Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào ngày 24/11 tại Hà Nội. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng nhận định, quy mô của Hội nghị được tổ chức khá lớn.
Ngoài việc tổ chức tại Hội trường Diên Hồng với số lượng gần 600 đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, văn nghệ sĩ tiêu biểu… Hội nghị còn kết nối trực tuyến với hàng trăm điểm cầu tại các tỉnh, thành, nhiều bộ, ngành trên cả nước.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; cũng như kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Từ đó, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 – 2026, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại sự kiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ngoài những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.
“Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn.
Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá”, Tổng Bí thư cho biết.
Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, mối quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước dành cho văn hóa, cùng sứ mệnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Theo đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng đã nêu những điều quan trọng cần thực hiện nhằm phát triển nền văn hóa.
“Quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai”, Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhận định.
Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Theo Tờ trình, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Trước đó, giới làm phim Việt tổ chức cuộc thảo luận mang tên “Ai góp ý giơ tay lên” vào ngày 26/9/2021. Đây là cuộc thảo luận, tọa đàm online được tổ chức bởi “Ơ kìa Hà Nội” với mục đích đưa ra kiến nghị đóng góp cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sự kiện đã quy tụ các nhân vật hoạt động lâu năm và có ảnh hưởng trong làng điện ảnh.
Dự kiến, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.
Bộ Quy tắc ứng xử để “chấn chỉnh” nghệ sĩ chính thức được ban hành
Sự kiện văn hóa nổi bật trong năm 2021 không thể không nhắc đến Bộ quy tắc ứng xử để “chấn chỉnh” nghệ sĩ chính thức được ban hành.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vào ngày 13/12/2021. Đây được xem là phương thức nhằm “chấn chỉnh” những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trước nhiều biểu hiện lệch chuẩn hành vi.
Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật gồm 3 chương, 11 điều, trong đó chương I quy định Mục đích, phạm vi, đối tượng, giải thích từ ngữ; chương II Quy tắc ứng xử; chương III là Tổ chức thực hiện.
Cụ thể, Chương I của Quy tắc nêu rõ: Mục đích của Quy tắc nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội.
Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Phạm vi và đối tượng áp dụng: Hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, công chúng, khán giả, khi tham gia các hoạt động xã hội, báo chí, truyền thông và không gian mạng.
Đối tượng áp dụng của Quy tắc là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tại Chương II Quy tắc ứng xử được chia các quy định thành nhiều nhóm. Theo đó, Điều 4 Bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ nêu quy tắc ứng xử chung, gồm: Đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật.
Điều 5 nêu quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp. Điều 6 nêu quy tắc ứng xử với đồng nghiệp, trong đó có trân trọng các thế hệ nghệ sĩ đi trước trong việc trao truyền những giá trị văn hóa, tinh hoa nghề nghiệp cho các thế hệ người hoạt động nghệ thuật; tôn trọng, bảo vệ uy tín của đồng nghiệp trước công chúng, khán giả và xã hội…
Điều 7 của bộ quy tắc quy định nghệ sĩ không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức. Điều 8 quy định nghệ sĩ không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Điều 9 của bộ quy tắc đáng chú ý là yêu cầu công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân.
Theo ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử cho giới nghệ sĩ là vô cùng cần thiết. Nhất là thời gian qua, làng giải trí Việt có quá nhiều sự việc lùm xùm, gây ảnh hưởng không đó đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và gây xói mòn lòng tin của công chúng đối với nghệ sĩ. Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ đưa ra những chuẩn mực để các hội chính trị, nghề nghiệp, xã hội… dựa vào đó mà đề ra các quy tắc riêng. Từ đó, sẽ có các biện pháp thanh lọc để nghệ sĩ biết nâng cao ý thức của mình trong hành xử hàng ngày và trong quá trình làm nghề.
“Bộ Quy tắc ứng xử này không phải quy phạm pháp luật nhưng sẽ là một cái khung để những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải biết tiết chế hành vi ứng xử (phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục) của mình lại. Dựa trên Bộ Quy tắc này, các bộ, ban, ngành, hội sẽ có các quy tắc riêng, các định chế riêng để đưa các hội viên vào khuôn khổ.
Phạm vi áp dụng của Bộ Quy tắc này là đối với tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, bao gồm cả hoạt động tự do và biên chế ở các đơn vị nghệ thuật. Bộ Quy tắc này cũng áp dụng cho tất cả các hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, khi tham gia hoạt động báo chí, truyền thông, mạng xã hội và các hoạt động cộng đồng khác”, Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định.
Nghệ thuật Xòe Thái chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Theo đó, Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 17 giờ 11 phút ngày 15/12 tại Pháp.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và long bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Nghệ sĩ vướng ồn ào từ thiện: Kết luận vụ nghệ sĩ Hoài Linh bị tố lừa đảo
Trong năm 2021, sao kê trở thành từ khóa “hot” thu hút sự quan tâm của cộng đồng khi nhắc đến showbiz Việt năm 2021. Bởi, nhiều nghệ sĩ như: Hoài Linh, Thủy Tiên, Hoài Linh, Trấn Thành… bị “réo tên” gắn liền với từ khóa sao kê từ phía cộng đồng đòi sự minh bạch trong hoạt động từ thiện. Theo đó, danh hài Trấn Thành gây “sốt” khi tung ảnh sao kê dài 1.000 trang giữa ồn ào bị cho là “sao kê chiếu mệnh”. Sau đó, nam danh hài Trấn Thành khẳng định, tin đồn tài khoản của anh có hơn 120 tỷ đồng là không chính xác: “Những ai đã khẳng định trong tài khoản tôi có hơn 120 tỷ đồng trong những ngày qua là những người vu khống. Các bạn đang nợ gia đình chúng tôi một lời xin lỗi”.
Ngoài danh hài Trấn Thành, MC Đại Nghĩa, mẹ ca sĩ Hồ Ngọc Hà, cựu siêu mẫu Trang Trần, Thúy Diễm – Lương Thế Thành, Nhật Kim Anh… cũng lên tiếng xoay quanh ồn ào sao kê tiền từ thiện. Riêng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bức xúc đáp trả khi bị tố ăn chặn 96 tỷ đồng từ thiện. “Không hiểu sao người ta có thể nói tôi như thế mà không ngượng miệng, không sợ gì cả. Tôi cũng thật sự ước mơ mình có giấc mơ, ngủ dậy thấy trong tài khoản có con số to đùng vậy, chắc chắn tôi sẽ làm được nhiều việc lắm. Ít nhất là tôi có thể chia sẻ cho người nghèo, bà con và đồng nghiệp của tôi”, Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng.
Trước sức ép của “cơn bão” sao kê, vợ chồng Thuỷ Tiên – Công Vinh đã tới ngân hàng và nhận hơn 1.800 trang sao kê số tiền 177 tỷ đồng trong đợt kêu gọi cứu trợ đồng bào miền Trung cuối năm 2020. Đây là hành động của cặp đôi sau một thời gian dài vướng lùm xùm về việc minh bạch khoản tiền từ thiện. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, điều này chưa đủ để chứng minh cho sự minh bạch trong hoạt động từ thiện của vợ chồng nữ ca sĩ khiến cho những cuộc tranh cãi “nảy lửa” trên mạng xã hội diễn ra không hồi kết.
Ngoài vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh, danh hài Hoài Linh cũng lên tiếng về với số tiền hơn 14 tỷ đồng ủng hộ miền Trung sau 6 tháng chưa được trao đến đồng bào miền Trung trong đợt lũ lụt năm 2020. “Mọi người hãy tin vào sự minh bạch của tôi. Tôi sẽ thực hiện sứ mệnh này và có các chứng từ, giấy xác nhận của địa phương nơi đoàn từ thiện của tôi đến trao”, NSƯT Hoài Linh nhấn mạnh.
Sau đó, đại diện của Hoài Linh thông báo ê-kíp đã giải ngân 15,2 tỷ đồng tiền cứu trợ bão lũ năm 2020. Danh hài Hoài Linh cũng xin rút khỏi vị trí ghế nóng trong chương trình “Thách thức danh hài”. Chưa hết, bà N.T.T.H ở TP.HCM có đơn trình lên Đài Truyền hình TP.HCM, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTTDL đề nghị xem xét thu hồi danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và cấm sóng các chương trình có sự xuất hiện của nghệ sĩ Hoài Linh trên các chương trình truyền hình lẫn ấn phẩm internet.
Lý do mà người này đưa ra là vì nam nghệ sĩ đã gây dư luận xấu trước những lùm xùm chậm giải ngân hơn 14 tỷ đồng mà các mạnh thường quân đóng góp để giúp đỡ người dân miền Trung khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Chưa dừng lại ở đó, trong bản tin mang chủ đề “Câu chuyện văn hóa: Nghệ sỹ và văn hóa ứng xử”, VTV đề cập đến nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên xoay quanh số tiền quyên góp từ thiện: “Nữ ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được số tiền ủng hộ lên tới 177 tỷ đồng, nhưng số tiền đó chỉ được kê khai với một tờ giấy viết tay cùng một số tờ xác nhận chung chung. Còn nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi được số tiền 14 tỷ đồng nhưng sau 6 tháng tiền cứu trợ vẫn chưa đến được nơi cần đến. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, ông mới vội vàng giải ngân toàn bộ trong chưa đầy một tuần lễ”.
Trong những ngày cuối năm 2021, dư luận xôn xao khi Công an TP.HCM kết luận nghệ sĩ Hoài Linh không “ăn chặn” tiền từ thiện. Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc quyên góp tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh do không có dấu hiệu tội phạm.
Vụ lùm xùm bản quyền ca khúc bị “nhận vơ”, nhiều nghệ sĩ kêu cứu
Từ sự việc bản quyền của “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son trên Youtube bị BH Media tung “gậy bản quyền” khiến dư luận xôn xao. Đơn vị này tiếp tục gây phẫn nộ khi xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca – Quốc ca Việt Nam do nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều nghệ sĩ cũng “kêu cứu” vì bị BH Media tung “gậy bản quyền” các ca khúc thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Đơn vị này bị NSND Thu Hiền “tố” đã mạo danh bà lập kênh “NSND Thu Hiền” trên YouTube hòng kiếm lợi. Ngoài ra, đơn vị này còn tự ý đưa các sản phẩm âm nhạc của NSND Thu Hiền lên khai thác và xác nhận quyền sở hữu mà chưa được phép của bà.
Chia sẻ với Dân Việt, ca sĩ Akira Phan bức xúc khi những ca khúc anh từng thể hiện ghi dấu trong lòng khán giả như: Mùa đông không lạnh, Lời nguyền, Giây phút êm đềm… cũng bị BH Media “nhận vơ” bản quyền trên YouTube.
“Nếu không có vụ ồn ào giữa BH Media tung “gậy bản quyền” đối với ca khúc “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son cũng như trong chương trình Chuyển Động 24h, VTV lên án việc BH Media xác nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca… thì có lẽ sự việc không mấy thu hút được sự quan tâm của mọi người đến vậy.
Bản thân tôi cảm thấy rất khó chịu và bực tức vì tất cả những sản phẩm của mình tự bỏ tiền ra làm, đầu tư công sức, chất xám nhưng lại bị “nhận vơ” một cách trắng trợn”, ca sĩ Akira Phan chia sẻ với Dân Việt.
Phía Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã làm việc với các nhạc sĩ và trả lời các thắc mắc của báo chí để làm rõ các vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị của nhạc sĩ: Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê, nhóm M6 về việc các sản phẩm âm nhạc của họ bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên chính kênh YouTube của tác giả. Trong buổi làm việc, VCPMC cũng thông tin thêm cho biết, 76 CD tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ đầu tư sản xuất cũng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube (có kèm theo Danh sách tác giả và album).
Khi sự việc chưa kịp lắng xuống, đơn vị này tiếp tục bị chỉ trích khi Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận ĐT Việt Nam – Lào trong khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup 2020 diễn ra vào ngày 6/12/2021. Thời điểm tắt tiếng, trên màn hình Next Sports chạy dòng chữ với nội dung: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”.
Trước phản ứng gay gắt từ phía cộng đồng, đại diện BH Media khẳng định: “Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media”.
“Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ nếu bất kì ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất. Chúng tôi cũng chưa bao giờ khẳng định mình nắm giữ bản quyền đối với ca khúc này.
Khi đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, phía Việt Nam nên chủ động chuẩn bị các bản ghi Tiến quân ca có bản quyền nộp cho ban tổ chức sân, như vậy có thể đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị tiếp sóng”, BH Media lý giải.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet