.
Các giải thưởng, thành tích của Phan Ý Linh và êkip
Giải Thuyết trình hay nhất tại Tokyo Docs trong hai năm 2017 và 2018 cho hai dự án Lâu đài nổi và Ngôi sao vô danh.
Giải nhất báo chí toàn quốc 2018 cho bộ phim 69713 = 69731.
Phan Ý Linh nhận bằng khen “Nhà báo tiêu biểu” năm 2020 – Ảnh: NVCC
Giải nhất và giải Kids’s Choice tại Liên hoan phim Đông Nam Á dành cho trẻ em năm 2018 cho bộ phim Khanh.
Giải thưởng Trái tim dành cho bộ phim được yêu thích nhất tại Liên hoan phim dành cho thanh thiếu niên Prix Jeunesse Munich 2018 cho phim Chị gái.
Giải thưởng UNICEF at Japan Prize 2018 cho phim Chị gái.
Cánh diều bạc cho phim Những kẻ mộng mơ.
Huy chương vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2019 cho phim Ngôi sao vô danh.
Giải nhất Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương 2019 cho phim Anh em.
Làm giám khảo trẻ nhất Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39 năm 2019, hạng mục Phim tài liệu.
Giám khảo Liên hoan phim Đông Nam Á dành cho trẻ em năm 2018 và 2019.
Giám khảo Japan Prize 2021.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed