Cảm xúc của nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh như thế nào khi biết tin anh không có tên trong danh sách Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN)?
– Cái mà tôi quan tâm hiện nay là vấn đề cấp tiến, đổi mới của anh Nguyễn Quang Thiều đã bị chặn lại chứ không phải chuyện của tôi. Anh Nguyễn Quang Thiều là người làm thơ tôi rất quý trọng và là tài năng thơ rất lớn. Khi chuyển sang làm quản lý, băn khoăn lớn nhất của anh Thiều là làm sao cho HNVVN có nhiều anh em trẻ, sung sức, có vị trí tài năng để cho HNVN khởi sắc thêm. Anh Thiều là người giữ lửa đó.
Khi tôi bị loại khỏi danh sách, tôi thấy sự quan tâm của báo chí rất nhiều. Trước giờ tôi không quan tâm đến HNVVN, tôi không chê vì không biết gì mà chê, tôi cũng không khen vì tôi chưa phải hội viên HNVVN ngày nào. Trong những người được anh Thiều thiết tha mời vào vì có sự khác lạ, có uy tín, tác phẩm xứng đáng. Cái nhìn của anh Thiều là chọn những gương mặt có sự cống hiến, sự tìm kiếm sáng tạo nghệ thuật. Và nỗi buồn của tôi, nếu có, đó là ngọn lửa đó đã bị chặn lại.
Buồn, lo lắng và cảm thấy anh Thiều đã tâm huyết quá và đã bị ảnh hưởng. Còn bản thân tôi là nghệ sĩ tự do, tôi ở trong hội hay ngoài hội thì tôi vẫn viết vậy thôi. Tôi cũng đã đi nước ngoài, Đức, Hàn, … với nhiều tác phẩm của mình. Đâu phải tôi không làm được gì khi không phải là hội viên HNVVN. Những người yêu quý đọc tôi, dịch tôi vẫn thấy tôi có giá trị nào đó, đối với tôi vậy là đủ.
Vậy qua sự việc này, điều nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh mong muốn là gì?
– Tôi không quan tâm lắm đến số phận của mình trong tình thế này. Vì điều đó ít nhiều tôi đã gửi gắm vào tác phẩm của mình. Mà điều tôi và cũng có thể là các bạn quan tâm, chính là tương lai của Văn học Việt Nam.
Tôi còn cho rằng, đây là một việc bình thường trong sinh hoạt văn học đầy cởi mở của trao đổi và sáng tạo. Trừ một số quá người khích thì không khí tranh luận là cởi mở, chưa từng thấy trên mạng về một sự kiện văn học.
Tôi cho rằng, bạn bè quốc tế quan tâm chỉ một phần cho “thi sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh” mà các bạn từng dịch, yêu quý – vì tôi và thế giới sáng tạo của tôi vẫn sẽ không thay đổi; mà quan trọng hơn các bạn muốn biết Hội Nhà Văn Việt Nam quyết định như thế nào trước sự kiện này?
Mở cửa đón nhận những xu thế mới, trào lưu mới, hòa nhập cùng những dòng chảy thế giới, quan tâm khích lệ cỗ vũ mọi khuynh hướng, thể nghiệm, tôn trọng thế giới sáng tạo của người nghệ sĩ hay vẫn như vậy.
Đặc biệt hơn là nhằm bắn vào một bài thơ tôi đã viết từ 19 năm trước. Các bạn hãy hình dung một sự tồi tệ nhân đôi cũng như tất cả dư luận sau 19 năm còn nặng nề như thế thì trước đây 19 năm tôi đã chịu đựng khốc liệt và tàn bạo đến mức nào?
Về bài thơ “Lỗ thủng lịch sử”, nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh có cảm thấy đáng tiếc khi nó ra đời và gây cho anh những hệ lụy đến hôm nay?
– Từ năm 2002, VnExpress đã mời 3 người nhà văn dịch giả Đinh Đoàn, nhà văn dịch giả Trần Cao Đăng và tôi phụ trách trang E-Văn. Chúng tôi tiếp cận với dòng văn học hậu hiện đại rất sớm. Thời điểm đó báo mạng chưa phổ cập ở Việt Nam. Trang chủ quản của VnExpress là tờ báo điện tử đầu tiên. Trong quá trình đó, tôi có một số bài thơ có phong cách hậu hiện đại. Bài “Lỗ thủng lịch sử” được nói nhiều nhất còn cả tập thơ này từng xuất bản ở Mỹ.
Dòng thơ hậu hiện đại đưa ra một số quan điểm trong đó có sự thật, sự dơ, bề mặt, … cho nhà thơ thể nghiệm. Ví dụ như một bài thơ kinh dị viết như thế nào, bài thơ khủng khoảng viết ra sao.
Trước kia quan điểm của mình thơ là phải đẹp, phải hay, vần vè, nhưng hậu hiện đại thơ không cần phải đẹp, có thể là xấu … Tôi nằm trong xu hướng thể nghiệm. Khi triển khai bài thơ có hướng dẫn dắt khác nhau và khi tôi viết ra cái mạch nó như vậy, động đến tâm linh, siêu hình, tượng trưng, … Tôi đọc, nghiên cứu, nhào trộn khi ra bài thơ là một trạng thái tâm thức không thể lý giải được là tại sao tôi chọn cái đó.
Và bây giờ bài thơ này được khai quật lại bởi một người trong Hội đồng thơ. Tôi cho rằng, Hội đồng thơ của một tổ chức phải có sự nhất quán, các thành viên hội đồng phải tuân thủ hoặc phải có sự nhất quán giữa các thành viên. Tất cả sự việc này không phải do tôi. Sự việc xảy ra mà tôi không can thiệp được gì chỉ biết theo.
19 năm trước bài thơ này đã tạo cho tôi một cuộc sống lên bờ xuống ruộng rồi, tôi quá mệt mỏi rồi. Tôi không được vào biên chế 10 năm, trong khi vẫn làm báo, khi người Tổng Biên tập mất tôi cũng bị dạt ra khỏi tờ báo. Tôi phải đi thuê nhà ở Sài Gòn, vất vưởng kiếm sống nuôi vợ con. Nhưng tôi không than vãn vấn đề này cho đến khi bài thơ lật lại lần thứ 2 thì tôi không chịu nổi.
Đã quá tồi tệ, tôi không muốn nhắc lại bài thơ đó đến khi nó trở nên ầm ĩ như ngày hôm nay. Đã đến mức độ tôi cảm thấy tất cả sự chịu đựng của mình bị vụn vỡ. Tôi thấy chuyện khủng khiếp quá khi lôi 1 bài thơ từ 19 năm trước ra để tấn công tôi như thế. Tôi đã phải trả giá rất đắt và giờ lại bị lật lại để đấu tố một lần nữa. Tôi cho đây là một thái độ không văn hóa.
Cảm ơn nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh đã chia sẻ!
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Với bài thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh là bài thơ cũ đã xuất hiện từ lâu, quan điểm của tôi về bài thơ là không thích. Thơ ca, kể cả những vấn đề thế sự đất nước vẫn phải là thơ không nên tục tĩu hoặc dùng từ phản cảm.
Quan điểm của tác giả là việc của tác giả, tôi không có ý kiến. Nhưng tôi không đồng nhất với việc nói xấu các nhà văn. Những nhà văn như tôi từ xưa đến nay không ăn tàn, phá hoại tiền bạc ngân sách đâu, chúng tôi sống bằng nghề, sống đàng hoàng dư dả bằng chính tác phẩm của mình.
Cần rạch ròi quá khứ và hiện tại. Mong rằng những người có liên quan và trách nhiệm đến câu chuyện này cần lên tiếng, không để một việc chẳng có gì to tát lại thành câu chuyện thị phi nặng nề. Chuyện vào Hội Nhà văn Việt Nam hay không tôi nghĩ chẳng quan trọng mà quan trọng nhất là tác phẩm.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet