Những khoảnh khắc dồn lực cứu sống bệnh nhân nặng – Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Khác với Ranh giới được làm gấp rút bằng phong cách phim tài liệu trực tiếp rất sống động, lạ lẫm, đầy cá tính, ra mắt khán giả ngay lúc dịch ở TP.HCM còn nóng rực đã tạo một cơn sóng cảm xúc mạnh mẽ trong khán giả khi công chiếu, Đánh chặn lại chọn một phong cách khác, chỉn chu, kỹ càng, dụng công, và cũng đầy sáng tạo.
Ê kíp làm phim từng ghi được nhiều dấu ấn với các giải thưởng khu vực là Phan Ý Linh (nhà sản xuất) và Nguyễn Nhật Duy (đạo diễn), một lần nữa cho thấy sự vững vàng về nghề.
Kéo dài 50 phút, bộ phim như một bản hùng ca bằng hình ảnh và âm thanh về lực lượng y tế đã xông vào “đánh trận” tại TP.HCM để cứu nhiều đồng bào mình trước làn sóng COVID-19 tàn khốc quét qua thành phố này trong nửa cuối năm 2021.
Quan trọng không kém hình ảnh, âm nhạc được làm kỹ càng, chủ yếu là nhạc thính phòng giao hưởng, đã trở thành một “nhân vật” kể chuyện đắc lực trong bộ phim, giúp đẩy cảm xúc của người xem ở những đoạn cao trào và giữ cảm xúc của người xem suốt 50 phút của bộ phim.
Đây là một lựa chọn có nghề của đạo diễn bởi giữ cảm xúc cho khán giả suốt 50 phút của một bộ phim toàn hình ảnh “khô khốc”, đôi khi bạo liệt về bệnh nhân, bệnh viện, sống – chết là không dễ dàng.
Khoảnh khắc xúc động của nhân viên y tế làm nhiệm vụ gọi điện thoại báo tử – Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Âm nhạc được sử dụng hầu như xuyên suốt bộ phim, làm nhạc nền cho cảnh không âm thanh cho tới cả những đoạn phỏng vấn hay có âm thanh hiện trường cũng vẫn có nhạc nền, khiến âm nhạc trở thành chất kết dính làm nên một tổng thể đẹp cho phim, dựng lên một thiên hùng ca về lực lượng y tế “đánh chặn” cứu dân.
Bộ phim bắt đầu bằng thông tin được chạy trên màn hình đen, thông báo tháng 5-2021 bắt đầu làn sóng lần thứ 4 của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, cũng là thời điểm mà cuộc chiến cam go nhất với dịch COVID-19 của ngành y bắt đầu.
Trên nền hình ảnh ấy, cùng với nhạc nền, là âm thanh của những tiếng đóng dấu. Tới giữa bộ phim, người xem nhận ra đấy chính là tiếng đóng dấu lên tờ giấy báo tử đầy ám ảnh với nhân viên y tế, với người xem.
Vào phim là những chuyến xe đưa thi thể bệnh nhân tử vong ở nhà đi hỏa táng, tiếng khóc nghẹn của người thân nhìn theo bất lực.
Hình ảnh mang tính lịch sử ở các trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 – Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Đang từ ngoại cảnh rộng ấy, phim đột ngột đưa khán giả tới cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Trọng Khoa – cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế – với một góc máy khá riêng tư, rất cận.
Hình ảnh cho thấy cuộc phỏng vấn dường như đã được thực hiện trong đêm, ở căn phòng không có nhiều ánh sáng, hầu như là màu đen trắng. Có lẽ đó chính là chủ ý của đạo diễn để nhắc khán giả chuẩn bị bước vào những thước phim khốc liệt sắp diễn ra.
Và cũng từ nội cảnh hẹp này, phim lại đột ngột mở ra một trường đoạn dài những thước phim toàn cảnh bằng flycam, lướt chậm rãi qua TP.HCM những ngày giăng dây khắp lối, đường phố không một bóng người, những trạm ATM oxy trên đường…
Những cú chuyển cảnh, chuyển không gian rất đột ngột ngay từ đầu phim mang lại hiệu quả “rung lắc” cảm xúc của người xem rất lớn, vì thế mà chạm mạnh tới người xem.
Trong cuộc chiến chống COVID-19, các thầy thuốc là những chiến sĩ đi đầu – Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Khác với phim Ranh giới rất nhiều nội cảnh trong bệnh viện điều trị thai phụ nhiễm COVID-19 tạo cảm giác ngột ngạt, bức bối, hiểm nguy, Đánh chặn lại rất nhiều cảnh toàn rộng, các hình ảnh từ flycam xen kẽ với nội cảnh. Ngay cả nội cảnh trong bệnh viện cũng có nhiều cảnh toàn rộng từ trên cao.
Hai phong cách khác nhau nhưng thực tế những toàn cảnh rộng kéo dài, những cú lia máy chậm (rất nhiều hình ảnh quay chậm) trong phim Đánh chặn với sự hỗ trợ đắc lực của nhạc nền vẫn mang lại cảm giác hồi hộp, âu lo tương tự những nội cảnh bức bối trong phim Ranh giới.
Cũng khác Ranh giới, phim Đánh chặn lựa chọn che mặt các bệnh nhân.
Một điểm đáng ghi nhận ở Đánh chặn là đoàn làm phim đã rất công phu bám theo lực lượng y tế suốt một thời gian dài, từ sân bay, ga tàu hỏa, bệnh viện, phố phường, từng mái nhà dân, những khu phố “vùng đỏ”, đi từ Hà Nội tới Huế, Sài Gòn, các tỉnh miền Nam.
Máy quay bám theo những buổi “lên đường vào Nam” của các y bác sĩ tại Hà Nội, tới những phòng hồi sức, những cuộc họp trực tuyến căng thẳng, những khoảnh khắc đổ gục của nhân viên y tế làm nhiệm vụ gọi điện thoại báo tử, những chuyến xe đưa hài cốt, những lễ cầu siêu, những đoàn xe tải chở thiết bị y tế trong đêm thành phố không người, những niềm vui của bệnh nhân hồi phục…
“Đoàn quân” y bác sĩ “vào Nam chiến đấu” – Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Dù bộ phim có thể gây cảm giác hơi “tham”, kéo dài, nhưng “nhược điểm” này là dễ hiểu. Bởi đoàn làm phim đã bám theo chừng đó thời gian với lực lượng y tế, chứng kiến những nỗ lực và hy sinh phi thường của họ, mỗi cảnh quay phải đổi bằng bao nhiêu hiểm nguy của đoàn phim, thì họ có quá yêu, quá “tham” những thiên thần áo trắng, những thước phim quý giá mang tính lịch sử cũng là điều dễ hiểu.
Phim vừa được chiếu trên kênh VTV1, như một món quà xúc động gửi tới ngành y nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2. Khán giả có thể xem lại bộ phim trên vtv.vn và một số kênh trực tuyến khác.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed