CÀNH CÂY RƠI TỪ CUNG TRĂNG XUỐNG
Con công trong khi làm tổ ở tít trên cành cây ba chạc. Một hôm công đang chỉnh lại tổ của nó thì nó để rơi một mẩu cành cụt có hình dáng lạ lẫm. Một con cáo đi qua nhìn thấy mẩu cành đó bèn tha về hang mình. Con dũi đi qua thấy con cáo đang ì ạch tha cành cụt bèn hỏi:
– Cái thứ lăng nhăng thế mà cậu mất công sức thế sao?
Nghe dũi nói, cáo hơi đỏ mặt nhưng rồi nó chống chế:
– Đây không phải là cành cây thường mà nó rơi từ trên cung trăng xuống, ai nhìn được nó thì sẽ tha hồ may mắn, muốn ăn gì cũng có mà không bao giờ gặp nguy hiểm.
– Thế cậu cho tớ nhìn nó một tý – dũi tò mò nói.
Cáo dẩu mồm lên:
– Cậu muốn nhìn nó thì mang cho tớ thứ thức ăn nào tớ thích đi.
Sau khi dũi mang cho cáo xác con gà con chết đuối dưới nước để nhìn được cành cây rơi từ cung trăng xuống, nó loan tin đi khắp khu rừng về cành cây kỳ diệu. Thế là lần lượt các loài vật mang đồ ăn đến để cáo cho nhìn cành trên cung trăng. Con cáo khôn ngoan đắp rất nhiều hoa lá lên để che cành cây đó.
Một hôm, công nghe tin cáo nhặt được cành cây trên cung trăng. Nó tìm đến hang của cáo, đang định đưa cho cáo mấy con cá công kiếm được ở suối, thì đột nhiên một trận gió lốc đột ngột nổi lên cuốn bay đi mọi thứ có cây, hoa lá mà cáo che lên cành cây. Khi gió ngừng, con công nhìn lại thì thấy cành cây rơi trên cung trăng xuống chính là cành cây nó từng tha về làm tổ và bị rơi xuống đất hôm công sửa tổ. Vết móng của nó còn in hằn trên thân cành.
Công ta tố ộ vang khu rừng để diễu cợt sự khoác lác của con cáo. Cáo ta ngượng quá chui tọt trong hang giấu cái mõm nhọn của nó để không nghe thấy những lời chế nhạo của muôn loài đang ồn ào ngoài cửa hang.
Nhân chuyện này, mỗ nói “mọi sự phù hoa đừng nên tin vội”.
CON NHỆN CHĂNG TƠ
Con nhện đen là láng giềng của con nhện trắng. Hai con lầm lũi đêm ngày dệt mỗi con một tấm mạng nhện chăng từ cành cây này sang cành cây kia. Nhện đen nhìn mạng của nhện trắng bảo:
– Mạng của cậu không đẹp bằng mạng của tớ.
– Làm gì có chuyện đó.
– Mạng tớ đẹp đến nỗi giống người phải làm thơ. Rằng: “Nhện kia nó mới chăng tơ. Nhện ơi nhện hỡi mày chờ ai đây”.
Nhện trắng giơ chân bảo:
– Tưởng gì. Mạng của tớ còn vào câu hát: “Con nhện nó mới chăng mùng. Đêm năm canh con nhện nó chăng mùng…”.
Hai nhên chẳng con nào chịu con nào. chúng bèn nhờ họa mi phân xử. Họa mi mải hót không để ý. Nhờ công thì công cong đuôi mải múa không trả lời. Cuối cùng chúng nhờ con gấu. Vừa nghe nhện hỏi “mạng nào đẹp hơn?”, gấu ậm ạch đi đến quát:
– Chúng mày chăng mạng chỉ làm bẩn rừng ra.
Tay gấu vung lên, chỉ sau cái xoa mạnh hai mạng nhện mà nhện đen và nhện trắng kỳ công dệt nên đều bị xóa sạch. Cả hai nhện đều vừa tiếc công mình vừa giận gấu nhưng chẳng làm gì được.
Nhân chuyện này, mỗ nghĩ: “Khi cần phân xử, không nên trông chờ kẻ ngu và thô bạo”.
CON VỜ VỜ VÀ CON BƯỚM
Con vờ vờ mới sinh đang vật vờ trên mặt phù sa bên bờ sông thì thấy con bướm trắng đang bay theo cánh bèo tây dập dờn trên mặt sóng. Con vờ vờ cất tiếng hỏi:
– Chị bướm bay đi đâu đấy?
Con bướm đập đập cánh, vênh đôi râu lên:
– Chị đang đi chơi. Chị bay theo mãi cánh bèo này xem sông dài đến đâu.
– Chị thích nhỉ. Chị cho em bay theo với.
Con bướm xua xua đôi chân:
– Đôi cánh của em bé tý xíu kia bay làm sao kịp chị. Sáng nay chị đang có hứng đậu trên hoa bèo lang thang trên mặt sông. Để chiều, chị chán rồi sẽ quay về. Chị sẽ đưa em đến một vườn hoa ngay cạnh bờ sông mà chị mới tìm ra được. Gần đây thôi. Chứ bay mãi trên mặt bùn tanh tưởi này thì chán chết.
Con vờ vờ nghe thấy thế, thích thú bảo:
– Bay đến vườn hoa à? Thế thì thích nhỉ. Chị nhớ nhé. Em sẽ đợi chị ở cành cây khô này.
– Yên tâm. Bướm này đã hứa với ai thì chắc như đinh đóng cột.
Thế rồi bướm trắng vụt bay theo hoa bèo tây, rong ruổi trên mặt sông. Mãi đến khi mặt trời sắp lặn, nó mới nhớ tới lời hẹn với con vờ vờ. Nó vội vã bay về tìm con vờ vờ. Tìm mãi, tìm mãi cuối cùng nó cũng tìm thấy bóng con vờ vờ trong chạng vạng hoàng hôn. Bướm trắng đưa chân vỗ mãi vào lưng con vờ vờ, và nó bàng hoàng chợt nhận ra: Con vờ vờ giờ chỉ là cái xác khô. Bướm trắng buồn bã lắc đầu:
– Có một ngày mà cũng không đợi được ư?
Con bướm trắng đâu biết, con vờ vờ từ lúc ra đời cho đến khi chết chỉ sống có vài giờ đồng hồ thôi.
Nhân chuyện này, mỗ nói: “Sự sống luôn khắc nghiệt từng giờ”.
HỔ MẸ VÀ CON NHÍM
Hổ mẹ đang nằm, mắt lim dim sau khi cùng hai con chén xong con nai tơ. Bỗng nó choàng tỉnh dậy khi thấy hai hổ con lồm cồm bò về, mặt mũi ủ rũ.
– Có việc gì mà chưa đi chơi đã về thế?
Hai hổ con vừa thở vừa tranh nhau nói:
– Mẹ ơi chúng con đang chơi trên quả đồi thì một con nhím từ đâu đi đến. Nó chẳng làm gì chúng con đâu, nhưng cứ nhìn bộ lông nhọn hoắt, lởm chởm của nó mà ghê ghê. Nhỡ nó rùng mình bắn vào chúng con thì đau lắm. Mẹ ra đuổi nó đi.
Nghe hổ con nói, hổ mẹ gầm lên một tiếng, đứng dậy:
– Được rồi. Để ta ra đuổi con nhím đi.
Ra đến nơi, thấy con nhím đang nằm phơi nắng trên bãi cỏ, hổ mẹ quát to:
– Con nhím kia cút đi.
– Đây là bãi cỏ chung, sao lại đuổi tôi?
– Tao đuổi vì bố mày đã chọc lông vào con tao làm mình mẩy nó sưng hết đây này.
Nhím ngóc đầu dậy phân bua:
– Tôi xấp xỉ tuổi bà, bố tôi thì mất rồi, mà con bà mới sinh làm sao lông bố tôi có thể chọc vào mình con bà được.
Nghe nhím nói, hổ mẹ giận lắm, nhưng nó không biết nói thế nào bèn quật đuôi xuống đất quát to:
– Tao không nói nhiều, chỉ biết con tao chơi đùa ở đâu thì loài nhím chúng mày không được đến chỗ ấy. Nếu cứ đến thì cứ liệu hồn. Nhím nhiều lông nhọn, bọn con tao có thể sợ, còn tao vẫn có thể đập chết chúng mày ăn thịt, hiểu chưa? Muốn sống thì bước…
Để cho lành, nhím bèn lẳng lặng rời khỏi bải cỏ trên đồi.
Nhân chuyện này, mỗ nói: “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh là vậy”.
CUỘC THI HÁT CỦA RỪNG
Một ngày đẹp trời, chúa sơn lâm sư tử tổ chức cuộc thi hát cho các loài vật trong rừng. Sư tử tuyên bố mở đầu:
– Rừng ta có nhiều loài, đến loài nào ra thì cứ thoải mái hát, giọng nào ta thấy ưng ý nhất thì đoạt giải.
Đầu tiên gấu đen ra gầm gừ một chặp. Sư tư bảo:
– Tạm được.
Đến lượt con trâu ra, ngẩng đầu kêu thật to mấy hồi. Sư tử nhệch mồm:
– Khá đấy!
Đến hổ vằn bước ra, vươn vai, nghển cổ lên rống một tiếng khiến các loài im phắc. Sư tử cũng rùng mình nhưng vẫn nói:
– Khá lắm, nhưng vẫn chưa bằng ta.
Sau hổ vằn là đến voi mốc. Con vật khổng lồ cong vòi rống ba hồi rồi quay đôi ngà dài nhọn hoắt về phía sư tư. Chúa sơn lâm rùng mình lắp bắp:
– Được, được…
Đến lượt họa mi vàng. Chàng ta đầy vẻ tự tin liền khẽ vỗ đôi cánh xinh xinh, ngửa cổ hót lên mấy hồi du dương. Sư tử nghiêng tay nghe một chặp rồi bảo:
– Chẳng ra tiếng gì cả. Thế mà cũng gọi là hát ư, không cần xét. Giọng họa mi ta xếp đứng hàng cuối cùng. Voi đoạt giải nhất.
Nhân chuyện này, mỗ nói: “Không phải giọng hát nào hay cũng lọt tai kẻ mạnh”.
CÁNH DIỀU VÀ DÂY DIỀU
Một cánh diều đang lượn bay ngạo nghễ dưới bầu trời xanh mướt. Một đàn chim sẻ bay qua tán thưởng:
– Anh diều tài quá, tài quá.
Diều ta vênh một bên cánh lên cười hì hì. Liền sau đó là đàn bồ câu vừa ăn no thóc ở cánh đồng sắp gặt ậm ách bay ào qua, thấy diều cũng đồng thanh kêu lên:
– Ôi anh diều có hai cánh cứng đơ mà bay giỏi quá.
Diều lại lần lượt giơ đôi cánh lên kiêu căng:
– Còn phải nói.
Con chim ưng đang bay tít trên cao ngó xuống, rít lên bảo diều:
– Giỏi thế thì bay cao nữa lên bằng tớ đây này.
Diều định bay vọt lên, nhưng lập tức bị co lại bởi sợi dây cứng chắc buộc lấy chân, diều ta liền bảo:
– Này dây kia, buông ta ra, ngươi đừng nghĩ bám lấy ta suốt đời để được bay lên trời cao đâu nhé.
Sợi dây nhỏ nhẹ:
– Anh diều ơi, anh bay lên được thế là nhờ có dây tôi đấy.
Vừa nghe sợi dây nói, diều vênh váo:
– Ngươi đúng là nói láo, tranh công. Ta bay lên được lên trời cao xanh này là do sức ta, do đôi cánh của ta biết lựa chiều gió mà vượt lên, mi đừng xàm ngôn nhận công hão. Thôi, ngươi cứ dứt khỏi ta để ta được tự do bay lên cùng đám chim ưng, phượng hoàng ngạo nghễ kia đi. Buông ra, đừng bám ta nữa.
Dây lẳng lặng lập tức dứt khỏi cánh diều và cũng ngay lập tức cánh diều bị chao đảo và chỉ trong giây lát đâm nhào xuống ruộng đầy bùn nằm trơ khấc dính be bét sình lầy. Diều cố gượng lên những càng gượng càng chìm sâu vào bùn.
Nhân chuyện này, mỗ cho rằng: “Trên đời, thiếu điểm tựa vững chắc thì khó bay cao, bay xa”.
GẤU NÂU BÁN CÂY CHỮA BỆNH
Khu rừng nọ bỗng nhiên gặp thiên tai. Cây cối tự nhiên khô héo, các dòng suối trong rừng bỗng khô kiệt, chim muông, thú vật bất ngờ mắc đủ thứ bệnh. Riêng khu đồi của gấu nâu lại vẫn y nguyên từ cảnh vật đến cây cỏ. Không những thế, tự nhiên trong khu đồi đó lại mọc lên một thứ cây có thể làm lành bệnh của các con vật. Gấu nâu rất nhanh chóng biết được thứ cây đó và nó đứng ra đào bới lên bán cho các con vật mắc bệnh để thu lợi, đổi lấy các thứ gấu nâu cần.
Đáng ra cây chữa bệnh kỳ diệu đó phải đủ năm tháng mới khai thác được, nhưng vì thú vật bị bệnh quá nhiều, nên gấu nâu bất chấp tất cả để đào lên bán cho các loài. Đó là chưa kể gấu nâu còn nói với lũ khỉ đột đi nhặt nhạnh những cây, cành hao hao thứ cây chữa bệnh để bán cho kẻ bị bệnh.
Một ngày kia, có con hổ xám có con bị ốm nên đến xin gấu thứ cây chữa bệnh. Nhận thuốc về cho hổ con dùng mãi mà không khỏi, hổ xám tức giận bèn đến đồi đòi đánh gấu nâu. Trước kia, gấu nâu cũng là kẻ kiêu hùng trong rừng, nhưng từ khi thành kẻ bán thuốc và cả thuốc giả để kiếm lợi, gấu nâu đâm ộ ệ, yếu đuối hẳn đi. Nên ngay lập tức gấu nâu bị hổ xám đẩy ngã lăn kềnh xuống chân đồi.
Hổ xám đi vào hang gấu và nhận ra gấu nâu có quá nhiều của ngon vật lạ. Hổ xám cũng nhận ra thứ thuốc được muôn loài cho là quý giá kia chỉ là cây cỏ bình thường mọc đầy rừng. Hổ xám nổi giận, phá tanh bành hang gấu nâu và dẫm nát mọi thứ cây cỏ mà gấu nâu và đám khỉ đột lấy về để lừa muôn loài kiếm lợi.
Nhân chuyện này, mỗ cho rằng: “Dã man nhất là kẻ lợi dụng nỗi đau để đánh lừa và kiếm lợi đồng loại”.
SƯ TỬ BỜM DÀI VÀ KHỈ VÀNG
Khỉ vàng là con vật rất giỏi bắt chước. Nó lại ở trên cây gần hang của sư tử bờm dài, một trong những con vật có vai vế trong khu rừng này. Vì ở cạnh nên mỗi khi sư tử làm điều gì, khỉ vàng cũng lập tức bắt chước cho vui mà cũng để những con vật khác không coi thường mình.
Đầu tiên, khỉ vàng định bắt chước sư tử để bờm dài, nhưng để mãi, để mãi khỉ vàng vẫn không thể có bờm dài. Khỉ vàng bèn bắt chước tiếng gầm của sư tử, rồi động tác quật đuôi xuống đất trước khi nhảy chồm lên vồ con mồi. Mỗi lần như vậy, khỉ vàng đều quay về phía sư tử hỏi:
– Tôi làm thế có giống ngài không, thưa sư tử bờm dài?
Sư tử biết là không giống nhưng thấy có kẻ khâm phục và luôn bắt chước mọi động tác của mình nên sư tử bờm dài cũng gật đầu tán thưởng. Nó gật gù:
– Tốt lắm. Gần giống đấy, cứ tập thêm đi.
Khỉ vàng được khen khoái chí lắm, và nhảy lên cây khèng khẹc khoe việc mình được sư tử khen.
Một hôm, sư tử bờm dài trong lúc đi kiếm ăn chẳng may sa vào bẫy của đám thợ săn. Nó giãy giụa và dở đủ mọi khả năng của loài vật hung dữ mới thoát được bẫy nhưng một chiếc chân bị thương nặng gần gãy. Sư tử khập khiễng đi về. Nhìn thấy sư tử bờm dài trong bộ dạng thế, khỉ vàng bèn bắt chước dáng đi khập khễnh đó. Đi vài bứơc, khỉ vàng quay lại hỏi sư tử:
– Tôi đi thế có giống ngài không?
Sư tử tức bầm gan, nhưng cố nhịn giơ tay lên vẫy vẫy khỉ vàng và bảo:
– Lại gần đây ta xem có giống không nào.
Khỉ vàng le te khập khiễng đi lại, vừa đến đúng tầm tay của sư tử thì con vật này gầm lên một tiếng, quát to:
– A, mày dám đi giống chân đau của tao để bêu xấu tao à?
Vừa quát nó vừa giơ chân trước tát mạnh khỉ vàng. Khỉ bị cái tát trời giáng, ngã lăn quay xuống đất nằm bất động.
Nhân chuyện này, mỗ bảo: “Không phải sự bắt chước, rập khuôn nào cũng mang lại điều tốt cho kẻ bắt chước”.
TÌNH YÊU CỦA MẸ HỔ CON NAI
Hổ vàng đầu hè vừa qua sinh ra một hổ con rất xinh đẹp. Hổ mẹ chăm chút hổ con lắm. Nhưng vào một đêm mưa bão, vì bất cẩn nên con bị dòng lũ cuốn đi mất. Hổ mẹ nhớ thương con lắm, đêm ngày vật vã khóc than. Đang lúc đau khổ thế thì hổ vàng nhìn thấy một con nai con lạc mẹ đang kêu gào. Động lòng trắc ẩn, hổ mẹ bèn đến gần và nhận nai con làm con. Nai con chẳng biết gì nên cũng rúc đầu vào bầu vú của hổ vàng. Hai mẹ con hổ và nai thương nhau lắm.
Một hôm hổ vàng đang nằm, nai con nằm khoanh tròn, gối đầu vào chân trước của hổ mẹ. Hổ vàng nhìn nai con âu yếm, rồi giơ tay vuốt ve nai con. Không ngờ móng vuốt của hổ vàng quá sắc làm rách da nai con, máu chảy đầm đìa. Nai con bị thương nên khóc lóc thảm thiết.
Mẹ hổ thương con càng vuốt ve thì những móng sắc càng làm da nai rách và máu càng chảy ra. Nai con càng đau đớn càng khóc to hơn.
Hổ vàng càng vuốt ve, nai càng khóc to. Máu hổ nổi, nó bèn gầm lên:
– Tại sao tao càng nựng, càng vuốt ve mày lại càng khóc là sao?
– Mẹ đừng vuốt ve con nữa.
Hổ nghe nai nói càng rống lên:
– Tao yêu mà mày lại không muốn là sao? Con này rõ thật là…
Hổ vàng nhìn xuống nai con, thấy những vết rách trên da nai càng to, và máu chảy càng nhiều. Hổ hít hít và cảm thấy mùi máu quen thuộc kích thích vị giác. Nó nuốt nước bọt cố ghìm những không được. Cơn thèm ngày càng dâng lên. Hổ ngửa cổ gào “biết hổ dữ không ăn thịt con, nhưng mày là con nuôi nên…”.
Hổ nhe nanh định nhai nai thì chợt con nai gầm lên một tiếng rất lạ nửa nai nửa hổ và cắm phập hàm răng chuyên nhai cỏ vào sâu cuống họng hổ. Hổ vừa dãy chết vừa ngạc nhiên…
Hóa ra vì nai con bú sữa hổ nên bản tính dần dần cũng ác và dữ như hổ.
Nhân chuyện này, mỗ nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” là vậy.
CON VƯỢN CÓ CÁI ĐUÔI VÒNG
Có con vượn có cái đuôi chẳng những như bông lau mà lại có những vòng lông đen bao quanh rất đẹp. Tuy còn ít tuổi nhưng con vượn này biết lo xa và rất linh hoạt trong kiếm mồi nên nó đã làm chủ một cái hang đẹp và có nhiều đồ ăn. Một hôm đi săn trong rừng, nó gặp con vượn già đang lang thang. Con vượn già bèn bảo:
– Vượn tuổi trẻ tài cao lại có cái đuôi đẹp nhất loài kia ơi. Cho bác đến hang cháu ở vài hôm để ngắm thỏa thích cái đuôi đẹp của cháu rồi bác đi thôi.
Vượn trẻ nghe bùi tài liền cho vượn già vào hang của mình. Tưởng vượn già chỉ ở vài hôm, ai dè qua gần chục hôm rồi vượn già vẫn ở lỳ trong đó để ngày ngày chén gà nuôi và đồ ăn trong hang vượn trẻ, mặc dù vượn có đuôi đẹp mấy lần đánh tiếng nhưng vượn già vẫn không đi.
Vượn trẻ rất ân hận vì trót nghe lời tán tụng của vượn già, nhưng vốn thông mình bèn nghĩ cách đi tìm một cái hang khác, rồi lần lượt chuyển đồ ăn của mình đến đó. Thấy vậy vượn già hỏi:
– Cháu mang đồ ăn thức uống đi đâu mà nhiều thế?
Vượn trẻ bảo:
– Cháu mang cho bà con thân thiết của cháu ạ.
Khi đã mang hết của nả của mình đi rồi, vượn trẻ cúi đầu chào vượn già:
– Hang của cháu giờ bác cứ ở nhé, cháu xin phép đến ở nhà bà con thân thuộc đây.
Vượn già ngớ người ra nhìn hang rỗng tuếch, trống trải.
Nhân chuyện này, mỗ nghĩ: “Đừng nghe những lời phỉnh phờ dù nhỏ nhất”.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet