Tôi từng nghĩ mình không biết hát
Vừa qua, ca khúc “Trả nợ tình xa” do chị biểu diễn trong một sự kiện được nhiều người khen ngợi trên mạng xã hội. Từ khi nào, chị phát hiện mình có năng khiếu ca hát?
– Trước kia, tôi chưa từng dám hát trước đông người. Khi còn chung sống với anh Tú (nhạc sĩ Tú Dưa (chồng cũ VĐV Nguyễn Thúy Hiền – PV), có lần tôi lỡ miệng ngân nga, anh bỗng nhiên hỏi: “Em hát kiểu gì vậy, câu trước một tông, câu sau một tông”. Đứng trước người có chuyên môn, tôi thấy mất tự tin vô cùng.
Mãi đến gần đây, trong một lần giao lưu ở công ty vài tháng trước, tôi mới cầm mic hát. Lý do là bởi không gian tại đó rất nhỏ, tôi không thể làm được việc gì khác để làm quen với mọi người. Hôm ấy, tôi hát bài Chưa bao giờ của Trung Quân và được đồng nghiệp khen. Cũng nhờ vậy, tôi tự tin hơn và có động lực làm một vài thứ mà mình ấp ủ. Tôi tự nghĩ: Mình hát được thì tại sao mình không làm?
Một trong những dự định đó chính là MV sắp ra mắt trong thời gian tới đây?
– Đúng vậy. Tôi chuẩn bị ra một MV để cổ vũ SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam. Trong đó, tôi sẽ vừa múa võ, vừa hát ca khúc “Đường đến ngày vinh quang” của cố nhạc sĩ Trần Lập. Toàn bộ khâu sản xuất của MV đều do tôi tự lên kế hoạch và thực hiện.
“Đường đến ngày vinh quang” là ca khúc tôi vô cùng thích từ ngày trẻ. Tôi tin, bất kỳ vận động viên nào khi nghe những câu chữ trong lời bài hát này đều xúc động và đồng cảm. SEA Games 31 sắp tới rồi, tôi và những người bạn đồng hành không biết bày tỏ như thế nào để gửi gắm cho thế hệ sau nên quyết định chuẩn bị một món quà nhỏ gửi tới họ.
Tôi hi vọng các vận động viên trẻ sẽ nghe ca khúc này và cảm nhận được rằng những thế hệ vận động viên lớp trước vẫn luôn hướng về họ, tiếp lửa cùng với họ. Trên con đường đem lại vinh quang cho thể thao Việt Nam, dù có nhiều gập ghềnh và vất vả, nhưng họ sẽ không bao giờ cô đơn.
Chị có còn nhớ những ký ức về chức vô địch đầu tiên của mình?
– Đó là vào năm 1993, tại giải Vô địch wushu thế giới. Tôi ngược với mọi người, khi giành HCV thế giới trước HCV SEA Games. Sau này, tôi mới biết đó cũng là chiếc HCV thế giới đầu tiên của thể thao nước nhà.
Lúc này nghĩ lại, những phút giây đó tràn ngập vinh quang, hạnh phúc. Thế nhưng ở thời điểm đó thú thực tôi không biết gì nhiều. Cô gái 14 tuổi khi ấy ngơ ngác ở sân bay Nội Bài khi thấy mọi người tới đón mình quá đông. “Tại sao bác mình ở quê cũng ra đây?”, “Sao về Sở Thể dục thể thao, bác kế toán cũng tới chào mừng mình nhỉ?”, “Sao mọi người lại chụp ảnh với mình nhiều thế?”. Trong đầu tôi ngập tràn những câu hỏi như vậy.
Việc giành chiếc HCV thế giới ngay lần đầu tiên tham dự có khiến cảm xúc của chiếc HCV SEA Games sau đó khác đi?
– Sự khác biệt ở chỗ tôi áp lực hơn. Được HCV thế giới rồi chẳng lẽ không được HCV SEA Games?. Những vận động viên đã giành vinh quang trên thế giới cũng như trong khu vực đều phải đem theo những kỳ vọng, những chỉ tiêu của đoàn. Đương nhiên, chiến thắng luôn khiến chúng tôi hạnh phúc.
Vận động viên nữ thời kỳ nào cũng có những vất vả khác nhau. Sau vinh quang là những di chứng của chấn thương, hoặc đời sống kinh tế bấp bênh khi giải nghệ. Chị có khi nào thấy mình và đồng đội thiệt thòi?
– Điều đó là không tránh khỏi. Sức khỏe của tôi cũng có nhiều ảnh hưởng, dù tôi vẫn may mắn hơn rất nhiều người khác. Thế nhưng, với dân thể thao, có một điều không gì sánh được, chính là đam mê. Khi đã đam mê rồi thì mọi chuyện khác đều trở nên nhỏ bé.
Tôi nói chia tay nhanh và dứt khoát
Sự mạnh mẽ của dân thể thao dường như ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của chị. Kể cả cuộc hôn nhân đầu tiên với nhạc sĩ Tú Dưa và cuộc hôn nhân thứ hai sau đó, chị đều “bước ra” một cách dứt khoát và có phần “hồi phục nhanh” so với mọi người?
– Có lẽ là như vậy. Trong mọi sự kiện của cuộc đời mình, tôi thường hay nhanh và dứt khoát hơn người khác, đúng như những bài biểu diễn của tôi vậy. Tôi cho họ thời gian để thay đổi, nhưng khi đến ngày đến giờ, tôi rất kiên quyết. Sự kiên quyết của tôi khiến anh Tú từng choáng váng: “Sao em không từ từ chút đã?” (cười).
Có khi nào chị nghĩ nếu ngày ấy mình chậm hơn một chút thì cuộc sống của mình có thể đã khác?
– Khi đã đưa ra quyết định rồi, tôi thường không nhìn lại phía sau và suy nghĩ, dằn vặt. Trong cuộc sống rất khó nói đúng sai. Có thể không phải ai cũng đồng ý với cách xử lý của mình, hoặc có người họ muốn giống mình mà chẳng được. Dù như thế nào, con người, tính cách của mình là như vậy, cách duy nhất là mình phải sống phù hợp với nó thôi.
Chị bảo, sau khi chia tay, mình luôn coi họ là những người bạn ngay lập tức. Điều này liệu có khó không, khi đó là người mình từng “đầu gối tay ấp” và dành nhiều tình cảm?
– Tôi thấy mọi chuyện rất bình thường. Tôi luôn quan niệm đã gặp nhau là có duyên, khi không bên nhau nữa thì coi nhau là bạn. Như thế sẽ vui vẻ và đỡ mệt hơn hận thù nhau nhiều chứ.
Hiện tại, chị có một nửa bên cạnh không? Và sau hai cuộc hôn nhân, quan niệm về hạnh phúc của chị có dần đổi khác?
– Đã rất nhiều năm rồi tôi không hề có “một nửa”, tôi cũng không hề thấy cô đơn, buồn bã với điều này. Tôi đang tận hưởng từng ngày mà tôi sống.
Từ khi còn rất trẻ, tôi đã luôn cho rằng hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa không phải là số 1. Song song với nó còn rất nhiều giá trị khác để mình nâng niu, trân trọng. Tôi đang yêu con cái, yêu công việc, yêu ngôi nhà, trải nghiệm những môn thể thao khác nhau. Hay kể cả việc tôi nuôi chó, tôi cũng thấy chúng như một phần cuộc sống, không thể thiếu đi được. Cuộc sống xung quanh vẫn tươi đẹp như thế, chính là hạnh phúc đấy thôi!
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Thúy Hiền sinh năm 1979 tại Gia Lâm, Hà Nội. Chị là vận động viên Việt Nam đầu tiên giành huy chương vàng tại Giải vô địch wushu thế giới ở Malaysia vào năm 1993, khi vừa tròn 14 tuổi. Thúy Hiền giữ vững vị trí vận động viên wushu hàng đầu của Việt Nam và châu lục cho tới khi từ giã sự nghiệp vào năm 2005.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet