Cuộc thẩm vấn “sốc óc” dài 2 giờ
Giữa năm 2021, sau nhiều tháng điều tra, chúng tôi đã tiếp xúc với hàng chục ông bà trùm, rồi làm việc, đưa tư liệu cho cơ quan điều tra, phối hợp với lực lượng kiểm lâm, các tổ chức bảo tồn để phanh phui các ổ nhóm, đường dây nuôi nhốt, mua bán hổ và các sản phẩm từ hổ. Cuối cùng là các chiến dịch ra quân chưa từng có sau khi chúng tôi tham gia tố cáo: Hai ngày giải cứu 24 cá thể hổ, và nhiều loại động vật hoang dã khác.
Thực tế, trước khi cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An tiến hành điều tra rồi huy động lực lượng thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành bị nuôi trái phép trong 2 hộ gia đình ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, và bắt giữ các đối tượng vận chuyển 7 cá thể hổ con ở Diễn Châu vào đầu tháng 8/2021, nhóm phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã dành nhiều thời gian, nằm vùng trong “hang hổ” (các thôn, xã) này để tìm hiểu, gặp gỡ những ông trùm.
Để được giáp mặt những ông trùm trong “hang hổ” khét tiếng bậc nhất Việt Nam này là cả một quá trình “cài cắm” – mà vì lý do nghiệp vụ và giữ bí mật cho nhiều cộng sự, xin không kể ra đây. Chỉ biết rằng, hơn 5 năm trước, chúng tôi đã cùng một tổ chức bảo tồn uy tín mang các video clip sốc, quay được cả cảnh nuôi nhốt hổ như nuôi chó mèo trong hầm tối ở Nghệ An để đến cơ quan chức năng tố cáo; từng vào các hang ổ với cả núi xương động vật các loại, nồi cao hổ la liệt.
Song mọi thông tin chúng tôi cung cấp khi đó đã không có được sự hợp tác từ cơ quan chức năng. Mọi việc “chìm xuồng”. Các “thủ phủ” nuôi hổ trái phép khét tiếng vẫn hoạt động dữ dội với siêu lợi nhuận, dưới sự điều hành của các ông trùm xuyên quốc gia.
Chiến công là của các đồng chí công an tuyến đầu, lăn lộn điều tra và bắt giữ. Nhóm PV chúng tôi chỉ là những người muốn bảo vệ quyền được tự do giữa thiên nhiên và quyền sống an lành của muông thú, bảo vệ lẽ sống thượng tôn luật pháp… Được tham gia một phần nhỏ bé vào công việc trên, đã là một điều hạnh phúc, an ủi lớn.
Thật sự là lần đầu chúng tôi không dám vào “thủ phủ” khét tiếng đó. Phải “điệu hổ ly sơn”, mời một tay cung cấp hàng đi sang huyện kế bên nhậu tới bến, khai thác đủ thứ chuyện, quan sát hắn và bước lên xe hắn thăm dò đủ thứ; dọn kỹ xe mình và thiết bị tinh vi của mình để không còn “dấu tích nhà báo” nào nữa… Sau rồi chúng tôi mới rón rén vào ngôi làng ấy. Chui vào tận gầm giường nhà “ông trùm hàng Phi” (hàng từ châu Phi) để xem hàng được cất giấu.
Nhóm phóng viên móc nối quan hệ cũ, biết rõ các nhóm người vẫn dẫn nhau mua buôn (sỉ) rất nhiều “hàng hổ” từ các ngôi làng kiểu như trên và mang đi các tỉnh xé lẻ phân phối.
Lần này, có được thông tin từ móc ngoặc với một đối tượng ở xã Đô Thành. Sau nhiều cuộc “thử nhau” ven đường 533, dọc kênh Vách Bắc (thuộc xã Đô Thành), việc chúng tôi bày tỏ muốn mua cao hổ, sừng tê để biếu đối tác bắt đầu “mặn duyên”.
Sau các thủ thuật tạo niềm tin về việc mình là những người giàu có và làm ăn to, chịu chi và chịu chơi, đến hôm sau có người quyết định dẫn chúng tôi đi xem hàng. Sau khoảng 2 tiếng trò chuyện “sốc óc” với nhiều câu hỏi thẩm vấn nhằm làm rõ nhân thân chúng tôi, trước khi lên ôtô, người giới thiệu gọi điện trước cho một người hỏi “hàng”.
“Đã thành công…”
Ngồi trên ôtô của người dẫn đường, nhóm phóng viên được đưa đến nhà dân trong một con ngõ nhỏ. Vừa lái xe, anh ta vừa kể việc nuôi nhốt, buôn bán hổ ở địa phương. Anh ta tiết lộ toàn chi tiết sốc: Có nhà nuôi mấy trăm con hổ. Họ mua hổ con từ Lào về, có khi từ mấy khu được phép nuôi nhốt mà hổ liên tục đẻ như mèo, người nuôi bán giấu ông chủ. “Đôi hổ con mấy trăm triệu mà!”.
Bất ngờ hơn, các ông bà chủ nuôi hổ kinh doanh siêu lợi nhuận còn đầu tư mua hổ con, cung cấp thức ăn, thuê các hộ dân nuôi hổ cho họ rồi họ “bao tiêu sản phẩm”. Và khi vụ bắt giữ lịch sử chưa từng có kia diễn ra, chúng tôi càng củng cố niềm tin của mình về điều “khó tin nhưng có thật” này.
Trong video phóng viên ghi được (mà báo điện tử Dân Việt đã đăng), người dẫn mối chỉ vào những khu nhà dân quây kín – nhiều nhà có tầng âm (thấp hơn mặt đường) cho biết: “Dưới những căn nhà khang trang vài tầng ấy là tầng hầm họ nuôi nhốt hổ. Họ làm kín lắm, có chỗ người ta nuôi dăm bảy còn mà hàng xóm không biết. Muốn biết được chỉ có cách xem họ đi chợ, hoặc theo chân những người buôn bán hàng thịt, gia cầm là biết nhà nuôi”.
Lúc tố làng nuôi hổ, chúng tôi cũng nói rõ: Họ mang hổ con về thế nào và bán hổ con đi đâu; đang giãn cách xã hội chống dịch Covid-19, hạn chế đi lại nên hổchưa bán đi được, to béo lắm, hầm sâu lắm. Đặc biệt, các nhà nuôi 14 con hổ vừa bị bắt kia, thử hỏi mỗi ngày họ cho hổ ăn bao nhiêu? Có gia đình nào ăn như một công trường vài trăm nhân công thế không? Theo dõi xe chở thịt về phục vụ 14 “chúa sơn lâm” là biết ngay thôi.
Khi các đường dây, vụ việc bị phanh phui, bắt giữ, có điều tra viên gọi cho phóng viên từ hiện trường cảm ơn đã cung cấp thông tin. Và có người còn chép miệng khi đang vận chuyển hổ ở xã Đô Thành đi cứu hộ: “Cái thằng chú tố cáo, chỉ là tay môi giới kiếm lời thôi, hàng xóm nhà nó mới nuôi nhiều hổ”. Nhiều “tay trong” hỗ trợ nhóm phóng viên thì nhắn tin xúc động: “Đã thành công, em cảm ơn anh đã giúp chúng em”.
Pháp luật | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7