Sly Stone trình diễn tại Lễ hội văn hóa Harlem hồi năm 1969 – Ảnh: 20th Century Studios
Người dẫn chương trình trong Lễ hội văn hóa Harlem năm 1969 đã kể lại ký ức khủng khiếp ấy trước khi giới thiệu nữ danh ca gốc Phi Mahalia Jackson lên sân khấu hát My Precious Lord, hay tên đầy đủ là Take my hand, Precious Lord.
Nếu như trong bản ghi âm, bà hát bản phúc âm với sự tha thiết miết vào tận trái tim, thì ngày hôm ấy, bà trưng trổ toàn bộ giọng hát gầm vang như loài sư tử, và ở đoạn cao trào, bà như muốn vượt qua mọi giới hạn độ cao để vỡ òa thành câu: “Ồ, con sẽ trỗi dậy, xin soi dẫn bước con”.
Những thước phim hé lộ sau hơn 50 năm
Năm 1969, cùng khoảng thời gian Woodstock – lễ hội âm nhạc nổi tiếng nhất mọi thời, diễn ra trong một khu trang trại ở New York và trở thành dấu son của văn hóa đại chúng, thì chỉ cách đó 160 cây số, một lễ hội âm nhạc khác đang diễn ra, một lễ hội mà người ta vẫn gọi là “Woodstock của người da đen”, Lễ hội văn hóa Harlem, với khoảng 300.000 người da đen tham dự.
Khác với Woodstock được tán tụng, được kỷ niệm, được tô điểm thành một huyền thoại của ba ngày tràn ngập hòa bình và âm nhạc, không ai nhớ tới Lễ hội văn hóa Harlem. Sự kiện ấy chìm vào quên lãng mãi cho đến khi ra đời bộ phim tài liệu Summer of Soul của đạo diễn Questlove – tác phẩm mới đây giành giải Oscar cho “Phim tài liệu hay nhất”, lần đầu tiên sau hơn 50 năm hé lộ những thước phim của chuỗi những buổi hòa nhạc cách mạng ngày ấy.
Mặc dù là một khoảnh khắc lấp lánh niềm kiêu hãnh da đen, quyền lực da đen và vẻ đẹp da đen, nhưng sự vĩ đại của lễ hội âm nhạc này không nằm ở chỗ nó làm nảy bật lên cán cân sức mạnh của da đen trong tương quan với da trắng. “Trước đó, thế giới chỉ có hai màu trắng và đen – một người tham dự nhớ lại – Hòa nhạc này mang tới cho đời tôi màu sắc”.
Đúng vậy, tại sao lại chỉ có thể là trắng hay đen, tại sao lại không thể là vô vàn màu sắc? Ấn tượng đầu tiên khi sân khấu lễ hội hiện lên đó là phông nền sặc sỡ với toàn bộ bảng màu đỏ, cam, vàng, xanh lá, xanh lam – như họa tiết cổ xưa của những dân tộc châu Phi. Và rồi mỗi nghệ sĩ xuất hiện là một màu sắc khác.
Đó là ông hoàng nhạc blues B.B. King trong bộ áo vest xanh kể lại lịch sử vì sao hát nhạc blues, một lịch sử đầy rệp, gián, đầy sự tra tấn và cưỡng đoạt, được ông hát với vẻ tức giận mà vẫn đầy hoan ca, cùng cú gảy guitar sau cùng như một cú đấm vào chuỗi dài áp bức. Đó là David Ruffin của nhóm nhạc ngôi sao The Temptations với chiếc sơmi thắt nơ màu hồng cùng giai điệu My girl cũng đầy màu hồng về niềm vui khi có được tình yêu. Bản nhạc khiến ta muốn nhào vào cuộc sống đầy mật ngọt khiến lũ ong cũng phải hờn ghen, đầy ánh sáng khiến mây mù cũng tan đi hết.
Có màu đen trong âm nhạc của đệ nhất quý cô nhạc soul Nina Simone – người đi từ những câu hát đầy đau buồn về những khu ổ chuột tới những dòng đầy hy vọng về việc làm một người trẻ trung, tài năng và da đen, tới cả phần ngâm thơ hăng hái trong tiếng trống rộn ràng như một buổi sinh hoạt cộng đồng trên thảo nguyên. Nhưng ở đó cũng có cả màu trắng, khi nhóm nhạc Sly & The Family Stone, nhóm nhạc soul hai màu da đầu tiên trên thế giới, bước lên sân khấu…
Làm sao có thể tô màu tâm hồn bạn?
Không có một khoảnh khắc nào chậm rãi trong Summer of Soul. Ta còn chưa kịp lấy lại hơi thở sau khi màn biểu diễn này kết thúc thì một màn biểu diễn đầy hưng phấn khác đã khuấy động. Tiếng trống thiên tài của Max Roach vừa nhả hồn ta ra, thì ngay lập tức, ta đã bị hút vào trong những âm thanh rủng roẻng lạ lùng của cha đẻ jazz Nam Phi Hugh Masekela.
Người châu Phi coi nhập đồng là một kiểu giải phóng xúc cảm, và hai tiếng xem phim là hai tiếng ta như bị hết linh hồn âm nhạc này tới linh hồn âm nhạc kia chiếm lĩnh, để đến khi kết thúc, tâm hồn ta không mang một màu trơ trọi, mà trong ta có cả một phần của tâm hồn đen, tâm hồn nâu, tâm hồn vàng, tâm hồn trắng.
Thật vậy, có mọi màu sắc trong tâm hồn mỗi người, không liên quan gì tới hiện hữu bên ngoài. Như những thành viên của nhóm nhạc The 5th Dimension nổi tiếng của thập niên 1960, những người hát thứ nhạc pop rất “trắng” và khiến ai cũng bất ngờ khi họ xuất hiện với nước da đen, khi nhớ lại mùa hè Harlem năm 1969, đã cảm thán rằng: “Làm sao có thể tô màu tâm hồn bạn?”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed