Nghề phụ chỉ có đánh gai, đan chũm, lưới kéo cá, ấy vậy mà xã tôi có nhiều người học hành đỗ đạt rất cao, trong đó có Trạng nguyên Vũ Duệ thi đỗ Trạng nguyên dưới đời Lê Thánh Tông (1490) khi mới 22 tuổi. Hiện tại, ngài được lập đền thờ, cổng đền có ghi 3 chữ Hán “Tiết Nghĩa Từ”, trong đền có tấm biển khắc 4 chữ “Vương Thất Huân Lao” đều do Vua ban. Bên cạnh đó còn có Đền Lời xây dựng cuối thế kỷ XVIII, thờ Ngũ Đạo Tướng Quân, Tản Viên Sơn Thánh và các tướng lĩnh thời Hùng Vương có công giúp Vua Hùng dẹp giặc giữ yên bờ cõi, xây dựng đất nước, được nhân dân tôn thờ và phong là Hộ Quốc tế Công.
Khi tôi lớn lên, làng Lời vẫn còn rất nhiều dấu ấn điển hình của những ngôi làng quê Việt cổ xưa, có giếng nước của làng, sân đình, gốc đa, ao chuôm, sân điếm giữa làng, điếm canh đê; những bờ tre trải dọc theo ven con đê chắn sóng. Phía ngoài đê, cánh đồng bạt ngàn, đồng trên cấy lúa hai vụ, đồng sâu chỉ cấy được một vụ, mùa nước từng đàn chim trời như cò, vạc, bồ nông, chim trích, cò lửa, con cuốc… không biết ở đâu kéo về nhiều thế.
Mùa gặt thì lúa chín vàng ươm, châu chấu, muồm muỗm nhiều lắm, lũ trẻ chúng tôi tha hồ săn bắt, có hôm bắt được cả mấy chai thủy tinh, loại chai 65ml đựng rượu chanh, rượu cam trong mỗi dịp Tết dùng xong, hoặc cả một xà cạp (dùng để các bà, mẹ đeo vào cổ tay, cổ chân tránh bị đỉa bám) châu chấu, muồm muỗm. Tôi thích nhất là hôm nào đi bắt chấu chấu ở những ruộng lúa gặt muộn. Khi đó chấu chấu, muồm muỗm đổ dồn về một góc, tha hồ bắt, có khi còn bắt được cả tổ chim chích non ở giữa ruộng lúa chín vàng ấy, ríu rít vui lắm!
Đặc biệt hơn là dấu tích của ngôi đình cổ xưa, gọi là đình Lời. Nghe các cụ kể, trước đó đình to lớn lắm, nhưng khi lũ con nít chúng tôi biết được cũng chỉ còn lại các chân cột đá, những cái cột cháy dở, ba gian nhà dựng lại vì bị người Pháp sang đốt phá hết.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc, Đền Lời còn là nơi hoạt động bí mật của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Năm 2004, Đền Lời được Nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Để tỏ lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, vào ngày 15/2 Âm lịch hàng năm, xã Vĩnh Lại tổ chức Lễ tế chính cầu cho trời đất mưa thuận gió hòa, đồng ruộng tươi tốt, dân làng yên ấm, nhà nhà an khang thịnh vượng, đây còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Người dân quê tôi chất phác lắm, nhớ lại lúc lũ con nít chúng tôi còn bé, cứ trưa hè đến thấy các bà, các cô hò nhau lại túm năm, tụm ba ra gốc nhãn đầu hè. Hôm thì có quả mít thơm lừng bổ ăn cả xóm, hôm thì có rổ ốc vặn bắt ngoài đồng về luộc, bà cô bắt chúng tôi phải đi hái lá bưởi để ướp ốc luộc cho thơm, rồi phải tìm những cái gai bưởi thật dài để nhể ốc cho dễ, chấm với tương gừng, ăn kèm chuối xanh, khế chua ngon phải biết. Trưa hôm sau lại mấy quả bưởi chua, tê tê, he hết lưỡi, hay chùm quất hồng bì nhà bác hàng xóm, ăn xong đứa nào đứa ấy rát hết lưỡi mà vẫn thấy ngon.
Nhớ những dịp Trung thu thời con nít, ngày ấy làm gì có nhiều hoa quả, bánh kẹo như bây giờ, có chăng chỉ là mấy quả bưởi, quả hồng ngâm, nải chuối hay chùm quất hồng bì cuối vườn. Sáng ngày chợ Rằm tháng Tám, mẹ và bà nội mua thêm cho mấy cái bánh đa vừng, bánh đa đỏ, mấy cái kẹo bột gói lá chuối khô. Chiều đến, mẹ rang thêm cho ít lạc, lưng rổ ngô rang cứng đét, cả rổ may chăng có được hai chục hạt ngô nở hoa… thế là đã đủ cho mâm cỗ trông trăng ngày Rằm tháng Tám.
Lũ con nít chúng tôi ngày ấy cũng ngoan lắm! Chiều đến, mẹ bảo quét dọn nhà cửa, vườn tược, sân bãi thật sạch để tối đến còn Trung thu, trông trăng. Thế là tôi và mấy đứa em, cái Tuyến, thằng Dũng lít nhít hò nhau làm hết, vừa tối đến ăn cơm xong đã chuẩn bị đủ, mẹ vần cho cái cối đá to đùng ra giữa sân, lấy cái mâm đồng đặt lên bày nải chuối, chùm quất hồng bì, mấy quả hồng ngâm, vài ba quả bưởi hồng, đĩa lạc và ngô rang, mấy cái kẹo vừng, mấy cái bánh đa vừng, bánh đa đỏ. Có năm bố đi công tác về thì thêm gói kẹo bon bon và cái bánh trung thu hình con cá thì thích lắm! Cứ thế ngồi quây quần nghe mẹ, bà và các cô kể chuyện chú Cuội và chị Hằng Nga. Chán rồi thì chơi trốn tìm, thoát ẩn, thoát hiện trong những bụi chuối, gốc cây rơm góc vườn, hò hét inh tai để đợi mãi tới khi trăng tròn vào đúng lúc 12 giờ đêm mới được phá cỗ, liên hoan.
Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi làm gì có đồ chơi hay điện thoại như bây giờ, toàn các trò trưa hè nóng oi bức mà vẫn lôi nhau ra đầu ngõ chơi khăng, chơi ô ăn quan; chiều đến thì cắt lá dứa, dọc bỏ gai, gấp chong chóng chạy toát mô hôi hột mà vẫn thấy vui. Sang hơn chút nữa thì có được cái diều gió ông nội làm cho, chiều ra bờ đê thả, cứ mải mê ngắm mãi không biết đường về. Có hôm còn tìm đủ ngói vỡ – loại ngói cổ vảy cá, ngói âm dương để trộn bùn xây nhà; lấy bùn nhào dẻo, rồi lấy mấy bao diêm ông bác hút thuốc lào dùng hết que diêm để bắt chước người lớn đóng gạch, đốt lò… đến chiều tối hết giờ chơi về nhà, đứa nào đứa ấy mặt mũi lấm lem, đầy bùn đất, có hôm còn bị mẹ phát cho mấy cái vào mông rõ đau vì tội nghịch bẩn.
Tuổi thơ của tôi còn gắn với biết bao nhiêu trò “nghịch ngu”, nhưng có lẽ ngu nhất phải kể đến đó là việc trốn mẹ đi tắm sông Hồng. Vì nhà tôi trong xóm, trời nóng, cứ đến trưa hoặc cuối giờ chiều lại cùng mấy anh chị lớn hơn vài ba tuổi, trốn người lớn ra tắm sông. Nhớ chỗ tắm thường gọi là bến, ở đó mùa khô người lớn lấy đất đắp vườn, đắp nền nhà, đến khi mùa nước, nước lên trở thành những cái hõm, nước sâu, dưới là cát nên nước tắm mát lắm. Mấy anh lớn tuổi còn mặc quần đùi tắm sông chứ như chúng tôi lúc đó có khi còn tắm truồng, vì sợ nếu tắm cả quần bị ướt sẽ không giấu được mẹ.
Ngày đó, tôi, thằng Thủy, Chính, Sỹ, Tuấn con có hôm cả mấy đứa con gái cùng tuổi như cái Vui, cái Yến, cái Diện, cái Nhung… cả chục đứa lít nhít cùng nhau tắm sông. Đứa nào đứa ấy nghịch như giặc, hò hét cả buổi trưa. Có khi đang tắm, mấy đứa con trai chúng tôi đói bụng còn bàn nhau lẻn vào trong xóm xem nhà nào có bưởi, khế, hay cây sung hái trộm đem ra ngay đầu bến bãi tắm để ăn ngấu nghiến. Bưởi thì đâu có ngọt như bây giờ, quả thì tê tê, quả thì he he đầu lưỡi; khế thì chua loét, sung thì chát đến nghẹn cổ họng, ấy vậy mà sao lúc đó thấy ngon thế!
Cũng trong một buổi tắm trưa hè, lúc đó khoảng năm 1984 – 1985 gì đó, tôi cũng không nhớ chính xác nhưng cái nhớ nhất đó là lần “chết hụt”. Tôi không nhớ chẳng hiểu sao lúc đó tắm có 5 – 6 đứa mà tôi lại bị hụt chân vào hố sâu, bơi không được, uống no nước và đã chìm hẳn thì mấy đứa bạn tôi chắc không thấy tôi đâu mới hoảng hồn tìm mò. May mắn là thằng Tuấn con sao nó lại mò ra đúng tôi rồi kéo lên bờ, gọi mấy anh, mấy chú lớn tuổi đang chăn trâu ngoài bãi vào hô hấp cho tôi.
Khi tỉnh dậy, thấy người lớn bảo thằng này số may, uống bao nhiêu nước, chỉ cần tý nữa thì chắc chắn chết. Hôm đó, tôi sợ hết hồn, mặt cắt không còn tý máu, mấy đứa hò nhau không được nói cho ai biết. Sau lần đó, tôi như “con chim sợ làn cây cong” không dám bén mảng tới chỗ bãi tắm đó nữa. Nghĩ lại mới thấy, may mà số mình còn sống, không thì đã “xanh cỏ” từ lâu.
Giờ về ngồi uống rượu với mấy “thằng bạn nối khố” vẫn thỉnh thoảng kể lại chuyện chết hụt đó. Ấy vậy mà thời gian cũng đã trôi gần 40 năm trời, mấy đứa bạn chăn trâu thủa nào giờ cũng đã lên ông nội, bà ngoại cả rồi!
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet