Thông tin sốc về nữ nghi phạm vụ phóng hỏa gây chết người ở Phú Đô
Như Dân Việt đã thông tin: Trưa 3/4, lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm (TP.Hà Nội) xác nhận thông tin, đối tượng Trần Thị Thanh Hải (SN 1993, Vụ Bản, Nam Định; nghi phạm trong vụ phóng hỏa, đốt nhà trọ ở ngõ 60 đường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) đã có chồng và con.
Thông tin xác định, thời điểm đối tượng gây án, Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ đối tượng, sau đó thực hiện khám xét khẩn cấp nơi ở của Hải.
Điều bất ngờ, Hải được xác định đã có chồng và con nhỏ, hiện chồng và con nhỏ ở quê nhà.
Theo Cơ quan điều tra, chồng Hải trình bày không biết vợ mình có quan hệ tình cảm với người mà Hải mâu thuẫn tình ái, sau đó dẫn đến phóng hỏa, đốt nhà trọ.
Ở diễn biến trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, khoảng 19 giờ ngày 31/3, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP.Hà Nội nhận được tin báo của người dân về việc xảy ra cháy khu nhà trọ 5 tầng 1 tum, có địa chỉ tại số 4, ngõ 60 đường Phú Đô, phường Phú Đô.
Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã dập tắt hoàn toàn đám cháy, cứu và hướng dẫn thoát nạn 12 người, trong đó có 4 trẻ em, ra khỏi đám cháy; đồng thời phát hiện 1 thi thể nữ giới tại hiện trường.
Song song với việc cứu, chữa cháy, lực lượng chức năng đã khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.
Khẩn trương điều tra, đến khoảng 23 giờ ngày 31/3, Công an quận Nam Từ Liêm đã phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an thành phố và Cục Kỹ thuật hình sự – Bộ Công an làm rõ, bắt giữ được nghi phạm gây án là Trần Thị Thanh Hải, chỗ ở tại số 4, ngõ 17A/9/472 đường Lạc Long Quân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội).
Hải được xác định là công nhân và chưa có tiền án, tiền sự.
Nam nghi phạm đánh mẹ ruột tử vong sau chầu nhậu
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 3/4, thông tin từ Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, đang tạm giữ hình sự Kiên Được (SN 1988, ngụ ấp Căn Nom, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang) để điều tra về hành vi “Giết người”.
Theo kết quả điều tra ban đầu vụ nghi phạm đánh mẹ ruột tử vong sau chầu nhậu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, đêm 30/3 vừa qua, sau khi uống rượu bia cùng bạn xong, Được đi về nhà.
Về tới nhà, thấy mẹ ruột là bà Thạch Thị B (SN 1954) nằm ngủ thì gọi bà B thức dậy nói chuyện. Bởi, Được cho rằng mẹ mình có nhiều con nhưng chỉ mình Được chăm sóc bà và cho rằng đây là gánh nặng.
Sau đó, 2 mẹ con xảy ra cự cãi. Lúc này, Được đã dùng tay, chân đánh và đá liên tiếp vào người bà B mặc cho bà B năn nỉ, van xin đừng đánh.
Chưa dừng lại, Được còn dùng tay đập mạnh đầu bà B vào bức tường bê tông nhiều lần.
Bà B bỏ chạy được ra phía trước sân nhà nhưng liền nằm xuống nền đất và bất tỉnh. Thấy bà B không cử động, gọi không trả lời nên Được bế bà B vào trong nhà.
Ngày 31/3, Được cùng người thân đưa bà B đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh điều trị. Một ngày sau đó, bà B tử vong.
Ngày 2/4, Được đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Vụ việc đang được Công an tỉnh Trà Vinh tiếp tục điều tra, xử lý.
Khởi tố người vợ ép tình nhân của chồng viết giấy nhận nợ khi bắt ghen
Ngày 3/4, Viện KSND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Thị Thìn (SN 1980, trú tại phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột) và Lê Xuân Phương (SN 1972, trú tại xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột) để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Như Dân Việt đã thông tin, Lê Thị Thìn biết được việc ông N.K.H (là chồng bà Thìn) có quan hệ bất chính với chị N.T.N.T (SN 1983, trú tại phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột).
Sau đó, bà Thìn đã nhờ ông T.C.H (SN 1965, trú tại phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) thuê người để theo dõi ông N.K.H. Tiếp đến, ông T.C.H. đã liên hệ với Lê Xuân Phương đặt vấn đề thuê người này theo dõi ông N.K.H. với bà T.
Đến ngày 19/3, ông T.C.H phát hiện ông N.K.H. và bà T. tại một nhà nghỉ trên đường Tuệ Tĩnh, TP.Buôn Ma Thuột). Sau đó, ông T.C.H gọi điện cho Lê Xuân Phương và bà Thìn dẫn theo một nhóm người khác đến nhà nghỉ để bắt ghen.
Tại đây, nhóm người này bắt bà T. viết giấy nhận trả số tiền là 120 triệu đồng là tiền bà Thìn đã chi phí thuê người theo dõi và đi lại. Đồng thời, bắt bà T. và ông N.K.H. lên giường nằm để quay video lại.
Đến sáng 22/3, tại quán cà phê Vị Đắng trên đường Mai Hắc Đế (TP.Buôn Ma Thuột), sau khi trao đổi hai bên thống nhất viết giấy tờ bớt xuống còn 80 triệu đồng. Lúc này bà T. đưa tiền đựng trong phong bì cho Lê Xuân Phương để trên bàn thì bị Cơ quan CSĐT Công an TP.Buôn Ma Thuột phát hiện bắt quả tang, tạm giữ số tiền và kiểm đếm được là 30 triệu đồng.
Tòa tuyên bồi thường 1 tỷ đồng, cụ ông mang án oan giết người 40 năm phản ứng
Như Dân Việt đã thông tin: Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa mở phiên tòa dân sự, giải quyết yêu cầu đòi bồi thường của cụ ông mang án oan giết người 40 năm ở Vĩnh Phúc.
Cụ thể, trong vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự, nguyên đơn là cụ ông Trần Ngọc Chinh (81 tuổi, Vạn Thắng, Đồng Thịnh, Sông Lô, Vĩnh Phúc).
Bị đơn của vụ án là Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, người đại diện theo pháp luật là ông Lê Tất Hiếu – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, người đại diện theo ủy quyền tới tòa là bà Mầu Mai Quyên – Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự.
Cụ ông Trần Ngọc Chinh bị khởi tố, bắt tạm giam oan về tội “Giết người” xảy ra vào đầu năm 1980.
Cụ thể, tháng 1/1980, cụ ông Chinh, ông Trần Trung Thám (em ruột ông Chinh, mất năm 1982), ông Khổng Văn Đệ, tất cả cùng trú xã Đồng Thịnh bị các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) khởi tố, bắt tạm giam oan về tội “Giết người”.
Nạn nhân bị giết thời điểm đó là ông Chu Văn Quản, Bí thư chi bộ thôn. Sau này cơ quan điều tra xác định, hung thủ giết ông Quản là một người khác, không phải 3 cụ ông Chinh, Thám, Đệ.
Ngày 10/10/1982, cụ ông Trần Ngọc Chinh được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định đình cứu vì không phạm tội. Cụ Chinh và ông Đệ cũng lần lượt được trả tự do sau đó.
Em trai cụ ông Trần Ngọc Chinh là Trần Trung Thám thì chết trong quá trình bị tạm giam. Khi được trả tự do, các cơ quan tố tụng Vĩnh Phú không tiến hành xin lỗi, cải chính công khai về vụ việc hàm oan của 3 cụ ông.
Đến tháng 10/2019, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan có liên quan đã tổ chức buổi cải chính, xin lỗi công khai đối với cụ ông Trần Ngọc Chinh, ông Trần Trung Thám và ông Khổng Văn Đệ.
Không thể thương lượng, cụ ông Trần Ngọc Chinh kiện, đề nghị phía Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường số tiền gần 13 tỷ đồng vì nỗi hàm oan, sự tổn thất về tinh thần, thể xác mà 40 năm qua ông phải chịu đựng.
Tại tòa, qua quá trình xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết định, tuyên buộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường cho cụ ông Trần Ngọc Chinh hơn 1 tỷ đồng (1.067 tỷ đồng).
Chia sẻ với PV sau thông tin này, cụ ông Trần Ngọc Chinh cho biết ông không đồng tình với phán quyết đó, ông sẽ kháng cáo bản án đó.
“Các cơ quan tố tụng đã không chấp thuận bồi thường về tổn thất tinh thần về nỗi oan mà bản thân tôi và gia đình phải gánh chịu.
Trong khi đó, ông Khổng Văn Đệ (97 tuổi, người cùng bị khởi tố oan năm 1980) được trả tự do trước tôi 1 tháng thì được Viện Kiểm sát bồi thường 1 tỷ 167 triệu đồng. Người bị ngồi tù nhiều hơn lại được bồi thường ít hơn” – cụ ông 81 tuổi nói.
Cảnh báo lừa đảo tuyển dụng việc nhẹ lương cao
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 3/4, Công an tỉnh Kon Tum đã phát đi thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách mạo danh sàn thương mại điện tử để tuyển dụng việc nhẹ lương cao.
Theo Công an tỉnh Kon Tum, thủ đoạn của những kẻ giả mạo đó là đăng tải các thông tin tuyển dụng như “Cần tuyển số lượng lớn nhân viên chuyên đặt hàng. Mỗi ngày kiếm được 800 nghìn đồng qua điện thoại và quyết toán trong ngày…”.
Lời tuyển dụng rất hấp dẫn được gửi dưới chức vụ Giám đốc Marketing các công ty thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki… Những tin nhắn thường đưa ra mức lương rất cao với yêu cầu đơn giản là chỉ cần có kinh nghiệm mua sắm trực tuyến, mỗi ngày ứng viên có thể “dễ dàng kiếm 800.000 đồng bằng điện thoại di động và tiền lương sẽ được quyết toán ngay trong ngày” hoặc “chỉ cần một chiếc điện thoại, mỗi ngày dễ dàng kiếm 2 triệu đồng” khi làm việc bán thời gian trên trang thương mại điện tử.
Người nhận tin phải kết bạn Zalo qua số điện thoại để lại. Sau đó, phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân. Một trong những thông tin đặc biệt là tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử chính là trực tiếp mở cửa cho tội phạm chiếm đoạt tiền.
Do vậy, Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo mỗi người dân nên cẩn trọng trước các yêu cầu điền thông tin tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân, số điện thoại, nhất là số OTP từ ngân hàng để tránh bị chiếm đoạt tiền từ tài khoản; tránh tham gia những ứng dụng không rõ nguồn gốc cũng như những đường link lạ.
Khi phát hiện kẻ xấu mạo danh tài khoản mạng xã hội với thủ đoạn nêu trên, các cơ quan, đơn vị, người dân báo ngay cho cơ quan công an gần nhất; đồng thời liên hệ với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh (số 219 đường Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) để được hướng dẫn các biện pháp bảo vệ tài khoản cá nhân, phòng tránh hậu quả, thiệt hại và phối hợp điều tra, xử lý đối tượng.
Pháp luật | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7