Phim “Chungking express”
“Chungking Express” (1994) – Nguồn: LoveExposure
“Chungking express” không có cốt truyện cụ thể, phim chỉ là hai câu chuyện được tách ra kể riêng biệt, chẳng nhập nhằng gì ngoại trừ một vài phân cảnh nhỏ của phần đầu xuất hiện tuyến nhân vật của phần hai. Nhưng cũng đều là thoáng qua, không có bất cứ va chạm nào cụ thể.
Câu chuyện thứ nhất kể về anh chàng cảnh sát số hiệu 223 Hà Chí Vũ bị bạn gái chia tay vào đúng ngày cá tháng tư, anh chàng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói đùa nên quyết định chờ đợi bạn gái quay lại trong một tháng, đến ngày 1 tháng 5 và cũng là ngày sinh nhật anh. Mỗi ngày 223 đều ghé mua một hộp dứa với hạn sử dụng là ngày 1 tháng 5. Đúng một tháng sau chia tay anh lấy toàn bộ số dứa ấy ra ăn sạch, như một cách từ biệt chuyện cũ để chào đón một mối quan hệ mới.
Câu chuyện thứ hai cũng xoay quanh một anh chàng cảnh sát khác, mang số hiệu 633 (Lương Triều Vỹ thủ vai). Giống như 223, anh chàng cũng vừa bị bạn gái nói lời chia tay. Mỗi ngày, 633 đều ghé tiệm thức ăn nhanh để mua salad cho người yêu rồi dần dà là “thêm vài lựa chọn” như lời gợi ý của ông chủ.
Lúc này 633 đã chia tay người yêu nhưng anh chẳng bày tỏ cảm xúc gì nhiều, trước sau vẫn giữ một thái độ điềm đạm, duy chỉ có chút buồn vương trên khóe mắt. Vậy mà ánh mắt đó của anh đã làm xiêu lòng Phi (Vương Phi thủ vai), cô nhân viên mới ở cửa hàng thức ăn nhanh.
Đạo diễn: Vương Gia Vệ
Năm phát hành: 1994
Thời lượng: 98 phút
Diễn viên: Lâm Thanh Hà, Lương Triều Vỹ, Vương Phi,…
Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert đã nói rằng: “Bạn thích bộ phim này vì bạn biết về điện ảnh, chứ không phải vì bộ phim nói được về cuộc đời”.
Bộ phim là một trải nghiệm thường tình của sự thất tình hay nỗi cô đơn, nhưng cái hay của họ Vương là đã lôi nó vào thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp và lối cuốn, ấn tượng và đầy trải nghiệm về nghệ thuật thứ 7.
Giống như nhiều phim khác sau này, mỗi khung hình của phim đều có thể dừng lại và tạo thành một hình ảnh đẹp để mô tả cho nỗi buồn chất chứa hay bố cục khiến người mê ảnh hài lòng.
Bộ phim xếp thứ nhất trong danh sách Phim Hong Kong hay nhất thập niên 2000. Bộ phim còn xếp thứ 17 trong danh sách những phim điện ảnh xuất sắc nhất thế giới mọi thời đại do tạp chí Time của Mỹ bình chọn và một trong 3 bộ phim châu Á duy nhất lọt vào danh sách này.
Phim “Amour”
Đạo diễn: Michael Haneke
Năm phát hành: 2012
Thời lượng: 127 phút
Diễn viên: Isabelle Huppert, Jean-Louis Trintignant, Emmanuelle Riva,….
“Amour“ đơn giản như một bộ phim tài liệu về cuộc sống của cặp vợ chồng già, Anne và Georges, ngoài 80 tuổi, từng là giáo viên dạy nhạc, có con gái sống ở xa và hai vợ chồng sống bên nhau, nương tựa vào nhau lúc tuổi già.
Tình yêu họ dành cho nhau thật dịu dàng như cái cách họ đưa nhau đi nghe buổi hòa nhạc của học trò cũ, cách họ đàm đạo vui vẻ trên xe buýt và nhẹ nhàng nhìn ngắm nhau, khen nhau thật đẹp đêm nay.
Rồi dấu hiệu của cái chết xuất hiện, cũng nhẹ như thế khi Anne bỗng như một thiết bị điện bị ngắt cầu giao, cơn đột quỵ ập đến nhanh như một cơn gió. Bạn đâu cần phải có một ông chồng bội bạc, những đứa con hư đốn khó bảo hay một cú ngã, một cơn chấn động nào đó. Thứ duy nhất bạn cần đó là “Tuổi già”.
Lý do khiến đạo diễn chọn cặp vợ chồng già là những nhà giáo đã về hưu bởi họ thuộc tầng lớp trung lưu, tức là thuộc về số đông. Họ không có kinh tế dư giả, địa vị xã hội bình thường và vì thế họ chỉ biết trông cậy vào nhau.
Ở “Amour” người ta thấy giá trị nhân văn của một bộ phim điện ảnh đích thực, không kỹ xảo hiện đại, không diễn viên trẻ đẹp, nổi tiếng và cũng không ôm đồm những thông điệp lớn lao. “Amour” có sức lay động người xem bằng câu chuyện tình yêu giản dị của cặp vợ chồng già khi họ phải đối diện với bệnh tật và chia lìa bởi cái chết.
Vị đạo diễn nổi tiếng người Áo từng hai lần giành giải Cành cọ Vàng – Michael Haneke chia sẻ: “Amour là bức tranh rõ nét và chân thực nhất về sự rệu rã khốn khổ của con người trong những năm tháng cuối đời. Nó thật xót xa nhưng cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị.
Dù “Amour” có thể khiến bạn rơi nước mắt nhưng nó vẫn là một bộ phim lạc quan”. Việc “Amour” giành được giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes 2012 là một minh chứng về giá trị đích thực của một tác phẩm điện ảnh. Sức lay động mạnh mẽ có thể đến từ những cuộc đời bình dị nhất, những tình huống giản đơn thường thấy nhất.
Phim “Blue valentine”
Đạo diễn: Derek Cianfrance
Năm phát hành: 2010
Thời lượng: 112 phút
Diễn viên: Ryan Gosling, Michelle Williams,…
“Blue valentine” là câu chuyện về mối quan hệ vợ chồng đang chết dần giữa Dean và Cindy (do Gosling và Williams thủ vai).
Bộ phim là sự pha trộn nhiều cảnh đan xen khi họ mới quen nhau trước đó một vài năm với những cảnh đau đớn của tình trạng quan hệ hôn nhân bị hủy hoại vào thời điểm hiện tại.
“Michelle và Ryan đã thể hiện diễn xuất trần trụi đầy can đảm và xúc động”, Đạo diễn Cianfrance nói. Ông cho biết thêm: “Chúng tôi cố gắng xử lý vấn đề tình dục trong phim “Blue Valentine” một cách có trách nhiệm”. Và để bộ phim này đến được với công chúng, mấy ai biết rằng đạo diễn Cianfrance đã có một cuộc hành trình kéo dài 12 năm để soạn thảo lại kịch bản 66 lần kể từ năm 1998.
Cả hai diễn viên Gosling và Williams cũng đã gắn bó với dự án này vài năm trước khi bộ phim bắt đầu được bấm máy. Tuy không giành được thứ hạng cao tại Giải Quả cầu vàng nhưng đạo diễn Cianfrance vẫn giữ quan điểm cởi mở về cơ hội đoạt giải Oscar.
Sau khi ra mắt công chúng Mỹ vào ngày 29-12-2010, nữ diễn viên Michelle Williams – người thủ vai nữ chính Cindy cũng đã lên tiếng bảo vệ những cảnh quay nóng trong phim và cho rằng đó là mắt xích quan trọng trong việc thể hiện ý nghĩa của bộ phim. Cô cũng thừa nhận rằng, cô từng rất đắn đo trước những cảnh này. Tuy nhiên, khi hiểu được hoàn toàn về kịch bản và nhân vật, Michelle đã quyết định hy sinh hết mình vì nghệ thuật.
Phim “Pretty woman”
Đạo diễn: Garry Marshall
Năm phát hành: 1990
Thời lượng: 119 phút
Diễn viên: Richard Gere, Julia Roberts
“Pretty woman” lấy bối cảnh thành phố Los Angeles, Julia Roberts vào vai nữ chính Vivian – một cô gái bán hoa đồng ý trở thành “bình hoa di động” trong một tuần để đồng hành bên doanh nhân giàu có – Edward Lewis (Richard Gere). Kết thúc phim, cặp đôi nảy sinh tình cảm và gắn bó bên nhau.
Dù biết chắc đây là bộ phim dán mác phụ nữ 100% sau khi đọc tên hai diễn viên chính là Richard Gere và Julia Roberts nhưng theo thống kê thì đàn ông thích phim này ngang với phụ nữ. Thực tế, ban đầu, “Người đàn bà đẹp” không thuộc thể loại hài lãng mạn mà được xây dựng để trở thành một phim hài “đen” với kết thúc bi kịch, thể hiện sự khác biệt đẳng cấp không thể nào khỏa lấp trong xã hội, nhưng rồi bộ phim đã được chuyển hướng, được rót thêm kinh phí.
Julia Roberts cho biết: “Ban đầu, nhân vật Vivian được xây dựng theo hướng nghiện ngập, tính tình cáu bẳn, ăn nói tục tĩu, khô khan, kém hiểu biết. Vivian nhận lời đồng hành trong một tuần bên người đàn ông giàu có, đẹp trai nhưng cũng bẳn gắt, tục tĩu. Những gì diễn ra giữa họ thể hiện khía cạnh đen tối nhất trong bản chất hai con người kinh khủng như nhau”.
Phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, đặc biệt đối với diễn xuất của nữ chính Julia Roberts, với vai diễn này, Julia đã nhận được một giải Quả Cầu Vàng.
Phim “Dear ex”
Đạo diễn: Từ Dự Đình và Hứa Trí Ngạn
Năm phát hành: 2018
Thời lượng: 98 phút
Diễn viên: Khưu Trạch, Tạ Doanh Huyên, Trần Như Sơn, Hoàng Thánh Cầu,…
“Dear ex” xoay quanh Lưu Tam Liên là người phụ nữ hy sinh hết thảy vì gia đình, nhưng người chồng đã mất Tống Chính Viễn của cô không chỉ ngoại tình mà còn để cho người tình thụ hưởng toàn bộ số tiền bảo hiểm của mình.
Trớ trêu hơn nữa, người tình này còn là đàn ông! Lưu Tam Liên quyết tâm ra tay đòi lại tiền cho con, nhưng kẹt giữa mối bất hoà sâu sắc này, cậu con trai đang độ tuổi phản nghịch dần xa cách mẹ và ngả theo phe người tình của cha.
Diễn viên vào vai nữ chính Lưu Tam Tiên là Tạ Doanh Huyên vốn được biết đến với danh hiệu “nữ hoàng sân khấu” tại Đài Loan. Thực chất đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên cô đảm nhiệm vai nữ chính. Rũ bỏ hình ảnh nữ hoàng của mình, Tạ Doanh Huyên trở thành một người phụ nữ điên cuồng khi chồng bỏ theo người tình đồng tính trước khi qua đời vì ung thư, con trai lại ghét bỏ mẹ đến ở với kẻ thù.
“Dear Ex” cũng đại diện cho Đài Loan tham gia một loạt các liên hoan phim danh tiếng và giành được nhiều giải thưởng. Tại LHP Kim Mã 2018, phim đã mang về giải Nữ chính xuất sắc nhất dành cho Tạ Doanh Huyên. Bên cạnh đó, phim còn chiến thắng giải Phim hay nhất, Nam chính xuất sắc nhất, Nữ chính xuất sắc nhất tại LHP Đài Bắc; giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Châu Á-Hồng Kông.
Tại thời điểm đó, trong tuần đầu tiên công chiếu ở Đài Loan, “Dear ex” thu về 7,47 triệu Đài tệ, đến tuần thứ 2, con số này gấp hơn 2 lần. Cuối cùng doanh thu của phim đạt 65,8 triệu Đài tệ. Với số vốn đầu tư 35 triệu Đài tệ, “Dear ex” không phải là tác phẩm thành công về mặt thương mại nhưng thắng lợi lớn về mặt nghệ thuật.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet