Sinh ra trên mảnh đất Hà Tây quê lụa (làng cổ ven sông Nhuệ, nay thuộc Hà Nội), Vũ Trung Tần đến với hội họa từ rất sớm. Niềm đam mê của cậu bé còn rất nhỏ tuổi được chắp cánh khi có duyên được gặp gỡ những hoạ sĩ chuyên nghiệp từ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam về thực tập ở vùng quê đẹp như một dải lụa yêu kiều và cũng là nơi có làng nghề dệt lụa ngày đêm lanh canh tiếng thoi đưa.
Tuổi ấu thơ lớn lên ở Xứ Đoài mộng mơ trong con mắt của nhà thơ Nguyễn Bính (Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/Một người chín nhớ mười trông một người), Vũ Trung Tần kể, cha anh lúc sinh thời mở lò võ, đục tượng đá, vẽ tranh. Cha con anh đã có rất nhiều mùa Tết bán tranh bột màu trên giấy ở chợ quê.
Người dân xứ Đoài nhiều năm trước cứ mỗi mùa xuân đến, đi chợ Tết lại mua một bức tranh giản dị, như em bé cho bồ câu ăn, đô đốc Bùi Thị Xuân, Vua Quang Trung tặng công chúa Ngọc Hân cành đào mùa xuân… Mỗi nhà tự làm khung tre, nẹp tranh, treo lên như gửi những lời ước nguyện cho một năm mới thanh bình, mùa vàng yên ả.
Lớn lên, Vũ Trung Tần vì đam mê vẽ nên quyết chí rời quê, bỏ dở con đường học hành, đi theo gia đình hoạ sĩ Lê Phương Dung (tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khóa 1989 – 1994) để học nghề vẽ lụa. Theo học được 3 năm thì chàng trai trẻ nghĩ lại, nên đã xin phép họa sĩ Lê Phương Dung cho anh được trở lại với trường lớp, học hết THPT, rồi ôn thi vào Đại học Mỹ thuật.
Nhưng ông trời chưa cho Tần chạm đến giấc mơ hội họa ở chặng đường này. Thi không đậu Đại học Mỹ thuật, anh rời Hà Nội, xuôi Nam, lưu lạc làm việc ở nhiều gallery khác nhau tại các tỉnh miền Trung, rồi vào tới TP.HCM.
Vũ Trung Tần thi đậu thủ khoa Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2004, theo học Khoa hội họa, chuyên ngành sơn mài truyền thống, bắt đầu con đường cầm cọ chuyên nghiệp.
Vũ Trung Tần hiện là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM. Anh đã nghiên cứu, thực hành thuần thục kỹ thuật vẽ sơn mài, sơn dầu và nhiều chất liệu khác như mực nho, màu nước, bột màu, acrylic, phấn màu, điêu khắc trên kim loại, gỗ, gốm men, xi măng, đất…
Vũ Trung Tần tham gia triển lãm nhóm với các họa sĩ trẻ tại triển lãm “Sóng”, “Phiêu” (Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM), câu lạc bộ sơn mài truyền thống, triển lãm tranh sơn mài khổ lớn toàn TP.HCM, câu lạc bộ gốm…
Anh cũng tham gia các trại sáng tác do Hội Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức thường niên, có tác phẩm trong các bộ sưu tập được các nhà sưu tập Đức, Mỹ, Úc, Pháp… yêu mến, lưu giữ.
Tại triển lãm “Đam mê” (khai mạc tối 21/2 và còn kéo dài tới hết ngày 28/2 – Hội Mỹ thuật TP.HCM), Vũ Trung Tần giới thiệu tới người yêu mỹ thuật 9 bức tranh, trong đó 2 bức acrylic và 7 bức tranh sơn mài vẽ phố, cùng với 5 bộ tác phẩm gốm.
Xa quê từ rất sớm, định cư tại mảnh đất phương Nam, nên tranh phố (loạt tranh “Phố ơi” – sơn mài, 81×81, năm sáng tác từ 2017 – 2022) của Vũ Trung Tần không mang hẳn đặc trưng của phố Sài Gòn hay Hà Nội nhưng nhìn tranh, từ dáng nét những cô gái mặc áo dài truyền thống đi trên phố cổ, những mái nhà rêu phong, vẫn thấy đậm đặc sắc màu phương Bắc và bảng lảng, vương vấn nỗi nhớ nhung miền quê lụa nơi xa.
Các tác phẩm gốm của Vũ Trung Tần (Lễ dâng xôi – gốm men, 55x55x62, 2021; Múa chày đôi – gốm, sơn mài, 63x40x50, năm 2021; Vọng – gốm men, 92x43x41, năm 2019) vừa cá tính, riêng biệt, vừa có sự thừa hưởng những đường nét điêu khắc từ tuổi ấu thơ lớn lên bên cha ở quê nhà phương Bắc, vừa pha trộn những trải nghiệm đời sống phương Nam với dấu ấn văn hoá đặc thù của các vùng miền ngập đầy nắng gió.
Thưởng thức các tác phẩm với niềm đam mê sâu thẳm và tình yêu hội họa trong trẻo của Vũ Trung Tần như làn gió mát khiến người xem được giải tỏa sau những căng thẳng, ồn ào, bụi bặm, trầm lắng lại cùng những chiêm nghiệm hậu đời sống thị thành tấp nập phồn hoa.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet