Phim Mỹ nhân (2015) được Nhà nước đầu tư 16 tỉ đồng nhưng ra rạp “chết yểu”, chỉ đạt doanh thu 500 triệu đồng
Dự án Luật điện ảnh (sửa đổi) đã được dự thảo đến lần thứ 8, Chính phủ đã thông qua trước khi trình Ủy ban Văn hóa, giáo dục thẩm tra. Theo quan điểm của Chính phủ, sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Làm phim từ ngân sách: đấu thầu được không?
Dự thảo luật hiện đưa ra hai phương án: Một là sản xuất phim theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng; hai là giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1: “Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng”.
Trong khi đó, đa số ý kiến thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục lựa chọn phương án 2 và cho rằng giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là các hình thức cơ bản để lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước được pháp luật quy định.
Thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân.
Phân tích từ thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng tác phẩm điện ảnh là tác phẩm nghệ thuật nên đấu thầu rất khó, có thể xảy ra tình trạng đơn vị trúng thầu lại không phải là đơn vị sản xuất phim.
“Nhưng cần đặt câu hỏi thực tế là tại sao nhiều phim đầu tư từ ngân sách nhà nước lâu nay giao nhiệm vụ và đặt hàng lại ít người xem?” – bà Nga nêu vấn đề. Đồng thời đề nghị quy định với những phim đặt hàng, giao nhiệm vụ nếu thẩm định không đạt yêu cầu sẽ trả lại, chế tài tương thích.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: ngân sách nhà nước cấp cho sản xuất phim rất ít, trong 5 năm gần đây mỗi năm trung bình chỉ có 65 tỉ đồng, những năm trước con số còn thấp hơn.
“Nếu chia ra thì mỗi phim trung bình chỉ khoảng 2 tỉ đồng. Vì kinh phí như vậy nên đặt ra vấn đề phải đấu thầu sản xuất là rất khó, đưa ra đấu thầu mất thời gian, nhiều khi không kịp phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa” – bộ trưởng nói.
Khan hiếm phim Việt trên truyền hình, ngoài rạp
Trình bày kết quả khảo sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Phan Viết Lượng chỉ ra một thực trạng đáng quan tâm: “Tỉ lệ chiếu phim VN trong hệ thống rạp, trên hệ thống truyền hình thấp hơn quy định, chưa đáp ứng nhu cầu xem phim của người dân; tỉ lệ phim có kịch bản chuyển thể từ phim nước ngoài khá cao, tiềm ẩn nguy cơ phai nhạt hoặc đánh mất giá trị văn hóa Việt và ảnh hưởng đến lối sống của thế hệ trẻ”.
Nhóm khảo sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục cho biết “rất ít đài truyền hình thực hiện sản xuất phim, số lượng phim Việt Nam phát trên truyền hình khan hiếm. Mặc dù nhiều đài truyền hình có nhu cầu phát lại, khán giả muốn xem các phim chiếu rạp trên truyền hình nhưng phần lớn phim chiếu rạp chưa thể phát sóng trên truyền hình vì nhiều lý do”.
Theo ông Lượng, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm phát triển ngành điện ảnh, cần nghiên cứu, đưa vào luật một số chính sách về xã hội hóa; huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; hỗ trợ sản xuất phim như một loại đầu tư rủi ro.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết ủng hộ quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng với hoạt động điện ảnh, bảo đảm điện ảnh vừa là ngành văn hóa nghệ thuật đồng thời là ngành kinh tế.
Bà cho biết qua khảo sát trên địa bàn TP.HCM thấy rằng các nhà sản xuất VN rất khó khăn khi thương thảo để đưa phim Việt vào rạp. Nguyên nhân là đa số các rạp do tư nhân nắm giữ, chất lượng phim Việt chưa thật sự hút khách và thiếu cơ chế chính sách.
Vì vậy, có cơ chế ưu đãi tốt thì mới khuyến khích nhà đầu tư sản xuất, phổ biến phim Việt, trong đó có hoạt động liên doanh, liên kết với đơn vị của Nhà nước.
Đưa phim lên mạng: tự kiểm duyệt
Dự thảo luật quy định theo nguyên tắc: các doanh nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng phải tự kiểm duyệt nội dung, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo tiêu chí quy định, cung cấp công cụ xử lý vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước về phát hành, phổ biến phim; bảo đảm không vi phạm pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim phổ biến.
Trình bày về quy định này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết khi soạn thảo luật thì đây là vấn đề gây băn khoăn. Kiểm định phim trên không gian mạng là vấn đề khó, dựa vào công nghệ thì chúng ta mới chỉ kiểm soát được âm thanh, nhưng chưa kiểm soát được hình ảnh.
Còn nếu quy định theo hướng tiền kiểm thì phải tăng nguồn nhân lực, thiết bị rất lớn và cũng đi ngược lại xu thế. Vì vậy, Chính phủ đã lựa chọn phương án hậu kiểm, trong đó quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ thể phổ biến phim trên mạng.
Không thể “cắt khúc” từng phân cảnh để đánh giá phim
Chia sẻ thêm về việc đánh giá nội dung phim, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh rằng tác phẩm điện ảnh là tác phẩm nghệ thuật xuyên suốt, trọn vẹn, không thể cắt ra một khúc để bình luận, đánh giá hoặc phê phán, mà nên xem tổng thể tác phẩm.
“Ví dụ một phim có thể có phân đoạn nào đó có cảnh bạo lực, nhưng xuyên suốt phim là lên án, phê phán bạo lực” – bộ trưởng nói.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed