Ông Nguyễn Đình Lâu tại một buổi sinh hoạt CLB Hát trống quân xã Liêm Thuận. Ảnh: CLB Hát trống quân xã Liêm Thuận.
Điệu hát trống quân bao đời nay đã trở thành mạch ngầm văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ nam thanh nữ tú thôn Chảy, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Nhưng ít ai biết rằng, hát trống quân từng có giai đoạn bị mai một. Để có thể khôi phục và phát triển lại như hiện nay, không thể không nhắc đến đóng góp thầm lặng của những nghệ nhân sắp gần đất xa trời, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Lâu.
Hát trống quân đã từng ngủ quên trong ký ức
Cách Hà Nội chừng 70km, xuôi theo quốc lộ 1A, chúng tôi có mặt tại thôn Lau, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Qua một số tài liệu ghi chép, làng Chảy, Liêm Thuận (Thanh Liêm) xưa kia là vùng đồng chiêm trũng, nước ngập mênh mông đến tận bờ tre, chiêm khê mùa thối. Người dân bước chân đi là bước xuống thuyền do đó nhà nào cũng có một hai cái thuyền nan để chèo chở, giao thương.
Trước những gian truân, bộn bề của cuộc sống nên mỗi khi xuống thuyền đi là họ cất lên câu hát trống quân cho vơi đi nỗi mệt nhọc, cho đỡ lẻ loi, buồn tẻ, đơn chiếc giữa đồng không mông quạnh bao la.
Đón chúng tôi trong căn nhà ngói ba gian cổ kính, ông Nguyễn Đình Lâu (74 tuổi) trầm tư kể về cuộc đời cũng như sự mê mẩn của mình với hát trống quân. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống văn hóa nên ngay từ khi còn tấm bé, ông đã thấm những câu hát trống quân do các bà, các mẹ chân lấm tay bùn thể hiện. Niềm say mê với trống quân của ông cũng lớn lên từ đó.
Hát trống quân tưởng chừng như bị rơi vào quên lãng trong thời kỳ chiến tranh. Khi hòa bình lập lại, nước sông Đáy ô nhiễm, hát trống quân không còn đất diễn, cứ thế hát trống quân dần “ngủ quên” trong ký ức của người dân Liêm Thuận.
“Hồi sinh” làn điệu trống quân
Sau nhiều trăn trở, những lời ca, câu hát của trống quân vẫn âm vang trong tâm thức người nghệ nhân lớn tuổi. Ông Nguyễn Đình Lâu nghĩ tuy tuổi đã cao nhưng “phải làm điều gì đó để gìn giữ làn điệu dân ca quê hương”. Nghĩ là làm, ông bắt tay ngay vào việc sưu tầm các bài hát cổ từ các nghệ nhân trong thôn, trong xã. Khi đã nghiên cứu, sưu tầm được một lượng lớn các bài ca, làn điệu, ông mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo địa phương với mong muốn xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ do ông trực tiếp truyền dạy.
Được sự ủng hộ của các cơ quan đoàn thể cùng với sự cố gắng không biết mệt mỏi của ông, năm 2006, CLB Hát trống quân xã Liêm Thuận đã ra đời. Trước những cố gắng của ông, nghệ thuật hát trống quân đã được đưa vào giảng dạy tại hai cấp học là Tiểu học và Trung học phổ thông trên địa bàn. Ông Nguyễn Đình Lâu chia sẻ: “Mỗi khi đứng lên hát, thấy ánh mắt háo hức của bọn trẻ, tôi thấy ấm lòng vô cùng và thêm hy vọng về sự hồi sinh của hát trống quân”.
Dạy hát trống quân hướng đến 3 đối tượng chính là các cụ cao niên, người trung tuổi và trẻ em. Vì vậy, ông Nguyễn Đình Lâu luôn có những tài liệu, giáo án riêng cho từng lớp học, mỗi lớp lại chọn một chủ đề phù hợp. Đối với thiếu nhi, chủ đề sẽ là về hoa, quả, mái trường; đối với người trung tuổi là tình yêu quê hương, gia đình; đối với người già là non sông, đất nước, chiêm nghiệm cuộc đời.
Cứ như vậy, hơn 15 năm qua ngoài việc truyền dạy các làn điệu hát trống quân, tính đến nay ông đã sưu tầm được gần 200 bài hát cổ trong đó có 98 bài hát đối đáp giao duyên, 146 bài hát đúm, 18 bài hát địch vận trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra ông còn tham gia viết sách, báo nhằm tuyên truyền, quảng bá các làn điệu trống quân, tiêu biểu như: “Nét lạ tiếng trống Liêm Thuận”, “Lịch sử xã Liêm Thuận – nguồn gốc câu hát, hành trình hát hội trống quân Liêm Thuận”…
Nhờ công sức đó mà hát trống quân được khôi phục và không bị thất truyền. Suốt 15 năm qua, hơn 100 học trò đã được ông truyền dạy những lời ca, điệu hát. Không ít lần, đội hát trống quân thôn Liêm Thuận giành giải cao tại hội thi về dân ca dân vũ, được tặng giấy khen tại Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ và nhiều bằng khen cao quý khác. Đây là trái ngọt – phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực bảo tồn nét đẹp trống quân của nghệ nhân Nguyễn Đình Lâu.
Giờ tuy đã 74 tuổi, sức khỏe đã yếu, lại mang trong mình căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo, không thể hát được lâu, ông Nguyễn Đình Lâu vẫn cố gắng truyền dạy những làn điệu trống quân, với ông còn sức là còn hát. Trong căn nhà ngói xập xệ, hàng ngày ông vui thú điền viên và sưu tầm những bài ca cổ để giữ làn điệu quê hương. Trong những gian nhà ấy, tiếng hát trống quân làm sống lại ký ưc ở một vùng quê chiêm trũng.
Chúng tôi ra về nhưng những câu hát trống quân vẫn âm vang như một lời khẳng định cho sự hồi sinh và sức sống mãnh liệt của nó.
“Ai về Liêm Thuận quê tôi
Miền văn hóa cổ đang hồi sức xuân
Về làng Chảy hát trống quân
Áo the khăn xếp tứ thân rộn ràng
Thì thình âm trống thừng vang
Trống quân câu hát của làng xã xưa
Người quê đi sớm về trưa
Lời quê dãi nắng dầm mưa nên vần”.
Hát trống quân là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du từ Thanh Hóa trở ra. Hát trống quân thể hiện dưới dạng dân ca đối đáp, giao duyên, trao đổi kinh nghiệm sống trong đời sống hội nông nghiệp lúa nước. Lối hát này thường được tổ chức chính vào dịp Tết Trung thu. Mỗi dịp nông nhàn, hội làng… cũng được người dân tổ chức hát trống quân.
Người hát trống quân thực hành ở nhiều không gian khác nhau như: lúc đi cấy, làm đồng, trong dịp Tết Trung thu, trong lễ hội, đám khao… Trước đây, hát trong đám khao là hình thức sinh hoạt văn hóa của các gia đình có người được phong chức, phong sắc, lên lão…
Với giá trị tiêu biểu, Hát trống quân ở Hưng Yên được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet