Ban nhạc ABBA năm 1974 ở Stockholm, Thụy Điển, từ trái qua: Benny Andersson, Anni-Frid Lyngstad, Agnetha Faltskog và Bjorn Ulvaeus – Ảnh: AFP
Một lần tình cờ, hai rapper nổi tiếng là Usher và T-Pain ở trên cùng chuyến bay. Usher liền rủ T-Pain – người đang “lũng đoạn” thị trường âm nhạc hồi ấy với những bản rap sử dụng Auto-tune – ra một góc và bảo: “Này, tôi muốn nói với anh chuyện này. Anh bạn, anh phá hỏng âm nhạc rồi”.
Đây là phần mở đầu một trong tám tập phim của Netflix mang tên This is Pop, loạt phim tài liệu mới về nhạc pop, với rất nhiều câu chuyện chưa từng kể về những hiện tượng đã bị lãng quên, những nhà cách mạng ở trong bóng tối, những nhà tiên phong không được đánh giá đúng tầm quan trọng.
So với những dòng nhạc khác, nhạc pop tựa như đứa con út xốc nổi, bốc đồng và phá phách. Và dù chỉ xuất hiện từ những năm 1950, nhưng nó đã kịp phá tan tành quá nhiều điều: tiêu chuẩn về âm nhạc đích thực, sự chân thật, định kiến giới, định kiến màu da, những thiết chế quyền lực già cỗi.
Theo dòng chảy xu hướng nghiên cứu lịch sử hiện đại, This is Pop không kể một đại tự sự về nhạc pop mà đi vào những lát cắt nhỏ đa thanh và có tính ánh xạ cao, chẳng hạn như sự ra đời của nhạc điện tử, cuộc kéo co không hồi kết giữa nhạc đồng quê và nhạc pop, cách một nhóm nhạc nam da màu khởi nên làn sóng boyband thập niên 2000, chuyện người phụ nữ đầu tiên điều hành một công ty đĩa hát đã thành công và lụi tàn ra sao, hay vì lẽ gì mà một quốc gia nhỏ bé nơi xứ Bắc Âu lạnh lẽo, buồn bã lại trở thành thuyền trưởng trên chính con tàu âm nhạc Âu Mỹ khổng lồ.
Cũng như một quả táo rơi vào đầu Newton và ông tìm ra luật hấp dẫn hay sự lạc đường của Columbus đã tìm ra châu Mỹ, ngành công nghiệp âm nhạc có bộ mặt như ngày nay đều là kết quả của sự ngẫu nhiên.
Nếu như một cô ca sĩ vô danh không đề nghị vui với một người bạn làm giúp mình một chiếc hộp để hát đúng tông thì Andy Hildebrand, một nhà toán học nghiên cứu dữ liệu địa chấn, sẽ chẳng bao giờ phát minh ra Auto-tune và âm nhạc sẽ mãi mãi là lãnh địa của những giọng ca oanh vàng.
Nếu như một đoạn băng demo không bị kẹt trong một chiếc ôtô khiến một nhà sản xuất phải nghe đi nghe lại thì có lẽ sức ảnh hưởng của các nhạc sĩ Thụy Điển coi như đã chấm dứt sau ABBA và sẽ không có những… Baby one more time, I want it that way, chưa chắc sẽ có những ngôi sao đình đám như Backstreet Boys, Britney Spears.
Nếu như một cậu bé đam mê trở thành cầu thủ bóng bầu dục lại không bị ép học một trường không có đội thể thao, thì cậu bé ấy đã không tập tành lập nhóm, đã không có Boyz II Men cùng bản ballad One Sweet Day với 16 tuần dẫn đầu Billboard Hot 100, đã không có những NSync, Westlife học tập theo.
Những “cánh bướm” tạo nên những cơn lốc xoáy trong lịch sử âm nhạc dường như đến từ bất cứ đâu, trong những trang trại làm phô mai, nơi giặt giũ sau nhà, trong những tầng hầm ọp ẹp yếm khí hay trong một công viên.
Và những “cánh bướm” ấy có thể chẳng liên quan gì đến âm nhạc cả, chúng có thể là bộ râu mà Willie Nelson nuôi để đưa nhạc đồng quê lần đầu tiên hòa vào pop dù chất nhạc không thay đổi, có thể là tính cách Jantelagen – sự khiêm nhường – của người Thụy Điển mà nhờ đó họ âm thầm vận hành nền âm nhạc thế giới, hay vì vụ thua kiện của một nữ luật sư đã kéo theo làn sóng punk nữ quyền ở khắp nơi.
Một trong những câu chuyện thú vị nhất mà This is Pop kể lại, là nhiều năm sau khi đã bị thế giới âm nhạc chế giễu, T-Pain tham gia một hòa nhạc nho nhỏ và anh hát mà không có công nghệ hỗ trợ.
Mọi người xôn xao, không ngờ anh có một giọng hát tuyệt vời đến thế. Có lẽ bài học chỉ là như vậy, cái mà ta thấy chưa chắc đã là tất cả những gì ta có thể thấy. Pop là một cuốn sách mở theo nhiều nghĩa. Ai cũng có thể viết vào đó, dù nghiêm túc hay nhăng cuội. Và ai cũng đọc được nó. Vấn đề là mở ra và đọc.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed