Cảnh trong phim Bàn cờ của gió – Ảnh: IMDb
Không phải khán giả bỏ lỡ, mà chính tác giả – đạo diễn Mohammad Reza Aslani – mới tìm lại được tác phẩm của mình sau bốn mươi… năm!
Bàn cờ của gió – tên tiếng Pháp L’échiquier du vent, tiếng Anh The Chess Game of The Wind – sản xuất năm 1976, được chiếu một lần duy nhất tại LHP quốc tế Teheran năm 1976 trong điều kiện kỹ thuật thảm hại: chiếu sai thứ tự các cuộn, máy không chỉnh sáng nên hình ảnh tù mù…
Tiếp theo đó, dưới sức ép của các đại diện điện ảnh chính thống thời vua Pahlavi, ban giám khảo quyết định rút phim khỏi chương trình. Đến Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Bàn cờ của gió bị chính quyền các giáo sĩ ra lệnh cấm phát hành vì động chạm tôn giáo, tiếp tục tuyên bố phim… thất lạc!
Từ đó, Bàn cờ của gió chỉ còn lại phiên bản VHS đã bị cắt xén và hình ảnh lu mờ. Cho đến năm 2014, gia đình đạo diễn Aslani tình cờ phát hiện 11 hộp sắt chứa âm bản (négatif) phim tại một chợ đồ cũ Teheran và mua lại.
Bàn cờ của gió đến nay vẫn không được công chiếu ở Iran, song ở ngoài nước, ba tổ chức gồm Film Fondation’s World Cinema Project (Mỹ), Cineteca di Bologna (Ý) và L’Image retrouvée (Pháp) cùng đứng ra phục chế phim thành phiên bản kỹ thuật số chất lượng cao để giới thiệu ở Cannes 2021.
Hiện “kiệt tác hoàn hảo của điện ảnh Iran cần khám phá ngay” này vẫn đang chiếu, đến tháng thứ ba, tại một số rạp Pháp và sẽ phát hành dạng bluray.
Cốt truyện lâm ly
Bàn cờ của gió bắt đầu với générique ấn tượng: Trên nền cận cảnh những khạp thủy tinh màu cánh gián và thư pháp Ba Tư trắng tạo nên cảm giác tranh, phim khai từ bằng câu kinh Koran cảnh báo kết cục bi thương cho “những ai chạy theo của cải vật chất”.
Hầu hết chuyện phim diễn ra bên trong biệt thự sang trọng có bà chủ – mệnh danh “Bà lớn” – vừa mất, để lại gia sản lớn khiến ai ai trong nhà cũng muốn chiếm.
Đó là con gái – mệnh danh “Bà nhỏ” – bị liệt, đi lại trên xe lăn gỗ nhờ hỗ trợ của cô hầu. Là thương gia Haji Amou – chồng sau của Bà lớn – ra vẻ sùng đạo nhưng hiểm ác; cùng hai cháu trai của ông – Ramezan và Shaban.
Nghi bố dượng đã giết mẹ và âm mưu ám hại mình, Bà nhỏ quyết định thủ tiêu Haji với sự tiếp tay của cô hầu và Ramezan.
Rắp tâm phản bội chủ, cô hầu thông gian với Ramezan thủ tiêu cùng lúc Haji lẫn Bà nhỏ, sau đó sẽ câu kết với Shaban ám hại tiếp Ramezan. Bằng liên tục các sự kiện biến đổi, Aslani mô tả ngôi biệt thự hoành tráng nhưng ngập ngụa âm khí…
Đạo diễn đặc biệt khắc họa hình tượng hai nhân vật nữ: Bà nhỏ đại biểu cho số ít phụ nữ có học, chống chế độ gia trưởng, đòi nữ quyền trong xã hội bảo thủ; cô hầu trẻ đại biểu cho số đông phụ nữ thất học, thông minh nhưng dễ bị sai khiến và dựa vào kẻ mạnh.
Xảy ra trong bối cảnh xã hội Iran thời tan rã triều đại nhà Kadjar những năm 1920, Bàn cờ của gió là ẩn dụ về nước Iran thời đại nhà Pahlavi, mà sự sụp đổ đã xảy đến ba năm sau khi phim ra mắt.
Nghệ thuật mê ly
Vốn là nhà thơ, theo học mỹ thuật rồi điện ảnh, Aslani đã đặt vô Bàn cờ của gió ảnh hưởng rõ nhất của hội họa tả thực. Các mise-en-scène của ông, từ cận cảnh đến toàn cảnh, đặc biệt ánh sáng đèn nến nội cảnh đều giống tranh.
Chịu ảnh hưởng sân khấu Hy Lạp, đạo diễn xây dựng và lặp lại nhiều lần cảnh “dàn đồng ca” các phụ nữ giặt đồ ngoài ao, bàn tán chuyện trong nhà. Aslani chuộng khung hình tĩnh, cân đối nhưng vẫn làm chủ những cú lia duy mỹ, duy lý mà rung động. Với bố cục tĩnh, bàn cờ nghĩa đen thi thoảng được đặt ở điểm mạnh, nhắc người xem cuộc cờ nghĩa bóng…
Khác hẳn phong cách phim Iran ta vẫn biết, Bàn cờ của gió phảng phất bi kịch Nga cổ điển và không khí dồn ngộp Hollywood đương đại, trong đó tiếng động được khai thác với tần suất cao và có chủ đích.
Trả lời về sự tương phản giữa cái xấu bên trong và nét đẹp bên ngoài của các nhân vật, Aslani cho rằng “người ta chỉ hiểu cái ác thông qua cái thiện, và ngược lại, ánh sáng chỉ tồn tại nhờ bóng tối”. Trau chuốt và mực thước, Bàn cờ của gió thích hợp cho sư phạm điện ảnh.
Mảnh lịch sử lộng lẫy
Sinh năm 1943, Aslani chỉ thực hiện hai phim truyện: Bàn cờ của gió (1976) và Ngọn lửa xanh (2008). Cả hai phim đều bị giới phê bình chính thống tẩy chay vì “quá trí thức” và “xem thường đại chúng”, nên ở Iran Aslani chỉ được biết như đạo diễn phim tài liệu.
Trong nhiều năm, điền phiếu lý lịch cho con gái đi học, ông ghi vào mục nghề nghiệp của cha là “Majnour (người mê điên) hình ảnh, âm thanh”.
Từ khi Bàn cờ của gió có bản phục chế, điện ảnh Iran tìm lại được mảnh lịch sử lộng lẫy trước Cách mạng Hồi giáo, nối kết Aslani với các đạo diễn cổ điển thế giới như Max Ophuls, Luchino Visconti… hơn là với các tên tuổi đã làm rạng danh điện ảnh Iran đương đại như Abbas Kiarostami hay Moshen Makhmalbaf.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed