Thời mở cửa hội nhập, văn chương nước ngoài vào nước ta phong phú, đông đúc. Đặc biệt là văn chương hiện đại cùng thời. Những tác giả danh tiếng, những tác phẩm nổi tiếng, những nhà văn được các giải thưởng lớn danh giá trên thế giới, đều nhanh chóng có bản dịch xuất bản tại Việt Nam. Về sự cập nhật, ngang bằng với thế giới trong việc đọc tác phẩm thì người đọc nước ta không kém. Họ chỉ thiếu sự chỉ dẫn của các nhà phê bình nghiên cứu trong khi đọc văn chương nước ngoài. Trước đây mỗi bản dịch tiểu thuyết thường có một bài giới thiệu kỹ lưỡng nhà văn và tác phẩm để đầu sách của chính người dịch viết hay dịch kèm, hoặc bài tựa của một nhà nghiên cứu chuyên sâu viết. Bấy nay thì người đọc phải tự mình bước thẳng vào tác phẩm. Điều này cũng có cái hay, nhưng cũng có phần dở.
DÁM NGOÁI ĐẦU NHÌN LẠI
Tác giả: Nguyễn Thị Tịnh Thy
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2021
Số trang: 522 (khổ 14,5×20,5cm)
Số lượng: 500
Giá bán: 189.000
Nhìn rộng ra, lâu nay trong học thuật văn chương nước nhà mảng nước ngoài, những công trình nghiên cứu đi sâu vào một nền văn học lớn hay một tác giả lớn trên thế giới cũng thường vắng bóng. Sách dịch ra nhiều mà cái đọc chuyên môn về văn chương nước ngoài không có, như thế là thiệt thòi cho cả bạn đọc đông đảo nói chung và bạn đọc nói riêng là các nhà văn. Họ bị thiếu đi một tầm nhìn bao quát, chuyên sâu, về sự vận động của văn học thế giới được phân tích, tìm hiểu qua từng trường hợp cụ thể của văn chương một nước, một tác gia. Ở nước ngoài nhiều nước làm tốt việc này, nghĩa là họ sớm có những công trình chuyên môn học thuật ngay sau từng đợt sóng xuất bản các tác giả tác phẩm ngoại văn xứng đáng. Nhưng không phải bao giờ cũng vậy, vì đến một nước giàu truyền thống về loại sách này như nước Nga, mà mãi đến năm 2014 mới có một chuyên luận đầu tiên về một tác giả nặng ký như Milan Kundera của S.A. Sherlaimova (“Milan Kundera và triết học tiểu thuyết của ông”).
Nói thế để thấy một cuốn sách như “Dám ngoái đầu nhìn lại” của Nguyễn Thị Tịnh Thy là không dễ. Tác giả vốn làm luận án tiến sĩ về Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc được giải Nobel văn chương năm 2012, và đã ra chuyên luận đầu tay “Tự sự kiểu Mạc Ngôn” (Nxb Văn Học & Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây, 2013). Từ Mạc Ngôn chị khảo sát tiếp thêm bốn nhà văn Trung Quốc khác mà sách của họ đã được dịch ra nhiều ở nước ta là Cao Hành Kiện (Nobel văn chương 2000), Diêm Liên Khoa, Lý Nhuệ, Dư Hoa và ra chuyên luận mới này bao quát và đi sâu vào sáng tác của cả năm nhà.
Tên sách được lấy từ câu phát biểu của Mạc Ngôn: “Khi viết về số phận cá nhân thì phải động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn người ấy; viết về nhân sinh thì phải lục lọi những điều không dám ngoái đầu nhìn lại trong ký ức của mình.” (tr. 13) Theo Nguyễn Thị Tịnh Thy đó là tôn chỉ sáng tác, là tuyên ngôn nghệ thuật của cả nhà năm nhà văn mà chị khảo sát. Họ đã dám ngoái đầu nhìn lại quá khứ đau thương, nhức nhối của đất nước nhân dân mình, của cá nhân mình, đã dám phơi bày những sự thực lịch sử không thể giấu, đã phanh phui tận kiệt những góc khuất tối của con người trong định mệnh thời cuộc, để truyền lại cho thế hệ tương lai biết và hiểu và vượt qua và không mắc phải nữa những sai lầm chết người. Họ, nhà văn, đã làm việc đó đúng với lương tâm và trách nhiệm người cầm bút chân chính trên những trang văn khốc liệt và bi thảm.
Nhà nghiên cứu, sau khi đọc kỹ vào từng các phẩm của năm nhà văn, đã tìm ra được cho mỗi người một định đề chân dung dữ dội, chính xác. Ghét cái lịch sử vô lý – Lý Nhuệ phản tư. Gây chấn động hồn người – Mạc Ngôn dấn thân. Cởi hết sự trói buộc – Cao Hành Kiện hồi cố. Căng thẳng với hiện thực – Dư Hoa phẫn nộ. Sứ mệnh với bóng tối – Diêm Liên Khoa nghịch dị. Chỉ mới đọc qua từng cái tên chương sách này đã thấy hấp dẫn và tò mò. Đằng sau mỗi định đề là cả sự phân tích chi li, cụ thể từng tác phẩm của mỗi nhà văn theo lối vừa quy nạp vừa diễn dịch. Xâu chuỗi năm nhà văn là tác giả xâu chuỗi cả lịch sử của một dân tộc.
Trong năm nhà văn Trung Quốc mà Nguyễn Thị Tịnh Thy bàn tới trong sách này, chỉ duy có Cao Hành Kiện là đã ở ngoài đất nước. Ông nhận giải thưởng Nobel văn chương 2012 khi đã mang quốc tịch Pháp. Ông buộc phải rời nước ra đi. Trong nhiều nguyên nhân của chuyện đó có một nguyên nhân cốt yếu là ông đã không ngại chứng tỏ cá nhân mình, đã dám ngoái đầu nhìn lại những hoang tàn của quá khứ. Để tìm hiểu Cao Hành Kiện, Tịnh Thy không chọn tiểu thuyết chính của ông là “Linh sơn”, mà đi vào khảo sát một cuốn tiểu thuyết khác có tên “Kinh thánh của một người”. Thành công của cuốn tiểu thuyết này theo Tịnh Thy là ở “mã” sáng tác hồi cố, khiến kinh thánh của một người trở thành kinh thánh của nhiều người, nhiều dân tộc. Đọc nó là “phải nhớ, phải nuôi dưỡng ký ức, để không lặp lại sai lầm khiến nhân loại đau khổ.” (tr. 255).
Nguyễn Thị Tịnh Thy cho biết chị đã phải mất năm năm cho cuốn sách này. Năm năm đọc và nghiền ngẫm hơn hai mươi tiểu thuyết của năm nhà văn xứ người. Năm năm nghiền ngẫm và định hình khi đã đọc xong các tác phẩm. Năm năm nghiền ngẫm vật lộn biến các ý tưởng thành lời. Năm năm tìm cách thể hiện ra con chữ mình đã đọc được, ngẫm được, và thấy được. Sao cho nhất quán, tập trung, thành một chỉnh thể. “Dám ngoái đầu nhìn lại”, văn chương Trung Quốc dịch ra tiếng Việt may mắn đã gặp được một “siêu người đọc” như Tịnh Thy. Đọc nó bạn sẽ thấy không khô khan hàn lâm mà như được trò chuyện giãi bày. Đọc nó bạn sẽ cảm phục sức đọc sức phân tích tổng hợp của chị.
Nhưng Tịnh Thy viết sách “Dám ngoái đầu nhìn lại” không phải chỉ như một việc làm chuyên môn khoa học. Chị không chỉ muốn làm rõ văn chương của các nhà văn Trung Quốc cho người đọc Việt Nam. Chị còn muốn đi xa hơn. Tại sao các nhà văn Việt Nam không dám ngoái đầu nhìn lại – đó mới là vấn đề chị muốn đặt ra giữa những dòng chữ viết về năm nhà văn Trung Quốc. Lịch sử nước Việt cũng nhiều tàn khốc khổ đau như nước bạn cần phải được mổ xẻ, soi rọi. Đọc người để thấy mình và biết mình. Tại sao các nhà văn Việt Nam và văn chương Việt Nam không dám bước ra ngoài mình, khỏi mình, để một lần và mãi mãi giã từ, dứt bỏ quá khứ nặng nề một thời đặng thanh thản tiến tới tương lai.
Chị gửi vào trang sách nghiên cứu sự trách cứ, ước vọng, và đòi hỏi văn chương Việt Nam. Trong bài trả lời phỏng vấn mới nhất đăng trên tạp chí “Văn Nghệ Quân Đội” (10/2021) Tịnh Thy đã bày tỏ thắng thắn.
“Có người hỏi tôi rằng, liệu chị có làm được một cuốn “Dám ngoái đầu nhìn lại” như thế cho tiểu thuyết Việt Nam không. Tôi rất tiếc phải trả lời là không. Bởi vì, nhà văn Việt Nam cả ở trong và ngoài nước đều chưa thực sự dám ngoái đầu nhìn lại. Nếu có chăng, thì những cái ngoái đầu ấy chưa tới, chưa mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, triệt để và cực hạn. Đó là chưa kể đến bút pháp chưa thực sự sáng tạo. Tôi chỉ mong cuốn sách mình là một sự trao gửi chứ không phải là “kích động”. Tôi chỉ mong các nhà văn tự kích động chính mình, không thỏa mãn với những thành tích được các hội đoàn trao giải, hoặc được đồng nghiệp tán dương thật cao theo lối phê bình tri âm, thù tạc. Tôi mong họ, dù “khơi những nguồn chưa ai khơi” hay khơi lại những nguồn đã có sẵn thì cũng đều phải có tính bứt phá và sáng tạo. Tôi mong họ – nhà văn Việt Nam – có can đảm bước chân trần trên than đỏ của lịch sử, có thể dùng ngòi bút của mình “đỡ dậy kí ức của một dân tộc”. Tôi mong họ chứng minh những nhận định của tôi là sai. Cuối cùng, tôi mong họ nếu có đọc những dòng này thì hãy giận tôi, và đáp trả lại với tôi, với bạn đọc và nền văn chương nước nhà bằng những tác phẩm xuất sắc… cho hả giận.”
Nhà nghiên cứu đã viết mười sáu vạn chữ cho cuốn sách, cần được hồi âm đáp lại. Nhà nghiên cứu đã ra lời, các nhà sáng tác cần đáp lời. Nếu họ biết Nguyễn Thị Tịnh Thy giữa hai cuốn sách về văn chương Trung Quốc mà trên tôi đã nêu, còn kịp ra thêm một cuốn khác về phê bình văn học sinh thái nhan đề “Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương” (Nxb Khoa học Xã hội, 2017). Và nhất là chị còn sáng tác thơ, trong đó bài “Thưa mẹ Việt Nam” (2018) xứng đáng là một bài thơ đau đớn nhất về nỗi niềm dân tộc.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 22/10/2021.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet